Sơn Nam (KhongGianTre) - Luật báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo thêm một lần nữa bị xâm phạm nghiêm trọng khi một phóng viên của báo Công lý (Cơ quan của Tòa án Nhân dân tối cao) bị công an bắt giữ, còng tay, giằng co máy ảnh, cản trở hoạt động tác nghiệp tại Hội chợ Thương mại Quốc tế ĐBSCL – Tịnh Biên 2011 được tổ chức tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia (thuộc địa phận thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), một nơi có hàng nghìn người tham dự một cách náo nhiệt.
Việc can thiệt thô bạo này sẽ là bình thường nếu như phóng viên tác nghiệp tại những khu vực cấm, những nơi có chứa bí mật quốc gia, những nơi không được phép quay phim chụp ảnh… theo quy định của pháp luật, và khi đó nhà chức trách sẽ dùng mọi biện pháp có thể, thậm chí là bạo lực (nếu thấy cần thiết) để ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của nhà báo. Tuy nhiên, tự do báo chí là một trong những quyền công dân bất khả xâm phạm và được luật pháp bảo hộ. Khi quyền tự do báo chí được thực hiện đúng luật, không một cá nhân hoặc tổ chức nào có quyền ngăn cản.
Điều lạ nữa, ngay lúc bị tấn công bất ngờ, người đàn ông bị nạn liên tục la lớn, xác nhận mình là nhà báo đang tác nghiệp nhưng vẫn bị 2 thanh niên xưng là công an áp giải đi bộ gần 2km từ khu Trung tâm Hội chợ về trụ sở Công an thị trấn Tịnh Biên.
Và cuối cùng dưới sự can thiệp của Phó giám đốc công an tỉnh, vụ việc mới được giải quyết ổn thỏa, nhà báo được tháo còng sau 3 tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, luật Báo chí nước ta quy định tại khoản 4 điều 15 luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999 về quyền của nhà báo khi tác nghiệp như sau:
“Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Báo chí chỉ không được phép: “đăng tin bài có nội dung chống phá chế độ, những thông tin bí mật quốc gia; kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Vậy thì có lý do gì khi nhà báo hoạt động đúng luật mà vẫn bị bắt?
Chỉ có thể lý giải rằng “nghề báo là nghề nguy hiểm”, cái nguy hiểm đến với nhà báo ngay chính từ những điều kiện tác nghiệp hết sức bình thường, chẳng nguy hại đến lợi ích của bất cứ ai.
Cái nguy hiểm đến với nhà báo từ sự thiếu hiểu biết của những người được giao quyền đại diện thi hành luật pháp. Nguy hiểm đến với nhà báo một cách “tức tưởi”, nguy hiểm “vô lý” và nguy hiểm hết sức lạ lùng, đầy ngẫu hứng…
Cái nguy hiểm đến với họ mỗi khi giơ máy ảnh lên tác nghiệp.
Dẫu biết rằng đó chỉ là những sự vụ hiếm, ít xảy ra, đa phần đội ngũ đại diện thừa hành pháp luật đều là những người tuân thủ rất tốt những quy định của pháp luật, những trường hợp như kể trên là hy hữu…
Dẫu biết báo chí là một nghề đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro, sự cố… và bị bắt oan như thế cũng được coi là một “sự cố hy hữu”, nhà báo cần phải thích nghi, thông cảm.
Và sau khi sự cố xảy ra, một lời xin lỗi qua điện thoại là xong, sự cố hy hữu ấy lại được quên đi, lâu lâu lại có một sự cố hy hữu nữa, lại xin lỗi, lại được quên đi…
Có khi, sắp tới các nhà làm luật cần kiến nghị quốc hội xóa khoản 4 điều 15 luật Báo chí đi vì nó được lập ra đấy nhưng chẳng mấy khi có tổ chức hoặc cá nhân bị xử lý, vì tất cả đều là “sự cố hy hữu”.
Sơn Nam - KhonggianTre.com