Chuyện những người cắm bản ở Mường Nhé
Đăng Trường - Trần Huy (CAND) - Vóc dáng của một huyện vùng cao, nơi cực Tây của Tổ quốc, Mường Nhé đã và đang thay đổi rõ nét. Những lực lượng "cắm bản" đang hằng ngày góp thêm yên bình cho vùng đất nơi đây… Chưa đến Mường Nhé thấy xa, đến rồi lại thấy gần, rất gần.
Tận tụy với công việc, nhiệm vụ được giao…, lực lượng "cắm bản" (Công an, giáo viên, cán bộ y tế…) đang ngày đêm chăm lo, giữ gìn an ninh - trật tự, giữ yên bình cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao Mường Nhé (Điện Biên) - huyện cực Tây của Tổ quốc.
Thú thật, trước khi đặt chân lên tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã được nghe nhiều về sự vất vả của lực lượng "cắm bản" nơi vùng cao. Thế nhưng, có trực tiếp vượt qua quãng đường "đổ đèo" dài hơn 200km từ TP Điện Biên lên Mường Nhé, huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, chúng tôi mới thấy được hết sự khó khăn của những con người lên đây làm kinh tế mới, góp sức mình đem lại sự yên bình nơi đây. Trong những lực lượng góp yên bình cho Mường Nhé ngày hôm nay không thể không kể tới lực lượng Công an "cắm bản".
Công an "ba cùng"
Xã Pa Tần (Mường Nhé) nằm nép mình bên tuyến tỉnh lộ 151 Điện Biên - Mường Nhé trong những ngày này như được khoác thêm tấm áo rực rỡ sắc màu. Cờ, băng rôn, pa-nô, áp phích… với nội dung cổ động, tuyên truyền cho dịp bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được căng khắp nơi. Trong ngôi nhà sàn nơi tổ công tác cắm bản tăng cường của Công an tỉnh Điện Biên bảo vệ bầu cử, chúng tôi tận mắt chứng kiến không khí khẩn trương của họ. Các anh đang tất tả chuẩn bị đồ đạc cho chuyến xuống bản.
Ngôi nhà ông Giàng A Co ở Huổi Khon hôm nay thực sự sum vầy. |
Thượng tá Nguyễn Văn Định - tổ trưởng tổ tăng cường vừa đi cơ sở về cho biết, tổ công tác gồm 10 cán bộ chiến sĩ đến từ các phòng, ban như: Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Phòng CSGT, Phòng CSQLHC về TTXH, Phòng Công tác chính trị… Dù tổ được tập hợp từ các phòng, ban với lĩnh vực chuyên môn, chuyên trách khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là "cắm bản", cùng với lực lượng Công an huyện, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh - trật tự cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5 tới đây.
Trong khoảng thời gian 2 tuần, đã có hơn 20 lượt cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống từng thôn, bản tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cho bà con. Có bản nằm cách xa trung tâm xã đến 40km như bản Huổi Tang, Huổi Púng… để đến được những nơi này, lực lượng "cắm bản" phải mất cả buổi cuốc bộ, trèo đèo, lội suối. "Dù gian nan, đường đi hiểm trở tới đâu, song với tinh thần hết mình vì sự bình yên nơi thôn bản, tất cả các chiến sĩ "cắm bản" đều vượt qua tất cả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Thượng tá Định tâm sự.
Cũng theo Thượng tá Định, toàn bộ số cán bộ chiến sĩ của tổ công tác này đều có gia đình ở TP Điện Biên. Có trường hợp, dù mới lập gia đình, nhưng khi được giao nhiệm vụ liền "đánh" xe máy vượt qua quãng đường dài hàng trăm cây số để lên đây. Như trường hợp của đồng chí Nguyễn Trường Sơn, đang công tác tại Phòng CSGT - Công an tỉnh vừa mới lập gia đình, thế nhưng ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Sơn đã tức tốc đi xe máy lên Mường Nhé...
