Thanh Phương- Trang mạng Bauxite Việt Nam cho biết : nhiều người ký tên thỉnh nguyện thư trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong những ngày qua đã bị sách nhiễu dưới nhiều hình thức. Trong số này có tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cũng theo trang mạng Bauxite Việt Nam, một số kẻ còn có hành động « xúc phạm các bậc lão thành cách mạng bằng cách đi dò hỏi xem ai viết văn bản hộ các cụ, chữ ký của các cụ có chính xác hay không, có ai đứng đằng sau “ký hộ” các cụ không ! »
Qua vụ này, ban điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam khẳng định là : « Việc các công dân nhận thấy một vụ án oan sai và cùng nhau ký thỉnh nguyện trả tự do cho bị cáo – trường hợp tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – là một hoạt động bình thường của một xã hội dân chủ, văn minh, pháp trị. Pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyệt nhiên không có điều khoản nào cấm công dân ký thỉnh nguyện thư loại đó. »
Bauxite Việt Nam tuyên bố không tán thành « cách hành xử bạo lực, kể cả hành xử theo lối đe dọa việc tự do biểu đạt ý kiến của các công dân. »
Trong số những người bị sách nhiễu vì ký tên thỉnh nguyện thư trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ, có tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM và là tác giả nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật có giá trị về văn học và triết học phương Tây .
Trong các trang nhật ký gởi cho Bauxite Việt Nam, Nguyễn Thị Từ Huy cho biết theo lệnh của công an, một cán bộ quản lý trường đã liên lạc với cô và yêu cầu viết một đơn gởi lên trường, trong đó nói rõ là cô đã ký vào kiến nghị, nhưng Từ Huy đã từ chối gặp viên cán bộ đó và cũng không viết đơn.
Bản kiến nghị trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ do Bauxite Việt Nam khởi xướng và phát đi từ ngày 9/4/2011. Tính đến này 30/04/11, bản kiến nghị này đã thu được gần 1900 chữ ký.
Chủ quyền Biển Đông
Về quan hệ Việt Nam Trung Quốc, ngày 13/05/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối việc chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông từ ngày 16/5 đến 1/8. Phía Việt Nam cho rằng đây là một hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo thông tấn xã Việt Nam, cũng hôm qua 13/05/11, một đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để hỏi về thông tin theo đó, một tàu ngư chính của Trung Quốc tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 đến 25/05/11