Thái Sinh (TranNhuong) - Sáng ngày 26/5/2011 ba tàu hải giám của Trung Quốc đã tiến vào khu vực tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn tại khu vực lô 148 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Một hành động ngang ngược xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật đã khiến dư luận bất bình. Biển Đông khu vực giàu tài nguyên, từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc, ngày 7.5.2009 Trung Quốc gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc theo quy định của Công ước Luật biển 1982, kèm một sơ đồ hình chữ U, giống như đường lưỡi bò nuốt gọn biển Đông của Việt Nam, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Liên tục trong những năm qua, nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị "tàu lạ" tấn công, giữ tàu, thu ngư cụ đánh bắt thủy sản, đòi tiền chuộc. Người Việt Nam vốn là dân tộc trọng tình, trọng nghĩa không muốn làm to chuyện ảnh hưởng tới mối tình hữu nghị đã được hai nhà nước, hai dân tộc xây đắp qua nhiều thập kỷ. "Tàu lạ" là cách nói khéo để không làm mất mặt ai đó, ảnh hưởng tới quan hệ láng giềng đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới. Việc ba tàu hải giám của Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Việt Nam cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 là việc làm ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Việc làm ấy phía Trung Quốc nếu trọng danh dự, trọng mối tình hữu nghị thì họ phải công khai xin lỗi Việt Nam, nhưng đằng này người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc bà Khương Du đã trâng tráo nói rằng:
"Lập trường của Trung Quốc về Biển Nam Trung Hoa là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối những hoạt động thăm dò dầu khí do Việt Nam thực hiện, làm xói mòn các lợi ích và chủ quyền pháp lý của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa và vi phạm sự nhất trí mà cả hai quốc gia đã đạt được về vấn đề này".
Biện hộ cho những việc làm vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà ba tàu hải giám thực hiện sáng 26/5, bà Khương Du nói: “Những việc có liên quan mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện là hoàn toàn tuân thủ theo tiêu chuẩn luật pháp trên biển và là các hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền pháp lý của Trung Quốc"
Sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối những việc làm ngang ngược của Trung Quốc, ngày 31/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố "Tàu hải giám Trung Quốc chỉ thực thi luật pháp trước các hành động trái phép của tàu Việt Nam. Đó là điều hoàn toàn chính đáng". Không dừng lại ở đó còn đưa ra yêu cầu :"Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam đình chỉ mọi hoạt động của họ và tự kiềm chế, không gây xáo trộn". Báo chí Trung Quốc trong những ngày gần đây cũng đăng loạt bài khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và họ gọi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa là của của họ.
Đây là hành động người Việt Nam gọi là "Vừa ăn cướp, vừa la làng". Lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã từng có những chiến thắng oanh liệt chống lại sự lăng của các triều đại phong kiến Trung Quốc mà chúng ta không cần phải nhắc lại.
Thái Sinh
http://trannhuong.com/news_detail/9452/LA%CC%A3I-CHUY%C3%8A%CC%A3N-