Mộng hay thực ? Giấc mơ Việt Nam - Dân Làm Báo

Mộng hay thực ? Giấc mơ Việt Nam

Bình Minh - Viết vào ngày tang Yên Báy, 2011

1.
 
Tháng sáu
khí hậu Hoa Thịnh Đốn thật oi nồng,
nhưng vẫn không ngăn được những giọt lệ, những xúc động khi chứng kiến những đứa con Việt Nam nhận văn bằng tốt nghiệp trong buổi lễ ra trường.


Mộng chăng ??

Khi nghe các em,
những đứa con cùng mang giòng máu da vàng, chia xẻ với nhau – Giấc Mơ Việt Nam.

Giấc Mơ Việt Nam,
của các em,
là giấc mơ – hồi sinh sức sống dân tộc, đổi mới đất nước.

Một đất nước,
mà trong đó,
dân tộc phải có quyền tự quyết, quyền làm người dược tôn trọng và bào vệ, xã hội công bằng pháp trị, người dân được sống trong độc lập, dân chủ, hạnh phúc và tự do.

Những đứa con tuổi mới hai mươi - sinh ra lớn lên trong một hoàn cảnh giáo dục suy đồi, đạo đức bị quên lãng, cùng những đứa con sinh ra lớn lên tại đất nước Hoa Kỳ – với hình ảnh quê hương Việt Nam là những gì rất mờ ảo trong trí tưởng tượng,
vậy mà các em, tất cả đều sớm nhận thức được mối lâm nguy của đất nước, quyết đem kiến thức học hỏi xứ người về cải tổ xã hội, vực lại sức sống quê hương.

Tôi lại tự hỏi,
Mộng chăng ?
Không, không
Thực đấy.

Vui quá,
niềm vui không thể nào tả xiết.

2.

Ngày bốn tháng sáu

Cái nắng
gay gắt của Hoa Thịnh Đốn,
có vẻ dịu hơn,
dịu hơn vì cơn mưa mát trời cuối ngày hay vì nỗi vui từ các bạn trẻ Việt Nam mang đến ?

Kệ,
tôi không cần biết,
niềm hân hoan từ mấy hôm nay
ôm choàng lấy tôi, reo vui trong lòng,
cứ như,
người tình ra đi thuở xưa, nay bỗng trở về.

Ngày bốn tháng sáu,
Ngày kỷ niệm, hai mươi hai năm – cuộc tàn sát rung đông thế giới, tại Thiên An Môn.

Ngày bốn tháng sáu,
những người bạn trẻ của tôi,
tại Hoa Thịnh Đốn,
kể cho tôi nghe,
những ấp ủ của các em qua hình ảnh đấu tranh của sinh viên thanh niên Trung Quốc,
lòng yêu nước,
tinh thần quả cảm …

Với ước vọng dân chủ
mắt các em rực sáng,
ánh lên niền tự hào tin tưởng

Ngày bốn tháng sáu,
ngày tôi chào đời,
ngày tôi được hồi sinh,

Tôi thấy quanh tôi,
là hình ảnh những Trần Quốc Toản
mắt rực sáng, thề quyết
“phá cường địch”
đánh đuổi xâm lăng

nước mắt tôi lăn dài,
thành dòng….

Cám ơn các bậc sinh thành,
đã nuôi dưỡng rèn luyện các em thành những con người ý thức, có tinh thần bất khuất cho dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Cám ơn các em,
các em đã cho tôi hy vọng,
những hy vọng tưởng chừng như tắt ngúm,
về thế hệ thanh niên qua những lần về thăm quê hương,
qua những lần đứng ngẩn ngơ nhìn hàng loạt thanh thiếu niên phóng xe gắn máy, chạy như điên cuồng không mục đích vòng quanh bùng binh nơi các thành phố lớn vào mỗi chiều tối, hay qua những lần che mặt vội vã bước đi, tránh phài nhìn thấy những cặp thanh niên thiếu nữ đang ôm ấp sổ sàng, lố nhố ngồi ngập cả công viên.

Nắm chặt tay các em,
Tôi muốn ôm hết tất cả vào lòng,
Để chúng ta – cả già lẫn trẻ
Xác định quyết tâm và thắp cao hy vọng …

Mai,
các em về lại quê hương,
lăn sả vào cuộc sống đầy bất ổn với hành trang trách nhiệm tuổi trẻ.
Tôi ở lại, tiếp tục rảo bước
tiếp tục kiếm tìm
những người đồng hành.

Vai các em, và cả vai tôi – oằn thêm trách nhiệm

3.

Rồi,

Cũng vào những ngày đầu tháng sáu, hai ngàn mười một,
Tôi lại choáng ngợp bời những tin tức tới tấp gửi về: qua Facebook và điện thoại di động một loạt điện thư xuất hiện chuyển đạt lời kêu gọi biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Cộng của thanh niên sinh viên. Nào áo, nào huy hiệu cho ngày xuống đường được các bạn trẻ đón nhận sửa soạn rất nồng nhiệt…

Khí khái tuổi trẻ hòa cùng sức mạnh truyền thông đã biến ngày chủ nhật thành ngày xuống đường lịch sử.

Ngày năm tháng sáu,
trên khắp nẻo đường đất nước, Sài gòn - Hà nội
thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung quốc xâm lăng.
Tuổi trẻ mạnh dạn đứng lên bất chấp những đe dọa – để được nói lên tiếng nói bất khuất từ trái tim – để được thể hiện tinh thần quật cường.

Mộng ư ???
Không,
Thực đấy.

Những giọt lệ lại trào lăn trên má,
của tôi, và của những người đồng cảm.

Tôi liên tưởng đến giọt lệ của mục sư Jessie Jackson và của những người da đen trên màn ảnh truyền hình năm xưa, năm 2008 khi họ chứng kiến thanh niên Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Sự chờ đợi quá lâu, đến độ tắt cả hy vọng – bây giờ là sự thật đã tạo thành những giọt lệ chân thành sung sướng không thể nào cầm được. Những giọt lệ lịch sử này đã được giới truyền thông chiếu đi chiếu lại nhiều lần thật lâu trên màn ảnh truyền hình Hoa Kỳ.

Nhìn hình ảnh,
đọc bài tường thuật
của nhà văn Nguyễn Viện từ Sài Gòn,
“…những giọt nước mắt của nhà văn Nguyên Minh, một ông bạn già trên 70, ông đã khóc khi tận mắt chứng kiến lòng yêu nước của người dân dâng trào trước nguy nan của tổ quốc. Điều mà ông nghĩ không thể xảy ra được trong chế độ chúng ta đang sống”.

Những giọt lệ đồng cảm ,
cứ thế lăn dài, lăn dài -
theo hình ảnh và những dòng chữ đang được truy cập về buổi tuần hành nức lòng dân chúng.

Mộng chăng ?
Không, không
Thực đấy

Tôi dụi mắt,
bài thơ của Hoàng Phong Linh, bỗng bay qua trí nhớ

Tôi lẩm nhẩm
Mẹ Việt Nam ơi,
                 chúng con vẫn còn đây
nếu Mẹ sinh ra những đứa con ngoan quật cường, thì
Mẹ cũng đang có những đứa con ngỗ nghịch, vong ơn bạc nghĩa.

Những đứa con mê ngủ,
thay vì yểm trợ, hòa nhập,
lại bắt bớ, cản ngăn làn sóng yêu nước dâng tràn cùa thanh niên.

Tại sao ???
Tại sao ???

Quyết Tâm Bảo Vệ Tổ Quốc,
là một hành động yêu nước
đáng được cổ vũ khuyến khích,
cớ sao các người kia lại cam tâm dập tắt ???

Liệu có dập tắt được không
những nguyện vọng đồng bào ?
Liệu áp bức được bao lâu
khi giờ lịch sử sắp điểm ?

Tôi thở dài,
lo âu cho số phận của những kẻ phản bội

Dĩ nhiên,
nếu không quay về cùng đồng bào dân tộc
thì họ phải đền tội.
Phản quốc, bán nước
dù chủ mưu hay a tòng đều là tội ác không thể nào tha thứ.

Thực đấy,

4.

Trở lại,
Giấc Mơ Việt Nam của các em nhỏ - bạn tôi,

Đó là giấc mơ chung cho cả một dân tộc, mà mỗi một chúng ta đều có bổn phận phải thực hiện, dù trong hoàn cảnh nào. Tuổi trẻ thanh niên đứng lên nhận lãnh gánh vác, thì bậc cha mẹ chúng ta không thể thoái thác, không thể chối từ. Nếu ai chưa bắt đầu, thì xin hãy bắt đầu với những gì cụ thể nhất để góp phần thực hiện giấc mơ.

Chúng ta bắt đầu,
chúng ta phải tiếp tục,
để đào tạo xây dựng thế hệ con cháu.
Ít ra,
nếu chúng không gánh vác nổi giang san thì chúng cũng không là sâu bọ đất nước

Vì vậy,
xây dựng lại tinh thần lễ nghĩa, giềng mối đạo đức cho thế hệ con cháu là một điều tối quan trọng trong thời điểm vàng thau lẫn lộn này.

Xây dựng như thế nào trong khi hầu hết nhà trường đang bị kềm chế bởi những con buôn giáo dục, và luân lý xã hội thì hoàn toàn vắng bóng ?

Hãy nhìn vào
những người bạn trè của tôi,
và những bạn trẻ đang lên tiếng cho chủ quyền đất nước.

Từ đâu
các em có được tình yêu nước cao độ,
từ đâu các em chọn đường chông gai dấn thân tại quê hương,
thay vì việc tốt tiền cao, an nhàn nơi xứ người ?

Phải chăng
giáo dục gia đình ?

Thế thì
Chúng ta nên dùng giáo dục gia đình như một khởi đầu.

Không ai có thể cấm chúng ta dạy dỗ con cái giữ gìn đạo đức sống xứng đáng là con người. Không ai có thể bắt bớ đánh đập chúng ta khi chúng ta cổ xúy tinh thần yêu nước, nêu cao tinh thần quật khởi, cứu nước giữ nước của tổ tiên đến con cháu chúng ta.

Nếu nhà nhà chúng ta ai cũng đồng tâm đồng lực trong việc giáo dục con cái, thì:
chẳng bao lâu, dân tộc chúng ta, sẽ bớt đi những sâu mọt đất nước, hút máu dân lành, và sẽ vắng dần những đứa con bán nước, phản bội quê hương.

Hỡi các bậc cha mẹ, trong nước,
chúng ta đừng buông xuôi nhận chịu những gì đang áp đặt trong đời sống hàng ngày, mà hãy cố gắng vươn lên - hãy vươn lên cho tương lai dân tộc, vươn lên cho chính thế hệ con cháu chúng ta. Là cha mẹ, nào ai muốn con cháu mình, mãi sống trong u tối, mãi nhận chịu những bất công, áp bức, mãi sống trong tật nguyền vĩnh viễn: có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm ???

Các bậc cha mẹ, tại hải ngoại,
Chúng ta cũng đừng vì “đẩy lùi quá khứ”, mà quên đi tất cả, an phận với cuộc sống nước người. Chúng ta hãy tỉnh dậy, chớ bi quan với vận hành đất nước. Một đất nước, mà đã có biết bao nhiêu người hy sinh xương máu để bảo vệ cưu mang chúng ta và chúng ta chưa một lần đền đáp.

Vươn lên trong nước,
không có nghĩa là chúng ta phải “phản động” chuyền tay các tờ rơi , phải “chống đối” bằng bạo lực, phải “hy sinh” đời sống nhu cầu sinh hoạt hàng ngày,

Tỉnh dậy, ngoài nước,
không có nghĩa là chúng ta phải tham gia tổ chức này, đoàn thể nọ, phải họp bàn chính trị để rồi trong lòng nơm nớp sợ hãi – tiếp tay “phản động” nước ngoài, sẽ mất giấy phép về thăm nhà Việt nam.

Hãy vươn lên,
những ai chưa bắt đầu thì hãy bắt đầu bằng vũ khí chúng ta đang có, dùng giáo dục gia đình để sửa soạn xây dựng cho thế hệ tiếp nối.

Từ thôn quê đến thành thị,
từ cụ già đến các em nhỏ
tất cả đều có thể thực hiện tiếp tay.

Hãy đem những gì chúng ta đã được hấp thụ, mà chuyển đạt đến những người thân thuộc chung quanh, nhất là các thế hệ con cháu. Hãy tạo những sinh hoạt gia đình, khuyên bảo con cháu sống đúng với sĩ khí con người, của một người dân trong nguy cơ mất nước. Hãy dùng các phương tiện, hướng dẫn con cháu, học hỏi tìm biết sự thật về lịch sử dân tộc, một lịch sử đau thương nhưng rất bất khuất hào hùng, đã đập tan biết bao mưu đồ xâm lăng của giặc Tàu phương Bắc.

Và nhất là,
hãy đề cao cảnh giác, đừng vô tình để những bài viết văn nô và những cuốn phim phản bôi, bóp méo lịch sử - chủ ý diệt dần sức sống tinh thần dân tộc - thâm nhập vào đầu óc da thịt máu xương của những đứa con Việt nam chúng ta.
Còn nữa,
Hoài nghi về cội nguồn, chối bỏ bản sắc dân tộc cũng là một trong những nguyên nhân của thất vọng chán đời, đưa dần đến sự tự hủy diệt đời sống. Vì vậy, các bậc phụ huynh tại hải ngoại chúng ta nên cố gắng hun đúc niềm tự hào dân tộc trong lòng các con em, khuyến khích các em tham gia những sinh hoạt lành mạnh của các tổ chức thanh niên sinh viên tại địa phương, và hướng các em đến một lý tưởng cho đời sống.
Nhìn cho sâu,
thì dù ở thời điểm nào – tinh thần quật khởi dân tộc cũng rất mãnh liệt, đất nước lúc nào cũng có những tiếng nói bất khuất can trường đang âm thầm tìm đường giải cứu quê hương. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta có quyền khoanh tay đứng ngoài cuộc, để người khác làm thay cho mình.

Có bao giờ tiền nhân chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lăng, hoặc nhắm mắt buông xuôi để đất nước đi vào đường cùng ??? Buông xuôi, an phận, nhận chịu là chúng ta đồng lõa với những kẻ đang phản bội, là có tội với đồng bào tổ quốc.


Nếu,
tất cà chúng ta, dùng giáo dục gia đình để xây dựng thế hệ con cháu, đào tạo các em thành con người sĩ khí thì chúng ta, đã góp phần vào phong trào phản kháng cứu lấy quê hương, và chúng ta, đang chuyển:
                 Mộng thành Thực

Và,
hỡi những người
dẫu
dưới sắc áo công an
trong chức vị hiệu trưởng,
hay là thành viên trong Liên Hiệp Phụ Nữ, trong Thành Đoàn
Tôi tin rằng – các bạn
vẫn còn một trái tim đang đập,
một trí óc chưa bị rửa mục bởi những ân sủng bố thí hay quyền lực chia chát

