Luận về Điều luật “xôi – thịt” - Dân Làm Báo

Luận về Điều luật “xôi – thịt”

360Luatphap - Trong nhiệm kỳ HĐND TP. Thanh Hóa khóa XIX (năm 2004 – 2011), có 3 Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa không phải là đại biểu HĐND của TP. Thanh Hóa. Đó là ông Nguyễn Ngọc Hồi, Nguyễn Xuân Phi và Đào Trọng Quy. Các “ông Kễnh” trên thay nhau điều hành các cơ quan hành chính nhà nước ở TP này, mục đích chính là thực hiện nhiệm vụ quy hoạch “rửa đất”, trong đó có việc phá phách quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng và Nhà hát Hội An...

*

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ký và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003. Cố nhiên, Luật này hiện đang có hiệu lực và đang có nhiều điều xung đột pháp luật, tạo điều kiện cho bọn “xôi – thịt” luồn lách, phát triển.

Luận đề

Trong bài viết này, 360luatphap chỉ tập trung “phân tách”, chỉ ra sự xung đột giữa Điều 51 và Điều 119 của Luật Tổ chức HĐND và UBND; đồng thời liên hệ, đưa ra những luận cứ chứng minh về hậu quả “xôi – thịt”, do sự xung đột này mang lại cho bọn quan tham.

Điểm C Khoản 2 Điều 51, quy định: “Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa, HĐND bầu Chủ tịch UBND trong số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ tịch HĐND”.

Thế nhưng, trong thực tế nhiệm kỳ Đại biểu HĐND các cấp vừa qua trên cả nước có rất nhiều Chủ tịch UBND (nhất là cấp huyện) không phải là Đại biểu HĐND và cũng không được Chủ tịch HĐND cấp đó giới thiệu.

Vì vậy, loại Chủ tịch UBND này không được cử tri bầu là “Đại biểu HĐND” và đương nhiên loại cán bộ này không buộc phải đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân của đơn vị hành chính đó.

Hậu quả pháp lý của việc “cơ cấu” trái pháp luật này luôn xảy ra “hiện tượng cán bộ xa dân”, không lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân; thậm chí trong một số trường hợp cụ thể, cán bộ còn coi dân như kẻ thù, rồi quay lưng lại đàn áp lại dân.

Không đại biểu HĐND vẫn làm chủ tịch

360Luatphap lấy việc “hợp thức hóa” đối với 3 Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa trong cùng nhiệm kỳ nhưng không được dân bầu là đại biểu HĐND để làm ví dụ, chứng minh cho luận đề trên.

Trong nhiệm kỳ HĐND TP. Thanh Hóa khóa XIX (năm 2004 – 2011), có 3 Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa không phải là đại biểu HĐND của TP. Thanh Hóa. Đó là ông Nguyễn Ngọc Hồi, Nguyễn Xuân Phi và Đào Trọng Quy.

Các “ông Kễnh” trên thay nhau điều hành các cơ quan hành chính nhà nước ở TP này, mục đích chính là thực hiện nhiệm vụ quy hoạch “rửa đất”, trong đó có việc phá phách quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng và Nhà hát Hội An (do tỉnh Quảng Nam kết nghĩa xây dựng, kỷ niệm nơi có nhiều nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền, cổ vũ động viên lớp lớp thanh niên xứ Thanh tòng quân vào các chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước) để chia lô, bán đất và tích tụ tư bản dưới hình thức đầu cơ đất đai.

Trong 3 Chủ tịch UBND nói trên, thì ông Nguyễn Ngọc Hồi không phải là đại biểu HĐND của bất kỳ cấp nào, được cấp trên điều từ Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn về làm Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa thay ông Bùi Tường Hỷ, sau đó HĐND bầu sau để hợp thức hóa.

Tòa cao ốc khách sạn này cao 11 tầng tọa trên hàng nghìn mét vuông đất bên cạnh Quảng trường Lam Sơn có giá hàng trăm tỷ là của cá nhân ông Phi hay của gia đình ông Phi??? Tại sao Thanh tra và Công an không thử làm rõ??? Và cũng không thấy ông Phi kê khai trước khi hiệp thương ứng cử Đại biểu HĐND khóa này???

Thực thi công vụ được khoảng 1/3 nhiệm kỳ, cấp trên lại điều ông Hồi sang làm Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa; nhằm trống chỗ để đưa ông Nguyễn Xuân Phi (Tổng Giám đốc Cty Sông Mã) lên thế chỗ. Lúc này, ông Phi cũng không phải là Đại biểu HĐND của bất kỳ cấp nào; không những thế ông Phi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng không gương mẫu, còn sinh con thứ 3, vi phạm các điều cấm của Đảng viên; và vi phạm pháp luật về dân số kế hoạch hóa gia đình.

Đảng cử, HĐND bầu 3 lần chưa xong

Đối với ông Đào Trọng Quy hơi có chút đặc biệt. Ở chỗ, ông Quy là người đồng hương Nga Sơn với ông Mai Văn Ninh. Năm 2009, ông Ninh là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Lúc đó, ông Quy là Phó Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn. Thời điểm này, ông Lê Minh Thông (Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia) gặp nhiều chuyện lình xình trong việc GPMB bị báo chí làm ỏm tỏi nên bị kỷ luật Đảng, rồi được cử lên làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa. Nhờ cơ hội này, ông Quy mặc dù không phải là Huyện ủy viên và cũng không phải là Đại biểu HĐND huyện Tĩnh Gia; nhưng đùng một cái vào cuối năm 2009, ông Quy được “nhấc” lên làm Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, có sự phê chuẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Quy có một căn biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng tại 246 Đông Bắc Ga (cạnh khu Quảng trường Lam Sơn) trước khi ứng cử Đại biểu HĐND TP. Thanh Hóa cũng chưa kê khai tài sản ?

Chẳng hiểu ông Quy có tài cán điều hành GPMB đại công trường Khu kinh tế Nghi Sơn như thế nào mà lại xảy ra sự vụ động trời, để cho viên công an Nguyễn Mạnh Thư (Công an huyện Tĩnh Gia) bắn chết em Lê Xuân Dũng (12 tuổi) và anh Lê Hữu Nam (43 tuổi), bắn bị thương chị Lê Thị Thanh (37 tuổi), vào ngày 25/5/2010. Tên Thư bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” theo Điều 97 BLHS. Đến nay, sắp đến giỗ đầu của em Dũng và anh Nam, nhưng chưa thấy Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa đưa tên Thư giết người (bằng súng quân dụng) ra xét xử.

Trước sự kiện tày trời đó, ông Nguyễn Xuân Phi được cấp trên điều lên làm Bí thư Thành ủy Thanh Hóa, nhằm để “trống ghế” chức Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, nhằm đưa ông Quy từ huyện Tĩnh Gia về thay thế. Lập tức, Thường Vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 58- TB/TU (ngày 30/12/2010) giới thiệu Đào Trọng Quy ứng cử để HĐND TP. Thanh Hóa, bầu vào chức danh Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa.

Ngày 14/1/2011, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy (lúc này, ông Mai Văn Ninh là Bí thư Tỉnh ủy và kiêm luôn chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa), HĐND TP. Thanh Hóa tiến hành (buổi sáng) đưa ông Đào Trọng Quy ra bầu, nhưng chỉ đạt 43% phiếu. Vì không đạt nên Thường vụ lại chỉ đạo HĐND TP. Thanh Hóa bầu (lần 2) đạt 69,44% phiếu.

Tuy nhiên, với sự phản ứng gay gắt của dư luận báo chí, ngày 12/3/2011, ông Trịnh Văn Chiến (Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) buộc phải ký Quyết định số 731/QĐ-UBND đình chỉ thi hành kết quả bầu cử bổ sung Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa khóa XIX đối với ông Đào Trọng Quy.

Bởi lẽ, việc “hợp thức hóa” này vi phạm về thủ tục bầu lại chức danh thành viên UBND quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 13, Nghị quyết số 753/2005/NQ- UBTVQH 11 (ngày 2/4/2005) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của HĐND; vi phạm quy định tại điểm 1, mục III, Hướng dẫn số 975/HD- BNV (ngày 4/5/2004) của Bộ Nội vụ về hướng dẫn bầu cử thành viên UBND các cấp, nhiệm kỳ 2004 – 2009.

Dù vậy, ngày 17/3/2011, HĐND TP. Thanh Hóa lại bị (cấp trên) chỉ đạo buộc phải tổ chức bỏ phiếu (lần 3) được 93,7% phiếu, để Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến phê chuẩn “hợp thức hóa” chức danh Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho ông Đào Trọng Quy, mặc dù thời điểm này ông Quy chưa phải là đại biểu HĐND của bất kỳ một cấp nào trong tỉnh Thanh Hóa.

Như vậy, nhiệm kỳ HĐND TP.Thanh Hóa khóa XIX (năm 2004 – 2011) có 3 ông Chủ tịch UBND không phải là đại biểu HĐND, đương nhiên chưa được cử tri của thành phố này bỏ phiếu tín nhiệm.

Hiện tại, nhiệm kỳ bầu cử HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5 này, trong 3 “ông Kễnh” nêu trên, thì ông Nguyễn Ngọc Hồi hiện đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa không tham gia ứng cử HĐND các cấp; ông Nguyễn Xuân Phi lần đầu tham gia ứng cử HĐND tỉnh; còn ông Đào Trọng Quy cũng mới là lần đầu tiên tham gia ứng cử HĐND TP. Thanh Hóa.

Cần hủy bỏ điều luật “xôi – thịt”

Căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà trong một nhiệm kỳ HĐND TP. Thanh Hóa lại có thể luân phiên điều chuyển bầu 3 Chủ tịch UBND thành phố? Một số cán bộ Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Vận dụng linh hoạt Điều 119 của Luật Tổ chức HĐND và UBND”. Truy cứu Điều 119, có đoạn: “Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Chủ tịch UBND thì Chủ tịch HĐND cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch UBND để HĐND bầu. Người được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND”.

Như vậy, nội dung này của Điều 119 mâu thuẫn, xung đột với Điều 51 (nêu trên) của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Qua ví dụ điển hình trên, lãnh đạo chính quyền Thanh Hóa đã lợi dụng sự xung đột pháp luật nêu trên, liên tục tạo sự “khuyết Chủ tịch UBND” nhưng không cho “Chủ tịch HĐND cùng cấp giới thiệu…” mà Thường vụ tỉnh ủy nhảy bổ vào làm công tác cơ cấu nhân sự một cách rất “xôi – thịt”, làm mất đi mối liên hệ giữa chính quyền với nhân dân, hủy hoại tính đại diện của đại biểu với cử tri, và vì vậy hệ quả pháp lý của nó mang chiều hướng tiêu cực tất yếu sẽ xảy ra.

Vì vậy, Bộ Tư pháp với chức năng thẩm định pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có kiến nghị với Quốc hội sửa đổi hoặc hủy bỏ Điều luật 119 của Luật Tổ chức HĐND và UBND mà nhiều địa phương đã và đang vận dụng mang tính rât “xôi – thịt” đã được 360luatphap mổ sẻ trên./.

360Luatphap
http://360luatphap.wordpress.com
 

gửi Dân Làm Báo



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo