Bùi Ngọc Long - Lê Công Doanh (Báo Thanh Niên) - Hôm 22.5, tại di tích lầu Tứ phương vô sự, nằm trên Bắc khuyết đài của Hoàng thành Huế, thuộc quần thể di tích cố đô Huế, đã khai trương dịch vụ cà phê, giải khát.
Bảo tồn thích nghi?
Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân ở khu vực quanh kinh thành Huế ngỡ ngàng khi thấy người ta cho dựng bảng hiệu khai trương dịch vụ cà phê, giải khát ngay trong di tích lầu Tứ phương vô sự. Nhưng chỉ sau đó không lâu, tấm bảng đã được gỡ xuống. Tuy nhiên, ở lầu Tứ phương vô sự, cả tầng một và tầng hai, dịch vụ cà phê, giải khát đã đi vào hoạt động. Ngay trên tường thành một hàng cờ ngũ sắc với dòng chữ “Tứ phương vô sự cà phê - giải khát” bay phấp phới.
Theo ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc khai thác dịch vụ ở lầu Tứ phương vô sự là chủ trương của UBND tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và đây cũng là hình thức bảo tồn thích nghi để di tích thêm sống động. Ông Hòa cho biết Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế đã khảo sát và thấy rằng đó là nhu cầu có thật của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài… “Quán cà phê đâu mà quán cà phê, đây là một dịch vụ do Trung tâm BTDTCĐ Huế làm để phục vụ khách. Lầu Tứ phương vô sự là chỗ ngắm cảnh, nên cũng phải cần có chỗ cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, uống nước. Chứ lâu nay du khách vào tham quan di tích có được chỗ nào ngồi uống nước, nghỉ ngơi cho đàng hoàng đâu. Chúng tôi cho anh em (Trung tâm BTDTCĐ Huế - PV) làm thử, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để khai thác tốt hơn. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hay châu Âu, trong các di tích cũng đều có dịch vụ mà. Điều quan trọng là mình phải quản lý hoạt động cho tốt” - ông Ngô Hòa nói.
Thế nhưng, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy ngay sáng khai trương, từ bàn ghế, nhân viên phục vụ, đến hình thức kinh doanh đều chẳng có gì khác biệt ở các quán cà phê bình thường. Các nhân viên phục vụ vẫn quần jean, áo xanh với dòng chữ "Tứ phương vô sự - cà phê, giải khát"… chẳng có chút dấu hiệu nào cho thấy đây là một hình thức bảo tồn thích nghi có tính đặc thù của di tích.
Được biết, dịch vụ cà phê, giải khát ở lầu Tứ phương vô sự được Trung tâm BTDTCĐ Huế đã cho đấu thầu với mức giá trúng thầu là 200 triệu đồng/năm, hợp đồng khai thác kinh doanh trong 3 năm.
Người dân nói gì?
Ông Lê Hồng Anh Tuấn (có thâm niên công tác trong ngành du lịch, cũng là người đầu tiên gọi điện đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại Huế hôm 20.5, để phản ánh việc lầu Tứ phương vô sự, trưng 3 tấm biển lớn “Tứ phương vô sự lầu - cà phê, giải khát”) bức xúc nói: “Tôi đi qua đây và thật sự bất bình với cách làm của những người tham gia quản lý di tích. Tôi không rõ chức năng của di tích này ngày trước như thế nào nhưng chắc chắn nó không thể là một quán cà phê”.
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên - Huế, nói: “Theo tôi, nếu người ta chọn đây làm điểm dừng chân cho du khách giải khát khi vào tham quan Đại nội thì không nên. Vì những người quản lý di tích đều hiểu phải nên chọn vị trí nào và hình thức tổ chức như thế nào trong khu vực Hoàng thành cho hợp lý. Riêng lầu Tứ phương vô sự phải nên trả nó về đúng công năng mà sử sách triều Nguyễn đã ghi”.
Bùi Ngọc Long - Lê Công Doanh
Lầu Tứ phương vô sự là công trình hiếm hoi của hoàng cung quay mặt về phía bắc và cùng với cửa Hòa Bình làm nên một tổ hợp kiến trúc biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại nhà Nguyễn. Công trình nguyên là Đình Tứ Thông, xây dựng vào thời Gia Long thứ 3.1804, sau đó đến thời vua Đồng Khánh đã được tháo dỡ hoàn toàn vì không có điều kiện sửa chữa trùng tu. Năm 1923, vua Khải Định đã cho xây dựng tại đây một tòa lầu làm nơi nhà vua, hoàng gia lên hóng mát, ngắm cảnh và là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử và công chúa và đặt tên là Tứ phương vô sự lầu, sau đó bị triệt giải dưới triều Thành Thái. Tháng 12.2008, dự án phục hồi, hoàn nguyên công trình lầu Tứ phương vô sự, được triển khai và hoàn thành vào tháng 10.2010, với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỉ đồng.