Bùi Chát: củng cố niềm tin để dấn bước… - Dân Làm Báo

Bùi Chát: củng cố niềm tin để dấn bước…

"Cảm giác của tôi khi nhận giải thưởng này là buồn nhiều hơn vui, khi IPA trao giải thưởng cho một người Việt Nam chứng tỏ rằng chúng ta vẫn đang ở một nơi thiếu tự do trầm trọng, đặc biệt là tự do xuất bản. Tôi nghĩ không đất nước nào có thể vẻ vang vì thiếu tự do, chính vì thế tôi nghiêng về phía “đây là một chiến thắng cho nền văn chương, xuất bản phi kiểm duyệt...” - Bùi Chát

*

Phỏng vấn Bùi Chát - Thực hiện Lưu Diệu Vân

LTS (damau): Những câu hỏi này đã được gởi đến Bùi Chát trong khoảng thời gian anh nhận giải thưởng tại Argentina. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, trải qua nhiều trắc trở, anh mới tâm sự được với độc giả.

LDV: Anh đón nhận bản tin mình là người đoạt giải thưởng Xuất Bản Tự Do 2011 của Hiệp Hội Nhà Xuất Bản Quốc Tế với tâm trạng như thế nào? Tỷ lệ hạnh phúc tương phản với lo âu quân bình ra những cảm giác gì trong anh?

BC: Vui, buồn, lo lắng, một chút phấn khích … nói chung là một cảm giác rất khó diễn đạt khi biết tin mình là người được nhận giải.

Sau khi cộng trừ nhân chia đo đếm, cái còn lại trong tôi hoàn toàn là cảm giác về sự lo lắng, không phải cho bản thân tôi mà cho tương lai của Giấy Vụn và của xuất bản độc lập. Tôi biết sau khi nhận giải rất nhiều khó khăn sẽ đến với chúng tôi từ phía nhà cầm quyền, hoạt động xuất bản độc lập buộc phải thích ứng với những điều kiện mới, không thể nào không lo.

LDV: Xin anh chia sẻ vài cảm nhận trực tiếp về Hội Chợ Sách Quốc Tế lần thứ 37 ở Buenos Aires. Mùi vị không khí tự do ở nơi đây có đủ mạnh để kích thích thêm những hy sinh cho lý tưởng khác nữa từ nơi anh?

BC: Một hội chợ sách tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến, quy mô, chuyên nghiệp, giản dị. Một thế giới của sách và của những người yêu sách, tất cả vì sách và vì độc giả, bạn luôn có cảm giác được trân trọng trong thế giới này.

Không khí tự do làm chúng ta sảng khoái tận hưởng, nhưng sự ngột ngạt tù túng của trại giam cho chúng ta thêm quyết tâm phá vỡ chúng. Mỗi khi trở về từ một chuyến đi xa, tôi lại thấy như đang được củng cố niềm tin để dấn bước.

LDV: Tương tự như phong cách điều hành “bí mật” của nhóm Mở Miệng, tên anh đã được ban tổ chức giữ kín cho đến phút chót để đảm bảo việc xuất ngoại tham dự buổi trao giải được suông sẻ. Về phía cá nhân, anh đã dàn xếp chuyến đi của mình bằng cách nào? Còn những lường trước cho chuyến trở về?

BC: Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi một cách hết sức cẩn thận, giữ bí mật thông tin đến cùng, lên kế hoạch xuất bản & cố gắng hoàn thành trước chuyến đi. Các sinh hoạt khác của tôi thì vẫn diễn ra như hàng ngày, nghĩa là cũng đi học, cũng gặp gỡ bạn bè, café, nhậu nhẹt & vẫn đi kiếm sống. Ngoài ra để an toàn tuyệt đối tôi cũng không sử dụng giấy mời của ban tổ chức Hội chợ sách để xin visa, vì theo quan điểm của nhiều người, phần lớn nhân viên người Việt trong các sứ quán thường cung cấp thông tin cho phía an ninh như một thỏa thuận đổi lấy sự bình yên. Tôi đã xin visa đi du lịch như mọi người, do đó cũng nhiêu khê phức tạp và phải mất khá nhiều thời gian mới có được visa.

Tôi cũng chuẩn bị tâm lý cho việc trở về trong sự nguy hiểm, cũng suy nghĩ, tính toán, đắn đo, nhưng theo suy đoán của tôi thì đến 80% là họ sẽ không bắt giam tôi mà chỉ giữ một số thứ theo thủ tục, sau đó sẽ phải lên làm việc dài dài kèm theo là các biện pháp ngăn chặn khác, nghĩa là sẽ có lợi cho họ hơn; nhưng cuối cùng họ đã làm ngược lại những gì tôi nghĩ. Khi gặp trục trặc tại sân bay, tôi đã sẵn sàng cho việc bị giam giữ lâu dài, tôi đoán ít nhất cũng phải 8 đến 9 ngày bị giam, đặc biệt sau khi có lệnh khám nhà. Cuối cùng thì diễn biến lại theo chiều hướng khác, họ luôn luôn làm cho tôi ngạc nhiên, không có cách nào đoán được suy nghĩ của họ, tôi vẫn nghĩ là họ thật tài.

