Nguyễn Tôn Hiệt (tienve) - Thử so sánh văn bản “Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!” của André Menras Hồ Cương Quyết (bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao) và văn bản do báo Tuần Việt Nam đăng tải sau khi tự ý sửa nhan đề thành “Biển Đông: Sợ hãi không đẩy lùi hiểm họa”, chúng ta có thể phát hiện rất nhiều điều đáng ghi nhận về phương pháp kiểm duyệt của báo chí nước CHXHCN Việt Nam.
Bài viết dõng dạc và minh bạch của André Menras Hồ Cương Quyết bị báo Tuần Việt Nam biến thành một bài viết ấp úng và lấp liếm, thậm chí có những chỗ trái ngược hẳn với ý tưởng của André Menras Hồ Cương Quyết.
Tôi xin liệt kê ra đây: những đoạn/câu bị báo Tuần Việt Nam cắt bỏ hoàn toàn, những đoạn/câu bị báo Tuần Việt Nam sửa đổi cho lệch ý, và những đoạn/câu do báo Tuần Việt Nam sáng tác thêm.
1- Những đoạn bị báo Tuần Việt Nam cắt bỏ hoàn toàn:
Trong văn bản đăng trên báo Tuần Việt Nam, những đoạn sau đây hoàn toàn biến mất:
Ngày hôm qua, mồng 5 tháng sáu 2011, tôi đã đi biểu tình, để nói lên sự công phẫn của tôi đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, và biểu lộ sự ủng hộ toàn diện của tôi với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước bạn ASEAN mà cái «lưỡi bò» của Trung Quốc muốn chiếm đoạt biển đảo thiết yếu cho cuộc sống hôm nay và sự phồn vinh ngày mai. Tôi đi biểu tình để vợi bớt sự cay đắng tích lũy từ nhiều tháng, nhiều năm qua. Cùng đi với tôi là những người bạn đã từng chia sẻ hoạn nạn và chung lưng đấu cật đấu tranh trong nhà tù của chế độ độc tài làm tay sai cho xâm lược Mĩ. Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại nhau, với đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết chống lại cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt.
Chúng tôi đã nhận lời chính quyền TP.HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chận được sự phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh, chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc. Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để sự công phẫn được thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự.
*
Làm sao có thể trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính nhân dân ta lên tiếng?
*
Hãy lên tiếng trên đường phố, trong hàng quán, tại các trường phổ thông và đại học.
*
Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích, giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì.
*
Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày.
*
Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa.
2- Những đoạn/câu bị báo Tuần Việt Nam sửa đổi cho lệch ý:
Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước, ngày nay lại có thể cản ngăn quyền thông tin và hành động của nhân dân?
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Hơn ai hết, những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước hiểu giá trị của quyền tiếp cận thông tin và quyền được hành động của nhân dân.»}
*
Tóm lại: hãy thông báo trung thực về tình hình cuộc xâm lược ngày càng xấu xa và ráo riết.
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Nói một cách ngắn gọn: Hãy thông tin trung thực cho dân!»}
*
nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền.
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «nơi mà cha anh của các em đã bị hải quân Trung Quốc bắt giữ...»}
*
Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam, tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ!
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc. Còn ngư dân Việt Nam, họ đã ra khơi với cảm giác bất an.»}
*
Trong bối cảnh ấy, tôi lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện «tàu lạ» với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay «tàu Trung Quốc». Họ chẳng «lạ» gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết? Tại sao còn bắt cả báo chí phải dùng chữ «lạ » ở đây? Cái gì hại đến khả năng tự vệ là có hại cho đất nước!
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Trong bối cảnh ấy, không ai có quyền giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện “tàu lạ” với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay thành “tàu Trung Quốc”. Đối với họ có gì là “lạ” cả. »}
*
Nhiều bạn nói với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự, ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là «khôn» không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông bị đe dọa.
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Nhiều bạn Việt Nam đã nói với tôi: “Trung Quốc khôn ngoan lắm”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là “khôn ngoan” hay không? Leo thang tranh chấp, Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước ASEAN, mà lợi ích của họ ở Biển Đông bị đe dọa, xích lại gần nhau.»}
*
Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp, trấn lột.
{Báo Tuần Việt Nam sửa thành : «Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng khó khăn của Bắc Kinh đang còn trước mặt, chứ không phải đã ở sau lưng. Và đến lúc đó, họ sẽ phải trả lời.»}
3- Những đoạn/câu do báo Tuần Việt Nam sáng tác thêm:
Trong bản gốc của André Menras Hồ Cương Quyết có đoạn:
Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh.
Báo Tuần Việt Nam xoá hẳn câu “Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh”. Và thay vào câu viết về chó ấy, báo Tuần Việt Nam tự ý sáng tác thêm mấy câu về Đại tướng Lê Đức Anh. Vì thế, đoạn văn biến thành:
Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Nói như Đại tướng Lê Đức Anh: “Nêu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí”.
4- Kết luận:
Nói tóm lại, tất cả những động tác kiểm duyệt do báo Tuần Việt Nam thực hiện đối với bài viết của André Menras Hồ Cương Quyết đều nhắm vào 2 mục đích chính: 1/ làm giảm nhẹ những hành vi bạo ngược và tội ác của Trung Quốc, 2/ tránh né, che đậy những việc sai lầm của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Báo Tuần Việt Nam thường được xem là báo của giới trí thức ở Việt Nam, thế nhưng, qua những gì báo ấy đã hành xử đối với bài viết của André Menras Hồ Cương Quyết, chúng ta có thể thấy rõ ràng báo ấy cũng chỉ là một loại tay sai rẻ tiền, phản trí thức.
Riêng về việc báo Tuần Việt Nam cố tình xoá câu văn viết về chó, và thay vào đó bằng mấy câu viết để lăng xê ông Lê Đức Anh, tôi xin miễn bàn, vì những gì ông Lê Đức Anh nói thì đã có bài “Lê Đức Anh nói chuyện Biển Đông” của ông Nguyễn Văn Chiến vạch ra tất cả những sai lầm ngớ ngẩn. Đặc biệt nhất là đoạn ông Nguyễn Văn Chiến phân tích:
Lê Đức Anh bảo “Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ.” Lạ quá. Khi đang bị đe doạ chủ quyền, thì sợ “xung đột vũ trang”. Chờ đến khi mất chủ quyền rồi, thì còn “bảo vệ” cái gì? Nếu bảo vệ chủ quyền thì phải bảo vệ từ đầu, còn khi “chủ quyền” đã mất rồi thì phải chiến đấu để giành lại, lấy lại, chứ còn gì nữa mà “bảo vệ”?...
Đúng là “đợi mất trâu, mới lo làm chuồng”!
Đọc bài “Lê Đức Anh nói chuyện Biển Đông” và bài “Nguyễn Chí Vịnh là người Trung Quốc?” của ông Nguyễn Văn Chiến, chúng ta sẽ thấy giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay đều ấp a ấp úng cùng một giọng khi nói đến việc đối phó với Trung Quốc.
Nguyễn Tôn Hiệt
http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=12890