Đã nhận làm đại biểu của dân thì không nên im lặng - Dân Làm Báo

Đã nhận làm đại biểu của dân thì không nên im lặng


Như Nguyên  – Quan sát hoạt động ở QH và HĐND nhiều địa phương, cử tri thấy có những đại biểu gần như chẳng bao giờ phát biểu cả. Vậy tại sao các vị đó nhận lời làm đại biểu của dân? Và chúng ta bầu các vị đó để làm gì? - Ông Nguyễn Minh Thuyết. 

Trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra khắp cả nước,Tamnhin.net đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông nguyên là đại biểu QH 2 khóa liên tiếp XI, XII vừa qua.

Chúng ta vẫn hay nói rằng phải lựa chọn người đủ tài đủ đức bầu vào Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp. Vậy theo ông, chọn người đủ tài đủ đức là như thế nào, và bầu như thế nào là đúng tiêu chí đủ tài, đủ đức?

Ông Nguyễn Minh Thuyết.

Theo tôi, ứng cử viên đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân đã được chọn lọc qua đủ các vòng hiệp thương, được nhân dân ở nơi cư trú, nơi làm việc tán thành thì có thể nói là họ đã đủ đức đủ tài. Vấn đề là mình không thể bầu tất cả những người này vào QH hay HĐND.

Vậy thì chúng ta sẽ phải chọn những người có nhiều điều kiện nhất và có thái độ sẵn sàng cao nhất thực hiện quyền đại diện cho nhân dân ở cơ quan dân cử. Đủ điều kiện có nghĩa là am hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương và có đủ thời gian để tham gia các hoạt động của QH, HĐND. Có thái độ sẵn sàng cao nhất nghĩa là thực sự tự nguyện gánh vác nhiệm vụ đại diện cử tri để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân tại các cơ quan dân cử. Đây là tiêu chí rất quan trọng.

Quan sát hoạt động ở QH và HĐND nhiều địa phương, cử tri thấy có những đại biểu gần như chẳng bao giờ phát biểu cả. Vậy tại sao các vị đó nhận lời làm đại biểu của dân? Và chúng ta bầu các vị đó để làm gì? Nếu quan niệm ra ứng cử chỉ vì tổ chức phân công thôi thì rất khó gánh vác công việc có kết quả, bởi vì làm đại biểu dân cử là công việc rất nặng nề, nhiều khi phải chấp nhận thử thách, phải hy sinh lợi ích của mình. Nếu một người chưa sẵn sàng gánh vác công việc của đại biểu dân cử thì nên để người ta tiếp tục công việc hiện nay tốt hơn.

Xin ông phân tích rõ hơn về việc có những đại biểu suốt mấy năm tham gia QH chẳng bao giờ phát biểu, đó là vì lý do gì? Và ông đánh giá thế nào về điều này?

Về lý do không phát biểu ý kiến, nếu chúng ta có điều kiện hỏi chính những đại biểu đó thì sẽ hiểu rõ hơn. Tôi chỉ có thể phỏng đoán theo quan sát của mình thôi.

Theo tôi, các vị đại biểu là lãnh đạo cao cấp thường ít phát biểu, có thể vì các vị ấy quan niệm rằng đã có những diễn đàn khác để phát biểu rồi;  đến QH, HĐND, các vị muốn lắng nghe là chính, nhường cho các đại biểu khác phát biểu. Mình có thể hình dung họp QH, HĐND cũng gần giống họp hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Khi ra cuộc hội nghị ấy, lãnh đạo chủ yếu lắng nghe anh em xem người ta nhận xét, góp ý, phê bình mình như thế nào.

Nhưng dù sao, QH và HĐND không chỉ có nhiệm vụ phê bình, chất vấn mà còn thảo luận về luật, về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Theo tôi, các vị đại biểu là lãnh đạo nên tham gia phát biểu về những vấn đề này. Ở tầm của các vị lãnh đạo cao cấp thì ý kiến thường rất sâu sắc, và cũng là phản ánh ý kiến của TW, do đó có thể tác động đến QH, HĐND tốt hơn.

Đối tượng thứ hai là các đồng chí lãnh đạo địa phương cùng ít khi tham gia phát biểu. Có thể vì khi phát biểu, nói lên những hạn chế của ngành này ngành kia, chất vấn bộ trưởng này, bộ trưởng khác thì các đồng chí  ngại ảnh hưởng đến địa phương mình.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, các đồng chí cũng nên phát biểu góp ý về luật, về kinh tế vùng... để giúp cho các đại biểu khác hiểu thêm về tình hình của các địa phương, điều này chỉ có lợi chứ không có hại. Ở QH khóa XII, trong các lãnh đạo địa phương, có ông Vũ Hoàng Hà - Bí thư tỉnh ủy Bình Định rất tích cực tham gia phát biểu với những ý kiến rất thẳng thắn, sâu sắc và xây dựng.

Đối tượng thứ ba là đại biểu từ các đơn vị cơ sở. Tất nhiên không phải tất cả các đại biểu từ cơ sở đều ít phát biểu.  Có những đại biểu QH khóa XII hoạt động ở cơ sở rất tích cực phát biểu và có những ý kiến được dư luận đánh giá rất cao, như đại biểu Nguyễn Đình Xuân - GĐ Vườn quốc gia Lò Gò, tỉnh Tây Ninh hay đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương - giảng viên ĐH Đà Nẵng... Nhưng cũng có khá nhiều đại biểu ngại phát biểu. Có thể vì các vị đại biểu này thường ít có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội nhiều, nên họ có thể có những sự ngần ngại nhất định, nhất là trong những kỳ họp đầu.

Thực ra, trừ những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, phần lớn các đại biểu QH, HĐND đều là những người mà khi được giới thiệu vào QH, HĐND mới dành thời gian quan tâm sâu hơn đến những vấn đề về chính trị - xã hội. Nhưng nếu ai cũng ngại ngần phát biểu thì sẽ không nói lên được ý kiến của dân. Và nếu mình không tích cực tham gia thảo luận, tranh luận thì mình không bao giờ nâng cao được kỹ năng hoạt động dân cử.

Đại biểu dân cử không tích cực tham gia ý kiến về các vấn đề QH, HĐND bàn thảo thì rõ ràng là chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri. Bởi vì cử tri bầu mình vào đây không phải là bầu để đi dự họp mà là để mình nói lên tiếng nói của cử tri, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Với việc tất cả các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đều tham gia ứng cử vào QH kỳ này, ông cho rằng sẽ làm tăng hay giảm đi quyền lực giám sát của QH?

Việc này, tôi nghĩ có ưu điểm và hạn chế nhất định. Các ủy viên Bộ Chính trị là những người lãnh đạo cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tham gia QH, một mặt các đồng chí có thể truyền đạt ý kiến, quan điểm của cấp cao nhất đến ĐBQH một cách trực tiếp ; mặt khác, các đồng chí cũng được nghe trực tiếp ý kiến của những người đại diện cho dân. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị sẽ có nhiều thông tin hơn để đề ra những quyết sách đúng đắn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị khó có đủ thời gian tham gia các công việc của QH. Cho nên việc vào QH để tham gia ý kiến và lắng nghe ý kiến của dân cũng sẽ bị hạn chế.

Một hạn chế nữa cũng nên hình dung trước là: khi các ủy viên Bộ Chính trị tham gia ý kiến, cũng có thể nhiều đại biểu QH sẽ cảm thấy ngại tranh luận vì cho rằng ý kiến ấy đã là ý kiến chỉ đạo của cấp cao rồi. Nhưng đại biểu nghĩ như thế là không đúng, vì đây là diễn đàn dân chủ của dân, các đại biểu đều có quyền và có nhiệm vụ thảo luận, tranh luận, quyết định bình đẳng với nhau.

Tuy nhiên đây có thể là khóa QH đầu tiên thí điểm thôi. Mình cũng phải cân nhắc xem có nhất thiết tất cả các đồng chí trong ban lãnh đạo cao nhất của Đảng cần vào QH không hay chỉ cần thông qua những người đại diện của mình là được.

Theo ông, có những điều gì cần rút kinh nghiệm từ hoạt động của QH khóa XII ? 

Từ Đổi Mới đến nay, hoạt động của QH càng ngày càng sôi động hơn, dân chủ hơn và hiệu quả hơn, thu hút được sự quan tâm của người dân. QH khóa XII được dư luận đánh giá cao về phong cách sinh hoạt dân chủ, về một số quyết sách đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng của cử tri.

Còn nói đến hạn chế trong hoạt động QH khóa XII, trước hết, về công tác lập pháp, vẫn có những quy định pháp luật chưa sát thực tế, thậm chí có những luật như Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa mới ra đời đã lạc hậu. Một điều nữa là, trong xây dựng pháp luật, sáng kiến về luật của các đại biểu hầu như không có. Tất nhiên, xây dựng cả một đạo luật đòi hỏi rất nhiều điều kiện mà đại biểu không thể có được. Tuy nhiên, đại biểu vẫn có thể trình bổ sung, sửa đổi một vài điều luật không phù hợp với thực tế - chuyện này QH ở các nước người ta vẫn thường làm.

Một hạn chế nữa trong công tác lập pháp là việc QH chưa giám sát thường xuyên, sát sao việc Chính phủ và các Bộ hướng dẫn thi hành luật. Có nhiều trường hợp quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành luật không phù hợp với luật. Điều này không thể chấp nhận được. Bởi, mối điều luật được QH thông qua là thể hiện ý chí của dân, không ai có quyền siết chặt lại hay nới rộng ra nữa.

Hoạt động giám sát của QH khóa XII được tổ chức thường xuyên, đi vào những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, lợi ích của nhân dân. Nhân dân hoan nghênh những cải tiến trong công tác chất vấn tại các kỳ họp và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu QH trong hoạt động này. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của giám sát vấn chưa cao ; việc kiểm điểm trách nhiệm và đánh giá các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện lời hứa chưa nghiêm.

QH khóa XII đã quyết định khá nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Có những vấn đề được đồng tình cao,  cũng có những vấn đề chưa được nhất trí (như dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam), có vấn đề tuy đã được QH thông qua nhưng nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn (như dự án mở rộng Hà Nội). Tôi hy vọng rằng các đại biểu khóa sau sẽ nghiên cứu kĩ các vấn đề này để có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Ngày bầu cử QH  Khóa XIII đã đến gần mong rằng cử tri sáng suốt lựa chon các Đại biểu  thực sự của dân.


Xin cảm ơn ông!

http://tamnhin.net/Diemnhin/11048/Da-nhan-lam-dai-bieu-cua-dan-thi-khong-nen-im-lang.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo