Họ đã vươn vai thành Thánh Gióng? - Dân Làm Báo

Họ đã vươn vai thành Thánh Gióng?

"Một đất nước mà có nhiều anh hùng là một điều bất hạnh, mà nhất là anh hùng trong cuộc đấu tranh với nhà nước thì lại càng bất hạnh nữa. Em mong muốn là nếu mà có anh hùng thì chỉ là những anh hùng trong các phát minh, sáng chế hay những người đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chống giặc ngoại xâm chẳng hạn. Chứ còn anh hùng trong cuộc đấu tranh với nhà nước thì đấy là điều rất đau khổ. Đấy là điều bất hạnh cho Việt Nam."

Khánh An, phóng viên RFA - Trong bài trước, Khánh An gửi đến quý vị những tâm sự, lo lắng, sợ hãi và cảm nhận của một bạn trẻ khi quyết định xuống đường biểu tình lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 5/6.

Kỳ này sẽ là những ý kiến đánh giá của một số nhà giáo dục về thanh niên Việt Nam qua các cuộc biểu tình vừa qua. Đâu là những điểm mạnh và yếu của thanh niên Việt Nam? Liệu họ đã thực sự lớn sau các sự kiện vừa rồi?

Bộc phát lòng yêu nước

Đối với các bạn trẻ tham gia xuống đường, các cuộc biểu tình, đặc biệt là lần xuống đường đầu tiên vào ngày 5/6 đã để lại rất nhiều dấu ấn trong ký ức.

Nó như một mũi khoan, xuyên qua nhiều tầng, nhiều lớp suy nghĩ, lo toan thường nhật để họ nhìn thấy rõ hơn vị trí của mảnh đất chữ S nằm ở đâu trong lòng mình. Nói như bạn Bảo, người tham gia biểu tình ở TPHCM hôm 5/6 thì:

"Hôm đó giống như một cái dịp, mà kể ra từ trước tới nay đúng là một cái dịp, một cơ hội mà rất lâu mới có được để mình thể hiện thái độ, thể hiện được tâm huyết, nhiệt huyết của tuổi trẻ đối với đất nước. Cũng qua đợt biểu tình đó mình cảm thấy sự đoàn kết trong dân tộc mình vẫn tồn tại, và ngọn lửa của tuổi trẻ lúc nào cũng bùng cháy nếu nó có cơ hội để bộc phát."

Đã có một thời gian dài, nhiều nhà giáo dục, trí sĩ trong nước luôn có một nhận xét chung rằng thanh niên bây giờ quá thực dụng, họ chỉ biết đến tiền bạc và cuộc sống cá nhân và họ thờ ơ với các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước. TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS, cho rằng điều đó không sai, nhưng ở người trẻ không chỉ có thế. Ông nói:

"Tôi nghĩ, thanh niên Việt Nam nhiều người nhận xét bề ngoài cũng có phần đúng là người ta thờ ơ, chạy theo những chuyện tiền bạc. Cái đó có, không phải sai, nhưng tôi nghĩ trong thâm tâm của mỗi bạn trẻ Việt Nam thì lòng yêu nước rất sâu và có điều kiện, cơ hội thì nó sẽ thể hiện ra một cách rất mãnh liệt."

Cuộc biểu tình “lịch sử” chống Trung Quốc những tưởng chỉ xảy ra một lần thì sau đó, liên tục lặp lại trong các tuần tiếp theo, với thành phần tham gia chính là thanh niên, đã khiến cho không ít nhà giáo dục, trí sĩ thay đổi nhận xét và cái nhìn đối với các thế hệ đi sau.

GS. Nguyễn Huệ Chi, người đã cùng xuống đường với các bạn trẻ trong lần tuần hành thứ hai, cho rằng:

"Tôi cho là thanh niên Việt Nam, sau mấy chục năm, mình ngỡ như là họ đã nằm ở trong khuôn rồi. Nhưng thực tế họ vẫn giấu trong trái tim họ bầu nhiệt huyết đối với đất nước. Đấy là một truyền thống ăn rất sâu, nó truyền từ đời cha đến đời con đến đời cháu. Lúc có một điều kiện nào đó, nó bùng nổ và thăng hoa. Đó là cái thuận lợi, một điều kiện rất hay để cho thanh niên Việt Nam hướng đến lý tưởng quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ lãnh thổ của đất nước, mà bảo vệ với niềm tin rằng mình là con người tự do."

Mang tính tự phát

000_Hkg4285857-250.jpg
Học sinh một trường trung học ở Hà Nội giờ tan trường hôm 4/11/2010. AFP photo

Trong các cuộc biểu tình vừa qua, không ít khuôn mặt thanh niên bỗng sáng bởi những hành động đầy ý thức của họ trong lúc xuống đường, cũng có những gương mặt được biết đến vì bị chính quyền để ý và qua những câu chuyện đối đáp đầy tình yêu nước của họ trước mặt cơ quan điều tra. Thế nhưng, khi đặt câu hỏi là liệu thanh niên Việt Nam vừa qua đã vươn vai thành những Thánh Gióng hay chưa, thì nhiều nhà giáo dục chưa vội vã đưa ra kết luận, thậm chí nói như nhà giáo Phạm Toàn, ông còn có phần lo lắng nếu đặt câu chuyện biểu tình trong một bức tranh toàn cảnh về thanh niên Việt Nam. Ông nói:

"Tôi thấy nó vẫn bộc phát nhiều hơn là được huấn luyện, được giáo dục. Cái nguy hiểm là chỗ đấy. Các em nó nhiệt tình nhưng nhiệt tình không bù lại được trí tuệ và tổ chức. Người ta các nước cũng biểu tình nhưng người ta có một thể chế dân chủ thì biểu tình mới có ý nghĩa.

Cái biểu tình này tôi sợ rằng vài cuộc nữa thì sẽ bị khiêu khích. Tôi dám nói chắc như thế bởi vì trong đoàn biểu tình có 3 thành phần: thành phần thứ nhất là những thanh niên yêu nước, trẻ trung và ngây thơ, không có tổ chức; thành phần thứ hai rất có tổ chức là những kẻ phá hoại; thành phần thứ ba rất có tổ chức là bọn khiêu khích. Bọn khiêu khích đó có thể từ Trung Quốc sang và nó có lực lượng ở đây rồi. Thế cho nên tôi rất lo, nếu bây giờ cứ biểu tình nữa thì phải có tổ chức cơ, mà tổ chức thì Nhà nước này lại không cho được lập hội, lập đoàn.

Còn Đoàn Thanh niên Cộng Sản lại chỉ thích tổ chức thi hoa hậu xem cho vui mắt, chứ còn thanh niên, những người đi (biểu tình) thì không thấy một khẩu hiệu nào của Đoàn Thanh niên Cộng Sản cả. Không thấy một khẩu hiệu nào là của một tổ chức cả. Tổng Liên đoàn Lao động không, Hội liên hiệp Thanh niên cũng không, không ai dám đề tổ chức của mình dưới biểu ngữ cả. Thành ra, cái này nó vừa đáng cảm động, nhưng cũng rất nguy hiểm.

Cảm giác của tôi về những cuộc biểu tình là cực kỳ cảm động, cực kỳ đáng khâm phục các em đứng ra tổ chức rất ôn hòa, rất trật tự, rất vui vẻ nhưng thể nào rồi cũng bị khiêu khích, chống phá và lúc ấy thì không kiểm soát được tình hình. Đấy, điều tôi sợ là như thế."

Mối bận tâm của nhà giáo Phạm Toàn không phải là không có cơ sở, nhất là khi ông biết được một câu chuyện nhỏ xảy ra trong lần biểu tình lần thứ hai. Ông kể:

"Bạn tôi hôm nọ đi về thì đến tả lại và hỏi nó nói cho nghe hôm nay biểu tình thế nào, nó nói hôm nay bị hai thằng Trung Quốc nó phóng xe đâm vào người mình. Mọi người định quay vào đánh thằng đó thì lại bảo “Chúng ta ôn hòa! Chúng ta ôn hòa!”, thế là lại tha cho nó. Thế tức là anh bị mắc kẹt vào chính anh. Bạn này nói rõ là hai thằng Trung Quốc."

Ngay chính một số bạn trẻ đã tham gia biểu tình lần đầu tại TPHCM cũng có nhận xét rằng không ít những người bạn trong đoàn biểu tình của họ đã khá hồn nhiên khi một số thành phần thuộc các đoàn thể nhà nước đã cố tình hướng cuộc biểu tình sang một hướng khác, ít nhắm đến việc chống Trung Quốc hơn và chủ yếu nhằm tôn vinh Việt Nam, thế nhưng các bạn trẻ lại không nhận biết được việc này.

Bù lại, trong những lần biểu tình sau, người ta lại nhận ra được nhiều khuôn mặt anh hùng nhờ cơ quan an ninh của chính quyền! Hỏi một bạn trẻ rằng bạn có vui khi thấy đất nước vẫn có nhiều anh hùng xuất hiện, không chỉ qua các cuộc biểu tình vừa qua, mà còn trong rất nhiều câu chuyện phản biện xã hội khác, thì câu trả lời của bạn trẻ này là:

"Một đất nước mà có nhiều anh hùng là một điều bất hạnh, mà nhất là anh hùng trong cuộc đấu tranh với nhà nước thì lại càng bất hạnh nữa. Em mong muốn là nếu mà có anh hùng thì chỉ là những anh hùng trong các phát minh, sáng chế hay những người đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chống giặc ngoại xâm chẳng hạn. Chứ còn anh hùng trong cuộc đấu tranh với nhà nước thì đấy là điều rất đau khổ. Đấy là điều bất hạnh cho Việt Nam."

Có lẽ, đấy không chỉ là trăn trở của một bạn trẻ, nhưng là mối ưu tư chung của cả dân tộc, nhất là ở vào thời điểm đất nước đang rất cần các anh hùng trong mọi lĩnh vực và cùng hướng về một mục tiêu là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo