Lê Thái Dũng (bee.net) - Không chỉ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm, lấn chiếm trên đất liền, các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ khi giành quyền tự chủ lâu dài còn xác định hải giới và chú trọng bảo vệ chủ quyền trên biển.
Việc khai thác, xác lập chủ quyền và quản lý lãnh thổ trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa đã được cha ông ta tiến hành từ lâu đời. Nhiều vị hoàng đế nước Việt không chỉ coi trọng điều này vì lợi ích kinh tế mà đặc biệt hơn là vì tầm quan trọng về an ninh quốc phòng. Trong sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn đã viết: “Phía Đông có dải đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo) liền với biển xanh làm hào che, phía Tây khống chế vùng Sơn Man có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng, phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh sa có thể làm giới hạn”.
Không chỉ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm, lấn chiếm trên đất liền, các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ khi giành quyền tự chủ lâu dài còn xác định hải giới và chú trọng bảo vệ chủ quyền trên biển.
Đời Lê Đại Hành đã xác định biên giới trên biển của nước Việt
Hải giới của nước ta với phương Bắc đã được xác định từ lâu, nhưng sử liệu lần đầu đề cập đến “hải giới” một cách trực tiếp là vào năm Canh Dần (990) khi sứ Tống sang, vua Lê Đại Hành “sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến Thái Bình Quân để đón” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong cuốn Hành lục tập, sứ giả Tống Cảo cũng thừa nhận điều này: “Cuối thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải giới Giao Chỉ, Nha nội đô chỉ huy sứ của Hoàn là Đinh Thừa Chính đem 9 chiến thuyền và 300 quân đến Thái Bình Trường để đón. Từ cửa sông đi ra biển lớn, xông pha sóng gió, trải bao nguy hiểm, đi nửa tháng trời đến sông Bạch Đằng...”.
Thái Bình Quân hay Thái Bình Trường là đơn vị hành chính thời Tống, sau đổi là Liêm Châu (nay là tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
Lê Thánh Tông đã đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào bản đồ Đại Việt
Bản đồ xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ, vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier) có “Bãi Cát Vàng” tức là Hoàng Sa |
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời xưa thường được cha ông ta coi là một dải đảo dài nên gọi chung bằng các tên khác nhau như Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Vạn lý Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa, Đại Trường Sa…
Tư liệu từ triều nhà Hồ trở về trước đã bị mất mát, phá hoại rất nhiều vào thời giặc Minh xâm lược nước ta . Nhưng việc Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn quốc gọi chung là “Hồng Đức bản đồ” vào năm Canh Tuất (1490), trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền Đại Việt.
Trên cơ sở “Hồng Đức bản đồ”, một nho sinh họ Đỗ Bá hiệu Công Đạo đã soạn bộ sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư vào khoảng năm 1630 – 1653 gồm 4 quyển, trong quyển 1 có ghi: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển” và có một bản đồ vẽ nhóm đảo thuộc Quảng Ngãi, phủ Thăng Hoa với chú thích chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng”.
Vua Gia Long đã cắm lá cờ chủ quyền trên hải đảo biển Đông
Sau khi lên ngôi, Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa chính sách khai thác tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sử sách nhà Nguyễn chỉ chép vào năm Bính Tý (1816) vua Gia Long sai người ra hải đảo biển Đông. Nhưng theo nhiều tài liệu của người phương Tây, vua Gia Long không chỉ quản lý mà còn trực tiếp ra cắm cờ tại Bãi Cát Vàng. Một cố vấn người Pháp của vua là J.B.Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) trong cuốn hồi ký “Ghi chép về xứ Cochinchie” đã viết: “Quần đảo Paracel gồm nhiều đảo nhỏ, ghềnh và mỏm đá không có dân cư. Vào năm 1816, vị Hoàng đế bấy giờ đã tiếp nhận chủ quyền trên quần đảo này”.
Giám mục Jean Louis Taberd thì cho biết rõ hơn, trong sách “Bức tranh Thế giới -Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ” xuất bản tại Paris năm 1833, có đoạn viết: “Quần đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng gồm rất nhiều hoang đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên… Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xưa Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài; vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.
Trong bài viết đăng trên một tờ báo tiếng Anh phát hành ở Bengal (Ấn Độ) năm 1849, Giám mục Jean Louis Taberd một lần nữa nhắc lại sự kiện liên quan đến vua Gia Long: “Năm 1816, Ngài đã tới long trọng cắm cờ quốc gia của ông và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này mà hình như không một ai tranh giành với ông”.
Minh Mạng - vị vua đầu tiên cho khảo sát chi tiết các đảo tại Bãi Cát Vàng
Để biết rõ hơn về các đảo thuộc Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa và Trường Sa), theo sách Đại Nam thực lục chính biên, năm Giáp Ngọ (1834) vua Minh Mạng đã sai Đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc kích thước, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo. Kể từ đó vua đã nhiều lần cho tiến hành công việc này. Những người không hoàn thành nhiệm vụ đều bị xử phạt nghiêm khắc. Như trường hợp của Giám thành Trương Viết Soái, năm Bính Thân (1836) khi về không có bản đồ đệ trình đã bị xử “trảm giam hậu” (chém nhưng tạm giam trước)…
Bên cạnh việc khai thác, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm 1833, 1835, 1836… Việc cho quân đồn trú, tiến hành thu thuế và bảo vệ ngư dân cũng đã được thực hiện. Một người Anh tên là Gutzlaff trong bài viết đăng trên tập san “Á Châu hội” xuất bản ở Luân Đôn (London) năm 1849 cho biết: “Những đảo ấy đáng lẽ không có giá trị nếu nghề cá ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu…Tuy rằng hàng năm hơn mười phần thuyền bị đắm nhưng đánh cá được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đều phải trả, và để bảo trợ những người đánh cá bản quốc”.
Khải Định tái khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa
Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề |
Mặc dù chịu sự bảo hộ của Pháp, Nam triều mất quyền tự chủ, trong đó có quyền ngoại giao, nhưng về danh nghĩa vẫn là đại diện cho quốc gia nên trước các yêu sách của chính quyền Quốc dân đảng Trung Hoa và sự đề nghị cung cấp dữ kiện liên quan đến vấn đề biển Đông, ngày 3 tháng 3 năm 1925, Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề thay mặt triều đình Huế đã xác nhận chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa bằng một văn thư, trong đó có đoạn như sau: “Quần đảo Hoàng Sa luôn luôn thuộc về Việt Nam và đó là vấn đề không thể chối cãi được…”
Trong bản báo cáo ngày 22.01.1929, Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ là Le Fol nhấn mạnh các quyền được nước An Nam khẳng định và duy trì từ lâu trong diễn biến tranh chấp các đảo trên biển Đông giữa Trung Quốc với chính quyền bảo hộ Pháp. Ông viết như sau: “Thân Trọng Huề, nguyên Thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong thư ngày 3 tháng 3 năm đó, đã khẳng định rằng “Các hòn đảo đó bao giờ cũng thuộc nước An Nam. Không có gì phải tranh cãi về vấn đề này”.
Bảo Đại, người đầu tiên thay đổi đơn vị hành chính các đảo ở biển Đông
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường gọi chung bằng cái tên phổ biến là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là một đơn vị của đất Thuận Quảng, qua thời gian được đổi tên là Quảng Nghĩa, Quảng Ngãi, Nam Ngãi. Đến đời vua Bảo Đại, việc phân tách thành hai quần đảo mới được xác lập rõ ràng hơn.
Tháng 12.1933 các đảo Trường Sa sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Đến ngày 29 tháng 2 năm Mậu Dần (1938) vua Bảo Đại ra Chỉ dụ số 10 chuyển đổi hành chính đảo Hoàng Sa: “Các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi; đến đời đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi… Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên đại diện chính phủ Nam triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan đại diện chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn…. Chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”.
Trên cơ sở đó, ngày 5.6.1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định thành lập đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên và cho dựng bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa.
Lê Thái Dũng
http://www.bee.net.vn/channel/1984/201106/Cac-vi-vua-VN-da-xac-lap-chu-quyen-tren-bien-dong-1801094/