Trần Hữu Tá (Tuổi Trẻ Online) - Trong vô số những vụ tiêu cực mà báo chí đã đăng tải mấy ngày gần đây, tôi tự nhiên bị ám ảnh rất lâu về mấy sự việc liên quan đến giới trí thức.
1. Tổ chức duy nhất và lớn nhất của giới khoa học kỹ thuật nước ta - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta) - tặng giải thưởng “Thương hiệu xanh bền vững” năm 2010 - giải thưởng cao nhất dành cho các thương hiệu thực hiện tốt nhất việc bảo vệ môi trường - cho một nhà máy ximăng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sự việc chẳng có gì đáng ầm ĩ nếu báo chí không phát hiện: nhiều năm nay, nhà máy ấy (vốn đầu tư của nước ngoài) đã khiến người dân một số xã của huyện Hương Trà khốn khổ vì ô nhiễm bụi, nguồn nước và tiếng ồn..., cả một vùng quanh nhà máy này cây cối héo úa, xác xơ.
2. Hai vị giáo sư - tiến sĩ chủ biên bộ sách Tài năng và đắc dụng biểu dương 14 tài năng tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Sách “dày tới 328 trang, thông qua một nhà xuất bản rất có uy tín là Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia” ấn hành. Nếu chỉ biểu dương những người mà cuộc đời và sự nghiệp đã ổn định, thật sự được lịch sử vinh danh như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Lê Quý Đôn, A.Einstein, T.Edison... thì chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng hai vị giáo sư chủ biên đã xếp một doanh nhân khá trẻ, đang sống, chưa có căn cứ gì để khẳng định là “tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất, đạo đức nhất trong giới doanh nhân và kinh tế thời hiện đại” vào ngồi cùng bàn với chín nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và bốn tên tuổi vang dội của thế giới cận - hiện đại.
Đông đảo bạn đọc - nhất là thế hệ trẻ - cần có những nhà trí thức có trình độ cao, có công tâm, giàu tinh thần phụ trách giúp đỡ, định hướng để có những hiểu biết chính xác về con người, về xã hội, về thiên nhiên; có thể phân định rạch ròi mắt cá với hạt châu, vàng mười và vàng non tuổi. Vì động cơ nào chẳng rõ, hai vị giáo sư này đã thiếu trách nhiệm, “chủ” mà không “biên” (biên soạn, biên tập) nên đã nhập nhằng trong tiêu chí chọn lựa đối tượng để tôn vinh, không những thế còn “bốc thơm” nhân vật mình viết lên tận mây xanh.
Thật là kỳ cục, khi sự nghiệp mới ở chặng đầu của nhà doanh nghiệp trẻ này đã được kể lể tỉ mỉ (42 trang in), nhiều gấp ba lần Trần Quốc Tuấn, thậm chí gấp hơn bốn lần bài viết về nhà mưu lược thiên tài Nguyễn Trãi (10 trang) và dài gần gấp đôi danh nhân văn hóa nhân loại Hồ Chí Minh (25 trang).
Hai vị giáo sư chủ biên có thể nhập nhằng, chệch hướng, nhưng chỉ cần liếc mắt ngó qua, lãnh đạo nhà xuất bản chắc chắn đã thấy cách hành xử phi lý của mỗi người viết sách cũng như của chủ biên sách. Để những cuốn sách như thế đến tay bạn đọc, lãnh đạo nhà xuất bản không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.
Vusta cũng mắc lỗi tương tự. Vụ Vedan ròng rã 15 năm bức tử sông Thị Vải, khiến hàng vạn người dân ba khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Giờ (TP.HCM) sống dở chết dở, vậy mà lại được một cơ quan bộ duyệt, tặng giải thưởng “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”, chắc Vusta cũng chưa quên. Vậy mà lãnh đạo Vusta lại để một đơn vị trực thuộc - chắc cũng có không ít những trí thức khoa bảng, học vị cao - qua mặt. Qua mặt một cách quá dễ dãi, dù quy trình xét duyệt thiếu hẳn hai khâu “ý kiến đánh giá, nhận xét từ phía chính quyền địa phương” và kiểm tra thực địa.
Đơn vị trực thuộc qua mặt, nhưng Vusta lãnh đủ. Rõ ràng bài học về tinh thần trách nhiệm, về công tác quản lý - quản lý con người, quản lý kế hoạch - lúc nào cũng mới mẻ, bức thiết. “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ!”.
TRẦN HỮU TÁ