Phương Bích (danlambao) - Vào thời điểm đoàn biểu tình bắt đầu rời khỏi thềm nhà hát lớn để tuần hành về phía Bờ Hồ, tôi là một trong những người đi cuối đoàn vì còn mải “mắng” tay lái xe cảnh sát mặt non choẹt vì hành động xấu xa của hắn. Trước đó một tay chụp ảnh của “ta” hăng máu nhảy cả lên sau cái thùng xe pick up của cảnh sát để chụp ảnh đoàn biểu tình, vậy là tay lái xe nhấn ga rồi phanh khiến nhà nhiếp ảnh của ta loạng choạng suýt ngã. Tôi nhìn thấy thế bèn vòng ngay lên cửa sổ xe nhìn vào mặt hắn mắng :
- Cảnh sát mà thế à? Định hại dân à? Sao mà hèn thế, trẻ người thế kia mà thiếu suy nghĩ thế…
Cả nhà nhiếp ảnh cũng cáu tiết chửi hắn là đồ hèn, còn tay cảnh sát không dám nhìn chúng tôi, cũng không dám dừng xe lại mà phải đánh xe ra chỗ khác.
Mới qua được quảng trường, bắt đầu bước lên vỉa hè đường Tràng Thi, tôi chợt nghe có tiếng hô:
- Dừng lại, có người bị bắt rồi, bà con ơi quay lại đi.
Trong thời điểm đi biểu tình, cái tiếng “có người bị bắt rồi” nó vang lên như một tiếng kêu cứu khẩn thiết khiến tim tôi đập loạn xạ. Tôi quay ngoắt ngay lại chạy theo cậu niên vừa kêu lên báo động. Cái chân trở nên đau từ lúc nãy khiến tôi cứ chân tươi chân héo tập tễnh chạy về phía trước, trong lòng tôi một thứ tình cảm ngùn ngụt bốc lên không biết vì giận dữ hay vì cái gì. Tôi còn chẳng biết cái đồn cảnh sát Tràng Tiền nó nằm ở đâu, mệt quá rồi nên cờ thì vắt vai, một bên đeo lủng lẳng cái loa mua dọc đường (tịt vì không kịp kiểm tra nên không dùng được), sau lưng tòn ten cái ba lô, tôi chỉ biết cứ chạy theo hướng có tiếng xôn xao phía trước, mặc cho những anh công an đứng dọc đường, vừa đi vừa chạy vừa hỏi xung quanh: đâu đâu, người bị bắt ở đâu, đưa vào đâu rồi? Có lẽ lúc đó nếu có tay công an nào có văn vặn: chị quan hệ thế nào với người bị bắt, tôi sẽ sẵn sàng gào lên: nó là con tôi, là cháu tôi, là đồng bào của tôi. Nào! anh còn muốn hỏi gì nữa không hả?
Đến một đoạn loáng thoáng thấy bóng người chạy ra chạy vào, rồi một tay kêu: đóng cửa lại. Tôi đoán đây là nơi họ vừa đưa người bị bắt vào. Lúc ấy đoàn biểu tình đã quay lại rất nhanh và tất cả tập trung trước cửa (sau này vào mạng tôi mới biết là đồn công an phường Tràng Tiền mặc dù đó là một căn nhà nhiều tầng hoành tráng). Thái độ của những người biểu tình khi ấy rất giận dữ, nhất là đám thanh niên, gần như họ sấn vào xô đẩy những kẻ đang ra sức ngăn họ lại để xông vào cứu người anh em của họ. Xung quang tất cả mọi người bắt đầu hô rền vang:
- Không được bắt người biểu tình
- Phản đối, phản đối, phản đối
- Thả người, thả người, thả người
Những tiếng hô dồn dập biểu thị một thứ uy lực khó có thể nào dập tắt của đám đông người biểu tình. Một tay công an đứng tuổi cầm loa yêu cầu mọi người không có hành động quá khích với giọng rất đe dọa nhưng tiếng loa hoàn toàn chìm nghỉm và mất tác dụng trong tiếng hô thả người dồn dập, rền vang của người biểu tình.
Kinh nghiệm cho thấy, trước sự giận dữ cực điểm của đám đông người dân, bất cứ một thế lực nào cũng phải chùn tay. Những lời giải thích lẫn đe dọa đều vô hiệu, ngay cả trong những cuộc “đọ ánh mắt”, tôi nhận thấy lực lượng công an đều rất lúng túng lẩn tránh trước những cái nhìn trực diện chất vấn, hẳn lương tâm họ chưa đến nỗi bất kể phải trái.
Lúc đó ồn ào đến mức tôi không kịp nhận ra người bị bắt đã được thả ra ngoài, chỉ thấy một người nào đó ở giữa đám đông đang được hồ hởi chào đón hết sức thắm thiết, như thể họ vừa mới được thoát nạn trở về giữa những người thân thích. Tôi cá là ngay cả những người trong sắc phục công an kia cũng phải ghen tị với thứ tình cảm mà người biểu tình dành cho nhau một cách thân thiết như thể ruột thịt như thế.
Khi đã chắc chắn là không còn người nào bị bắt giữ nữa, đoàn biểu tình mới ồ ạt kéo đi. Trước khi đi, một cậu còn quay lại nói với mấy tay công an:
- Không nên làm như thế, nếu người ta có sai gì thì đến tận nhà bắt đàng hoàng, đằng này người ta đang đi theo đoàn lại bắt bắt cái gì.
Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây. Khi đoàn biểu tình đi đến đoạn đối diện kem Thủy Tạ, tôi bỗng thấy phía trước dừng lại và có tiếng hô:
- Bà con ơi, cụm lại đi.
Rồi tiếng hô đoàn kết đoàn kết lại rền vang. Tôi kiễng chân nghển cổ nhìn về phía trước. A! Hóa ra có hai hàng cảnh sát cơ động đang rầm rập tiến đến. Tôi không hề sợ hãi mà chỉ muốn xem xem họ sẽ làm gì với chúng tôi: đánh đập à, bắt bớ à? Tôi không nghĩ thế, dù cho đến lúc này họ luôn luôn ngăn cản người biểu tình chúng tôi. Nhưng họ chưa thể trở thành kẻ thù của nhân dân được, họ vẫn là con em của nhân dân, tất cả họ ai cũng có cha mẹ, vợ con, có anh chị em, người thân như những người biểu tình chúng tôi, không thể nào!
Đúng vậy, đương nhiên là họ cũng có hơi thô bạo một chút, tôi thì bao giờ cũng la oai oái khi họ còn chưa đụng đến tôi:
- Này này, với dân thì phải nhẹ nhàng thôi, đừng có xô đẩy như thế
Thậm chí tôi còn táo gan đập vào tay cái ông mặc thường phục cứ nhăn nhó vỗ vai một cậu, người đứng đọc tuyên cáo trên thềm nhà hát lớn:
- Thôi mày về đi, cả 5 tuần nay tuần nào tao với mày cũng đều gặp nhau, tao chán lắm rồi. Về đi, về đi…
CSCĐ lẫn vào với đoàn biểu tình, tôi cùng một cô bạn túm lấy tay một cậu cảnh sát trẻ:
- Quân với dân như cá với nước đúng không nhỉ?
Cậu cảnh sát lúng túng gỡ tay ra nhưng hai đứa tôi cứ vừa cười vừa túm chặt lấy. Không biết phó nháy Cường có chớp được kiểu nào không.
Rốt cuộc sau một lúc có xô đẩy hơi căng thẳng một tý nhưng người biểu tình không hề nao núng, thậm chí những người lớn tuổi phản ứng khá gay gắt nên CSCĐ cũng đành phải buông xuôi.
Sau đó đoàn biểu tình đi về phía tượng đài quyết tử mà không gặp bất cứ một trục trặc nào chỉ trừ việc cô chị họ của “người thanh niên đọc tuyên cáo” cứ nhớn nhác tìm cậu em mà không thấy tăm hơi. Cầu mong không có chuyện gì xảy ra với chàng thanh niên dũng cảm ấy.
Đúng như tường thuật trên blog Nguyễn Xuân Diện, trong khi người biểu tình chào nhau trước khi giải tán, mọi người nghe thấy tiếng loa từ chiếc xe cảnh sát bên kia góc đường:
- Mời bà con về nghỉ trưa, ăn cơm.
Mọi người cười ồ lên quay lại nhìn về phía phát ra tiếng loa. Hi hi, các anh í cũng muốn nghỉ để ăn trưa mà.
Khổ thế đấy, vì đâu mà cả hai ta cùng mệt thế này nhỉ?
Hà Nội ngày 4 tháng 7 năm 2011