(Qua bài “Về sự ngộ nhận của Gs Bảo Châu” trên báo Công an)
V. Quốc Uy
1/ Tác giả Quý Thanh nào đó thật không biết gì về chuyện “Luận anh hùng”. Luận anh hùng mà nhặt toàn chuyện bếp núc, đời tư, chẳng những thế còn xuyên tạc!
Anh hùng là người đáp ứng được những đòi hỏi lớn lao của xã hội trong một tình huống cụ thể, dám đương đầu một cách xứng đáng giải quyết một bế tắc, một nhiệm vụ khó khăn nào đó mà thời đại đặt ra, và nếu sứ mạng ấy là có thật thì mọi điều khác chỉ là chuyện nhỏ. Mặt khác cũng không thể lấy kết quả thành bại để luận anh hùng.
Muốn hiểu vấn đề tận gốc trước hết phải biết xã hội Việt Nam thực trạng ra sao?
Hơn nửa thế kỷ qua, do những trớ trêu của lịch sử, dân tộc ta đã tốn bao xương máu giành độc lập nhưng kết cục chẳng ngờ chuốc lấy một chủ nghĩa ảo tưởng, dựa trên toàn những ý niệm “Utopia” bốc đồng, khiến cho sau những thắng lợi ban đầu liền phải đối mặt với những phi lý ngày càng trầm trọng, những yếu tố rất tốt ban đầu cứ dần dần thoái hoá, lãnh đạo trở nên cực quyền, đối lập với nhân dân, thay vì mở đường để ra khỏi cơn đại hoạ hão huyền mộng mị lại chọn cách bảo tồn nền tảng phi lý, tăng cường khống chế nhân dân bằng sự lừa mị và bằng bạo lực để duy trì và phát triển những lợi ích phe nhóm.
Tầng lớp cầm quyền và những kẻ cơ hội hãnh tiến chiếm hết mọi quyền lực và kinh tế, họ nô dịch nhân dân về tư tưởng, dồn ép nhân dân về đời sống, dùng Công an làm Kiêu binh đàn áp sự phản kháng của thường dân và của trí thức. Mâu thuẫn xã hội đã nung nấu từ lâu nhưng bao năm dài cứ bế tắc. Việc xuất hiện hiện tượng Cù Huy Hà Vũ đã đáp ứng nhu cầu phá vỡ bế tắc ấy, khởi động một sinh lực mới cho xã hội dân sự. Sứ mệnh khơi nguồn của Hà Vũ đã được hoàn thành về cơ bản, rồi đây dù cho vắng mặt anh, sinh lực mới trong xã hội cũng đã hình thành không thể dập tắt nữa. Vì thế càng dập tắt Hà Vũ càng làm cho hiệu ứng Hà Vũ được trọn vẹn thêm, dù Hà Vũ không cần hiện diện. Việc bỏ tù Hà Vũ chẳng giúp nhà nước giải quyết được gì, lại có tác dụng ngược. Một người như thế nhất định không phải là trường hợp “bình thường, hay tầm thường” như Gs Ngô Bảo Châu đã nhận định chính xác, không thiên vị.
Bình thường, nếu tự nhiên đem ra bình bầu, tuyển chọn, chắc chẳng ai bầu CHHV là người xuất chúng. Những người tốt trong xã hội còn rất nhiều, nhưng điều kiện khách quan và chủ quan lại hội tụ vào Cù Huy Hà Vũ. Lịch sử như ngẫu nhiên , đã đặt vị trí Anh hùng lên vai Hà Vũ, và như có Thượng đế sắp xếp, với tất cả những đặc điểm hoàn cảnh và đặc điểm cá nhân (kể cả khuyết nhược điểm), đã hun đúc, đã xui khiến ra một Hà Vũ bất thường, gánh nổi vai trò đó một cách xứng đáng mà không ai làm được. Thời thế đã tạo anh hùng, điều này chắc chắn Hà Vũ cũng không dám ngờ tới, dù anh vốn có chút ngang tàng. Nếu biết nhìn toàn cảnh xã hội như vậy, lấy tiêu chuẩn là khơi thông bế tắc ở cuối đường hầm của xã hội Việt nam, thì sẽ thấy Cù Huy Hà Vũ có giá trị gấp bội so với những ông “Vua tập thể” đang trị vì nhưng không đáp ứng gì đòi hỏi của dân, có giá trị gấp bội so với những cấp tối cao mà Quý Thanh đang phải xưng tụng. Nhiều người vốn không ưa CHHV với tư cách cá nhân, nhưng cũng thẳng thắn nhận ra hiện tượng CHHV có những hiệu ứng rất tích cực cho lợi ích xã hội, vì lợi ích xã hội.
2/ Nhà Toán học tài giỏi Ngô Bảo Châu, đã hơn nhiều nhà khoa học tự nhiên khoa bảng khác, ở chỗ ông vừa muốn đem tài năng chuyên môn phục vụ xã hội (muốn làm chuyên môn thì không thể trực tiếp xung khắc với chính quyền ) lại vừa có khả năng lên tiếng nói tích cực phản biện trước một số vấn nạn xã hội. Làm cả hai việc này một lúc, ở nước ta thật là khó. Lời bình của Gs Bảo Châu về CHHV là thông minh, vừa phải, đáng quý, nhưng cũng không có gì để tâng bốc một cách phi thường. Gs Châu còn muốn đóng góp về chuyên môn ở trong nước thì cũng không thể dấn thân cho Dân chủ hơn được. Nhưng giá đừng có việc nhận ngôi nhà của Thủ tướng tặng thì lời bình của Gs Châu về CHHV có giá trị hơn; nếu được quyền ước muốn thì tôi ước muốn Gs Châu đừng có sự chấp nhận này (mặc dù Gs Châu có thể còn xứng đáng được hưởng nhiều hơn, nhưng muốn làm được vai trò thứ hai thì không nên mắc vào một việc nhạy cảm như thế). Nhưng thật mừng, chính bài của Quý Thanh trên báo Công an đã bù lại điều đáng tiếc ấy của tôi: bài của Quý Thanh trên các báo Công an chứng tỏ nước cờ mua chuộc của Nhà nước V.nam đối với Gs Bảo Châu đã không thành công, Công an đã chuyển sang phê phán chính là sự khẳng định danh dự cho nhà Toán học. Thật là niềm vui nho nhỏ bất ngờ cho ông.
3/ Còn tác giả Quý Thanh , khi viết, chắc tác giả tưởng “lý luận” của mình là đanh thép lắm, nhưng thực chẳng có gì vượt khỏi tiếng kêu loảng xoảng của một công cụ loại xoàng. Tất cả những “cái xấu” của CHHV mà Quý Thanh nêu ra thiên hạ đều biết từ lâu rồi. Nếu Công an tự tin vào sự kết tội chính trị CHHV thì cớ gì phải bày thêm “2 bao cao su”,vì mọi điều về CHHV đều được phơi bày công khai, cứ đàng hoàng lấy ra mà luận tội , sao phải hạ mình nhờ 2 bao cao su nhầy nhụa dẫn lối? Điều chẳng ngờ là hai vật cao su kia lại phản chủ, đã lên tiếng tố cáo rằng những người khởi sự vụ án đã tự thấy bất lực trước CHHV ở cửa chính, binh lực đầy mình mà không đủ tư cách nghênh chiến với đối phương đàng hoàng trên đại lộ ban ngày.Một đàn sư tử muốn đánh một con thỏ mà phải lập mưu đánh du kích và đánh lối ăn gian thì thật lạ!
- Còn lý luận gì nữa ở phía một hệ thống lý luận Mác-Lê mục ruỗng, bị nhân loại coi là vật “đã qua sử dụng” và đã vứt nó vào cái sọt cùng với những Condom phế thải, để tránh cho con người khỏi bệnh mất sức đề kháng?
- Còn lý luận gì nữa ở phía những người đã dám trơ tráo tự xưng “còn Đảng còn mình” mà không biết ngượng? (khẩu hiệu này không cần nhắc tới Tổ quốc và Nhân dân vì mặc nhiên đồng hoá Tổ quốc và Nhân dân vào trong Đảng rồi, Đảng là nhân tố tiên quyết, nhân tố chuẩn, Tổ quốc và Nhân dân nào không phù hợp với Đảng, với yếu tố chuẩn ấy, sẽ không có giá trị với Công an).
- Còn lý luận gì nữa ở phía những người đang hành xử thứ “văn hoá dùi cui” mà thiên hạ đã chỉ rõ mặt chính là những Kiêu binh của phủ Chúa, coi sinh mạng và an ninh của dân lành như cỏ rác?
- Còn lý luận gì nữa ở phía những “ông Vua tập thể” tối cao, tưởng mình sang trọng nhưng nhân dân cứ “thấy mặt là tắt Tivi “ như “ngán ngẩm” những vai tuồng đã hết duyên?
Vậy xin những “cây đa cây đề” lý luận ở phía chính thống trùng trùng điệp ấy, hãy thân chinh viết một bài lý luận công khai “cho ra trò” để thiên hạ đọc xem có trôi được không, chứ một anh nhà báo vô danh đứng ra múa may thì chấp làm gì?
10/5/2011
V.Quốc Uy
gửi Dân Làm Báo
http://danlambao.com/
http://danlambaovn.blogspot.com/