VRNs (04.06.2011) – Blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu là một trong năm diễn giả được mời đến Ngày hội blogger, trong sự kiện Ngày truyền thông Công giáo thế giới lần thứ 45, được tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đã bị công an quận Tân Bình bắt từ chiều thứ năm, 02/06/2011, sau vài giờ tới Sài Gòn từ Hà Nội. Điện thoại của Người Buôn Gió bị an ninh sử dụng, nên một số người liên lạc với anh đến sáng nay, 03/06/2011, vẫn tưởng anh không bị cản trở gì trong việc tham gia ngày Hội blogger.
Đây tiếp tục là một bằng chứng ở Việt Nam, giới hành pháp, cụ thể là công an đã không tôn trọng Hiến pháp về tự do đi lại và cư trú của công dân, và tiếng nói chính thức với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam không hề có tự do internet.
Tuy vắng mặt Người Buôn Gió, Ngày hội blogger vẫn diễn ra sôi nổi, vui nhộn và và đồng cảm với nhiều tràng pháo tay liên tục xen giữa phần chia sẻ của các blogger có mặt.
Hôm nay thầy Năng lại giúp mọi người khởi động bằng cách làm cử điệu theo nhạc. Quan sát các tham dự viên hòa mình với nhau với dòng nhạc bất kể là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chẳng kể già hay trẻ, người khỏe mạnh hay khuyết tất.
Các bạn trẻ giáo xứ Tân Phú tiếp tục góp với hội thảo những tiết mục không chỉ để xem, mà để mọi người cùng tham gia
Sau phần khai mạc, cha An Thanh cho mọi người xem chân dung blog và chân dung các chủ blog hôm nay sẽ đề dẫn. Blog Mẹ Nấm với avatar bản đồ Việt Nam được nhấn mạnh nơi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Blog Tạ Phong Tần với banner Công lý và Sự thật trên nền hoa mặt trời chiếu thẳng vào mắt người đọc. Blog Chân Thiên Mỹ đơn sơ, nhẹ nhàng với những hình ảnh thuần tôn giáo: Lòng thương xót Chúa, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre do anh Phạm Văn Lượng phụ trách. Blog Uyên Vũ với hình ảnh của đôi bạn trẻ mới thành hôn cách đây hơn một năm, câu lạc bộ nhà báo tự do chụp hình chung tại nhà hát lớn Sài Gòn, năm 2008. Tuy không có mặt, blog của Người Buôn Gió cũng được giới thiệu với chân dung của anh Hiếu đang chia sẻ với anh Công Hùng, hiệp sĩ công nghệ thông tin, một người khuyết tật muốn đại diện quyền lợi người khuyết tật trong nghị trường Quốc hội đã bị loại trừ ngay từ vòng “gởi xe”. Hình anh đang say sưa với “Thế giới phẳng”. Đặc biệt mọi người được làm quen với Tí Hớn con của anh cũng như đã làm quen với Nấm con của chị Như Quỳnh.
Mở đầu phần chia sẻ của mình, chị Như Quỳnh – Mẹ Nấm nhận định: “Nhận thức của con người đối với hiện tượng xã hội được hình thành thông qua đức tin và ngũ quan”. Sau đó Mẹ Nấm cho mọi người thấy internet là một sự phát triển kỳ diệu của con người, nó giúp người ta cách tích cực trong việc tìm kiếm thông tin, giao lưu, kết bạn, chia sẻ cảm xúc, biểu lộ quan điểm. Internet thoát được lối mòn của thông tin báo chí, và bù được những khoảng trống về đói tin của nhiều người. Chị nói: “Tuy thế, không phải thể chế nào cũng để phát triển và cho phép khai thác điểm mạnh của internet một cách đúng đắn. Đã có sự ngăn chặn của nhà quản lý, mà thực chất là do yếu kém về quản lý mới sinh ra biện pháp ngăn chặn, cấm đoán và bưng bít”.
Trong cái rủi có cái may, vì sự ngăn chặn đó, mà blog có đất sống. Khi bàn về khía cạnh thông tin và tác động của blog, Mẹ Nấm nói: “Blog là “cú” đột phá của những người sử dụng internet, khai thác đúng vị trí của nó đối với cuộc sống xã hội”. Sau đó người thuyết trình đề cập đến chân dung của người viết blog. Ở phần kết luận, Mẹ Nấm nói: “Hãy làm tất cả vì một xã hội lành mạnh. Tất cả các bloggers hãy vì sự tiến bộ và văn minh nhân loại mà “gõ phím”. Blog, sản phẩm trí tuệ và tâm hồn! Blogger chân chính là những người sử dụng blog vì một xã hội lành mạnh và tiến bộ thực sự”.
Blogger Tạ Phong Tần bắt đầu phần chia sẻ của mình bằng việc nhắc đến một chút lo âu của một tham dự viên về “lửa”. Chị cho biết mới nhặt được được hộp quẹt, nên chắc chắn có lửa. Chị nói: “Tôi hy vọng Chúa đang ở bên cạnh tôi như người đã từng ở với tôi”. Sau đó chị trình bày bối cảnh báo chí Việt Nam.
Ở VN có 700 tờ báo, nhưng chỉ có một tổng biên tập là Ban tuyên giáo TW. Khi có chuyện gì quan trọng thì phải đăng nguyên văn bản tin của TTXVN. Có một luật bất thành văn là báo chí không được nói xấu tổ chức đảng, nhà nước, chỉ nói xấu cá nhân, và cũng chỉ đến mức thứ trưởng thôi.
Theo chị Tần: “Chúng ta viết blog là sống quyền tự do thông tin, tự do báo chí đã được Hiến pháp bảo vệ. Chúng ta là con người chứ không phải là cái máy, nên không buộc chỉ nghe những thông tin do nhà nước cung cấp mà thôi, mà chúng ta có thể tìm hiểu và chia sẻ thông tin với người khác”.
Chị chia sẻ kinh nghiệm viết blog của mình: “Một người góp ý nên viết bài có tốt có xấu cho quân bình. Tôi trả lời tôi là nhà báo tự do, tôi viết những điều tôi cảm thấy cần phải viết mà 700 tờ báo không viết. Tôi chịu trách nhiệm. Tôi là tiếng nói bênh vực người nghèo”. Theo chị Tần, những người viết tự do, nên viết những gì nhà nước không viết để cân bằng lại sự thật. Nhiều người lo sợ không dám viết, vì sợ trù dập. Họ có thể trù dập một người, nhưng nếu mọi người cùng viết thì họ sẽ không thể dập tắt được.
Anh Phạm Văn Lượng được giao trình bày một đề tài rất là “Công giáo”. Anh nói: “Hôm nay, với tư cách một Blogger Công Giáo, tôi xin chia sẻ đề tài BLOGGER VÀ SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH. Đây là một bức tranh duy nhất, tôi muốn nói: Sứ mạng của Hội Thánh thế nào, sứ mạng của Blogger như vậy”. Anh nói tiếp: “Nhìn vào một Blog Công Giáo, ta có thể thấy ngay sứ vụ này. Chủ nhân của những blog ấy có thể là linh mục, tu sĩ nam nữ hoặc giáo dân. Và tôi, một giáo dân, chủ trang blog yahoo Chân Thiện Mỹ. Blog Chân Thiện Mỹ được khai sinh từ đầu tháng 4/2010 đến nay là 14 tháng. Mỗi ngày có trên dưới 200 lượt người vào đọc. Có ngày hơn 300 hoặc 400 lượt! Có lúc xấp xỉ 500″.
Anh lưu ý nhiều đến việc đối thoại giữa chủ blog và các bạn blog, hoạt động này gia tăng giá trị blog và cũng làm cho mọi người đến gần nhau hơn.
Cuối cùng anh đề nghị: “Cuối cùng, một nguyện vọng tôi xin được nêu lên: Nên chăng có một linh mục tư vấn tâm linh cho các Bloggers Công Giáo hay ít nhất có một địa chỉ để Blogger Công Giáo tìm đến.”
Hôm nay, ban đầu nhiều người nghĩ nội dung sẽ đơn giản, và có thể kết thúc sớm, nhưng chỉ mới sau ba blogger chia sẻ, quỹ thời gian đã đi quá một nửa, nên ban tổ chức xin phép được giao lưu với ca sĩ Ksor Dưk, một thanh niên Jarai đã tiếp cận âm nhạc từ bé với tiếng cồng chiêng của cúng tế lễ hội, với giai điệu đong đưa của jun xoang. Tiếng hát anh vừa trầm hùng vừa vút cao tôn vinh Thiên Chúa, đậm sắc núi rừng, mà không kém phần kỹ thuật chuyên nghiệp.
Có lẽ so với các blogger khác, Uyên Vũ gặp phải một yêu cầu bất khả thực hiện trong 5 phút. Vì đề tài “thủ thuật blog” nói với cử tọa có người đã chơi blog và có người chưa bao giờ dám chơi blog thì phải nói đến 5 tiếng mới giải quyết được đề tài. Khó khăn thứ hai mà Uyên Vũ gặp phải nữa là tại Nhà mục vụ DCCT Sài Gòn không có đường truyền internet để sử dụng, nên phải dùng tạm 3G, mà 3G thì thời gian chờ dài hơn thời gian nói. Tuy thế, Uyên Vũ cũng đã giới thiệu được cách tạo blog, và cách tạo ra những trang lưu trữ hỗ trợ để giữ các file media như video và audio, và cách code các file đó lên trang blog.
Cha Đinh Hữu Thoại hôm nay làm camera man, máy quay và chân quay đơn chạy khắp khán phòng để ghi nhận sự kiện và các khuôn mặt. Đây cũng là một sở thích của ngài từ khi còn là sinh viên thần học.
Buổi thứ hai này được dừng lại một chút để mọi người cầu nguyện cho anh Người Buôn Gió, tác giả của Đại Vệ Chí Dị dài nhiều kỳ nhiều tập. Mọi người hy vọng anh được bình an trong tâm hồn, ngay khi gặp ngăn trở, khó khăn. Tuy chưa phải là người Công giáo, nhưng qua lần này, vì lý do đến với DCCT chia sẻ một kinh nghiệm về blog, mà anh bị bắt thì anh chị em Công giáo thấy mình buộc phải hiệp thông mãnh liệt hơn với anh.
Trước lúc chia tay của ngày thứ hai, cha Hoàng Sơn thay mặt cho các tham dự viên trao quà lưu niệm cho các bloggers, ghi dấu cuộc hội tụ đặc biệt của Truyền thông Công giáo Việt Nam năm nay.
Theo ban tổ chức, ngày mai, 18:30 pm, ngày 04/06/2011 sẽ có thánh lễ tạ ơn kết thúc ba ngày sự kiện Ngày truyền thông Công giáo thế giới lần thứ 45, và trong thánh lễ này sẽ thắp nến cầu nguyện cho sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc.
Tin: Thụy Minh, VRNs
Ảnh: Hiệp Hòa, VRNs