Nguyễn Tường Thụy - Hôm ấy, có vị thiếu tá đối thoại với bà con khá nhiệt tình. Khi vị thiếu tá nói với bà con rằng, chúng tôi mời mọi người về đây thì nhận được sự phản ứng tức thì. Lập luận của bà con rằng, đó là các anh bắt chúng tôi về đây chứ đâu phải là mời. Bắt bớ, đánh đập, lôi cổ chúng tôi lên xe chở về đây mà cũng gọi là mời ư? Chuyện tưởng rõ ràng như vậy nhưng tranh cãi cũng quyết liệt phết. Người bảo mời, kẻ bảo bắt, cuối cùng chẳng bên nào chịu bên nào mới lạ chứ...
*
Mời là tỏ ý mong muốn người khác làm việc gì cho mình một cách lịch sự, trân trọng.
Điều kiện cần của việc mời là phải có hai bên: bên mời và bên được mời. Còn điều kiện đủ có lẽ là hai bên đều có thiện chí. Chả biết nói vậy có chính xác không.
Thông thường, người mời mong muốn người được mời đáp ứng một nhu cầu tinh thần nào đó của mình nên lời mời rất trân trọng, quí hóa. Ví dụ mời đi dự lễ cưới, cuối thiệp mời, người ta hay chua thêm câu: “Sự hiện diện của ông (bà ...) là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”.
Người được mời thì cảm thấy vinh dự, tự hào vì thấy mình cần thiết cho bên mời.
Người được mời có thể đi, có thể không đi (vì lý do bận chẳng hạn) nhưng vẫn cảm kích tấm lòng của người mời lắm lắm. Cho nên dù không đi được, người ta cũng phải có lời xin lỗi rồi gửi quà tặng qua người khác.
Ấy vậy mà, ở nước ta việc mời còn lắm chuyện mời khó hiểu, kỳ cục, nhất là lời mời được phát ra từ các cơ quan Nhà nước.
Dù ghi là giấy mời, kính gửi ông này bà nọ nhưng cuối cùng thì không quên “đe”: “Yêu cầu ông (bà ...) có mặt theo đúng thời gian và địa điểm nói trên”
Ơ hay, đã “mời” sao lại còn “yêu cầu”. Lẽ ra phải nói: ‘Mong ông (bà ...) sắp xếp thời gian để có mặt đúng giờ” mới phải chứ. Thắc mắc vậy, nhưng người được “mời” phải hiểu, nếu không đi thì sẽ gặp phiền phức, rắc rối, thậm chí có thể bị cưỡng chế ... mời nên đành phải bỏ lại những việc khác dù đã lên chương trình như gác lại lời mời dự lễ cưới đầy trịnh trọng ân cần kia để đến cái nơi vừa mời vừa yêu cầu trong tâm trạng run rẩy, lo sợ.
Hầu như, cái giấy vừa mời, vừa yêu cầu là theo một mẫu thống nhất do cơ quan nào đó ban hành ra.
Nhân nói đến cái sự mời, kể thêm một chút về chuyện những người biểu tình bị bắt về đồn công an Mỹ Đình hôm 17/7. Hôm ấy, có vị thiếu tá đối thoại với bà con khá nhiệt tình. Khi vị thiếu tá nói với bà con rằng, chúng tôi mời mọi người về đây thì nhận được sự phản ứng tức thì. Lập luận của bà con rằng, đó là các anh bắt chúng tôi về đây chứ đâu phải là mời. Bắt bớ, đánh đập, lôi cổ chúng tôi lên xe chở về đây mà cũng gọi là mời ư? Chuyện tưởng rõ ràng như vậy nhưng tranh cãi cũng quyết liệt phết. Người bảo mời, kẻ bảo bắt, cuối cùng chẳng bên nào chịu bên nào mới lạ chứ.
Nên chăng, phải định nghĩa lại từ “mời” như thế này: “Mời (động từ) chỉ việc lôi, kéo, đẩy người được mời hoặc khiêng bằng cách túm tứ chi, kéo rê trên đường, đạp vào ngực vào bụng hay vào mồm (nếu có gì rơi ra thì thuổng luôn) rồi tống lên xe để đạt được mục đích nào đó của người mời.
Ngày xưa, ta đánh trận thông minh, sáng tạo, như việc cải tiến tên lửa SAM để bắn rụng tầu bay B52 của anh bạn Hoa Kỳ. Mỗi trận đánh hay, ta được thế giới khen là “đánh rất Việt Nam”.
Vì vậy bây giờ tưởng cũng nên cẩn thận, coi chừng lại xuất hiện cụm từ “mời rất VN” thì chẳng hay ho tẹo nào.
Nhưng cũng chả biết đâu khi nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến (cũng có người cho là giáo sư Hoàng Tụy) có câu nói khá ấn tượng rằng: “Cái nước mình nó thế”.