Bạn đọc Danlambao - Năm 248, Bà Triệu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo sử sách, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì phải lui về xã Bồ Điền và cùng đường tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Cũng giống Trưng Trắc và Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh quyết không để bị khuất phục. Chết, nhưng không nhục.
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!" Câu nói bất hủ của người con gái anh hùng của dân tộc Việt đã tỏ chí khí mà ngàn sau dân Việt mãi còn kính phục.
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Đó là sự thật.
Năm 1075-1077, Lý Thường Kiệt đánh bại quân nhà Tống, viết nên bài “Thơ Thần” bất hủ nói rõ chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Đó là sự thật.
Thế kỷ thứ 13, Trần Hưng Đạo ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân-Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lui quân về Vạn Kiếp. Vua Nhân-Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?" Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đã!”
Đó là sự thật.
Thế kỷ 15, Lê Lợi chiến thắng quân Minh. Triều đình nhà Minh, vốn rất muốn xâm lăng Đại Việt, đã nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để đưa quân tràn vào đất Việt năm 1407. Hồ Quý Ly liên tục thất bại và đến tháng 6 năm 1407, thì bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Vương triều Đại Ngu sụp đổ. Nhà Minh thực hiện chính sách xoá bỏ nền văn minh sông Hồng bằng các cách như đốt, phá và chở về Yên Kinh tất cả các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, của dân Việt tạo lập, thiến hoạn đàn ông người Việt, khiến cư dân Việt rất uất ức và căm giận.
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng phất cờ khởi nghĩa. Tự xưng là Bình Định Vương và kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh quân xâm lược nhà Minh cứu nước. Lê Lợi chiến thắng quân Minh, trở thành vị vua đầu tiên của nhà hậu Lê. Bản thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại cáo” của đại thần Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Đó là sự thật.
Bạn đọc Danlambao
danlambaovn.blogspot.com