Xe biển chẵn, biển lẻ và tư duy sứt mẻ - Dân Làm Báo

Xe biển chẵn, biển lẻ và tư duy sứt mẻ

Lê Dũng - Xứ ta, chuyện ngực lép không được đi xe máy, gia súc cởi truồng không được vào thành phố, mỗi người chỉ được đứng tên sở hữu một cái xe máy... nghe đã quá nhàm.

Tuy nhiên, nhiều chuyện tương tự vẫn đang tiếp tục xảy ra qua việc các nhà quản lý i tờ về pháp luật, cả đời chả đọc hiến pháp nên cứ liên tục gà mờ vi phạm luật pháp vì ban hành các văn bản trái luật. Họ như những ông nông dân chất phác nghĩ sao làm vậy, cứ thấy cái gì vướng thì lại giải quyết theo kiểu cho xong.

Họ đâu có hiểu và biết rằng thời nay ít ra một bộ phận người dân ( không phải là ít trong hơn 80 triệu dân) đã có kiến thức không tồi về pháp luật nước nhà và Quốc tế. Chỉ một tiếng nói phản biện có cơ sở cũng đã khiến cho các nhà quản lý nhiều phen phải mang lá chuối để che mặt.

Đó là về khía cạnh tư duy của các nhà quản lý, tư duy của họ dường như hoàn toàn sứt mẻ. Cá nhân nào cũng sứt mẻ và rất chắp vá, tạm bợ.

Còn với các nhà khoa học thì sao ? ít có các đề tài khoa học đem ra giúp ích cho đa số các nông dân nhiều vùng. Từ việc nghiên cứu ra các máy công cụ hỗ trợ sản xuất, công nghệ giống, sinh học, trừ sâu, chăm sóc cây con nông lâm... đều xuất hiện những nhà khoa học chân đất.

Nào là máy gieo hạt đỗ, máy gặt, máy cày bừa liên hợp, máy phun thuốc sâu, bắt sâu bọ, rồi thậm chí đến cả máy bay cánh quạt cũng có anh nông dân bỏ tiền nghiên cứu để làm. Thật chua xót khi các nhà khoa học chỉ ngồi phòng máy lạnh, làm những đề tài như: "tắm giặt cho bộ đội", " điều tra phá án trộm xe máy", " trồng rừng phòng hộ ", " đề án IC 3 chân", " phần mềm ứng dụng quản lý bãi gửi xe"...không ít những đề án như vậy đã tham gia và nhận giải " Sao vàng đất Việt "!

Ít có những đề án như cải tạo sông hồ, xử lý rác và chất thải, tái tạo vật liệu cho xây dựng. Đấy, lại một anh nông dân Ninh Bình bán cả nhà để nghiên cứu ra gạch không nung từ rác thải, tỷ trọng thấp mà mác đạt tiêu chuẩn cho xây dựng, thế mới kỳ. Viện khoa học vật liệu ở ta cũng có ối nhân sự nhưng chưa làm được như anh nông dân kia, chả hiểu vì sao ?

Năm ngoái, có mấy anh bên giao thông còn xin tiền làm dự án trồng cây chỗ dừng đèn đỏ để bà con dừng trước vạch không bị nắng và giảm các trường hợp vượt đèn đỏ vì ...nắng !

Cũng có anh lãnh đạo đề xuất dự án làm cái bể ngầm chứa nước mưa chống ngập cho Thủ đô !

Có anh còn đề xuất mua vài chục tỷ tiền cửa xếp từ Tàu mang về để ngăn ngã tư, được vài tháng giờ chả biết mang đi đâu hết ?

Có anh còn định xin dự án dùng pháo bắn mây để ngăn mưa dịp đại lễ, nghe như truyện hài bờm vác tre ngang vậy.

Còn cái vụ mấy anh Sài gòn đang đề xuất cho xe biển chẵn đi ngày chẵn, lẻ đi ngày lẻ ! bà con tỉnh xa về công tác vài ngày chắc khóc giòng vì chỉ có mỗi cái biển của xe mà phải đi công vụ những mấy ngày, biết tính sao đây ?

Biết đâu mai các anh lại nghĩ ra ý tưởng là cho xe biển chẵn đi đường này, lẻ đi đường kia để phân lượng xe, chưa biết chừng.

Kể sao cho hết những ý tưởng và dự án kỳ quặc đã và đang được mang ra thi thố, dân cứ nghe xong lại mếu, chả biết là các anh ấy đang bị tình trạng gì. Thân phận dân như con sâu cái kiến, trên ra chiếu gì mà chả phải theo, ra đường lớ ngớ chưa kịp biết qui định mới là ăn  phạt mất tiền.

Chả biết bao giờ thì mới hết các chiếu ra kiểu cám hấp, chắc không bao giờ vì tóm lại tư duy của kẻ ra chiếu vẫn chỉ toàn sứt mẻ.

Lê Dũng

http://vn.360plus.yahoo.com/Elec-Life/article?mid=1258

*

Hạn chế “quyền của dân”?

Thạch Sơn (Báo Đại Đoàn Kết) Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh mới đây đã đề xuất ý tưởng “nhạy cảm” về quản lý giao thông. Đó là trong tuần trừ ngày chủ nhật, các ngày khác chỉ cho phép xe ô tô cá nhân mang biển số kiểm soát chẵn đi vào trung tâm thành phố vào ngày chẵn, xe mang biển số lẻ đi vào ngày lẻ. Cho dù tình trạng ùn tắc giao thông trên đường phố vẫn nan giải và ngày càng trầm trọng thì giải pháp cấm xe ô tô sở hữu tư nhân lưu thông như vậy vẫn đồng nghĩa với việc hạn chế quyền đi lại chính đáng của dân bằng biện pháp thiếu cơ sở pháp lý và điều kiện thực tiễn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân được quyền sử dụng các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình, miễn là không vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, cơ quan chức năng muốn xử phạt, cấm đoán phương tiện tham gia giao thông chỉ căn cứ vào biển số kiểm soát xe chẵn hay lẻ thì cần phải có các quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt, lực lượng xử phạt... phù hợp luật pháp. Nghĩa là, nếu muốn thực hiện lệnh cấm lưu thông xe ô tô bằng cách thức nói trên, cơ quan quyền lực Nhà nước phải đủ thẩm quyền sửa luật và rất nhiều văn bản dưới luật liên quan cũng phải thay đổi một cách có hệ thống chặt chẽ. Những đòi hỏi ấy quả vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Hồ Chí Minh hay bất kỳ tỉnh thành nào khác. Còn nhớ cách đây chưa lâu, TP.Hà Nội cũng từng có ý định hạn chế xe gắn máy tương tự như “ý tưởng” vừa mới được công bố tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng ý định đó cũng liền vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận xã hội và các nhà chuyên môn, bởi nguy cơ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của dân bị công nhiên vi phạm.

Thực tế các đô thị phát triển trên thế giới hầu như đều không cấm sử dụng ô tô theo khu vực hoặc theo ngày, mà chỉ kiểm soát và gián tiếp cung cấp những điều kiện khách quan khác để hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân. Người tham gia giao thông sẽ tự giảm sử dụng xe ô tô cá nhân ở nhiều khu vực đô thị bằng việc tự nguyện lựa chọn các hình thức lưu thông khác thuận tiện hơn ở khu vực đó, như sử dụng xe buýt, metro, xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng được phát triển bằng chiến lược lâu dài, chuẩn bị sẵn sàng đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân  trước khi nhà chức trách thực thi các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân.

Rõ ràng, nhu cầu đi lại của người dân phải được đáp ứng là đòi hỏi tất yếu không thể cản trở. Không ai có thể ngừng công việc hay tạm dừng việc đi lại theo kiểu “nay làm, mai nghỉ” chỉ vì lệ thuộc vào biển số xe chẵn hay lẻ. Do vậy, nếu như lệnh cấm được ban hành theo biển kiểm soát chẵn hay lẻ đối với xe ô tô cá nhân, thì rất có thể nhu cầu sở hữu xe ô tô cá nhân đối với những người có điều kiện sẽ gia tăng đột biến. Những người cần đi lại bằng xe ô tô cá nhân sẽ nỗ lực sở hữu cả hai loại xe mang biển kiểm soát chẵn và lẻ, kéo thêm biết bao rối ren phiền lụy về kinh tế - xã hội.

Việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cần một chiến lược, một quy hoạch  đồng bộ lâu dài. Điều quan trọng là phải tổ chức hiệu quả hệ thống giao thông công cộng trước khi đề cập đến việc hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Một khi hệ thống hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh cùng với mạng lưới giao thông công cộng đô thị hoạt động hiệu quả thì chắc chắn người tham gia giao thông sẽ tự nguyện từ bỏ việc di chuyển bằng xe cá nhân mà không cần đến các giải pháp mệnh lệnh cấm đoán của cơ quan chức năng. Không thể liên tục “thí nghiệm” bằng những giải pháp tình thế, trong đó ẩn chứa không ít sự vi phạm nguyên tắc pháp quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Thạch Sơn

http://www.baomoi.com/Home/AnNinh/daidoanket.vn/Han-che-quyen-cua-dan/6044925.epi



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo