Phạm Huyền (VEF.VN) - Một nghiên cứu của Bộ KH&ĐT mới đây đã chỉ ra rằng, khi lạm phát bao trùm xã hội, thiếu đói và đình công ở Việt Nam tăng cao. Thu nhập thực của người lao động sụt giảm vì không đuổi kịp nổi tốc độ tăng giá. Mục tiêu giảm nghèo 2% năm nay có thể bị phá vỡ.
Thu nhập đuổi không kịp với giá sinh hoạt
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao đang trở thành nỗi lo ngại lớn nhất không chỉ cho các nhà quản lý chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Vòng xoáy của lạm phát có thể sẽ nhấn chìm các nỗ lực cải thiện chất lượng sống của người dân nghèo.
Theo nghiên cứu gần đây của bộ KHĐT, nhóm hộ nghèo ở Việt Nam đa số là những người nông dân ở vùng nông thôn, người làm công ăn lương, người hưu trí, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Nguồn thu nhập chính của người nghèo chủ yếu là từ nông, lâm, thủy sản, chiếm 55,5% tổng thu nhập, tiền lương tiền công chiếm 23,8% tổng thu nhập.
Khi lạm phát xảy ra, tiền lương tối thiểu thường tăng không đủ bù đắp mức tăng giá. Nguồn thu từ nông nghiệp không "lại" được với tăng giá đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu cho vận chuyển, chưa kể, còn chịu rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Hồi năm 2008, khi thu nhập người dân chỉ tăng 10-20% thì giá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã tăng tới 30-50%.
Khác với người giàu, tổng thu nhập eo hẹp khiến cho việc chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu của người nghèo là duy trì sự sống, mua lương thực thực phẩm, chất đốt luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 65,1%. Còn chi cho những nhu cầu thuộc về chất lượng sống như nhà ở, điện, nước, vệ sinh, y tế, giáo dục, giải trí... chỉ chiếm 34,9%. Với người giàu, việc ăn uống chỉ tiêu khoảng 45,9% tổng thu nhập, còn lại 54,1% là dành cho các nhu cầu về sức khỏe, giải trí và điều kiện sống khác.
Do đó, khi giá cả tăng cao, người nghèo sẽ phải dồn khoản tiền kiếm được chỉ để duy trì cuộc sống, như phải tăng thêm 0,5% tiền để mua thực phẩm, lương thực, thêm 0,5% tiền cho thuốc chữa bệnh và 1,4% cho đi lại (giai đoạn 2006-2008). Các nhu cầu may mặc, giáo dục, mua sắm đồ dùng, nhà ở bị co lại từ 0,2- 0,7%, dù nhóm người nghèo luôn được hưởng nhiều chính sách miễn giảm của Nhà nước.
Đặc biệt, với những người lao động nhập cư, nhóm này còn phải chi thêm tiền thuê nhà thường tăng từ 20-30%, tiền điện, tiền nước thường cao hơn 2-4 lần so với dân địa phương.
Cũng do tác động lạm phát, thu nhập bình quân của người lao động năm 2008 dù tăng lên 15,3% so với năm 2007 song vẫn thấp hơn tới 4,6% so với tốc độ tăng giá. Tương tự, thu nhập bình quân của người lao động năm 2010 dù tăng lên 10,3% so với năm 2009 thì vẫn bị sụt giảm tới 1,45% so với tốc độ giá cả.
Các chuyên gia của bộ này nhận định rằng, phản ứng chung của những hộ nghèo trước lạm phát là tiết kiệm mọi chi phí có thể, từ việc chọn nhà thuê rẻ hơn, điều kiện điện, nước, vệ sinh kém hơn, cắt giảm dinh dưỡng..., đồng nghĩa chất lượng sống bị giảm sút.
Thu nhập thực của người lao động sụt giảm vì không đuổi kịp nổi tốc độ tăng giá. Ảnh: VFEJ. |
Xoáy sâu vào đói nghèo
Thực tế 2 tháng đầu năm nay và năm 2007-2008 cho thấy, lạm phát đã để lại những những hệ lụy rất xấu tới an sinh xã hội.
Biểu hiện đáng ngại nhất là tình hình thiếu đói đã tăng cao trong tháng 1 và 2 vừa qua. Số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010 với 838,6 nghìn lượt. Đây cũng là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Nguyên nhân có thể do thiên tai, mất mùa... nhưng trong đó, giá lương thực tăng cao được coi là một yếu tố tác động mạnh nhất. Trong tháng 1, giá lương thực đã tăng 2,28%, thực phẩm tăng 2,74%, đến tháng 2, lần lượt các nhóm hàng này tăng 1,51% và 4,53%.
Mối liên hệ hữu cơ mật thiết giữa lạm phát và đói nghèo đã được minh chứng ở năm 2008. Đây là năm mà CPI có mức tăng kỷ lục tới 19,9% và khi đó, số lượt nhân khẩu thiếu đói cả năm đã lên tới hơn 4 triệu lượt, cao nhất của giai đoạn 2006-2010. Tình trạng này diễn ra nặng nề ở vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, là những vùng không sản xuất lúa gạo, vốn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước.
Tiền lương, tiền công tăng lên chỉ là danh nghĩa, không đủ bù đắp mức tăng giá sinh hoạt. Trong khi đó, đây lại là nguồn thu nhập chính của công nhân, lao động tự do, lao động phổ thông. Nghịch lý này đã đẩy quan hệ lao động ở các nhà máy, khu công nghiệp trở nên căng thẳng.
Bộ KHĐT cho biết, năm 2008, số vụ tranh chấp lao động và đình công đã tăng 30% so với năm 2007. Năm 2009, chỉ số giá "âm", đình công chỉ bằng 30% của năm 2008 nhưng đến năm 2010, chỉ số giá vượt 2 con số thì mọi sự lại có vẻ bất ổn như cũ. Đình công đã xảy ra ở 19 tỉnh, thành cả nước và tăng tới...93% so với năm 2009.
Khi mức sống bị kéo lùi, lạm phát trở thành bóng ma tác động tiêu cực tới tâm lý của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vì lẽ đó, lạm phát không đơn giản tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô mà còn làm gia tăng sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
Tính thêm trượt giá, nghèo vẫn hoàn nghèo
Các phân tích của Tổng cục Thống kê còn cho thấy, lạm phát đẩy người nghèo càng nghèo hơn. Các chuẩn nghèo của Việt Nam bỗng dưng bị mất tính chân thực.
Khi tính các chuẩn nghèo mới của Việt Nam cho giai đoạn 2011-2015, lạm phát năm 2010-2011 được giả định là 8- 8,5% cho khu vực thành thị, 7-7,5% cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế, CPI bình quân năm 2010 ở 2 khu vực này đã cao hơn lần lượt là 1,92% và 0,58%.
Dự báo năm 2011, CPI bình quân năm sẽ cao hơn tới 5,4- 6,4% so với mặt bằng trên. Các chuyên gia của Tổng cục này cho biết khi đó, giá trị thực tế của chuẩn nghèo 5 năm tới sẽ bị mất khoảng 7-8% giá trị, tức khoảng 30.000- 40.000 đồng/người/tháng. Vì thế, số hộ nghèo vừa vươn lên... ngưỡng hộ cận nghèo về bản chất, vẫn hoàn nghèo như cũ.
Một phép tính logic đã được cơ quan này nêu rõ, khi lạm phát tăng cao thì tỷ lệ giảm nghèo sẽ bị giảm.
Giả sử như CPI tháng 12/2011 tăng 7%, CPI bình quân là 11,9%, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam có thể giảm được 1,5 điểm %. Nhưng khi CPI tháng 12 năm nay tăng 9%, CPI bình quân năm tăng 13,1% thì tỷ lệ hộ nghèo bị giảm đi 1,3 điểm %. Còn nếu CPI tháng 12 năm nay tăng tới 12%, CPI bình quân tăng 13,9% thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm 1 điểm %.
Như vậy, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam theo Quốc hội đặt ra là giảm 2% sẽ khó đạt được.
Với những nghiên cứu trên, không thể không lo ngại rằng, một kịch bản về thiếu đói, đình công và bất ổn xã hội nói chung sẽ tái diễn nếu lạm phát năm nay không được kiềm chế tốt. Bên cạnh nhưng giải pháp "đánh trực diện" vào lạm phát như tài khóa, tiền tệ, giảm đầu tư công, giảm bội chi, bộ KHĐT cho rằng, các chương trình giảm nghèo cần phải được rà soát lại.
Những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo phải được tăng cường thay vì qua trung gian. Giai đoạn năm 2011-2015 là dịp để nhìn lại sâu sắc hơn việc xã hội cần chia sẻ với Nhà nước, gánh vác các chính sách an sinh xã hội như thế nào và sự chủ động vươn lên của các hộ nghèo đến đâu?
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở 2 khu vực này lần lượt có thu nhập từ khoảng 401.000 đồng- 520.000 đồng/người/tháng và 501.000- 650.000 đồng/người/tháng. Hiện, cả nước có 3,1 triệu hộ nghèo, chiếm 14,42% và 1,65 triệu hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,69%. Các tỉnh có hộ nghèo nhiều nhất là Lào Cai, Điện Biên (trên 50%), Lai Châu, Hà Giang (trên 40%), Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum (trên 30%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,75%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,17% và tháng 4 tăng 3,32% so với tháng liền kề trước. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tháng 4 tăng 9,64%. Bình quân 4 tháng năm 2011 so với cùng kỳ năm 201, CPI tăng 13,95%. |
http://vef.vn/2011-05-15-lam-phat-dang-khoet-sau-vao-doi-ngheo