TS Lương Hoài Nam - Bản lĩnh của cơ quan công quyền là nghĩ ra việc khó, nhận lấy việc khó mà làm, nhường cái dễ, cái tiện cho người dân chứ không nên làm ngược lại. Cũng có lúc cần để cho nạn kẹt xe nhắc nhở chúng ta về những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đô thị và thúc đẩy các giải pháp, kể cả về công tác cán bộ.
Biện pháp hạn chế xe ô tô lưu thông ở trung tâm thành phố theo biển số chẵn-lẻ do Sở Giao thông Công chính TP Hồ Chí Minh đề xuất xem ra không nhận được sự đồng tình của người dân. Tác giả Trần Minh Quân trong bài viết "Chống ùn tắc giao thông hay chống bế tắc tư duy" (TuanVietnam.net, ngày 11-4-2011) có lý khi nói rằng "chỉ khi nào họ (tức là những người quản lý đô thị) thoát ra khỏi lối mòn tư duy cũ kỹ mới mong có những giải pháp thích hợp".
Có đủ cơ sở pháp lý không?
Người viết bài này cho rằng Sở GTCC TP Hồ Chí Minh nên tham vấn kỹ với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) để xem việc cấm mỗi chiếc xe ô tô không được lưu thông ở trung tâm thành phố 3 ngày mỗi tuần như vậy liệu có đầy đủ cơ sở pháp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành hay không? Trong một xã hội văn minh, mọi sự cấm đoán cần được các quy định luật pháp cho phép một cách rõ ràng để ngăn ngừa các quyết định hành chính mang tính áp đặt.
Những nhà quản lý của chúng ta nên tạo cho mình một thói quen cẩn trọng là những gì mà cả thế giới không làm, hoặc chỉ có một vài nơi làm thôi, thì mình cũng không nên làm. Cách hạn chế ô tô tham gia giao thông theo kiểu biển số chẵn-lẻ chưa từng được áp dụng ở nơi nào trên thế giới. Nếu Sở GTCC TP Hồ Chí Minh nêu ra được một vài ví dụ thì cũng chỉ là những trường hợp hạn hữu, vẫn cần phải nghiên cứu thật kỹ xem cách họ làm thực sự có giống với cách chúng ta đang định làm hay không, để không thành chuyện "thầy bói xem voi".
Nạn kẹt xe ở Bangkok (Thái Lan) kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho cả người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài, nhưng chỉ được giải quyết tương đối cơ bản sau khi Bangkok đầu tư phát triển mạnh đường đô thị trên cao, tàu điện ngầm và tàu điện trên cao. Nếu như có thể giải quyết kẹt xe một cách đơn giản kiểu biển số chẵn-lẻ của ta thì chắc người Thái họ cũng đã nghĩ ra từ rất lâu rồi.
Hay như ở London, từ nhiều năm nay, mỗi tối thứ 6 hầu hết các đường phố vào trung tâm thành phố đều kẹt cứng xe cộ. Mỗi người phải tự quyết định có đi xe vào đó hay không. Cũng không có nhà quản lý đô thị nào ở London nghĩ ra "sáng kiến" kiểu biển số chẵn-lẻ như ta.
Xe ô tô là một phần của cuộc sống văn minh, hiện đại, là mục tiêu hướng đến của người dân. Cần phát triển văn hoá ô tô (kể cả phương tiện ô tô công cộng) thay thế cho văn hoá xe máy đã và đang "đóng góp" phần lớn số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông hằng năm ở Việt Nam. Kể cả các nước phát triển hơn và các nước kém phát triển hơn Việt Nam, không nước nào có văn hoá xe máy như Việt Nam (riêng Honda mỗi năm xuất xưởng ở Việt Nam trên dưới 2 triệu chiếc xe máy!).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ô nhiễm không khí ở đô thị do xe cơ giới gây ra chiếm 70% các tác nhân. Số liệu đo đạc tại nút giao thông Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho thấy 54% lượng phát khí thải là do xe máy gây ra. So với ô tô, xe máy thải ra nhiều hơn khí các-bon đi-ô-xít gây hiệu ứng nhà kính, làm gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc hạn chế xe ô tô và gián tiếp làm tăng xe máy (vốn đã quá nhiều!) là đi ngược lại các mục tiêu cuộc sống văn minh và bảo vệ môi trường.
