Nô Lệ Da Vàng (danlambao) - Một xã hội chỉ chú trọng về vật chất, kinh tế thì rất dễ quay lưng với với những khía cạnh văn hóa. Điển hình như việc những sinh viên chuyên ngành Lịch sử vô cùng khó khăn khi kiếm việc làm, chuyện lương bổng của họ cũng đủ thấy cách chúng ta đối xử với Lịch sử nước nhà ra sao. Nếu xã hội mãi u mê, bàng quan với thời cuộc như cái thời Lỗ Tấn thể hiện trong tác phẩm “Thuốc” thì sẽ vô cùng dửng dưng trước lịch sử ngày hôm qua và cả “lịch sử trong tương lai” của dân tộc mình...
*
“Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da…”
(Gia tài của mẹ - Trịnh Công Sơn)
Lịch sử của dân tộc thuộc về dân tộc, lịch sử của mỗi cá nhân thuộc về bản thân mỗi người.
Lịch sử không phải là vật sở hữu của một người, một nhóm người hay một tổ chức nào.
Lịch sử là như thế, lịch sử tồn tại bất biến trong dòng thời gian. Tuy nhiên chỉ có cách con người ta nhìn về lịch sử qua những lăng kính là khác nhau, nhằm biến nó thành một thứ sản phẩm phục vụ cho mục đích riêng của mình mới làm biến dạng lịch sử.
Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước hao tốn không ít giấy mực cho hiện tượng “lạ” khi hàng ngàn bài thi tuyển sinh môn Lịch sử của các cô cậu Tú bị điểm 0. Ở đây, chính cái số lượng hàng ngàn đã tạo động lực đẩy cái hiện tượng điểm không trở thành lạ lẫm trong mắt những người trong cuộc lẫn những kẻ ngoài cuộc. Thế là báo chí nhà ta lại có cơ hội béo bở để khai thác đề tài, kẻ tung người hứng, chỗ phê bình, nơi xoa dịu về một cái sự thật mười mươi mà không ai dám nhìn thẳng vào. Cũng vì vậy mà mấy con số 0 tròn trĩnh lại mang đến một sự méo mó khi người ta nhìn về bản chất sự việc. Điều này thể hiện rõ nét trong các phát biểu đầy mâu thuẫn của chính những người làm sự nghiệp giáo dục của chúng ta.
Phải kể đến việc dư luận dưới định hướng của mấy tờ báo đã kêu gào thảm thiết. Họ kêu lên rằng đó là một thảm họa, là một kết cục bi thảm (GS –TS Phạm Sanh) hay lỗi của cả hệ thống giáo dục ( PGS –TS Trần Thị Ngọc Lang)… Một số khác thì đổ lỗi cho đề thi chưa chuẩn nên cần chỉnh, đổ thừa tại người dạy không yêu nghề, học sinh xem nhẹ các môn xã hội. Nhưng bất ngờ nhất phải kể đến lời phát biểu “Kết quả đó là bình thường…” của một vị máu mặt trong ngành kèm theo lời hứa “sẽ thay đổi cách học Sử” cùng những viễn cảnh của quá trình “cách mạng” môn Sử đầy khoa học.
Nhưng đấy là chuyện của xã hội, còn chuyện của Lịch sử vẫn là một vấn đề nan giải đối với học sinh Việt Nam . Trước tiên, phải nhìn nhận xem sách giáo khoa Lịch sử của chúng ta viết gì trong đó. Đó là một mớ kiến thức nặng nề cả về hình thức lẫn nội dung. Dường như các vị biên soạn luôn muốn ghi cho hết, quán triệt cho đủ “Lịch sử” để tạo thành một gánh nặng nề trút lên đầu các học sinh phổ thông. Liệu với một mớ kiến thức “khô như ngói” của sách giáo khoa như thế sẽ thu hút được bao nhiêu người hứng thú với nó chứ đừng nói chi đến chuyện say mê học, tìm hiểu thêm. Bên cạnh đó là nội dung Lịch sử còn mang nặng tính chi tiết, một trận đánh phải học thuộc cả số “địch” chết, số máy bay, xe tăng “địch” bị tiêu diệt. Những số liệu đó có cần thiết phải học thuộc trong khi đại thể lịch sử từ “Triệu, Đinh, Lý, Trần*” lại không nắm được. Có lẽ cần phải học thuộc số người chết để tự hào với chiến công cuả người sống?! Vậy thử hỏi lịch sử đã khách quan, đã công bằng như chính bản chất của nó chưa?
Một vài ý kiến lại nêu lên hiện trạng giới trẻ thuộc sử Tàu, sử Hàn qua các phim bộ truyền hình còn sử Việt thì hoàn toàn mù tịt. Xin đừng vội lên án, ném đá giới trẻ lẫn nhà sản xuất phim. Việc sử Tàu, sử Hàn được phổ biến rộng rãi vượt ra khỏi biên giới đó là một thành công của họ. Tất cả những dòng sử đó đều là một phần của nền lịch sử thế giới nên đều đáng được trân trọng, gìn giữ. Chớ tốn thời gian để lên án, chính chúng ta hãy học tập họ chứ đừng “ngồi đáy giếng” để rồi tạo ra những sản phẩm phim lịch sử lai căng với nội dung nhạt như nước ốc theo kiểu bắt chước nửa vời. Chừng nào các bộ phim sử Việt còn chưa lôi kéo được người xem đến rạp thì chừng đó những nhà làm phim Việt Nam còn phải hổ thẹn với những siêu phẩm phim truyện lịch sử nước ngoài.
Một điều cũng đáng quan tâm là cách xã hội này đối xử với Lịch sử và những người đam mê nó. Một xã hội chỉ chú trọng về vật chất, kinh tế thì rất dễ quay lưng với với những khía cạnh văn hóa. Điển hình như việc những sinh viên chuyên ngành Lịch sử vô cùng khó khăn khi kiếm việc làm, chuyện lương bổng của họ cũng đủ thấy cách chúng ta đối xử với Lịch sử nước nhà ra sao. Nếu xã hội mãi u mê, bàng quan với thời cuộc như cái thời Lỗ Tấn thể hiện trong tác phẩm “Thuốc” thì sẽ vô cùng dửng dưng trước lịch sử ngày hôm qua và cả “lịch sử trong tương lai” của dân tộc mình. Thay vì nghĩ ra những khẩu hiệu kêu gọi “lòng yêu nước”, “tự hào dân tộc” … thì chúng ta hãy tìm cách để lịch sử đến gần nhân dân hơn. Điều này xem ra liệu có còn kịp không?