Sau những lần "cắm bản", có không ít cán bộ chiến sĩ còn thông thạo thêm nhiều thứ tiếng của người dân bản địa. Trung úy Nguyễn Trường Long, cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh tăng cường về Mường Nhé qua những lần xuống bản tiếp xúc với bà con dân tộc thiểu số, tới nay anh cũng biết thêm được một số tiếng của người Mông, người Thái… Bản Huổi Khon mà anh phụ trách nằm cách trung tâm xã độ 8km song khi theo chân anh lên đây thăm hỏi, phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số, phải mất tới gần 4 tiếng đồng hồ vượt đường đèo trơn, dốc thăm thẳm. Có những đoạn phải xắn quần ngang đầu gối, lội suối vào từng hộ gia đình trong bản. "Vất vả là vậy, nhưng vui vì mình đã góp phần giúp cho bà con có thêm kiến thức về pháp luật, về lĩnh vực tăng gia sản xuất…" - quệt vệt mồ hôi trên mặt, Trung úy Long hồ hởi nói.
Lò Văn Long là cán bộ Công an tỉnh, khi tôi liên lạc, anh nói đang lên rẫy cùng bà con. Đợi tới tối ở thị trấn Mường Nhé, Thượng uý Lò Văn Long đến cùng con "ngựa sắt" (xe máy ở vùng cao thường gọi là “ngựa sắt”). Anh là học viên đang theo học lớp thạc sĩ tại Hà Nội, nhưng chỉ sau kỳ học vài ngày đã lên với Mường Nhé, với bà con. Nghĩ sự vất vả có thể làm người cán bộ Công an ái ngại, nhưng khi tôi vừa gặp, anh đã phấn chấn: "Trên này núi cao, đèo dốc, nhưng mình ở đây quen rồi. Nếu có về thành phố Điện Biên ít hôm lại nhớ Pa Tần, nhớ Nậm Kè lắm, phải cưỡi “ngựa sắt” lên ngay"… Tôi nghĩ, tình yêu làng bản, quê hương, với bà con các dân tộc ở Mường Nhé đã hun đúc sự bền bỉ, kiên trì với công việc ở anh đến vậy…
Những lớp học ở Mường Nhé
5h sáng, như thường lệ, cô giáo Hoàng Thị Lan - giáo viên Trường Tiểu học xã Pa Tần lại trở giấc để chuẩn bị cho một ngày mới "gieo chữ" của mình. Cuốn giáo án, tập sách giáo khoa, bút, phấn, thước kẻ… là những dụng cụ mà cô giáo Lan luôn mang kèm theo mình mỗi khi bước ra khỏi phòng vào đầu giờ sáng. Cô giáo Lan theo nghiệp giáo viên "cắm bản" từ tháng 5/2008.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, Lan đã khăn gói lên đây để theo đuổi ước mơ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường của mình, đó là cõng con chữ lên miền núi cao. Lan kể, hồi ấy, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em đã xin phép gia đình lên Điện Biên theo đuổi nghề dạy học. Lúc đầu, mọi người trong gia đình đều băn khoăn, bởi họ cho rằng nơi mà Lan chọn đến thiếu thốn đủ đường. Tuy nhiên, khi thấy Lan không dứt ý nguyện của mình, gia đình đã đồng ý.
"Những ngày đầu, khi đặt chân lên đây, ngày nào em cũng rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ chúng bạn, nghĩ về những người bạn của mình dạy học ở đô thị" - Lan nói. Nhớ nhà là thế, vất vả là thế, song với tấm lòng, ước nguyện gieo con chữ của mình, Lan đã vượt qua tất cả. Ngày ngày, Lan cuốc bộ hàng chục cây số để tới các bản vùng sâu, vùng xa để vận động con em người dân tộc đến trường.
Qua một thời gian "cắm bản", từ một người không thông thạo việc trèo đèo, lội suối, giờ đây Lan đã thuộc làu đường đi dẫn tới các thôn bản của xã như lòng bàn tay. Lan còn nói vanh vách một số tiếng dân tộc như: tiếng Mông, tiếng Thái… "Những bài giảng nào các em chưa hiểu, em sẽ sử dụng cả tiếng Mông để giảng giải, phân tích. Việc hiểu tiếng dân tộc giúp em hoàn thiện tốt hơn bài giảng của mình" - Lan tâm sự. Lan cũng như một số thầy cô giáo khác, do số lượng thầy cô còn hạn chế, nên Lan cùng một lúc đảm nhận việc giảng dạy cho nhiều lớp học. Lớp 1A và 2A - Trường Tiểu học Pa Tần là những lớp do Lan làm giáo viên giảng dạy chính.
Ba năm nay, cô giáo Hoàng Thị Lan (quê Thanh Hóa) lên lớp ở Pa Tần, Mường Nhé. |
Bên cạnh đó, đối với những bản ở xa, điều kiện đi lại khó khăn, nhà trường còn tổ chức các điểm học ngay tại thôn bản đó. Thế nên số cô giáo, thầy giáo "cắm bản" ở những nơi này chiếm một phần không nhỏ. Cô giáo Trần Thanh Toàn, giáo viên lớp 2 - điểm trường thuộc bản Nậm Thà Là (Pa Tần) tâm sự, em quê ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm em đã lên đây công tác. Tính đến nay, thời gian làm giáo viên "cắm bản" của Toàn cũng đã ngót 1 năm. Vì giảng dạy ở điểm trường nên Toàn cũng như các thầy cô khác trong tổ đều sinh hoạt trong bản. Hàng tháng về họp ở trường một lần.
Để "hút" học sinh đến lớp, hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, Lan đều đến từng hộ gia đình trong bản để vận động các em đến trường. Có lẽ vì thế mà từ 1-2 học sinh, đến nay lớp của cô phụ trách đã lên đến hơn 10 em. Số học sinh bỏ học hoàn toàn không có. Đáng chú ý, có những em học giỏi vượt bậc, đọc làu làu tiếng phổ thông như em Thào A Bấy, Thào Thị Bàn… Bấy và Bàn là hai học sinh người dân tộc Mông, thời gian đầu khi thấy thầy cô đến nhà vận động đi học còn sợ hãi, bỏ chạy, thế nhưng chỉ sau một thời gian theo học ở điểm trường Nậm Thà Là, hai em này đã đọc làu làu tiếng phổ thông, những phép tính cơ bản của toán học đều được các em giải một cách nhanh chóng.
Cô giáo Lan, cô giáo Toàn chỉ là những gương điển hình trong tập thể các thầy, cô giáo "cắm bản" đang ngày đêm vượt khó, gieo con chữ, đem lại sự học vùng cao Mường Nhé. Các thầy, các cô đều từ các tỉnh dưới xuôi như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên… lên đây với tâm nguyện góp một chút sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Ngoài công việc giảng dạy, các thầy, các cô "cắm bản" còn hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, phổ biến thêm kiến thức về pháp luật của nhà nước. Đối với những em học sinh vì lý do nhà ở xa, đường đi khó, tập thể các thầy cô giáo "cắm bản" còn dựng nhà vách, lán trại để cho các em có nhu cầu ở nội trú tá túc theo đuổi sự học của mình. "Nhờ các thầy, các cô mà em có chỗ ở này. Hàng ngày không còn phải đi bộ đến trường học nữa. Em vui lắm!" - trong căn nhà vách thuộc khu vực nội trú Trường Tiểu học Pa Tần, em Vàng A Lu, học sinh lớp 5A, dân tộc Mông ở bản Huổi Tang (Pa Tần) bẽn lẽn cho biết.
Công an ở Mường Nhé, phóng viên Báo CAND gặp gỡ bà con ở Nậm Kè. |
Vóc dáng của một huyện vùng cao, nơi cực Tây của Tổ quốc, Mường Nhé đã và đang thay đổi rõ nét. Những lực lượng "cắm bản" đang hằng ngày góp thêm yên bình cho vùng đất nơi đây… Chưa đến Mường Nhé thấy xa, đến rồi lại thấy gần, rất gần. Những ngày ở Mường Nhé là những ngày ấm nặng nghĩa tình, dường như cái khó khăn về vật chất khiến con người sống càng tình cảm, càng mật thiết.
Lên xe U oát trở về thành phố, vượt qua những đoạn đèo cua tay áo, bên núi, bên vực, câu thơ của Chế Lan Viên bồn chồn nỗi nhớ: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"…
Đăng Trường - Trần Huy