Nếu,
hình ảnh các thanh niên xuống đường bây giờ,
là hình ảnh của các bạn
của đất nước lâm nguy, thanh niên đứng lên bảo vệ tổ quốc -
vào mấy chục năm xưa, trong tuổi thanh niên đầy hào khí
thì xin hãy bỏ súng, mã tấu, dùi cui,
mà hòa nhập vào lực lượng dân tộc, cùng gióng lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Khi áp bức bị dồn nén
uất hận dâng trào …
thì phản kháng phải bùng lên,

Thử nghĩ :
chúng - những tên tham nhũng, áp bức dân lành
có bảo vệ các bạn được chăng
khi chính chúng,
còn chưa bảo vệ được số phận bản thân và gia đình ?
rồi những lời hứa môi mép của những tên phản quốc,
bạn có tin được không  - khi chính chúng,
vốn mang bản chất phản trắc, bội nghĩa ?

Cứ nhìn vào,
Tunisia, cuộc cách mạng Hoa Nhài
Độc tài Ben Ali,
đã trốn ra đi cùng vợ con, gia đình
bỏ mặc đàn em – những tên
một thời sống chết để bảo vệ quyền lực của nhà độc tài.

Hãy trở ngược đầu súng, đầu dao.
Chắc chắn súng ống, vũ khí đây,
sẽ không nhắm vào các người dân vô tội mà
súng ống này phải dành cho những kẻ đang phản bội tổ quốc,
đang cúi đầu phục tòng ngoại bang, đang quay về tiêu diệt sức sống của chính dân tộc mình.

Người hiệu trưởng kia ơi,
và ngay cả các anh chị trong Thành Đoàn
hãy khuyến khích
và cùng các em xuống đường,
đòi quyền sống cho ngư dân Việt nam tại biển Đông,
đòi lại chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa
đang bị chiếm lĩnh ngang ngược bởi giặc Tàu xâm lấn.

Mộng rằng,
các anh chị
sẽ tạo lại niềm tin cho tuổi trẻ,
là chúng ta -
thế hệ đàn anh trưởng thành,
cũng có tư duy
sẽ không bao giờ phản bội dân tộc,
dối trá lọc lừa thế hệ đàn em

Mộng như thế, để rồi tự hỏi,
Sẽ chờ bao lâu
            Mộng thành Thực  ???


5.

Tháng sáu.
Đến hôm nay cuộc biểu tình đã vãn hồi
nhưng sao tôi vẫn như mơ,
nhưng sao tôi vẫn sống lâng lâng trong khí thế quật cường tuổi trẻ, trong hào khí thanh niên.

Tháng sáu khởi đầu
Rộn rã chiêng cồng tuổi trẻ
Báo hiệu
toàn dân Việt nam
ý chí quật cường đang dâng trào trong huyết quản
và chúng ta - đã quyết.

Đi ! Chúng Ta Đi –
Đi trong hàng ngũ
Từ Sài gòn đến Hà Nội,
Đi khắp năm châu bốn bể: Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn, Sydney
vang động toàn cầu,
lồng lộng đại dương
tiếng nói thiết tha bảo vệ tổ quốc

Chớ chờ,
Mỹ hay Pháp
Anh hay Đức
mở hộ ta, ổ khóa TỰ QUYẾT.

Chìa khóa đang trong tay,
chính chúng ta phải sử dụng
Nếu chúng ta không quyết định lấy số phận đất nước của mình,
Thì ai ?
Thì giặc ?

Nghĩa là,
Chúng ta phải vươn dậy,
Bằng mọi phương tiện,

Nghĩa là,
các em ơi,
đồng bào ơi,
hãy nắm tay nhau, thực hiện - Giấc Mơ Việt Nam
hãy nắm tay nhau -
                     Hóa MỘNG thành THỰC

Bình Minh

*

Dân Làm Báo xin cám ơn nhà báo Trần Quang Thành đã chuyển Giấc Mơ Việt Nam của Bình Minh đến với các bạn trong thôn DLB.

danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo