Kỳ Duyên (Tuần VietNamNet) - Nợ dân, sự tham lam và trách nhiệm..."quá đát" là chủ đề nổi bật của tuần này. Nó cũng là những lát cắt của cuộc sống không ít nỗi buồn mà Phát ngôn và hành động xin được gửi tới bạn đọc.
Nợ dân
Một sự kiện nổi bật trong xã hội và trên trang nhất các báo trong tuần này là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử đại biểu HĐND các cấp vừa diễn ra trong ngày chủ nhật 22-5. Với hơn 62 triệu cử tri đi bầu để chọn ra 500 đại biểu QH, hơn 300.000 đại biểu HĐND các cấp, đây là cuộc bầu cử "kép" có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Và số tiền đầu tư cho cuộc bầu cử lớn không kém: 700 tỷ đồng.
Chợt nhớ đến bầu cử thời bao cấp. Bà ngoại tôi họp tổ dân phố về cứ thì thào to nhỏ: "Các ông trên nhắc, nhớ bầu cho số 1,2... gạch số 3,4 nhá". Khi nói cụm từ "các ông trên", nét mặt bà tôi trông thành kính, sợ hãi lắm. Và bà bắt tất cả con cháu phải đi bầu thật sớm, vì còn thi đua giữa các tổ.
Thành thử chưa đi bầu nhưng ai cũng biết phải gạch số 3,4, bầu số 1,2... Cái quyền bầu cử của mỗi người lại biến thành định hướng chung cho mọi người. Vậy mà chả biết nghe bà tôi "quán triệt" ra sao, tai ngược tai xuôi thế nào, mẹ tôi đãng trí gạch béng số 1, 2... , bầu cho số 3,4. Khi biết là gạch nhầm, mẹ tôi kêu giời kêu đất, nét mặt ân hận, rầu rĩ suốt cả ngày. Không hiểu sao, những ngày này, tôi lại nhớ đến vẻ mặt rất tội tội của mẹ. Nhớ đến cái thời, đời sống xã hội thì cực lắm, dân trí lại thấp, mà mọi niềm tin nơi dân đặt ở Chính phủ là vô giá, nhất cử nhất động. Thiệt tài!
Nghiên cứu thông tin ứng viên trước khi bỏ phiếu. Ảnh Lê Anh Dũng. |
Mà thời đó, họp QH thì chỉ có đại biểu QH họp "kín" với nhau, theo cách nói dân dã của GS Hồ Ngọc Đại. Dân chỉ biết có Nghị quyết khi đã ban hành và công bố trên báo đài. Có biết ông X, bà Y nói ra sao, mần ra sao để mà giám sát?
Nhưng ngọn gió Đổi mới đã nổi, cuốn đi rất nhiều những cái cũ kỹ, xơ cứng, lỗi thời, buộc người ta phải thay đổi rất nhiều, phải tự lớn lên để thích ứng. Từ cá nhân nhỏ bé, đến tổ chức lập pháp to như QH.
Có một đặc điểm riêng biệt, mà cố GS- sử gia kinh tế Đặng Phong từng lưu ý. Đổi mới ở xã hội VN không bắt đầu từ một cá nhân nào khởi xướng, mà nó như một xu thế tâm lý mong mỏi, mỗi lãnh đạo góp chút ít, và được nhân dân đồng thuận hướng theo. Đổi mới là ngọn gió nồm nam sau những năm tháng dài oi bức, nghiễm nhiên cuốn tất cả xã hội vào luồng. Ngọn gió đổi mới ấy cũng đã dần lan đến sinh hoạt nghị trường, đem đến những điều mới mẻ.
Từ lúc, báo chí chỉ được phát lại bản tin khai mạc, bế mạc kỳ họp QH của TTXVN, đến lúc các báo bắt đầu được tường thuật tranh luận, được phỏng vấn tại nghị trường
Từ lúc, các đại biểu QH muốn phát biểu phải viết bản thảo gửi lên để Đoàn Chủ tịch duyệt, đến lúc họ được tự do phát biểu, tự do tranh luận.
Từ lúc, nhân dân chỉ biết đọc Nghị quyết ban hành của QH đến lúc được xem truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn giữa nghị trường. Đến nỗi, luật sư Nguyễn Đăng Trừng có một phát ngôn ấn tượng: "Nhiều cử tri nói với tôi là họ thích theo dõi các phiên họp này của QH như thích xem phim, kịch, tuồng, cải lương hay". (Báo Tuổi Trẻ, ngày 20-5).
Từ lúc, các thành viên Chính phủ giải trình (giảng giải cho rõ một vấn đề, có dẫn chứng tường minh), đến lúc họ bắt đầu làm quen với việc "điều trần" (trả lời chất vấn, phân tích, cung cấp thông tin, đánh giá thông tin trước khi trình QH về các vấn đề thuộc lĩnh vực họ quản lý) mà cử tri quan tâm
Từ "họp kín" đến công khai, từ duyệt phát biểu đến tự do phát biểu, từ giải trình đến điều trần... không chỉ là một thước đo khoảng cách thời gian, hay khái niệm chữ nghĩa. Mà đó là một thước đo mang tầm lịch sử- giữa cái cũ và cái mới, giữa cái xơ cứng và cái mềm dẻo, giữa cái lạc hậu với cái văn minh!
Và cho đến kỳ họp QH Khóa XII mới đây, có thể coi là kỳ họp sôi động nhất, thành công nhất từ trước đến nay. Ở đó, những thành bại, những được mất của cơ chế quản lý, của mô hình kinh tế Nhà nước, tư nhân ... bắt đầu được đặt lên bàn cân của thực tiễn đời sống đang không ít bất an.
Những chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu vì thế không thể né tránh. Họ phải vừa thẳng thắn, vừa có cả sự khôn ngoan dày dạn giữa nghị trường. Nhưng nhân dân, cuối cùng vẫn là người thầy nghìn mắt nghìn tay chấm điểm đức tài của họ.
Dù vậy, nhân dân đã có thể kỳ vọng vào trí tuệ của các đại biểu vừa được bầu? Nếu biết rằng, số đại biểu chuyên trách ở khóa trước mới chiếm khoảng 25%. Nếu biết rằng, vẫn còn nhiều đại biểu kiêm nhiệm quản lý chính quyền cơ sở, nên có vị cùng một vấn đề hôm trước nói xuôi, hôm sau nói ngược, khiến nhân dân không biết lời nào đúng, lời nào sai?
Nếu biết rằng còn nhiều đại biểu vắng mặt ở các kỳ họp. Và nếu biết rằng có không ít đại biểu suốt cả kỳ họp đều ngồi "thiền"? Nhân dân và những cử tri đã bỏ phiếu bầu cho họ sẽ nghĩ gì về lời hứa hẹn của các vị khi ứng cử?
Thế nên, dù cuộc bầu cử thành công về phương diện tổ chức, với hơn 97% cử tri đi bầu, nhân dân vẫn đang kỳ vọng ở tài nằng và trách nhiệm của các đại biểu trúng cử kỳ này. Bởi khi mà tham nhũng quốc nạn nhức nhối được các cử tri đề cập ở tất cả các cuộc chất vẫn chưa có giải pháp đẩy lùi). Đến nỗi, một cán bộ lãnh đạo cao cấp phải kêu lên là xấu hổ vì "nhiều sâu" quá. Ông xấu hổ, còn nhân dân thì đau đớn và quá bất bình.
Vì thế, 500 đại biểu QH trúng cử nhiệm kỳ mới này khi bước vào nghị trường xin đừng quên còn nợ dân- một lá phiếu bầu- cũng là một món nợ lớn về trách nhiệm xã hội của đại biểu QH trước thách thức của sự phát triển quốc gia, với vị thế là đại biểu của dân, do dân và vì dân.
Sự tham lam
Mới đây, báo SGGP, báo Pháp Luật, Tiền Phong... đưa tiếp tin "Giữ 2 tỉ đồng tiền ủng hộ đồng bào miền Trung". Đây là số tiền nằm trong số 2,5 tỷ đồng MTTQ tỉnh Kiên Giang vận động, quyên góp được từ dân để hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Thế nhưng thay cho việc phải nộp lên trên, đoàn thể này chỉ nộp 500 triệu đồng.
Số tiền giữ lại được một số cán bộ lãnh đạo của UBMTTQ tỉnh ngang nhiên chi sai mục đích, dẫn đến việc như bà Nguyễn Hồng Tươi, Chánh Văn phòng UB thực chất là chiếm dụng gần 200 triệu đồng, Còn lại 800 triệu đồng chi cho các khoản thăm đối tác, mua quà tặng...
Nếu không bị phát hiện, không hiểu cái sự tham lam "của người phúc ta" này đi đến đâu?
Sau cái sự kiện tham gia và đấu giá từ thiện ảo của một vài kẻ lừa đảo nhân danh đại gia cách đây chưa lâu, nay lại đến việc một đoàn thể lợi dụng danh nghĩa quyên góp để chiếm dụng tiền của người nghèo trong cơn hoạn nạn. Nghe sao nó bất nhẫn quá!
Đất nước lại luôn phải chung sống với bão lụt, nhất là miền Trung. Với cách ém tiền từ thiện kiểu này, liệu người dân có còn sẵn lòng lá lành đùm lá rách nữa không? Hay khi các quan chức bớt xén tiền hỗ trợ của những người nghèo không tấm áo che thân, cũng chính là khi phẩm cách cán bộ của họ bị "te tua" tồi tệ?
Tiếc thay, cái sự te tua về phẩm cách cán bộ, giờ hơi bị nhiều.
Sau bài viết Cấp gạo cứu đói, cán bộ xã "ký thay" dân đăng trên báo Dân Việt ngày 5-5- 2011, mới đây, Tamnhin.net lại có bài viết cùng chủ đề- chữ ký: "Chuyện quan xã giả chữ ký của dân".
Cũng chỉ vì cái chữ ký của các quan chức xã Diễn Lợi (Diễn Châu- Nghệ An) mà đang bầu cử, 50 hộ dân của xã này bức xúc đến độ viết đơn tố cáo các quan xã lập kế dấu lâm bạ, giả chữ ký của họ, những người dân trồng rừng thông.
Rừng thông này họ trồng đã được 10 năm. Khi thông đã có thể cho nhựa, họ lên xã hỏi lâm bạ để đến ngân hàng vay tiền khai thác. Đến lúc này người dân mới ngã ngửa, lâm bạ của họ bị xã giấu biệt, và điều đáng nói là xã lại còn "ký hộ" họ cái hợp đồng khai thác nhựa thông với một đối tác khác, từ 1998-2013.
Rõ khéo, lúc làm rừng thì quan xã chẳng làm hộ, lúc ký cọt thì lại ký hộ, mà chả chịu cho dân biết???.
Nói thẳng ra là ký trộm
Chưa hiểu câu chuyện này sẽ ngã ngũ ra sao, chỉ biết, khi bị hỏi vặn, ông Chủ tịch xã Diễn Lợi, người mới về làm chủ tịch 2 năm nay im lặng hồi lâu rồi mới nói: Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại!. Ông im lặng do không rõ những ai đó ký trộm hay là một kiểu lùi khéo để thoái thác trách nhiệm?
Còn người viết bài này trộm nghĩ (chứ không phải trộm ký nhé), sao các cán bộ xã cứ mê mẩn cái chữ ký của dân thế. Nếu mê đến thế, sao không tự giác từ quan, về làm dân cho rồi, khỏi mang tiếng ...tham?
Nhưng nói thật, đọc những thông tin về cái sự tham của cán bộ, chỉ thấy một vị đắng chát. Cán bộ quản lý các cấp là cánh tay nối dài giữa Nhà nước với dân, nhất là cán bộ cơ sở lại là cán bộ gần dân nhất. Nhưng những việc làm khuất tất, không đàng hoàng của các bác khiến các bác dễ trở thành xa dân nhất. Mà họa của một đất nước có khi lại bắt đầu từ sự rạn nứt giữa dân và cán bộ, rạn nứt vì cái sự tham lam, từ bé xíu như cái hạt gạo đến to tướng như cái tiền ...tỷ
Sự tham lam, trong thời buổi kim tiền này cũng lạ lắm.
Lạ như tấm bia tự phong của VietinBank - Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam và UBI - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị. Đây là 2 doanh nghiệp lớn đã góp phần đầu tư trong số hơn 20 tỷ đồng được huy động từ tất cả các nguồn cho việc xây dựng quần thể Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) được Tamnhin.net đề cập đến trong bài viết: "Nơi thiêng liêng sao lại để thế này?".
Cái tít bài, giống như một câu hỏi thảng thốt của bất cứ ai có dịp đến chiêm ngưỡng tấm bia đá khẳng định chủ quyền đất nước ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.
Thảng thốt, vì trên tấm bia thiêng liêng, không biết vì sao, lại hồn nhiên một cụm từ tiếng Anh sai chính tả được khắc rất trịnh trọng, khiến những người biết tiếng Anh bỗng xấu hổ. Đó là cụm từ tỉnh Hà Giang được ghi thành Ha Giang Provine, trong khi lẽ ra phải là Province. Với lỗi chính tả này, người nước ngoài sẽ không thể hiểu bởi đó là từ mà ở tiếng Anh (Pháp) đều không có nghĩa.
Nhưng khách thăm sẽ còn thảng thốt hơn nữa, ngỡ ngàng hơn nữa khi thấy, song song với tấm bia chủ quyền Tổ quốc là một tấm bia khác khắc tên "chủ quyền" đóng góp của 2 doanh nghiệp nói trên- VietinBank và UBI. Hẳn là 2 doanh nghiệp có máu mặt nhất, đóng góp nhiều nhất cho việc xây dựng quần thể này.
Sau phút ngỡ ngàng, người ta bỗng thấy sượng sùng vì cái sự tự vinh danh nó khiến các doanh nghiệp này vô tình thành lố bịch. Có thể những doanh nghiệp này rất giầu tiền, nhưng lại hơi nghèo trí, và nghèo cả tâm!
Nói thật nhé, để Cột Cờ Lũng Cú đứng hiên ngang, vững chãi trên địa đầu Tổ quốc; để đất nước luôn nhiều sóng gió này mãi trường tồn với nền độc lập và tự do, đã có hàng triệu chiến sĩ, những con dân anh hùng, có danh và vô danh nằm xuống. Có người còn nằm ở đâu đó, trong cánh rừng hay ven suối, trên đồi cao hay thung sâu...Máu xương những người con đã ngã xuống không thể đo đếm được. Không hiểu số tiền 2 doanh nghiệp này đóng góp "vô giá" đến thế nào, để họ dựng bia vinh danh? Hay rút cục, chỉ để mua bia miệng người đời, và chôn luôn cái văn hóa của họ?
Và trách nhiệm ...quá đát?
Mới đây, cả xã hội lại kinh hoàng trước một tai nạn đường sông khủng khiếp: Con tàu BD-0394 (Công ty du lịch xanh Dìn Ký) đã bị chìm khi đưa khách dạo chơi trên sông Sài Gòn (đoạn xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An- Bình Dương). Trên tàu khi đó đang có cuộc vui sinh nhật bé Quách Hồng Đạt, 3 tuổi. Tai nạn bất ngờ, phút chốc đã biến ngày sinh của 1 em bé, thành ngày mất của 16 con người, trong đó có cả bé Đạt. Cha bé Đạt đã không còn cả nước mắt để khóc cho nỗi bất hạnh gia đình mình- 9 cái tang cùng lúc.
Sau phút giây bàng hoàng, người ta đau xót nhận ra, chưa bao giờ, tai nạn giao thông nước ta lại nhiều và dễ dàng đến thế, ở bất cứ đâu, đường bộ, đường sắt, đường thủy... cho dù nó không miễn dịch với bất cứ quốc gia nào. Nhưng nó sẽ thành thảm họa, thành chuyện thường ngày với quốc gia nếu trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trở nên 'quá đát"?
Mới không lâu, xã hội bàng hoàng trước vụ chìm tàu du lịch Trường Hải 06 trên vịnh Hạ Long, làm 12 người chết... Và nay- tàu Dìn Ký. Những cái chết đều được báo trước, chỉ những khách du lịch vô tội, không biết mà thôi.
Vì sao? Vì khi tàu Dìn Ký chìm xuống, cũng là lúc sự thật chết người của nó phơi bầy, thông qua câu trả lời- cũng là thú tội của ông Châu Hoàn Tâm, Giám đốc công ty. Một loạt bài điều tra của các báo cho thấy từ giám đốc, lái tàu, đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền đều "nói không" với trách nhiệm của mình. Đó là:
- Tàu đã quá hạn kiểm định nhưng không được đưa đi đăng kiểm, vẫn sử dụng chuyên chở khách.
- Tài công không đủ điều kiện (không có bằng lái) nhưng vẫn lái tàu.
- Cảng du lịch không được phép mở, nhưng tàu Dìn Ký vẫn ngang nhiên hoạt động chui (?)
Đáng ngạc nhiên nhất là cái sự ngang nhiên của tàu Dìn Ký. Một đống gạch đất trong tít ngõ sâu nhà dân, mà cơ quan chức năng cũng biết, lập tức có mặt để phạt nữa là con tàu lừng lững không phép, không đăng kiểm cứ lượn lờ trên sông thì quả khó hiểu? Con tàu khó hiểu hay chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khó hiểu?
Chưa kể, bắt đầu có sự đá bóng trách nhiệm. Khi ông đường thủy nội địa kể tội ông quản lý du lịch vẫn cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh, ngay cả khi ông nội địa không cấp phép bến và đã xử phạt tàu. Dư luận xã hội đang chờ ông quản lý du lịch "đón bóng" ra sao!
Còn Bộ GTVT cũng lập tức có văn bản gửi các tỉnh yêu cầu gấp rút "tăng cường công tác kiểm tra hoạt động chở khách du lịch của phương tiện thủy tại các địa phương", theo môtip "mất bò mới lo làm chuồng"
Sự sống vốn thiêng liêng và đáng trân quý. Và những cái chết trong chớp mắt ấy, rất có thể sẽ không thể xảy ra, nếu như trách nhiệm các cơ quan quản lý không... quá đát?
Kỳ Duyên