... Một bạn tên là Dũng. Chị Xuân Bích và chị Bùi Thị Minh Hằng. Ba người này bị đưa vào phòng tạm giam của tù hình sự. Bạn Dũng đến sáng tôi gặp thì bạn ấy cho biết bị giam chung với mấy người bị án ma túy. Chị Xuân Bích bị giam ở buồng tù hình sự nữ. Chị Minh Hằng khi họ cưỡng chế chị vào buồng ấy, trước khi tống vào, họ đòi kiểm tra đồ đạc, thu giữ ở ngoài. Họ cưỡng bức lột trần quần áo để họ kiểm tra và chị không chấp nhận. Chị phản ứng quyết liệt...
*
LTS: Ngô Duy Quyền, 37 tuổi, kỹ sư cơ khí, chồng nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân, đi biểu tình chống Trung Quốc ngày Chủ Nhật 21 tháng 8, bị bắt giam cùng với một số người nữa, tới buổi tối ngày Thứ Hai mới được thả ra. Phần lớn trong số khoảng 50 người bị bắt sáng Chủ Nhật đã được thả về sớm trừ 8 người.
Theo lời anh Quyền, có thể 3 người bị truy tố hình sự với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Lúc đầu, anh bị đưa về một trụ sở công an ở huyện Từ Liêm, sau lại bị đưa về công an quận Hoàn Kiếm giam giữ và thẩm vấn trước khi thả.
Ngô Duy Quyền làm chuyên viên cho một văn phòng luật sư hoạt động về dịch vụ xin cấp bằng sáng chế và thương hiệu cho các công ty ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam. Hồi tháng 3 vừa qua, văn phòng này đã bị công an làm áp lực để ép Quyền tự ý xin nghỉ việc.
Khi vừa ra khỏi trụ sở công an quận Hoàn Kiếm vào tối Thứ Hai 22 tháng 8, anh Quyền dành cho phóng viên Nam Phương của báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây.
Ngô Duy Quyền (ngoài cùng bên phải, cạnh vợ là Luật Sư Lê Thị Công Nhân) khi vừa được thả ra từ đồn công an vào tối Thứ Hai, 22 tháng 8, giờ Việt Nam. (Hình: Internet)
Nam Phương (NP): Họ giam anh và có thẩm vấn gì không?
Ngô Duy Quyền (NDQ): Tất nhiên là có. Họ thẩm vấn đi thẩm vấn lại. Họ hỏi là tại sao anh lại bị bắt về đây? Tôi trả lời là tôi đi biểu tình cùng bà con để tỏ thái độ phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam, cướp bóc ngư dân Việt Nam. Họ nói lại là anh có biết tụ tập đông người không xin phép như thế là vi phạm nghị định 38 của chính phủ. Tôi bảo là cái nghị định này không hề điều chỉnh hành vi biểu tình. Về mặt tình cảm, đó là tình cảm thiêng liêng tỏ sự quan tâm của người dân đối với vận mệnh của đất nước. Quyền biểu tình là quyền được hiến pháp công nhận. Nghị định 38 của các anh như anh nói là điều chỉnh sự tụ tập khác. Còn biểu tình là biểu lộ cái ý chí, có mục đích rõ ràng và là quyền căn bản của công dân. Anh giải thích thế nhưng quan điểm của tôi là như vậy.
NP: Thế rồi?
NDQ: Rồi họ nói là vừa rồi có văn bản của UBND thành phố yêu cầu chấm dứt sự tụ tập đông người và không được biểu tình. Tôi trả lời họ là tôi được biết, tôi có nhận. Nhưng tôi cho cái văn bản này không phải là văn bản qui phạm pháp luật mà người dân phải thực hiện. Bởi vì nó không có giá trị hiệu lực pháp lý, chẳng ra ngô, chẳng ra khoai, không số, không tên, chẳng có người ký, đóng hai cái dấu treo. Còn các cơ quan đài, báo, tuyên truyền, họ đọc văn bản ấy là do sự cẩu thả của họ. Tôi là một trong số 25 người đã ký tên vào bản kiến nghị phản đối và yêu cầu hủy bỏ văn bản này. Tôi nói thêm với anh là văn bản còn đưa ra những nhận xét sai lệch, thiếu cơ sở “lực lượng thù địch” nọ kia, này khác.
NP: Họ trả lời anh ra sao?
NDQ: Họ nói họ sẽ nghĩ lại. Rồi hỏi anh còn ý kiến gì không? Tôi nói là cơ quan nhà nước ra luật thì phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng người dân. Quyền biểu tình của người dân theo hiến pháp, bây giờ nhà nước ra cái luật, Quốc Hội sớm ban hành luật biểu tình để người dân và chính phủ cùng tôn trọng luật để khỏi có việc các anh phải đối xử thô bạo với người dân như thế này.
Khi họ viết xong (biên bản thẩm vấn), họ đưa cho tôi đọc. Tôi bảo không. Việc này là việc của các anh. Anh là công an, anh mặc sắc phục. Tôi tôn trọng anh, tôi trả lời. Tôi chẳng có nhu cầu đọc lại làm gì. Họ nói tôi phải đọc lại để ký xác nhận các lời khai. Tôi bảo không. Tôi không có nhu cầu. Anh có biết biên bản ghi lời khai áp dụng khi nào không? Chỉ khi chúng tôi tự nguyện khai báo điều gì hoặc chúng tôi phạm tội quả tang. Còn đây thì tôi chẳng có nhu cầu gì hết trong khi tôi đang bị bắt trái pháp luật. Yêu cầu anh giải thích việc các anh bắt người, còn tôi chẳng ký gì hết.
Sau đó, họ đòi tịch thu điện thoại của tôi, đòi tôi giao nộp. Tôi nói đây là điện thoại cá nhân, không thể giao nộp cho các anh được. Còn các anh cưỡng chế phải có lý do chứ. Tôi không đưa, còn các anh thích thì các anh cứ cướp, không sao cả. Thế là một tên an ninh đeo biển tên Hùng, đeo 2 sao 2 vạch là trung tá thì phải. Hắn ôm người tôi, còn một tên khác thì thò tay vào túi quần tôi lật tay tôi ra lấy cái điện thoại. Một lúc sau, tôi nói các anh ngang nhiên cướp tài sản của người dân giữa thanh thiên bạch nhật như thế này. Một lúc sau, họ lấy một tờ giấy ghi là biên bản giữ tang vật.
Tôi đọc thấy hàng chữ ghi “người dân tự nguyện giao nộp”. Tôi thấy buồn cười quá, nói với họ rằng các anh mặc sắc phục, các anh là người cơ quan nhà nước thực thi pháp luật mà đổi trắng thay đen. Các anh vừa ăn cướp của tôi mà lại nói là tôi tự nguyện giao nộp, là các anh mất trí hết cả. Tên công an nổi khùng lên nói “Ðây là đồn công an, tôi có quyền yêu cầu anh.”
Tôi bảo ở đồn công an thì anh được làm tất cả mọi việc à? Ở đồn công an thì anh được cướp tài sản của dân à? Nếu anh xác nhận điều này thì tôi ký ngay. Nếu không, các anh cứ lấy đi. Anh lấy luôn, khỏi cần trả lại tôi. Thế là tôi đứng lên, đi ra chỗ bà con cùng bị bắt, coi như xong việc. Tôi không ký gì hết.
Ðến cuối buổi trưa, tên mật vụ trẻ mang điện thoại trả lại cho tôi. Ðấy là chuyện xảy ra ở đồn công an số 1 của huyện Từ Liêm, nằm ở xã Mễ Trì. Sau đó, đến khoảng 4 rưỡi chiều Chủ Nhật, họ đưa tôi lên một chiếc xe con có 3 tên mật vụ kèm cùng một tên tài xế đưa tôi đến đồn công an quận Hoàn Kiếm. Ở đấy họ tiếp tục thẩm vấn. Chuyện kể thì dài lắm. Nói chung là chứng kiến cảnh họ đối xử với dân cực kỳ thô bỉ và man rợ.
NP: Xin anh cho biết sự đối xử của công an thế nào?
NDQ: Có 3 người biểu tình bị họ nhốt riêng. Khi bị giam, họ không hề đọc lệnh, không hề đưa bất cứ tờ giấy gì. Ðến 12 giờ đêm thì chúng tôi xô ra yêu cầu cho xem có văn bản nào bắt giam không. Họ không cho xem. Có 3 người bị tạm giữ hình sự.
NP: Họ là những ai?
NDQ: Một bạn tên là Dũng. Chị Xuân Bích và chị Bùi Thị Minh Hằng. Ba người này bị đưa vào phòng tạm giam của tù hình sự. Bạn Dũng đến sáng tôi gặp thì bạn ấy cho biết bị giam chung với mấy người bị án ma túy. Chị Xuân Bích bị giam ở buồng tù hình sự nữ. Chị Minh Hằng khi họ cưỡng chế chị vào buồng ấy, trước khi tống vào, họ đòi kiểm tra đồ đạc, thu giữ ở ngoài. Họ cưỡng bức lột trần quần áo để họ kiểm tra và chị không chấp nhận. Chị phản ứng quyết liệt. Chị ấy đập điện thoại. Chị nói công an thu giữ thì khi lấy lại được cũng không đúng thời giờ nên chị ấy thả điện thoại vào chậu nước. Cả đêm hôm ấy họ cố cưỡng chế chị ấy vào nhưng chị ấy kiên quyết ngồi ở giữa đám chúng nó. Mỗi lần chị ấy nói thì ở cái phòng lấy cung xa xa, chúng tôi nghe thấy đều chạy ra phản đối. Khi chị ấy ngồi yên một lúc thì chúng tôi lại tranh thủ nghỉ, nằm vạ vật ở sàn nhà, người thì nằm trên ghế. Ban ngày lấy cung, ban đêm dồn vào canh chừng.
Ngày hôm nay, trước khi họ đưa chị ấy đi Hỏa Lò (trạm tạm giam tù hình sự của thành phố Hà Nội) họ cưỡng chế lấy vân tay. Cả nam cả nữ hơn chục công an quây quanh chị ấy, bẻ tay, vặn tay làm đủ chuyện để cưỡng bức lấy vân tay chị ấy. Kinh khủng. Cả bọn chúng tôi đàn ông con trai không cầm được nước mắt.
Họ đối xử với người dân cực kỳ thô bỉ. Tôi cũng bị họ đập hai phát. Khi họ lấy vân tay tôi, tôi yêu cầu họ đưa ra văn bản nào đó của cơ quan có thẩm quyền mà tôi phải chấp hành, thì tôi chấp hành. Hoặc là phải giải thích cho tôi quy định này nó nằm ở đâu, theo thông tư hay luật nào. Tên công an hình sự bảo “Anh phải làm như thế. Nếu anh không làm tôi sẽ cưỡng bức. Tôi không có trách nhiệm phải giải thích cho anh việc này.” Sau đó họ gọi nhau, ép tôi. Thằng thì vặn tay, hai thằng hai bên. Khi tôi cưỡng lại thì một thằng đập tôi hai cái vào vai bên phải. Tôi nghĩ làm sao phản kháng lại một lũ trâu bò như thế, rồi cũng phải để cho hay người giữ hai bên lấy vân tay. Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác.
NP: Họ giam tới bao giờ?
NDQ: Họ giam tới 8 giờ tối Thứ Hai. Lúc đó, có 5 anh em gồm tôi, bạn Trịnh Vĩnh Long, anh Ðinh Hoàng Thạch, bạn Nguyễn Tiến Nam và một bạn tên Ðức không nhớ rõ họ, không phải Nguyễn Trí Ðức.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều Thứ Hai, tôi là người cuối cùng bị đưa từ đồn công an ở huyện Từ Liêm về công an quận Hoàn Kiếm.
NP: Có phải họ bắt giữ lại tổng cộng 11 người?
NDQ: Năm anh gồm tôi với 3 người đi Hỏa Lò là 8. Một bác nữa tên là bác Dần. Tối qua, lúc khoảng 9 giờ rưỡi mười giờ buổi tối họ có mang đồ ăn tới. Họ mua xôi. Bác Dần nằm và nói bác mệt. Tôi bảo bác cố ăn ít xôi cho đỡ mệt. Bác nói “Không. Bây giờ tao chỉ muốn chết để làm phân bón ruộng”. Mấy cậu công an trẻ ra khuyên bác cố ăn. Bác bảo “Bây giờ công việc duy nhất mà chúng mày nên làm là chúng mày xin lỗi và thả tao ra. Nếu không, tao chết ở đây, làm phân bón ruộng luôn”.
Khoảng mấy phút sau, họ mời bác ấy vào trong một cái phòng, viết cái biên bản xử phạt vi phạm hành chính cái gì đó, tự làm tự ký vì bác không chịu ký cái gì hết. Lúc đi ra khỏi phòng ấy, bác quay lại tôi giơ tay vẫy, biết là họ thả bác. Bác về từ tối hôm Chủ Nhật. Những người khác thì không biết. Lúc ở quận Hoàn Kiếm thì cũng tương đối muộn. Tôi chỉ biết có 9 người, những người khác không biết chắc chắn, có bị bắt hay không.
Một người bị bắt giam ở chỗ khác là anh Vũ Quốc Ngữ. Vợ anh ấy báo là anh ấy bị bắt về quận Từ Liêm chứ không về quận Hoàn Kiếm. Anh Ngữ là người mang tiếp tế cho bà con. Khi có việc công an bắt giữ mấy người bên ngoài cổng, anh Ngữ ra ngăn cản nên họ đánh anh và bắt anh vào trong, rồi lấy xe đưa đi.
Ðiện thoại của tôi mất hết cả số của mọi người nên chưa hỏi thăm được mọi người xem giờ này ra sao.
NP: Cảm ơn anh đã dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn này!