Cánh Cò - Thương lắm, bà trở thành con két, hy sinh tâm thức cá nhân để ngồi vào chiếc ghế mà ngày nay ai cũng thấy là bạc bẻo. Dù sao thì bây giờ bà đã có đồng loại. Các con két đủ lứa tuổi vừa được nhà nước thả vào khu vườn tuyên huấn để cùng hợp ca bài ca yêu nước với bà....
*
Tuy không muốn nghe những gì đài HTV1 phát bởi lời nói đầu của cô xướng viên giới thiệu nội dung "người dân bức xúc khi một nhóm người biểu tình bị sự lợi dụng của các nhóm thù địch nước ngoài"!
Không muốn nhưng tò mò, tôi cố theo dõi kỹ từng chi tiết của bài gọi là phóng sự này và cuối cùng đã vỡ ra nhiều việc.
Bắt đầu với những câu phát biểu của hai ông cựu chiến binh Trịnh Đăng Khoa và Nguyễn Đức Thành. Hai ông thuyết giảng rằng mình từng đi bộ đội bảo vệ thủ đô Hà Nội và chắc chắn lòng yêu nước không kém ai. Cả hai đều xác định người yêu nước chân chính phải tin tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Đảng và không thể tự yêu nước theo cách của mình.
Ông Khoa mạnh mẽ cho rằng người biểu tình tụ tập trứơc tượng đài Lý Thái Tổ là không chính đáng. Trong khi ông Thành thì nói người Hà nội không có kiểu đi ngoài đường nói bậy nói bạ. Ông Thành còn cho là yêu nước thì phải giữ vệ sinh đường phố, giữ trật tự chung và làm sao cho xanh sạch đẹp!
Nghe những lời này thì có ai còn muốn tranh cãi với những vị này nữa hay không?
Hai ông không ai nói mình đã từng tham dự cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 79 hay không nhưng xem bộ dạng của cả hai, người xem có thể đoán rằng hai ông này khó lòng là những người lính dũng cảm được.
Tới phiên mấy bà thì các phát biểu rõ ràng là được học thuộc lòng từ trứơc. Bà Nguyễn Thị Thơm nhanh nhẩu cho rằng tụ tập để cho người khác giật giây mình để cho tốn công tốn của nhà nước! vì nhà nước phải đem cơ man nào là công an, an ninh rồi dân phòng mới dẹp yên những người biểu tình!
Còn bà Nguyễn Thị Đài thì được giao cho một bài học khó hơn khi gần như tru tréo, bà xác quyết rằng những cuộc biểu tình này là do sự kích động của các thế lực phản động chứ không phải là yêu nước. Bà cũng khẳng định là đường lối chính sách của đảng là đúng đắn. Bà Đài ra vẻ rất thạo khi dùng những từ ngữ lạ lùng nếu so với người dân bình thường. Không nói ai cũng thừa biết bà từ đâu mà ra.
Người ta còn nhớ địa điểm cuộc biểu tình vừa rồi bị sân khấu án ngữ mất và hôm nay HTV1 chiếu lại buổi lễ của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam ngay tại địa điểm này.
Xem rồi mới biết họ tổ chức chống biểu tình qua bài diễn văn của nhân vật Bí thư Thành đoàn kêu gọi người trẻ phải theo chỉ đạo của Đòan thanh niên trong việc bày tỏ lòng yêu nước.
Trên màn hình của HTV1, những người tuổi thật trẻ, với ánh mắt non nớt như những con chim sâu ngồi lắng tai nghe anh Bí thư Thành đoàn đọc diễn văn giảng dạy lòng yêu nứơc cho mọi người. Nhìn kỹ thì thấy khuôn mặt của người đang đọc diễn văn có nét ngu ngơ hơn mấy em ngồi bên dưới.
Tôi đã từng bỏ một thời gian lớn của thời thiếu nữ để chạy theo những thói phù phiếm bệnh hoạn, được che đậy dưới rất nhiều mỹ từ mà Đoàn thanh niên Cộng sản là một tổ chức điển hình.
Tôi thấy các em gái ngồi nghe rồi buồn cho các em. Tuổi trẻ có bao nhiêu thời gian đâu mà hoang phí? Cuộc đời bên ngoài cái cổng vô hình nhưng rất kiên cố là "đoàn" là "đảng", tươi vui và lành mạnh biết bao mà các em không tham gia, lại dấn thân vào những sinh hoạt vô bổ và khó thể nói chúng có lợi cho kiến thức đời sống của các em.
Dưới bài học yêu nước phát đi từ một bài diễn văn máy móc, không biết có chạm được vào lòng tự trọng cần có của các em hay không? Các em được dặn dò rằng ráng học cho giỏi là yêu nước. Ráng sinh hoạt đoàn, đảng cho tốt là yêu nước... cũng như những việc lặt vặt khác nào là thêu khăn cho chiến sĩ Trường Sa, ký tên vào kỷ niệm chương gửi đi tới các đảo xa là một việc làm nhỏ bé nhưng tỏ được tấm lòng yêu nứơc của mình....
Nếu yêu nước chỉ cần như thế thì không hiểu Việt Nam hôm nay có còn nằm trên bản đồ thế giới hay không?
Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ cho tôi trằn trọc. Tôi thật sự bị "sốc" khi sinh viên trả lời cuối cùng mang tên Đào Mỹ Hằng lên đối diện với khán giả đang xem chương trình và tuyên bố rằng đi biểu tình là hành động mà cô thấy rằng không cần thiết và không nên làm. Theo cô thì mỗi cá nhân, đặc biệt là thủ khoa thì hãy làm tốt những công việc với chính bản thân mình. Ví dụ như sinh viên ngân hàng thì hãy làm tốt việc chuyên môn của mình về tài chính, về kinh tế là góp phần bảo vệ tổ quốc. Còn việc bảo vệ an ninh biển đảo thì đó là việc của các anh chiến sĩ hải quân và sinh viên hãy là hậu phương vững chắc ở đàng sau.
Đào Mỹ Hằng là một trong 100 sinh viên thủ khoa đang được xã hội chú ý. Lời phát biểu của cô không có gì sai nhưng chứa đầy ích kỷ của một lớp người trẻ hôm nay. Sự ích kỷ không cần dấu diếm bởi được lãnh đạo trong trường cô theo học nhồi nhét hàng ngày. Xã hội cũng tiếp tay cho cái tư duy ích kỷ này bằng các trò nhố nhăng được gọi là văn hóa.
Học giỏi nhưng lạc đường vào tâm lý trùm chăn thì ngẫm có ích gì cho xã hội? Rồi cô sẽ ra trường với một cái ghế nào đó trong ngân hàng, đúng ngành cô học và trong suốt cuộc đời của cô gái ấy sẽ là gì nếu không phải cô sẽ dùng mọi cách để làm giàu cho gia đình và bản thân cô?
Tôi không muốn áp đặt một sự thật rất gắn bó với những bài học mà cô được huấn luyện trước khi trả lời đài HTV1. Tôi chỉ buồn vì một sinh viên thủ khoa lại không đủ bản lĩnh để nói lời nói tận đáy lòng mình.
Tôi tin chắc cô thủ khoa này chưa bao giờ thấy một cuộc biểu tình nào trong suốt hai tháng qua. Cô không biết những sinh viên cùng tuổi với cô mỗi Chúa Nhật hy sinh rất nhiều thứ để nói cho được tiếng nói của mình trước sự xâm lấn lộ liễu của Trung Quốc. Cô không đổ mồ hôi, cô không khan giọng gào thét đòi công lý. Cô cũng không bị ném lên những chiếc xe buýt hôi hám chở về Mỹ Đình và sau đó sống những giờ phút như các phạm nhân mặc dù người đi biểu tình hoàn toàn không làm một điều gì có hại cho xã hội, nhân dân.
Những sinh viên trẻ tuổi như cô đang đòi hỏi được thực thi những quyền hạn mà một công dân trong xã hội dân sự đương nhiên được hưởng, trong đó có quyền được biểu tình để nói lên chính kiến của mình và được hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận.
Họ không cam tâm làm những con két nói thay lời của nhà nước mớm cho. Họ muốn tự thân nói thẳng với Trung Quốc và tiếng nói của họ không qua bộ lọc nào. Họ xứng đáng được kính trọng. Họ xứng đáng được ghi nhớ và những đàn áp, vu khống, áp đặt từ phương tiện truyền thông nhà nước đang có dấu hiệu phản ứng ngược từ quần chúng.
Sau bà Nguyễn Phương Nga, nhà nước đang đào tạo một loạt các loại két lớn nhỏ khác để tham gia vào bản đồng ca mang tên "yêu nước".
Là đàn bà với nhau tôi không hiểu tại sao bà Nguyễn Phương Nga lại chọn một vị trí đau khổ như vậy. Vị trí của bà chắc chắn không bao giờ bà muốn vì nó đi ngược hoàn toàn với những gì bà học được từ trường học lẫn trường đời, đó là sự thành thật trong phát ngôn, nhất là phát ngôn trước công chúng. Mỗi lời bà nói sẽ qua hàng triệu bộ lọc tinh vi nhất. Lời phát biểu của bà sẽ lên bàn cân, cân sự thành thật để đánh giá uy tín của một chế độ.
Thương lắm, bà trở thành con két, hy sinh tâm thức cá nhân để ngồi vào chiếc ghế mà ngày nay ai cũng thấy là bạc bẻo.
Dù sao thì bây giờ bà đã có đồng loại. Các con két đủ lứa tuổi vừa được nhà nước thả vào khu vườn tuyên huấn để cùng hợp ca bài ca yêu nước với bà.....