LDV: Tuy hiện tại đã có nhiều tin tức chung quanh chuyến trở về của anh nhưng hành trình từ sân bay đến hải quan rồi đến nơi tạm giam và những trải nghiệm sau đó vẫn là một uẩn khúc. Xin anh chia sẻ thêm về khoảng thời gian đó.

BC: Máy bay hạ cánh lúc 6g chiều, ngày 30/04/2011, trước khi rời máy bay tôi đã kịp mở điện thoại di động và liên lạc với một số người bạn. Khoảng 20 phút sau tôi đã có mặt tại hải quan chuẩn bị nhập cảnh, cảm giác như có người đang quan sát mình, để ý thì tôi thấy một nhóm khoảng 4 đến 5 người mặc thường phục đang nhìn về hướng tôi và thảo luận gì đó. Sau khi chờ đến lượt mình, tôi bước đến hải quan làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên hải quan hỏi qua loa vài điều rồi yêu cầu tôi quay trở lại, họ nói họ muốn mượn passport của tôi. Tôi ngồi chờ ở hàng ghế dành cho khách chưa có visa đang làm thủ tục vào Việt Nam, người giữ passport của tôi cùng với những người kia đi vào 1 hành lang có nhiều phòng, khoảng 20 phút sau họ trở ra, đưa passport cho tôi và nói: “xong rồi, anh về đi”.

Tuy nhiên khi làm thủ tục nhập cảnh xong và chuẩn bị lấy hành lý ra về tôi thấy nhóm người kia đi trước và đứng đợi sẵn ở khu vực kiểm tra hành lý, tôi biết chuyện chẳng lành nên đã gọi điện báo cho bạn bè, và dặn dò nếu trước 10g đêm không thấy tôi về nhà thì họ có thể thông tin cho báo chí. Đúng như dự đoán, tôi bị giữ lại tại khâu hành lý, làm việc với tôi khoảng 5 – 7 người trong đó có đội phó Đội hành lý xuất nhập khẩu và các nhân viên khác và cả những người trong nhóm đã quan sát tôi, họ dẫn tôi vào một phòng nhỏ, yêu cầu tôi mở va-li, ba-lô để kiểm tra từng thứ một, họ lựa ra một số thứ gồm: 22 tập thơ “Bài thơ một vần” của tôi, 27 tập thơ “khi kẻ thù ta buồn ngủ” của Lý Đợi (cả 2 tập này đều do Eva Tas, một nhà xuất bản ở Hà Lan ấn hành), 1 giấy chứng nhận giải thưởng của IPA, 1 kim từ điển. Họ đi ra đi vào bàn tán, có người ngồi đọc hết cả tập thơ mà không có hành động gì cụ thể, tôi ngồi đó chán qúa nên cũng ra khỏi phòng đi loanh quanh, tôi thấy nhóm người theo dõi tôi lúc nãy đang ngồi gần đó nên tiến lại ngồi gần bắt chuyện, được vài câu trả lời cho có thì họ bỏ đi. Tôi đi tới đi lui rồi mang sách ra đọc, rồi lại ngừng, tập thể dục, rồi lại đọc sách, đi toilet, rồi lại hỏi chuyện.. cứ thế cho đến khoảng gần 10g 30 thì họ lập một biên bản sau khi đã có lệnh từ trên, tôi đã đọc và kí vào biên bản Chứng nhận, nội dung là Đội quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu phát hiện trong hành lý của tôi, chuyến bay QR 688 từ Doha về HCMC, có 1 bằng khen, 1 kim từ điển, 49 cuốn sách kể trên, họ chỉ chứng nhận như thế, không kết luận gì. Sau khi đã kí vào biên bản, họ chuyển tôi qua phòng khác, làm việc với công an cửa khẩu.

Từ lúc đó cho đến khi kí lệnh tạm giữ hành chính và lệnh khám nhà, tôi đã gặp và làm việc với rất nhiều người, những người này đều nhận là công an cửa khẩu, dù có một vài người tôi biết là không phải thế, vì đã từng làm việc trước đây.

Nội dung chính của những buổi làm việc là làm rõ những chuyến xuất cảnh của tôi: đi đâu, đi với ai, đi mục đích gì… sau đó là những buổi làm việc xung quanh hoạt động của nhà xuất bản Giấy Vụn: thành lập khi nào? Tôn chỉ mục đích? Đến nay in được bao nhiêu cuốn, của những ai? Nội dung những cuốn sách? Số lượng in? Bao nhiêu tiền? Tặng những người nào? Lấy tiền ở đâu để in? Sau khi in có đưa lên mạng internet không?…. Ngoài ra còn có những buổi làm việc họ hỏi về giải thưởng, rồi có quen với nhóm này nhóm kia không….

Xen kẽ những buổi làm việc căng thẳng là những cuộc trò chuyện khá thân mật, dễ thương trong đó họ khuyên tôi nên lập gia đình, kiếm tiền và có con cái ổn định, họ đánh giá tôi là người có tài nên làm cái gì có ích cho xã hội, có gì không thích thì nên góp ý đừng viết và đưa lên mạng không có lợi…. nhân tiện tôi cũng xem tướng cho họ, khuyên nên chuyển ngành khác chứ làm công an cửa khẩu rất khó thăng tiến, phí cái tướng đẹp… nói chung những cuộc trò chuyện như thế luôn kết thúc trong sự thoải mái và những nụ cười, ai cũng nghĩ là mình đã hiểu người kia, và diễn biễn thể nào cũng có lợi cho mình.

Tóm tắt câu chuyện chỉ có thế, những cuộc làm việc và trò chuyện sau đó cũng vẫn là bản sao của ngày đầu tiên, tuy thế cũng có một chi tiết khá thú vị khi nhóm an ninh đưa tôi ra khỏi sân bay về công an phường nơi tôi cư trú làm thủ tục chuẩn bị khám nhà, lúc đang mở cửa xe để bước lên tôi thấy một anh từ trong chạy ra hỏi với theo: “nhập cảnh chưa, nhập cảnh chưa?” liền đó có người đáp lại: “xong rồi!, xong hết rồi!”

LDV: Sau sự kiện đáng tiếc của chuyến trở về, anh đã nhận được rất nhiều quan tâm từ phía giới truyền thông và nhiều hội đoàn quốc tế cũng như độc giả khắp nơi. Cảm giác anh ra sao khi biết mình có được nhiều hành động ủng hộ cụ thể?

BC: Tôi cảm thấy rất vui, rất cảm kích về những việc làm của mọi người dành cho tôi và cho những người đang là nạn nhân của một hệ thống hành xử phi lí, hà khắc, không tuân theo bất cứ luật lệ nào cả. Tôi cảm thấy mình luôn luôn không đơn độc.

Sự quan tâm ủng hộ của giới truyền thông và nhiều hội đoàn quốc tế làm cho tôi càng tin tưởng rằng công lý sẽ ngày một trở nên rõ ràng hơn ở Việt Nam, và tôi càng tin vào những điều mà tôi và nhiều anh em khác đã chọn. Chúng ta đã chiến thắng, ngay lúc bắt đầu này.

Mặt khác, sự trả tự do một cách tạm thời cho tôi sau khi nhận một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước lẫn quốc tế, đã cho thấy nhà cầm quyền cũng biết lắng nghe và biết hạn chế lại những hành động sai trái, cũng là điều đáng khen vậy.

IMG_0287 LDV: Danh dự này đã được trao cho nhiều cá nhân và nhà xuất bản tận tụy tranh đấu cho tự do ngôn luận, đến từ nhiều nước thiếu thốn nhân quyền như Iran, Zimbabwe, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Chechnya. Anh là đại diện Việt Nam đầu tiên. Với anh, đây là giải thưởng làm vẻ vang màu cờ sắc áo quốc gia hay một chiến thắng dành riêng cho nền văn chương phi kiểm duyệt và thông điệp tư do ngôn luận?

BC: Vâng, tôi là đại diện Việt Nam đầu tiên của giải thưởng IPA về Tự do xuất bản, đối với tôi giải thưởng này không phải là giải thưởng để làm vẻ vang màu cờ sắc áo quốc gia, như tôi đã từng phát biểu, cảm giác của tôi khi nhận giải thưởng này là buồn nhiều hơn vui, khi IPA trao giải thưởng cho một người Việt Nam chứng tỏ rằng chúng ta vẫn đang ở một nơi thiếu tự do trầm trọng, đặc biệt là tự do xuất bản. Tôi nghĩ không đất nước nào có thể vẻ vang vì thiếu tự do, chính vì thế tôi nghiêng vế phía “đây là một chiến thắng cho nền văn chương, xuất bản phi kiểm duyệt”; ngoài chiến thắng chế độ kiểm duyệt phi lý, chiến thắng ở đây còn hiểu là chiến thắng về truyền thông và tình cảm của độc giả, chiến thắng trong việc giành lại chỗ đứng công bằng cho nền văn chương lâu nay vẫn bị xem là không đáng bận tâm, là tầm thường, vớ vẩn… theo sự bóp méo của truyền thông nhà nước.

Một lần nữa khẳng định sự hiện diện vững chắc, một cách đáng kể của văn chương vỉa hè trong sinh hoạt văn hóa văn chương Việt Nam hiện đại. Văn chương vỉa hè với đầy đủ sự tự do, tự tin và trung thực cần có.

Đây là thắng lợi của văn học tự do, xuất bản tự do, truyền thông tự do, và của độc giả tự do…

LDV: Từ nay nxb Giấy Vụn hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn trong cách thức điều hành in ấn ngấm ngầm. Hào quang giải thưởng này, theo cả hai ý nghĩa tinh thần lẫn vật chất, sẽ là bước đệm may mắn hay chướng ngại vật đáng kể cho những kế hoạch phát triển tương lai của nhóm?

BC: Tôi nghĩ luôn tiềm ẩn hai khả năng kể trên, nếu bạn không đủ bản lãnh và sự khôn khéo cần thiết thì có thể đây sẽ là điểm kết thúc của một thương hiệu cũng như một phong trào, nếu bạn vượt qua được nó sẽ là bệ phóng cho tương lai đầy hứa hẹn. Trước mắt tôi không thể khẳng định gì được, tôi nghĩ để vượt qua sự kiện này chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều và cần thêm nhiều sự ủng hộ hơn nữa.

LDV: Trong diễn văn nhận giải, anh đã phát biểu “Sách có thể biến thế giới thành tự do,” nhưng ở khía cạnh khác, sách cũng có thể được “phái tả” dùng làm công cụ tuyên truyền những thông điệp tự do trá hình. Những người viết sách, in sách, phổ biến sách có thể làm gì để giúp tăng cường khả năng thẩm định và phân biệt mà vẫn không thỏa hiệp quyền tự do của độc giả?

BC: Câu hỏi rất hay và cũng rất khó, theo tôi biết, sách được sử dụng làm công cụ tuyên truyền là một phương pháp đã xuất hiện từ lâu và đã được nhiều chế độ khác nhau công khai sử dụng, một đặc điểm chung là tất cả các chế độ này đều tìm cách theo dõi, kiểm soát và trói buộc con người.

Là một người làm xuất bản tôi nghĩ, chỉ cần cho ra đời những cuốn sách tốt, trung thực, đúng mực, và hướng đến sự tiến bộ là đã đủ làm cho độc giả thẩm định, so sánh và nhận ra những cái gì cần đọc, và những cái gì là công cụ tuyên truyền. Chính vì thế mà đến nay các chế độ phản động vẫn tiếp tục ngăn cản sự xuất hiện của những cuốn sách đúng nghĩa; họ biết chỉ cần có mặt đều đặn, những cuốn sách này có thể thay đổi quyền lực của họ. Việc làm hữu hiệu nhất của chúng tôi bây giờ là bằng cách nào in được càng nhiều và duy trì sự tồn tại của các nhà xuất bản càng lâu càng tốt.

LDV: Hành trình hơn 10 năm tuy chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn để anh và Lý Đợi cùng những đồng nghiệp phấn đấu cho những thành tựu đáng kể. Anh nghĩ chúng ta cần thêm những yếu tố gì để đạt được tự do đúng nghĩa ngoài những đòi hỏi căn bản của bất cứ cuộc đấu tranh nào như kiên trì, can đảm và quyết tâm?

BC: Theo tôi ngoài những yếu tố căn bản trên chúng ta cần phải có thông tin, thời cơ, thực lực … đặc biệt chúng ta còn phải biết chấp nhận sự trả giá, và luôn sẵn sàng chịu làm người thất bại.

LDV: Nếu giải thưởng là một bước ngoặt, thì những dấu chân in trước giải thưởng và sau giải thưởng sẽ có những khác biệt gì về trọng lượng, hình dạng và tốc lực?

BC: Vâng, tôi cũng nghĩ giải thưởng là một bước ngoặt cho chúng tôi ngay cả trong văn chương lẫn xuất bản, chắc chắn là sẽ có những khác biệt cho chúng tôi sau giải thưởng nhưng vì còn quá mới nên tôi chưa thể nói gì được. Mọi việc cứ để cho thời gian trả lời, chỉ cần mình xác quyết là đã thành công phân nửa rồi, cái còn lại chỉ là sự ứng phó thích hợp.

LDV: Xin cám ơn Bùi Chát và chúc mừng thành tựu riêng cho anh, cho nhóm Mở Miệng, cho nxb Giấy Vụn và cho nền văn học nói chung.

BC: Xin cảm ơn chị và cảm ơn BBT Da Màu đã tạo điều kiện để tôi bày tỏ những suy nghĩ của mình với độc giả, chúc Da Màu ngày càng phong phú, đặc sắc.

http://damau.org/archives/20011



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo