Người biểu tình bị bắt có thể kiện công an - Dân Làm Báo

Người biểu tình bị bắt có thể kiện công an

Một số người bị bắt trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 11 ngày 21/08 của quần chúng ở Hà Nội vừa lên tiếng cáo buộc công an và cảnh sát điều tra có hành vi ép cung, hành hung và các vi phạm pháp luật khác trong thời gian câu lưu họ.

Vài trong số những người bị bắt cho hay đã chứng kiến những hành vi mà họ nói là công khai và cố tình vi phạm pháp luật nghiêm trọng của công an và cho hay họ đang cân nhắc khiếu nại, hoặc kiện cơ quan công an cũng như mong muốn tìm kiếm các tổ chức, cá nhân có thể giúp đỡ họ tìm kiếm công lý.

Trao đổi với BBC hôm Chủ Nhật, 28 tháng Tám, ông Ngô Duy Quyền, kỹ sư, người bị bắt lên xe và đưa tới cơ quan công an, cáo buộc công an đã ép ông phải ký vào một bản khai sẵn, dùng sức ép số đông lấy điện thoại cá nhân của ông ngay trong đồn công an, cũng như hành hung trong lúc ép buộc ông phải lăn tay "như một tội phạm."

"Hai người họ kẹp hai bên, họ bóp tay, họ vặn tay tôi để lấy vân tay," ông Quyền, người cũng là chồng của luật sư đối kháng Lê Thị Công Nhân nói.

"Khi mà tôi cự tuyệt, thì có một người mặc thường phục đánh vào vai tôi hai lần. Và tôi nói là giữa thanh thiên bạch nhật như thế mà các anh đánh dân, đối xử với dân như vậy à. Thì người đó, thường phục, không đeo biển tên, nói với tôi là: cái thằng này mất dậy nhỉ."

Ông Quyền còn cho biết ông đã trực tiếp chứng kiến việc Công an Quận Hoàn Kiếm cưỡng bức một người biểu tình chống Trung Quốc khác, cùng bị bắt trong nhóm cùng hôm 21/8, là bà Bùi Thị Minh Hằng, tại phòng giam của tù hình sự:

"Trước khi họ đưa chị Hằng đi Hỏa Lò, họ muốn lấy vân tay, chị Hằng kiên quyết yêu cầu nếu như phải chấp hành thì phải có cơ quan có thẩm quyền của nhà nước như Viện Kiểm Sát, chị yêu cầu phải có luật sư, nhưng họ cương quyết từ chối và họ cưỡng bức.

"Mười bốn, mười lăm công an, cả nữ cả nam, cả sắc phục, cả thường phục, họ ép hai bên chị Hằng, họ vặn tay, nói chung là họ làm tất cả các thứ để lấy vân tay của chị ấy, nhưng chị kiên quyết từ chối. Rất nhiều lần như thế, nhưng họ không thể lấy được vân tay của chị ấy. Sau đó họ còng tay chị ấy và chở đi Hỏa Lò."

Về trường hợp của mình, ông Ngô Duy Quyền cho biết ông đang có dự định kiện cơ quan công an và nhân viên an ninh đã cưỡng bức, hành hung ông:

"Tôi đang tham vấn các luật sư có kinh nghiệm, hiện nay tôi chưa quyết định, nhưng nhiều khả năng là tôi sẽ kiện họ ra tòa," ông nói với BBC.


Người biểu tình chống Trung Quốc
Một số người biểu tình chống Trung Quốc cho hay nếu Trung Quốc tiếp tục đe dọa toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, họ sẽ tiếp tục biểu tình phản đối.


'Đánh đá các kiểu'

Một trường hợp khác cũng cáo buộc công an bắt người sai pháp luật, cưỡng bức trong quá trình thẩm vấn, giam giữ và đặc biệt là hành hung với mức độ hành vi nghiêm trọng. Ông Vũ Quốc Ngữ, một trí thức từng tu nghiệp cao học về bảo vệ thực vật tại Hà Lan kể về diễn biến khi ông bị bắt giam 5 ngày liền, tuần mới đây:

"Một trung úy công an tên là Nguyễn Mạnh Tường, số hiệu 023-175, đưa tôi vào một phòng riêng và đánh tôi, đánh đấm đá các kiểu. Sau đó họ bắt tôi phải cởi trần, cởi chuồng ra để xem có mang gì trong người không," ông Ngữ, người không tham gia biểu tình mà chỉ đến nhà tạm giữ của công an huyện Từ Liêm Hà Nội, để tìm cách tiếp tế lương thực cho những người bị bắt trước ông, cáo buộc.

"Rồi sau đó cũng bắt tôi phải làm tất cả các thủ tục, lăn tay, rồi cúp trọc đầu tôi đi, bắt lăn tay, chụp ảnh như tội phạm. Nhưng ngay khi họ bắt tôi, họ đã không đúng rồi, cho nên tất cả những điều họ làm sau đó đều sai hết."

Ông Ngữ, người từng công tác tại một Đại học ở Hà Nội và cũng từng làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho hay, ông sẽ cảm ơn nếu nhận được sự giúp đỡ về luật pháp cho trường hợp của ông để ông có thể tìm lại công lý sau vụ bị bắt giữ, hành hung mới rồi.

"Tôi rất lấy làm cảm kích, nếu có một tổ chức nào đó đứng ra giúp tôi như thế," ông nói.

Một người từng tham gia biểu tình khác, ông Lê Dũng, một kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa phản ánh, mặc dù không bị bắt giữ, nhưng từ ngày diễn ra cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa lần thứ 11 ở Hà Nội, vốn được cho là bị trấn áp mạnh, nói ông bị xách nhiễu tại nhà riêng:

"Tôi sẽ nhờ luật sư để khởi kiện các ông ấy... Cứ tới tối thứ Bảy, ngày Chủ Nhật, họ lại kéo đến nhà tôi, vài anh an ninh, rồi sáng ra 5 giờ sáng họ đã ngồi ngay bên nhà hàng xóm của tôi. Tối đến, họ hỏi tôi là ngày hôm sau anh có chương trình đi đâu không?," ông Dũng cho BBC biết chi tiết.

"Tôi nói là tôi phải đưa các cháu về quê, thì họ nói là có lẽ bọn em cũng phải theo anh về tận quê, vì bọn em lo anh lại đi ra Bờ Hồ để tụ tập hay gì đấy."

Trên trang blog cá nhân của mình, ông Dũng mới gửi một thư ngỏ hôm Chủ Nhật 28/8 cho Trung Tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, thư có đoạn:

"Thật lố bịch cho cách làm việc của các anh, tôi rất bực nên phải nói ra câu này để anh biết, yêu cầu anh chỉ đạo chấm dứt việc làm phiền công dân trong sinh hoạt của họ."

"Nếu còn hiện tượng này xảy ra lần nữa thì tôi chắc chắn sẽ nhờ luật sư khởi kiện các anh vì không còn nể nang hay lịch sự vì tình đồng hương nữa," ông Dũng viết trên trang blog của mình.

"Phải chịu trách nhiệm"

Luật sư Trần Đình Triển
Các luật sư Trần Đình Triển (trong hình), Nguyễn Quốc Đạt và Lê Quốc Quân cho hay các công dân có nhu cầu khiếu kiện có thể nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.


Nói chuyện với BBC từ góc độ bình luận luật pháp, luật sư Trần Đình Triển nói những người dân cho rằng bị nhà chức trách lạm dụng quyền lực có thể "nhờ các luật sư bảo vệ quyền lợi."

"Bởi vì vụ án chưa bị khởi tố bị can, mà chỉ là vụ việc hành chính, thì việc lăn tay, chụp ảnh cũng phải xem xét. Và nếu họ có nguyện vọng mời luật sư, thì luật sư có quyền tham gia bảo vệ quyền lợi cho họ."

Luật gia Lê Quốc Quân từ Hà Nội cho biết thêm: "Cưỡng bức như vậy là sai, vì theo bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, thì sau khi bị bắt giữ, quyết định khởi tố bị can, thì người ta mới tiến hành lập danh, chỉ bản, lấy dấu vân tay và chụp ảnh."

"Có nghĩa là cái đó phải làm sau khi đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can và coi như là một can phạm rồi."

"Không ký biên bản, thì phải lập biên bản về việc không ký. Và lập biên bản phải có hai người chứng kiến... Còn cưỡng bức người ta ký là sai pháp luật."

Về cáo buộc công an hành hung người dân trong quá trình xét hỏi, lấy cung, điều tra hoặc thi hành án, ông Quân cho biết:

"Cái đó xảy ra thường xuyên, đặc biệt với những người họ nói là phạm vào tội gây rối, hoặc liên quan hình sự, thì chuyện đó xảy ra thường xuyên. Nhưng để đưa ra ánh sáng, thì lại phải có bằng chứng. Mà bằng chứng chỉ có trong cơ quan công an họ biết với nhau thôi, cho nên đi kiện là rất khó."

"Có quyền tố cáo"

Từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Quốc Đạt, người được gia đình của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mời bảo vệ quyền lợi, bình luận:

"Nếu các cáo buộc trên là đúng, thì việc làm của công an không đúng với trình tự, quy định của pháp luật. Nếu có vi phạm hành chính, thì trước tiên phải xử lý vi phạm hành chính, chứ không thể tùy tiện mà khám xét, tra tấn, hành hung, hoặc ép buộc làm bất cứ việc gì mà người bị bắt không muốn. Nếu các trường hợp phản ánh là đúng, thì cơ quan công an đã vi phạm luật.

"Người bị bắt có quyền từ chối bất cứ câu hỏi, cách đặt vấn đề nào của cơ quan điều tra. Còn cơ quan điều tra có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, còn khi đương sự không khai là tùy người ta, còn công an điều tra vẫn chứng minh được, thì các anh hoàn toàn có cơ sở."

"Còn nếu người ta không khai mà các anh cứ ép người ta khai, nếu có chứng cớ như thế, thì các anh đã vi phạm là ép cung."

Luật sư Đạt cũng đưa ra bình luận về trường hợp một đương sự nào đó bị một cơ quan hay một cá nhân nào đó đang thực thi pháp luật hành hung, tra tấn hoặc ép cung bằng vũ lực, ông nói:

"Bản thân đương sự có quyền tố cáo hành vi đó, trong trường hợp luật pháp Việt Nam thường phải tố cáo lên chính cơ quan công an, thì cần tố cáo trực tiếp lên cơ quan công an đã để xảy ra hành vi đó."

"Sau khi họ xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, họ sẽ trả lời cho đương sự. Trong trường hợp này, đương sự có thể tự mình tố cáo hoặc nhờ một tổ chức, như một văn phòng luật sư, đứng ra đại diện cho mình để theo dõi diễn biến đó, thì hoàn toàn hợp pháp."

Hôm thứ Bảy, 27 tháng Tám, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong 25 nhân sỹ, trí thức, quần chúng ký tên vào một kiến nghị phản đối lệnh cấm biểu tình của UBND Thành phố Hà Nội cũng cho BBC hay có thể một số cơ quan truyền thông, báo chí như Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Báo An Ninh Thủ đô và một số tác giả, nhà báo, hoặc đương sự có hành vi được cho là "vu cáo, bôi xấu" người biểu tình yêu nước sẽ bị khiếu kiện và buộc phải "chịu trách nhiệm."

Nhóm trí thức nhân sỹ đã chuyển công văn cho đại diện lãnh đạo Chính quyền, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, yêu cầu Tổng Giám đốc Đài Phát thanh, Truyền hình Hà Nội phải xin lỗi chính thức người biểu tình chống Trung Quốc vì các chương trình, phóng sự được cho là 'xuyên tạc, vu cáo và xúc phạm' người biểu tình yêu nước.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo