Lê Diễn Đức - Hà Nội khóc! Em tôi đã khóc! Nhưng Hà Nội cũng sẽ “không tin vào những giọt nước mắt”! Vì Hà Nội còn nhiều, rất nhiều người yêu nước kiên định và hết mực thuỷ chung với bè bạn. Vẫn còn Kim Tiến ở tuổi đôi mươi viết trên trang Facebook: “Lúc nào cũng phải cười trên nỗi buồn… hé hé... tội gì khóc cho tụi nó vui... hờ hờ...”. Vẫn còn Blogger Người Buôn Gió hay Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bất chấp những hệ luỵ lò mò tới đồn công an, hay vào tận trại giam tìm cách tiếp tế đồ ăn cho những người bị bắt. Và nhiều người bạn khác nữa. Họ đã đến cổng nhà tù Hoả Lò hôm trước chờ tới đêm, không thấy, rồi săn tin, và tới nữa. Chị Hằng, chị Bích và cậu Dũng được trả tự do vào chiều tối ngày 25 tháng 8, trong những vòng tay ôm xiết chặt, trong nụ cười…
*
Tôi đã có những mùa thu buồn, và những vần thơ cũng rất buồn.
Đó là buổi chiều chia tay người yêu, lang thang trong công viên ở thủ đô Ba Lan, trước khi mạo hiểm lên đường đi Thụy Điển tìm tự do:
“Có ai mong cảnh đông tàn
Để rơi muôn cánh là vàng mùa Thu
Để tình thêm một tiễn đưa
Để đời thêm một nắng mưa dãi dầu?
Vết giày gửi lại hôm sau
Cho nguyên vẹn nỗi tủi sầu, chia ly…’’
Một chiều thu khác, ngày 2/9/1975, bước ra khỏi nhà tù Hoả Lò với mảnh giấy “Lệnh tạm tha”, đứng nhìn mây đen kéo về, những giọt mưa lác đác, không một xu dính túi, tôi ngơ ngác không biết về đâu, hỏi đường và cuốc bộ lên Hồ Gươm, nhảy tàu điện đi lậu xuống Thanh Xuân tìm người quen. May mắn không ai soát vé. Vừa lúc mưa đổ như cầm chĩnh. Trước mắt tôi là cả một tương lai vô định bị màu đen phủ kín…
Rồi một ngày thu vắng bóng người yêu:
“Em đi rồi
Mùa thu không có nắng
Trời cũng âm u
Như lòng anh buồn lặng
Lang thang một mình
Trong cõi nhớ tìm em…”
Nhưng mùa thu năm nay, nỗi buồn không riêng tư, mà chung với bao người khác, hướng về một miền đất xa, thật xa, cứ ám ảnh, buộc chặt lấy tôi suốt cả cuộc đời!
Tôi không phải là người Hà Nội, nhưng không thiếu những kỷ niệm đẹp của ngày tháng với “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, đêm nằm nghe tiếng sông Hồng thở than…”.
Hà Nội thời chiến tranh, thưở nghèo nàn ấy, đường phố chỉ toàn xe đạp, ngồi ở quán cóc trên hè phố đãi nhau chén trà Thái Nguyên, hút thuốc lá cuộn Lạng Sơn, sang hơn tý thì nhâm nhi vài thanh kẹo lạc… nhưng với tôi gần gũi, đằm thắm, bình yên, và mang tính nhân văn hơn rất nhiều Hà Nội hôm nay với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, những tấm panô quảng cáo các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, cùng với cảnh kẹt xe khủng khiếp, tiếng ồn ào bất tận, và đường phố biến thành con sông sau những cơn mưa.
Sau những ngày cắm mặt vào công việc, cùng với những lo toan của thời buổi kinh tế không mấy sáng sủa, với ai cũng vậy, ngày thứ Bảy và Chủ nhật thường là thời gian quý báu cho những cuộc hò hẹn, thăm thú, ăn nhậu, hoặc dành riêng cho gia đình.
Nhưng suốt 3 tháng nay, 11 tuần lễ liên tiếp, tính từ ngày 4 tháng 6, tôi đã phải bỏ đi thói quen này vào tối thứ Bảy, trừ đúng tối ngày16/7 đi dự đám cưới, nhưng tâm trạng thấp thỏm và rồi lặng lặng rút về sớm.
Thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, nơi tôi đang ở, chênh với giờ Hà Nội đúng 12 tiếng. Tối thứ Bảy bên tôi là sáng Chủ nhật bên nhà.
Từng giờ, từng phút nôn nao. Mong ngóng. Gọi điện thoại tứ tung. Chat. Lướt qua các blogs Dân Làm Báo, Nguyễn Xuân Diện, Ba Sàm. Rồi Facebook. Cứ thế, có khi tới sáng. Cả ngày hôm sau. Thấp thỏm chờ tin về những người bị bắt giữ. Chỉ vui và nhẹ nhõm được đúng hai lần trong các ngày 7/8 và 14/8, sau khi Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh tuyên bố “không có chủ trương đàn áp người biểu tình” và đúng là đã không có sự cố gì xảy ra với những người tham gia biểu tình yêu nước.
Con gái tôi có đêm ngạc nhiên hỏi tại sao ba phải khổ sở như thế. Thế mới hay, đâu cần phải quen thân, con người vẫn có thể đến với nhau, kết dính nhau bằng tình yêu thương, bằng một chất keo mặc nhiên của người Việt: có chung lòng yêu nước và khát vọng tự do!
Nhưng tối thứ bảy ngày 20/8, ở Minneapolis, tức sáng ngày 21/8 ở Hà Nội, là ngày đặc biệt.
Vì trước đó, nhiều đám sai nha thời đại mới đã tới tận nhà ở hoặc người thân của chị Đặng Phương Bích, Blogger Người Buôn Gió, JB Nguyễn Hữu Vinh, Lê Thị Công Nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Võ Thị Hảo, thậm chí cả lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, v.v… vừa “vận động” không được tham gia biểu tình, vừa cảnh báo và đe doạ. Bi kịch!
Tôi ý thức được một cuộc càn quét thô bạo sẽ xảy ra.
Buồn. Thất vọng. Thương vô cùng những anh chị em dưới mưa hôm Chủ nhật ngày 21/8. Chỉ xuất hiện sau 5-7 phút, tất cả đã bị hốt lên xe buýt.
Lòng tôi quặn đau chứng kiến trang sử của nước Việt bị vấy bẩn. Sau bao nhiêu việc làm đưa đất nước dấn sâu vào vòng lệ thuộc Đại Hán, vẫn chưa đủ, ngày 21/8 tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam công khai phản bội lại chính tuyên bố của mình và bằng văn bản, chính thức trở thành lực lượng thù địch với lòng yêu nước của những người con đất Việt.
Hãy cắt nghĩa cho thật rõ, những người biểu tình yêu nước đã làm gì nên nỗi gì mà bị quy kết “tội gây rối trật tự công cộng”?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài “Thư Sài Gòn 2” (Blog Quê Choa, 22/8), không kìm nổi uất ức trước nghịch cảnh lố bịch:
“Đối phó với tiếng thét khẳng định chủ quyền đất nước của người yêu nước thì những cánh tay mặt của Đảng nhảy tưng tưng trên sân khấu với công suất hết cỡ của những cái loa khủng đang hòa âm cùng những cái loa phường: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình… Hãy hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc…”. Đây chính là lúc cả nước nhìn về Hà Nội với tình cảm và cái nhìn khác hẳn những thói bẻ hoa, dẫm cỏ chẳng tí thanh lịch nào. Nhưng quả thật người Tràng An không chỉ thanh lịch, nó hào hùng đúng chất vùng đất dựng nên từ khói lửa lịch sử nghìn năm. Họ đang thể hiện đúng câu hát của “bầy vẹt xanh” đang hát “… Hãy hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc…” Thì đây! Những người yêu nước đang làm điều mọi tổ quốc đều cần khi bị ngoại xâm uy hiếp chứ còn gì nữa. Rõ như hai với hai là bốn còn gì.
Đối phó với họ thì ra chẳng có phương pháp nào xứng tầm bèn chơi hạ sách bất chấp kiểu phường tuồng. Những ca sĩ, diễn viên còn quá trẻ được dẫn dắt bởi những đàn anh cũng chưa già nhưng cái đầu giáo điều mông muội hóa họ trở thành những cô hề, chú hề đáng thương hơn đáng trách. Chắc chắn những người trẻ tuổi ấy với nền giáo dục này không bao giờ biết được câu thơ của Đỗ Mục “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa…[Tạm dịch nghĩa: Những cô gái không biết cái hận mất nước… Bên kia sông vẫn ca hát khúc hậu đình hoa]. Hôm nay nước chưa mất, nước đang có nguy cơ sẽ mất nếu sự khiếp nhược và u mê ngày càng u mê và khiếp nhược. Nhảy cà tưng cứ việc nhảy cà tưng. Hát hò cứ hát hò. [Thành đoàn Thành phố HCM cũng từng làm một buổi ca hát tưng bừng “xuống đường”… trên sân khấu với chủ đề “Hát về biển-đảo” tháng 7/20011 vừa qua]. Bọn Đại Hán vẫn chẳng lui lại dù một gang tay trên vùng biển Việt Nam. Ngư dân Việt Nam vẫn bị bọn đuôi sam trấn lột, bắt đòi tiền chuộc như thường”.
Buổi biểu diễn "phản biểu tình" dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, chủ nhật 21/8/2011
Tôi trầm mặc sau khi đọc bài “Chân dung một người biểu tình bị bắt” của Vũ Ngọc Tiến (Blog Quê Choa, 24/8) nói về một đại tá công an về hưu tham gia biểu tình. Tôi nghĩ về nhân tình thế thái của cái thời mà các giá trị bị đảo lộn, bị đánh tráo, cái ác lên ngôi. Sự phản bội và bất nhân có mặt khắp nơi, với cả những người đã đổ xương máu và mồ hôi cho Việt Nam thống nhất hôm nay:
“Khoảng 18 giờ 30 ngày 19/8/2011, đang ngồi quán café Nhân ngắm nhìn trời mưa rả rích, tôi nghe được giọng anh qua điện thoại: “Ông đã đọc cái gọi là Thông báo cấm biểu tình của thành phố chưa, thấy thế nào?”. Tôi đáp gọn thỏm: “Đọc rồi. Không chính danh”. Anh đồng tình: “Đúng, danh đã không chính thì ngôn làm sao thuận, nên nó vô giá trị. Chủ nhật tới, dù trời mưa hay nắng tôi vẫn cứ đi, còn ông?”. Cảm động trước tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của anh, tôi đáp một lèo không hề nghĩ ngợi: “Đi chứ! Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải xuống đường, cùng mọi người thề giữ gìn chủ quyền biển đảo. Là thằng nhà văn, tôi có nhu cầu dấn thân vào đời sống xã hội để trang viết khỏi khô cứng, mờ nhạt. Là người ông trong gia đình, tôi không muốn sau này hổ thẹn với cháu nội, cháu ngoại của mình. Đơn giản thế thôi”. Đầu bên kia có tiếng anh cười ngả ngớn như muốn vỡ màng loa: “Nhà văn có khác. Tôi có phải ký giả phương Tây đến phỏng vấn đếch đâu mà ông nói hay như đang nhập đồng ngồi viết thế, haha!…”. Thế đấy, chúng tôi xuống đường bằng nhu cầu tự thân, tuệ giác mẫn tiệp và sự mách bảo của con tim mỗi người, chứ đâu cần ai tổ chức, càng không thể có thế lực thù địch nào lôi kéo, kích động nổi những mẫu người như anh (...)
Tôi nán lại nơi xảy ra biểu tình đến 10 giờ 30, thơ thẩn đi dưới những tán cây cổ thụ ven hồ, bồn chồn nghĩ về anh và hơn bốn chục người bị bắt đưa vào Mỹ Đình. Nhiều người đi biểu tình muộn nhận ra tôi vồ vập hỏi thăm hoặc xin cùng tôi chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm. Thật lạ, có người từ Huế hoặc Nghệ An ra, từ Nam Định lên, từ Tuyên Quang xuống, chưa hề gặp mặt mà vẫn biết anh, hỏi thăm anh qua tôi và nói những lời tốt đẹp về anh - một Đại tá công an nghỉ hưu đi biểu tình, bị bắt lúc 9 giờ 12 ngày 21/8/2011”…
Một chính quyền thực sự do dân, vì dân, hiển nhiên sẽ tỏ thiện chí, thậm chí tạo điều kiện cho các cuộc xuống đường yêu nước, làm nên một nét sinh hoạt văn hoá sống động giữa thủ đô Ngàn năm Thăng Long, khi mỗi sáng chủ nhật có những dòng người trong trật tự, đi bên nhau cỗ vũ tinh thần bảo vệ Tổ quốc trước hiểm họa ngoại xâm.
Nhưng vì không công minh, chính đại nên chính quyền đã run sợ. Sợ Trung Nam Hải khiển trách không làm tròn bổn phận “định hướng dư luận”. Sợ bị ai đó lợi dụng, xúi dục, lật đổ, bởi vì xã hội đang có quá nhiều nguy cơ bùng nổ bởi bất công và quốc nạn tham nhũng làm xói mòn đất nước. Nhưng “ai đó” là ai, thế lực nào? Tên gọi, hình thù ra sao, thì không chỉ ra được. Kẻ dối trá thường phải sống với suy tưởng bất an, phi thực tế. Các chế độ độc tài toàn trị luôn luôn cần có kẻ thù, và nếu không có, sẽ tạo ra kẻ thù.
Và em tôi đã bật khóc khi nhìn mọi người bị bắt lên xe buýt! Hà Nội cũng khóc!
Tôi không biết cô gái tên gì. Nước mắt xót xa, cay đắng trên khuôn mặt em là hình ảnh của thân phận bất hạnh và bất lực trước bạo quyền, làm rỉ máu lương tâm của tất cả những ai còn gắn bó với quê hương Việt Nam.
Những ngày tiếp theo, thao thức, ưu tư, có lúc mệt mỏi, bi quan, vì vẫn còn nhiều người bị giam giữ. Tôi đã biết cảnh tù đày, nên thương và lo lắng cho họ, những người vô tội mà tự dưng phải chịu cảnh giam cầm, đày đoạ, và vì chưa quen gian khổ rất có thể ai đó sẽ chùn lòng, đánh mất chính mình.
Cùng với tâm trạng buồn của tôi, chưa bao giờ trong cùng một thời gian có những bài viết của bạn bè mình buồn đến thế về Hà Nội. Hà Nội mùa Thu!
Nguyễn Hùng của BBC Việt ngữ, trong bài “Hà Nội: Biểu tình và những giọt nước mắt”, 23/8, viết:
“Cuộc biểu tình lần thứ 11 đã qua đi, đọng lại là hình ảnh những an ninh không đồng phục tung hoành ngang dọc giữa những người biểu tình mà hiện vẫn có người đang bị giam giữ và những giọt nước mắt bất lực của những cô gái trẻ. Người ta đã nhại cả những câu thơ đẹp đẽ để ghi lại những sự cố ở Hà Nội trong mùa hè 2011:
Những bàn chân dẫm xuống mặt dân
Những đôi mắt ếch nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này!”
Đoan Trang, cô gái sinh ra và lớn lên từ Hà Nội, tâm tình trong “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”:
“Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày”…
“Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bót”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?”
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) với bài “Viết cho mùa thu”:
“Những ngày cuối cùng của tháng Tám sắp đi qua, và Hà Nội đang vào thu (...) Mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn. Bởi hai người chị, và người bạn của tôi vẫn còn đang bị giam giữ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình "không đúng cách". Viết cho mùa thu năm nay, không mong gì hơn ngoài sự bình an, vững vàng và tinh thần kiên định của chị Hằng, chị Phượng và Dũng”.
Lời kết
Hà Nội khóc! Em tôi đã khóc! Nhưng Hà Nội cũng sẽ “không tin vào những giọt nước mắt”!
Vì Hà Nội còn nhiều, rất nhiều người yêu nước kiên định và hết mực thuỷ chung với bè bạn. Vẫn còn Kim Tiến ở tuổi đôi mươi viết trên trang Facebook: “Lúc nào cũng phải cười trên nỗi buồn… hé hé... tội gì khóc cho tụi nó vui... hờ hờ...”. Vẫn còn Blogger Người Buôn Gió hay Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bất chấp những hệ luỵ lò mò tới đồn công an, hay vào tận trại giam tìm cách tiếp tế đồ ăn cho những người bị bắt. Và nhiều người bạn khác nữa. Họ đã đến cổng nhà tù Hoả Lò hôm trước chờ tới đêm, không thấy, rồi săn tin, và tới nữa. Chị Hằng, chị Bích và cậu Dũng được trả tự do vào chiều tối ngày 25 tháng 8, trong những vòng tay ôm xiết chặt, trong nụ cười…
Bè bạn bên nhau tối 25/8 trước nhà tù Hoả Lò- Ảnh: Lee Nguyễn
Và trong cả nước mắt!
Em tôi lại khóc! Chị tôi khóc. Và Hà Nội khóc!
Vì niềm vui lại được bên nhau. Những người bạn không bỏ rơi mình trong hoạn nạn!
Tôi muốn lấy “Khúc không đề mùa thu” (trên trang Bauxite Việt Nam) của nhà giáo già Phạm Toàn sau khi đọc bài “Viết cho mùa thu” của Mẹ Nấm, thay cho lời kết:
“Hỡi những người cầm quyền, hãy hình dung Mẹ Nấm và lớp trẻ đó khi họ vẫn còn nhớ tới Tháng tám mùa Thu, và xin hãy đừng để hồn thơ của họ phải kết thúc các bài họ viết như thế này, Tháng Tám mùa Thu - Ngày thật buồn! Các vị sẽ phải chịu trách nhiệm về nỗi buồn của cả một thế hệ!”.
Thưa nhà giáo Phạm Toàn! Vâng, một ngày nào đó lớp trẻ không cần bất cứ bàn tay đạo diễn nào, cũng chẳng cần áo xiêm loè loẹt, hớ hênh, miễn cưỡng, họ sẽ mặc nhiên tự do, vui cười, nhảy múa, hát thật to những bài ca yêu nước với tâm hồn vô tư, trong sáng dưới ánh nắng của Hà Nội mùa Thu tháng Tám.
Hà Nội sẽ được trả về cho chính nó với thơ, ca, nhạc, hoạ, đầy ắp tình người, trong ngào ngạt mùi hương của hoàng lan và hoa sữa.
Và dưới những cây bàng lá đỏ “ai đó chờ ai tóc xoã vai mềm” sẽ tô đậm thêm nét kiêu sa, lãng mạn của Hà Nội mùa Thu!
gửi Dân Làm Báo