Phan Văn Tú - Ngày 16.3.2011, mỏ bauxite Tân Rai công bố khai thác mẻ quặng đầu tiên. Bản tin “thành tích” ấy đã làm cho không ít người dân Lâm Đồng, Đồng Nai – và cả chính quyền các địa phương này – bắt đầu quan ngại. Và từ tháng 6 đến nay, sự quan ngại ấy càng sâu sắc và đã có phản ứng. Vì sao?
Trong dự án khai thác bauxite ở Lâm Đồng, người ta đưa ra phương án vận chuyển sản phẩm theo lộ trình từ tỉnh lộ 725 đến Bảo Lộc, sau đó, theo quốc lộ 55 đến tỉnh lộ 714, rồi từ xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận), sẽ theo đường làm mới và cải tạo đến quốc lộ 1A và từ quốc lộ 1A theo đường làm mới xuống cảng Kê Gà. Nhưng chuyện làm cảng biển mới ở mũi Kê Gà khá tốn kém và không thể một sớm một chiều. Và việc xây mới, chỉnh trang tuyến đường bộ từ Lâm Đồng về tỉnh Bình Thuận để ra cảng Kê Gà phải xuyên qua núi cao, rừng phòng hộ cũng không dễ có ngay được.
Trong khi đó, bauxite đã tiến hành khai thác.
Thế nên từ cuối năm ngoái, người ta mới đưa ra phương án dùng tuyến đường Quốc lộ 20 (tuyến quốc lộ từ Dầu Giây đi Đà Lạt) và Quốc lộ 51 (tuyến quốc lộ từ Biên Hòa đi Vũng Tàu) cùng các tỉnh lộ 725, 769 để vận chuyển bauxite từ Tân Rai đi ra cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Cụ thể tuyến đường vận chuyển bauxite Tân Rai ra cảng Gò Dầu sẽ đi theo tỉnh lộ 725 đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), theo Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc về ngã ba Dầu Giây, sau đó theo tỉnh lộ 769 vào Quốc lộ 51 xuống cảng Gò Dầu.
Vi phạm luật giao thông đường bộ?
Ai ở TP.HCM từng đi du lịch Đà Lạt bằng đường bộ đều biết đến Quốc lộ 20, một trục đường gắn liền với nhiều vùng cư dân mật độ khá đông như Gia Tân – Gia Kiệm, Định Quán – Phương Lâm; một trục đường có nhiều đèo, dốc và cung đường rất dễ xảy ra tai nạn. Quốc lộ 20 được người Pháp xây dựng, Mỹ nâng cấp và người Việt… duy tu hơn 35 năm qua. Hiện nay, đây là đường cấp 4, mặt đường rộng “thênh thang 8 thước” nhưng đã hết hạn sử dụng từ lâu, nhiều chỗ xuống cấp nghiêm trọng. Biết là hết hạn nhưng đây là tuyến đường huyết mạch, gắn liền với sự phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của cả nước, cả miền Đông Nam bộ nên hiện nay, hàng ngày, Quốc lộ 20 vẫn chịu tải lưu lượng hơn 2 vạn phương tiện giao thông qua lại. Cây cầu La Ngà chỉ chịu được tải trọng đến 25 tấn.
Con đường tỉnh lộ 769 (từ Dầu Giây đến Quốc lộ 51 dài hơn 33km) cũng là đường cấp 4, mặt đường đã hết hạn sử dụng nhưng chưa được đại tu nâng cấp, nhiều đoạn hư hỏng nặng, nhiều đoạn không an toàn. Đây cũng là đoạn đường ngang qua trung tâm các xã có mật độ dân cư đông đúc, mua bán sầm uất. Bảy cây cầu trên tuyến tỉnh lộ này cũng có tải trọng từ 20 – 25 tấn và đang có hiện tượng xuống tải.
Và, Quốc lộ 51 – con đường mà ai đã từng đi du lịch từ Sài Gòn đến Vũng Tàu bằng đường bộ đều phải ngang qua. Lộ trình chuyên chở bauxite ngang qua đây không dài, chừng 17km, nhưng đó là đoạn đường hiện đang thi công, mặt đường đang bị thu hẹp trong khi mật độ phương tiện lưu thông rất cao (hơn 25 ngàn lượt xe/ngày đêm). Đoạn quốc lộ này có 6 cầu đang tiến hành xây dựng lại, phải lưu thông bằng cầu tạm, có cầu tải trọng chỉ 25 tấn.
Chỉ riêng trên địa bàn Đồng Nai, số cầu có tải trọng dưới 25 tấn và cầu tạm trên “tuyến bauxite” này cũng khá nhiều.Không biết khi đồng ý cho Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam dùng những xe có tải trọng 40 tấn vận chuyển loại sản phẩm đặc biệt này với tần suất 3 – 5 phút/xe qua tuyến đường ấy, người ta có nghĩ đến các quy định trong Luật giao thông đường bộ không?
Chưa thấy lợi, đã thấy lo
Các con số thống kê đã cho thấy hiện nay bình quân mỗi ngày cả nước có bình quân 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Con số này năm 2010 còn cao hơn nhưng từ đầu năm đến giờ, số vụ TNGT có tính chất thảm khốc (chết tập thể, đâm hàng loạt) cũng gia tăng đến mức đáng ngại. 6 tháng đầu 2011, có hàng trăm vụ TNGT nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ… xe tải.
Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đã đồng loạt phản ứng trước câu chuyện vận chuyển bauxite ngang qua địa phương mình. Bởi đối với những người dân bình thường không có trong tay những chỉ số thống kê cũng có thể cảm nhận được nỗi lo “bauxite” kiểu này.Trước mắt, với mật độ xe tải như thế trong một tuyến đường đông dân và sầm uất như vậy thì áp lực tai nạn giao thông chắc chắn sẽ tăng lên nhiều lần, cầu đường chắc chắn sẽ xuống cấp, sản xuất, sinh hoạt ở các địa phương này sẽ bị tác động tiêu cực nặng nề. Và câu chuyện ô nhiễm môi trường trên cung đường vận chuyển các loại sản phẩm bauxite này cũng phải được bàn đến.
Có người sẽ nói rằng: Đường xấu, đường hư thì TKV sẽ bỏ tiền ra nâng cấp. Chuyện làm ăn của người dân địa phương bị tác động, ảnh hưởng hiện chưa có khảo sát khoa học để đo lường. Mà nếu có thì người dân cũng có thể hy sinh vì chuyện quốc gia đại sự. Chuyện ô nhiễm môi trường khi vận chuyển các loại sản phẩm bauxite chắc cũng có giải pháp để giảm thiểu v.v…
Cứ cho là như thế. Nhưng, tính mạng của dân thì liệu có thể dùng tiền lãi bauxite để mua lại được không?
Áp lực xe tải gia tăng ngày càng cao trên tuyến đường này vì chuyện vận chuyển bauxite sẽ gieo rắc nỗi ám ảnh thường trực cho người dân trong vùng về TNGT hàng ngày.