Non Sông Gấm Vóc - Trong những ngày Chủ nhật liên tiếp vừa qua, nhiều người VN đã tham gia biểu tình, xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc liên tục bức hại ngư dân VN, xâm phạm, gây hấn trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Họ có thể khác nhau về giới, tầng lớp, quan điểm tôn giáo, chính trị, trình độ học vấn...nhưng có chung một mục đích - phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Và có thể nói, mỗi người tham gia biểu tình có một hoàn cảnh, tâm tư riêng của mình. Nhưng tôi tin, trước khi xuống đường họ đều phải đấu tranh với nỗi lo "được - mất", nhưng dù là gì họ đã chọn đúng.
Tôi có quen biết một người đã tham gia biểu tình ngày Chủ Nhật, 12/06/2011 tại Sài Gòn.
Ông là một trí thức yêu nước chân chính, như tôi biết. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Pháp và làm việc ở Cục năng lượng nguyên tử Saclay, năm 1979 ông về nước, làm việc ở Viện nguyên tử Đà Lạt cho đến ngày về hưu. Là người đã đến tuổi xưa nay hiếm, một tiến sĩ khoa học, chuyên gia đầu ngành Vật lý hạt nhân của VN. Tuy nhiên lâu nay ông đã ăn chay, niệm phật, có thể coi là một Phật tử tại gia nhưng vẫn nặng lòng với số phận của chúng sinh, vận nước.
Tuy tuổi cao, mắt kém và đang điều trị tại Pháp nhưng khi nghe tin đồng bào trong nước đã xuống đường tuần hành ngày 5/6/2011 phản đối Trung Cộng gây hấn, ông đã vội trở về VN để tham gia biểu tình.
Trong số những người quen biết, nhiều người ủng hộ ông nhưng cũng có người không. Đó cũng là việc bình thường.
Có người đã gửi mail cho ông bày tỏ chính kiến của mình:
"Từ nay về sau, mong chú đừng gửi cho tôi những bức thư "chính trị" nữa vì gây phiền phức cho tôi. Tôi nghĩ, nếu muốn làm chính trị, thì nên làm chuyên nghiệp hẳn, chứ làm theo kiểu amateur thì dễ dẫn tới những nhận định thiếu cơ sở thông tin đầy đủ. Chỉ Bộ Ngoại giao mới có đủ thông tin về vấn đề cực kỳ phức tạp mà nhiều người cứ tưởng lầm rằng mình am hiểu."
Và đây là mail của ông L H đã gửi bạn bè:
2011/6/11
Kính thưa các chị, các anh,
Nhận được mail anh C gửi cho bài viết về phong cảnh đồng quê miền trung nước Pháp (những cánh đồng hoa bao la với những ý thơ rạt rào của nhà báo C ), tôi đã trả lời anh C với lời ngợi khen anh còn sức viết rất khỏe. Nhưng tôi cũng hơi chạnh lòng khi nghĩ tới trong những ngày của sự kịên tàu Bình Minh này - như anh Y cũng có ý - nên tôi xin mạn phép kính chuyển đến các chị các anh mail sau đây của tiến sỹ M, vợ tiến sỹ A , một việt kiều yêu nước, ĐB QH. Nếu mail này có chạm đến niềm tin của các chị các anh vào Trung Quốc thì cũng xin các chị các anh tha thứ. Mail từ hai tiến sỹ M và A chắc chắn không phải là tuyên truyền của các thế lực thù địch nhằm phá hoại tình hữu nghị 16 chữ vàng VN-TQ! Lý do nữa là trên chuyến taxi hôm qua từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, anh tài xế nói rằng ở trong nước chẳng ai biết rằng đã có biểu tình trong ngày CN 5/6 vừa qua , nên tôi nghĩ rằng các chị các anh cũng không tiếp cận với các thông tin này ở bên ngoài, mặc dù các chị các anh đều là các nhà trí thức - vì có internet để đọc và thưởng thức văn chương. Xin các chị các anh đọc trên báo Tuổi trẻ và Thanh Niên ngày hôm qua và ngày hôm nay về sư kịên Viking 2. Riêng tôi, sẽ ăn mặc như một người tu Phật, "tụ tập tự phát" để "đi ngang qua" LSQ TQ vào sáng CN ngày mai để bày tỏ tinh thần người dân VN, ít nhất là với bố tôi ở dưới suối vàng. Một lần nữa tôi xin lỗi nếu mail này làm phiền các chị các anh.
Kính chúc sức khoẻ, an lạc.
Tịnh L...
Xin giới thiệu bài viết của ông L H ( tên pháp danh là Tịnh L...) mà theo ông nói là "Mới đầu tôi chỉ viết tường thuật cho nội bộ gia đình biết thôi vì nghĩ nếu bố tôi còn sống chắc chắn cũng sẽ ủng hộ việc làm này (tôi mới vừa về đến SG hôm 10/6!)":
Tôi đến rất sớm bằng xe buýt, ra khỏi nhà lúc 6 giờ vì sợ bị kẹt xe. Gần như chưa có ai tụ tập xung quanh khu vực lãnh sự quán Trung Quốc, ngoại trừ ở tất cả các ngã tư đầy công an, cảnh sát cơ động, dân phòng (áo xanh), nhân viên bảo vệ trật tự khu phố (mang băng đỏ ở cánh tay) và nhiều công an mặc thường phục (dễ nhận ra vì họ mang máy bộ đàm, hoặc đứng gần công an, nói chuyện với công an). Tôi đi bộ một vòng lớn các phố chung quanh lãnh sự quán Trung Quốc, từ Lê Duẩn lên Điện Biên Phủ, cuối cùng dừng lại ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai, chéo góc với lãnh sự quán Trung Quốc. Một cảnh sát cơ động tiến đến hỏi tôi : "Bác đến đây làm gì ?" -- "Tôi đến để biểu tình chống Trung Quốc". Anh công an ra nói với cấp trên, anh này đến nói với tôi : "Bác không thể đứng ở đây đâu". -- "Tôi chờ đến khi nào có nhiều người đến rồi sẽ đi". Anh ta không nói gì, bỏ đi - một điều ít thấy trong tình trạng loạn kiêu binh công an - cảnh sát ở Việt Nam !
Một cô gái đứng cách tôi hai mét hỏi bác đi đâu. "Đi qua thôi", cả hai cùng cười ! (1). Hai cô gái trẻ đến mang xe Honda lên vỉa hè, một công an mặc thường phục đến đuổi đi, còn nói với theo : "Về mà học thi còn nếu muốn chiến đấu cho Trường Sa thì sẽ phát súng ra Trường Sa mà sống !".
Gần 9 giờ, thấy không còn một xe nào lưu thông trên các đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi nhìn về phía cuối các đường này, thấy các khung sắt có căng dây thép gai để làm ba-ri-e đã được kéo ra, chặn hết các ngả đường vào lãnh sự quán Trung Quốc. Tôi hiểu họ bắt đầu chính sách cứng rắn (chủ nhật trước, đoàn biểu tình có các nhân sĩ đi đầu còn "được phép" tiếp cận lãnh sự quán Trung Quốc). Tôi đi về phía ba-ri-e quảng trường Hồ Con Rùa, và thấy không có đông người tụ tập ở đấy, tôi bèn quay lai công viên trước dinh Thống Nhất gần đường Alexandre de Rhodes, số lượng đông hơn. Công an để tôi ra khỏi ba-ri-e. Các người biểu tình đa số ăn mặc bình thường (một số người còn mang quần áo khách du lịch mùa hè), ít người có biểu ngữ, một vài thanh niên khoác lên áo sơ mi một tấm hai mảnh hình cờ đỏ sao vàng. Riêng tôi đầu trọc, đi dép, mặc bộ đồ lam Phật tử, khoác một túi xách Phật tử - đó là cách sống "3 y 1 bát" từ mấy năm nay của tôi. Bên ngoài ba-ri-e, một vài người lớn tuổi, có người xưng là nhà văn. Bắt đầu tranh cãi với công an, yêu cầu cho đi vào. Dĩ nhiên họ bị từ chối. Một thanh niên gay gắt hơn, liền bị một công an mặc thường phục lấn tới định bắt anh, mọi người la ó, vây anh công an vào giữa, anh này đành thôi, lách ra ra khỏi vòng vây của người biểu tình. Các nhân viên dân phòng (áo xanh) bắt đầu tiến lên, dùng tay đẩy lùi người biểu tình. Một người nói : "Chúng ta quay mặt đi ra thôi", và họ đi về phía đường Lê Duẩn. Đoàn người tuần hành bắt đầu. Có hai thanh niên, một cầm cờ, một cầm băng-rôn đi tới, trương ra thành nhóm người đi đầu - hoàn toàn "tự phát", không thấy có gương mặt trí thức nào dẫn đầu như lần trước.
Một số người bắt đầu trưng ra các khẩu hiệu viết trên giấy A4, A3. Đoàn đi trên vỉa hè, số người đứng xem trên công viên, hoặc vượt ra ngoài dòng người tuần hành để chụp ảnh - nhiều gần bằng số người đi tuần hành. Đoàn người hô các khẩu hiệu : "Hoàng Sa" / "Việt Nam!", "Trường Sa" / "Việt Nam !", "Đả đảo Trung Quốc" / "Đả đảo !". Một vài thanh niên mặc áo với khẩu hiệu HS-TS-VN (nhớ lại mới một, hai tuần trước, 7 người ở Bến Tre bị kết án với tội danh này!). Một bác lớn tuổi nói không nên hô "đả đảo Trung Quốc", vì có rất nhiều người dân Trung Quốc tốt, phải hô "đả đảo lãnh đạo Trung Quốc" nhưng ít ai hưởng ứng, có lẽ vì dài quá (nếu có loa phóng thanh thì xướng khẩu hiệu dài cũng dễ hơn). Đoàn biểu tình còn hát những bài của phong trào đô thị miền Nam trước đây như "dậy mà đi hỡi đồng bào ơi". Bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" ít người hát, quốc ca cũng thế. Cũng chẳng ai hưởng ứng câu ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tối 8 tháng 6, Thủ tướng phát biểu quyết tâm bảo vệ biển đảo bằng mọi giá thì hôm sau người anh em "16 chữ vàng" đã tặng ngay cái tát với vụ Viking 2).
Một hình ảnh làm tôi liên tưởng tới những cuộc biểu tình ở Paris, ngay quảng trường Concorde, trước sứ quán Mĩ : một cặp vợ chồng trẻ, đội trên cổ hai đứa nhỏ một, hai tuổi !
Đoàn tuần hành băng sang đường, nơi đèn đỏ ngã tư Lê Duẩn - Pasteur để quay lại Nhà thờ Đức Bà, rồi đường Nguyễn Du, Pasteur chứ không tiến về chợ Bến Thành như chủ nhật trước. Đoàn tôi đi người không đông (chắc không quá vài trăm người, nghe nói từ đầu đã bị xé lẻ ra làm hai ba đoàn), nên chọn lộ trình ngắn hơn lần trước. Khi về lại Nhà thờ Đức Bà, tôi nghe tiếng người hỏi từ sau lưng : "Thày tu ở đâu ?" - "Tu ở nhà". "Nhà thày ở đâu ?" -- "Quận Thủ Đức". "Ở Thủ Đức thày có biết sư.... ?" tôi hiểu ngay chức năng của người hỏi, nên thay vì tiếp tục trả lời, tôi hô khẩu hiệu.
Việc ngăn cấm từ xa, không cho người biểu tình tiếp cận lãnh sự quán Trung Quốc (trên hai đoạn đường hình chữ thập dài đến trên 500 mét) thực ra là một điều thiếu suy nghĩ (hay cố ý tâng công, tùy theo góc nhìn). Ở nước nào cũng thế, chính quyền chủ nhà có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở ngoại giao (sứ quán, lãnh sự quán...) của nước ngoài trong khuôn viên của cơ quan ngoại giao. Trong trường hợp biểu tình, một trung đội công an đặc nhiệm kiểu cảnh sát cơ động, trang bị phương tiện chống khủng bố, đứng sát vai chung quanh cơ quan ngoại giao là quá đủ để đối phó với những phần tử quá khích. Ở đây, bảo vệ bằng một vành đai quá rộng lớn như vậy dễ gây ý: khác gì bán đường, bán vỉa hè cho kẻ gây hấn.
Gần 11g, tôi tách ra đi về, hơi buồn vì thiếu vắng những bạn bè quen thuộc của lần biểu tình trước, vì tôi đã tưởng lần trước "an toàn" thì lần này sẽ được gặp nhiều bộ mặt quen, kể cả Việt kiều. Chẳng lẽ họ đã nhận được thông tin là sẽ có trấn áp ? Suy nghĩ đó không làm tôi lo, vì tôi đã tự khẳng định việc đúng thì cứ làm, để không hổ thẹn với bố tôi ở dưới suối vàng. Công an làm theo lệnh Nhà nước, mình làm theo mệnh lệnh của lương tri. Quang cảnh lần này như vậy, tôi cũng không mấy ngạc nhiên. Ở đất nước này, biểu tình là quyền có ghi trong hiến pháp, nhưng trên thực tế bị coi là một tội. Khiếu nại tập thể còn bị cấm. Biểu tình hàm ý chống đảng, chống Nhà nước. Các trường học, các đoàn thể xã hội đã được "quán triệt biểu tình" trước đó rồi, công an chìm thì thẳng tay trấn áp. Thêm vào đó, Trung Quốc lại "yêu cầu Việt Nam phải có thái độ" đối với những người biểu tình lần trước. Bây giờ biểu tình nữa, sợ sẽ tổn hại tới việc "giải quyết song phương" như ông bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhắc đi nhắc lại mấy ngày liên tiếp.
Biển Đông đã dậy sóng, chứ không phải "không có gì mới" như ông chủ tịch Quốc hội đã nói năm ngoái. Trước thử thách mới, nếu chính phủ biết kiên quyết, làm "những việc cần làm ngay" - chẳng hạn như họp ngay một phiên họp khoáng đại, tập hợp tất cả các đại biểu quốc hội mới được bầu lẫn các đại biểu khóa trước, thì chắc chắn người dân sẽ sát cánh cùng chính phủ. Vì vận mệnh của tổ quốc, nhân dân sẽ độ lượng, không "để bụng" những sai lầm gần đây - "nhỏ" như những vụ án trả thù vì "thể diện", lớn như vụ Vinashin (để đến nỗi ngư dân không có thuyền cho ra thuyền, thăm dò dầu khí không có tàu cho ra tàu, "mất bò mới lo" cho tàu đi hộ vệ). Thủ tướng dũng cảm nhận trách nhiệm, không ai bị hạch tội nữa, thế là xong !
Tin ở dân, được dân tin, thì mới mong "cứu đảng, cứu nước" được.
L H
Viết thêm : chương trình thời sự của VTV1 lúc 19g tối nay (12.6.2011) không nói một câu về các cuộc biểu tình buổi sáng - ít nhất tuần trước còn ấp úng được mấy tiếng "tụ tập tự phát"... Đáng chú ý là bản tin thời sự không bắt đầu bằng những khuôn sáo "Tổng bí thư đi thăm và làm việc tại X", "Chủ tịch nước tiếp Y", "Thủ tướng phát biểu tại Z". Mà bắt đầu bằng tin, khá dài : luật sư Hà Nội kiến nghị đưa vụ cắt cáp ra tòa án quốc tế. Giá mà trước đó, hay song song với kiến nghị đó, đoàn luật sư hay hội luật sư cũng yêu cầu các tòa án Việt Nam hãy xét xử theo đúng luật Việt Nam, thì yêu cầu tòa án quốc tế xét xử theo luật pháp quốc tế sẽ có nhiều sức nặng hơn. Chứ còn vẫn điệp khúc "Việt nam có cơ sở pháp lý..." thì để làm gì ? Để "há miệng mắc quai" là cái chắc khi người ta đã quen "song phương đi đêm".
L H
Viết thêm : chương trình thời sự của VTV1 lúc 19g tối nay (12.6.2011) không nói một câu về các cuộc biểu tình buổi sáng - ít nhất tuần trước còn ấp úng được mấy tiếng "tụ tập tự phát"... Đáng chú ý là bản tin thời sự không bắt đầu bằng những khuôn sáo "Tổng bí thư đi thăm và làm việc tại X", "Chủ tịch nước tiếp Y", "Thủ tướng phát biểu tại Z". Mà bắt đầu bằng tin, khá dài : luật sư Hà Nội kiến nghị đưa vụ cắt cáp ra tòa án quốc tế. Giá mà trước đó, hay song song với kiến nghị đó, đoàn luật sư hay hội luật sư cũng yêu cầu các tòa án Việt Nam hãy xét xử theo đúng luật Việt Nam, thì yêu cầu tòa án quốc tế xét xử theo luật pháp quốc tế sẽ có nhiều sức nặng hơn. Chứ còn vẫn điệp khúc "Việt nam có cơ sở pháp lý..." thì để làm gì ? Để "há miệng mắc quai" là cái chắc khi người ta đã quen "song phương đi đêm".
*
(1) "đi qua sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc" và "tụ tập ít người, tự phát" là chữ dùng của Thông tấn xã Việt Nam trong bản tin (?!) nói về cuộc biểu tình ngày 5.6.2011 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi chú: - Họ, tên một số nhân vật thật trong bài đã được thay đổi.
Dưới đây là đường link ông L H đi biểu tình ngày 12/6/2011 http://www.youtube.com/watch?v=Oloiqy717SU&feature=player_embedded#at=42