Rủi ro chồng chất rủi ro! - Dân Làm Báo

Rủi ro chồng chất rủi ro!

Nguyễn Gia Minh (danlambao) - Không đâu như ở Việt Nam, cái gì cũng nhiều rủi ro.

Thượng đẳng như kinh doanh chứng khoán (bài học xương máu của tui hihi... cười ra nước mắt), kinh doanh lớn nhỏ thì khỏi phải nói, chứ còn bác nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ấy vậy mà cũng vô cùng rủi ro. Cái điệp khúc đã trở thành chân lý của nhà nông ấy là được mùa mất giá, được giá lại mất mùa.

Mấy năm gần đây, thiên tai xảy ra càng ngày càng dữ dội do nạn phá rừng, nạn ngăn dòng làm thủy điện như trăm hoa đua nở... nên nông dân có khi lại mất trắng vì bão lụt, nếu được nhận cứu trợ, tưởng cầm chắc trăm ngàn đồng, thùng mỳ, chục cân gạo tạm sống qua ngày, ấy thế mà cũng bị "quan nhỏ" ăn chẹn mất một phần. Thức dậy sau một đêm, đất giải tỏa trắng với giá đền bù rẻ mạt. Mất đất, không nghề ngỗng, lại ra đường là chuyện thường ngày ở huyện.

Rủi ro trong kinh doanh, làm ăn, mưu sinh không nói. Đằng này rủi ro như con siêu virus nó đã len lõi trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nó len lõi tới từng nhà, từng người, từ bé đến lớn, từ kinh tới thượng, người tàn tật, kể cả người đã mồ yên mã đẹp cũng nêm nếp rủi ro bị đào mồ giải tỏa bất cứ lúc nào khi các quan "quy hoạch".

Rủi ro không phải ở tỷ lệ nhỏ nhé, có khi chắc chắn gần trăm phần trăm. Thì đó, ví như chuyện ăn uống, chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở đâu chả có hóa chất độc hại, từ thành thị cho tới nông thôn, sản phẩm trong nước còn tạm, hàng nhập vô tội vạ từ anh ba tàu mới ghê, nổi tiếng cả thế giới về tạp chất độc hại. Ngộ độc thực phẩm là chuyện hàng ngày ở bệnh viện. Bệnh viện ung bứu thì ngày càng quá tải, ung thư sao giờ nhiều thế? Một thị trấn nhỏ như ở địa phương tôi ở, cứ lâu lâu là người này ung thư phổi, người kia ung thư gan, đầu thôn thổi kèn ma thì không lâu cuối xóm vang trống tiễn, ngoài Bắc thì có cả làng ung thư vì ô nhiễm nước sông do nước thải nhà máy mới thấy ớn lạnh.

Đau ốm bất khả kháng là thế, nhưng vào bệnh viện chữa bệnh cũng không ít rủi ro. Nạn dùng thuốc vô tội vạ, "giết (vi trùng) lầm còn hơn bỏ sót" vì cái bệnh nhìn đâu cũng thấy vi trùng của các bác sỹ mà! Phải thông cảm thôi, vì "các bác" nhà ta thì khác các bác ở Tây, ở Mỹ lắm. Các bác ở Tây nó linh lắm, Tây nó văn minh, mạng sống nó quý lắm, thi đậu vào y khoa thì chắc chắn là người tài rồi, đào tạo lại bài bản chất lượng, đãi ngộ thì khỏi phải chê, nên nó giỏi là thế, cứu người là thế. Còn ta, chính quy đạo tạo 6 năm chưa ra sao, bác sỹ mới ra trường đôi khi chưa biết kê toa thuốc cảm! Còn ôi thôi vô số kể chuyên tu với tại chức theo công thức xã hội chủ nghĩa "cá chép hóa rồng", có còn hơn không, cứu nhiều người lỡ giết vài người có ma mà biết, chết do bệnh nặng quá thôi. Có vài vụ điểm um xùm cuối cùng cũng hòa cả làng. Chuyên môn là thế, y đức cũng nhiều vấn đề. Thời buổi " loạn phát " lương bác sỹ chỉ gấp đôi lương công nhân, công nhân khốn đốn, thầy thuốc làm sao khá hơn, lương tháng cắn ngắn lương tâm cũng là chuyện dễ hiểu. Cho nên hiện tượng dùng thuốc vô tội vạ, vừa độc hại vừa lãng phí, còn gây ra hiện tượng vi trùng đa kháng, đến lượt nó không những gây điên đầu cho thầy thuốc mà còn gây tốn kém cho các nguồn lực xã hội. Ngoài lý do chuyên môn kém cỏi, còn có lý do hoa hồng hoa huệ mà báo chí nhiều lần lên tiếng cũng chỉ vài vụ điểm, một phần rất nhỏ của phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Cũng giống như các ngành khác, vô số bất cập trong quản lý một ngành chuyên môn sâu là ngành y, nó cứ tù mù tú mú thế nào, không ít thầy thuốc cứ tác oai tác quái, bệnh nhân cứ cắn răng mà chịu, có bệnh thì phải chịu tật, chứ biết đâu mà rên rĩ. Trong một thời gian ngắn không thể kể ra hết được. Nhưng tôi phải nhấn mạnh một điều rất nguy hiểm đó là hiện tượng lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, nhất là ở trẻ em, không khác nào chúng ta đang đầu độc cả một thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, điều này người trong chuyên môn hẳn mới biết được mà thôi.

Y tế là thế, giáo dục thì sao? Rủi ro không phải là ít. Rủi ro từ lúc bà mẹ mang nặng đẻ đau, đến tuổi chập chững nhà trẻ, mẫu giáo cũng không khỏi lo lắng. Vụ bảo mẫu hành hạ dã man một bé gái ở Bình Dương chắc không phải là trường hợp hiếm thấy. Rồi lên học các cấp phổ thông, bao nhiêu chuyện lôi thôi, đau đớn xảy ra. Phụ huynh nhiều người té ngửa vì những chuyện "quái thai" của con trẻ, chẳng hạn như mốt lột truồng phơi phơn phớt trên mạng của các nam xinh nữ tú, mà theo từ "chuyên khoa" gọi là chat sex. Hoặc tung lên mạng các clip khỏa thân, các clip quay cảnh làm tình, đánh hội đồng bạn bè...được coi là mốt. Nhiều học sinh nói thật coi như là xa xỉ, trốn học, trốn gia đình chơi bời, nhậu nhẹt, nghiện game online, tệ nạn mại dâm, hư hỏng... đang trở thành phổ biến và nguy hiểm. Không biết nhà trường dạy dỗ ra sao, giáo viên làm gương như thế nào? chứ hiện tượng xuống cấp cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp của ngành giáo dục đang được phơi bày, bàn tán xôn xao như chuyện xưa tích cũ, biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng mọi chuyện cứ như đi vào ngỏ cụt. Xã hội đổ thừa cho nhà trường, nhà trường đổ thừa cho cơ chế, cho xã hội. Lòng vòng mãi chẳng tìm ra nguyên nhân và lối thoát, điệu này chắc phải hỏi thầy Sầm Đức Xương chắc may ra biết được chút ít!

Còn có cái thứ rủi ro cao cấp nữa chứ, các chuyên gia gọi là rủi ro do cơ chế. Cái thứ rủi ro này là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ làm ăn bất chính, mafia hoặc các tham quan vô lại. Cung cách quản lý kém cỏi, không quản nổi thì cấm, nói một đường làm một nẻo, chính sánh thì cứ chồng chéo đá nhau, nhiều chính sách mới ra phải sửa hoặc bị vô hiệu, chết ỉu, đã làm cho bao nhiêu người dân chân chính phải điêu đứng, bao nhiêu nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tan gia bại sản. Mọi cái cứ nhảy loạn cả lên, lạm phát cứ leo thang chưa có điểm dừng, đời sống của đa phần người dân bấp bênh từng ngày...

Rủi ro bao trùm là thế, nhưng e rằng tính mạng của công dân xã hội chủ nghĩa cũng gặp rủi ro cao. Ấy thế nên Thủ Tướng chăm lo cho dân mới có chỉ thị toàn dân khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm. Nếu như không đội mũ bảo hiểm thì không tai nạn chết thì có khi cũng bị công an đánh gãy cổ đến chết đó thôi. Còn đội mũ thường xuyên thì cũng chẳng chắc ăn tý nào cả, tai nạn chết chóc vẫn xảy ra thường xuyên, còn có xu hướng chết tập thể mới ớn lạnh xương sống như các tai nạn tàu hỏa và xe cộ đâm nhau mấy chục người chết. Đường xá chồng chéo là thế, chật hẹp là thế, đủ mọi loại hố tử thần, đủ mọi loại xe lưu thông hỗn tạp trên cùng một con đường với ý thức giao thông kém cỏi mang tính hệ thống thì không nhiều tai nạn xảy ra mới là chuyện lạ. Cho nên hầu như ai cũng sợ chết khi ra đường, coi như sống nay chết mai.

Nhiều rủi ro bất ngờ, bất khả kháng. Nhưng vô số những rủi ro chính do con người gây nên do sự bất cập, buông lỏng quản lý, băng hoại đạo đức mà thành. Vụ ngôi nhà 6 tầng tự nhiên ngã sập vụn ở Hà Nội, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ làm mười tám người chết ở Nghệ An...là những ví dụ nóng hổi.

Cái chết về thể xác rất dễ nhận dạng, cái chết về tình thần ít ai để ý. Đó là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống trong nhiều tầng lớp nhân dân, từ phó thường dân đến các lãnh đạo cao cấp. Người ta cứ bon chen mà sống, đạp lên nhau mà sống, cứ như thể năm 2012 là ngày tận thế vậy.
Muốn kể ra cả ngày cũng không hết. Kể tới đây vừa mệt, vừa chán, vừa buồn, không muốn kể nữa.

Ngay cả những anh "nặng lòng" đất nước mà viết lách hớ huênh cũng bị rủi ro... mang số 88.
Ôi thôi rủi ro chồng lên rủi ro, chắc ra đời thằng cu tý rủi ro hehehe, nhưng cú tý hỏi bố: "Mai này con làm quan chắc ít gặp rủi ro?". Bố bảo: "Chưa chắc đâu kon!, gieo nhân nào thì gặp quả nấy!".

Nguyễn Gia Minh (danlambao)
http://danlambaovn.blogspot.com/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo