Bút Lông - Không hẹn mà gặp, trong chương trình hành động của nhiều ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp đều có nội dung “quyết liệt chống tham nhũng”.
Từ anh công an đến nhà doanh nghiệp, từ vị chính khách đến nữ nghệ sĩ... dường như đều cảm nhận thấy sự căm ghét của quần chúng với “giặc nội xâm” tham nhũng nên dễ hiểu vì sao cử tri đã đồng loạt vỗ tay mỗi khi có ứng viên hứa rằng sẽ đưa quyết tâm này vào nghị trường.
Song như cách nói của ứng cử viên Nguyễn Phú Trọng thì quyết tâm ấy còn được cam kết cao hơn, là ngay cả khi không trúng cử, không cần phải vào Quốc hội, thì những người này vẫn gương mẫu ở nơi công tác, vẫn quyết liệt chống tham nhũng. Bởi tham nhũng hiện đã không bị đẩy lùi như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đặt ra, mà diễn biến ngày càng phức tạp, len lỏi đến mọi mặt của xã hội. Chính thế một ứng cử viên đã khái quát rất hình tượng: “Một con sâu đã nguy hiểm, một đàn sâu thì chết đất nước này”!
Theo số liệu công bố chính thức, số ứng cử viên ĐBQH kỳ này là 827 người; ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.832 người; HĐND cấp huyện là 21.131 người và HĐND cấp xã là 281.491 người. Những người này ở mọi thành phần, lĩnh vực, địa bàn, dân tộc, nghề nghiệp, chức vụ... nên họ hoàn toàn có thể là những “người lính” đại diện cho hàng chục triệu cử tri tuyên chiến với tham nhũng. Hay nói cách khác, ở vị trí của mình, chỉ cần mỗi người làm một việc, như anh công an nghiêm khắc hơn với tội phạm tham nhũng; nhà doanh nghiệp kiên quyết không đưa hối lộ, không làm trái; vị chính khách ban hành cơ chế tốt, chọn người ngay, diệt kẻ gian; nữ nghệ sĩ cổ vũ, động viên phong trào chống tham nhũng bằng tác phẩm nghệ thuật v.v... thì ý nghĩa đã rất lớn.
Còn nếu trúng cử đại biểu nhân dân, là thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất, thì hiệu quả chắc chắn cao hơn!
“Chống tham nhũng” nói dễ, làm khó. Nên lần này nếu hơn 300.000 ứng cử viên đại biểu nhân dân đều quyết tâm chống tham nhũng, chắc chắn cử tri sẽ có quyền hy vọng công cuộc chống “giặc nội xâm” sẽ có chuyển biến mạnh mẽ.