Các biện pháp hạn chế sở hữu ô tô cá nhân ở Singapore (đấu giá phiếu mua xe), ở Mỹ (có làn đường cao tốc dành cho những xe có 2 người trở lên) và các nước khác có mục tiêu chung là hạn chế sở hữu ô tô khi nhu cầu đi lại có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách khác. Trong khi đó, biện pháp biển số chẵn-lẻ của ta lại có nguy cơ làm tăng sở hữu ô tô một cách lãng phí.
|
Ảnh minh họa: MSinhVien.com |
Một người sống ở trung tâm thành phố hoặc làm việc ở đó không thể đi làm việc 3 ngày mỗi tuần bằng ô tô, còn những ngày khác thì đi bằng xe máy. Nếu áp dụng biện pháp này, người đó sẽ phải mua thêm một chiếc ô tô nữa và tìm cách nào đó để có một biển số chẵn, một biển số lẻ (nếu bốc thăm biển số xe thì có khi cả hai số đều chẵn hoặc đều lẻ!). Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đi lại ở trung tâm thành phố cũng sẽ phải tăng gấp đôi số lượng xe ô tô con của mình để có đủ xe hoạt động trong tất cả các ngày chẵn, lẻ trong tuần.
Quản lý đô thị không phải là đẩy cái khó cho dân
Đã cấm là phải kiểm tra và xử lý vi phạm. Cảnh sát giao thông sẽ phải tăng thêm người để phát hiện các xe biển số chẵn đi vào ngày lẻ, xe biển số lẻ đi vào ngày chẵn. Vào giờ cao điểm, việc phạt vi phạm biển số xe sẽ tăng thêm ách tắc, rối loạn giao thông, gây ức chế cho người dân.
Nạn kẹt xe có những nguyên nhân của nó. Người viết bài này vào TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1980. Sau hơn 30 năm, không nhìn thấy nhiều đường phố mới, cây cầu mới. Trong khi đó, dân số và lượng xe ô tô, xe máy ở thành phố đã tăng gấp nhiều lần, việc kẹt xe là không thể tránh khỏi. Một dự án đường chỉ dài gần 14 km như sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được phê duyệt từ năm 1997, đến nay đã gần 15 năm rồi mà vẫn đang còn tranh luận đúng, sai, triển khai thế nào, cũng đủ để thấy tốc độ và hiệu quả giải quyết các vấn đề hạ tầng đô thị có những vấn đề rất nghiêm trọng. Có lẽ, cụ rùa phải gọi chúng ta bằng "cụ" mới phải.
Không thể ngồi khoanh tay nhìn nạn kẹt đường mà không làm gì, nhưng biện pháp biển số chẵn-lẻ mà Sở GTCC TP Hồ Chí Minh đề xuất không thể xem là giải pháp tin cậy để theo đuổi. Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thành phố để diện tích mặt đường giao thông các loại so với tổng diện tích, tổng dân số đạt tiêu chuẩn thành phố hiện đại.
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đô thị hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, hệ thống đường cao tốc trên cao, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống xe buýt. Nâng cấp đáng kể hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ của người dân khi tham gia giao thông... Cuối cùng, nếu vẫn cần phải hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, giữa xe máy và ô tô thì cái cần hạn chế là xe máy (phương tiện lạc hậu, độ an toàn thấp) chứ không phải là ô tô (phương tiện hiện đại, an toàn hơn).
Có rất nhiều việc phải làm để giảm nạn kẹt đường ở TP Hồ Chí Minh, nhưng biện pháp gì thì cũng đều phải nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển một thành phố văn minh, hiện đại, không thể chấp nhận bất kỳ "sáng kiến" nào kéo lùi sự phát triển của thành phố lớn nhất Việt Nam này.
Bản lĩnh của cơ quan công quyền là nghĩ ra việc khó, nhận lấy việc khó mà làm, nhường cái dễ, cái tiện cho người dân chứ không nên làm ngược lại. Cũng có lúc cần để cho nạn kẹt xe nhắc nhở chúng ta về những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đô thị và thúc đẩy các giải pháp, kể cả về công tác cán bộ. Trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô ở TP Hồ Chí Minh còn đang rất thấp, bắt người dân "cất" bớt ô tô đi để bớt kẹt xe không phải là câu trả lời nghiêm túc.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-14-xe-bien-so-chan-le-khong-nen-day-cai-kho-cho-dan