"Tôi nghĩ là trong các cuộc chiến tranh của việt Nam thì vai trò của người phụ nữ rất là lớn và họ là người chịu thiệt thòi nhất, ngay cả bây giờ khi những ngư dân bị Trung Quốc đánh trên biển thì người thiệt thòi vẫn là những người phụ nữ và những đứa trẻ, cho nên người phụ nữ Việt Nam ý thức rất rõ, ý thức tất cả những cái lớn lao, thực ra nó rất thiết thân với chính cuộc đời họ, nên cái việc họ tham gia này là rất tự nhiên của con người, của người phụ nữ, họ không phải cố gắng, không phải lên gân lên cốt, không phải nghĩ là mình đang làm gì đó lớn lao cao cả." - Nhà văn Thùy Linh
Việt Hà (RFA) - ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’ là câu nói rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Nhưng có lẽ từ lâu lắm rồi, người Việt Nam mới lại được nghe câu này hô vang trong các cuộc biểu tình ở cả hai miền đất nước.
Nhắc đến câu nói này, Việt Hà muốn gửi đến quý thính giả của tạp chí phụ nữ tuần này câu chuyện những người phụ nữ Việt Nam đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc trong suốt 8 tuần lễ qua ở Việt Nam.
Thấu hiểu nỗi mất mát
Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam đã kéo dài 8 tuần và có khả năng vẫn còn tiếp diễn nhiều tuần lễ nữa. Giữa khí thế hừng hừng yêu nước của những đòan người biểu tình ở hai đầu đất nước, người ta cũng nhìn thấy bóng dáng của những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Những phụ nữ duyên dáng, bé nhỏ nhưng lại rất mạnh mẽ hô to các khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa, hay hát vang những bài ca yêu nước.
Nữ nhà văn Thùy Linh cho rằng những người phụ nữ Việt Nam xuống đường biểu tình là điều hoàn toàn rất tự nhiên:
"Tôi nghĩ là trong các cuộc chiến tranh của việt Nam thì vai trò của người phụ nữ rất là lớn và họ là người chịu thiệt thòi nhất, ngay cả bây giờ khi những ngư dân bị Trung Quốc đánh trên biển thì người thiệt thòi vẫn là những người phụ nữ và những đứa trẻ, cho nên người phụ nữ Việt Nam ý thức rất rõ, ý thức tất cả những cái lớn lao, thực ra nó rất thiết thân với chính cuộc đời họ, nên cái việc họ tham gia này là rất tự nhiên của con người, của người phụ nữ, họ không phải cố gắng, không phải lên gân lên cốt, không phải nghĩ là mình đang làm gì đó lớn lao cao cả."
Có lẽ hình ảnh thiếu nữ Kim Tiến trong tà áo dài trắng trong cuộc biểu tình ngày 24 tháng 7 là hình ảnh nổi bật nhất của người phụ nữ Việt Nam những ngày qua.
Cô gái trẻ 22 tuổi, đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc 5 lần, điều mà ngay chính cô cũng khó có thể tưởng tượng nổi là mình sẽ làm được. Xin trích một đoạn trong trang blog của Trịnh Kim Tiến nói về việc cô tham gia biểu tình như sau:
"Tôi chưa hề nghĩ rằng tôi – một con bé nghịch ngợm, nhí nhảnh, chỉ biết la cà, đùa giỡn giờ lại trở thành một điều gì đó. Hình tượng người con gái xuống đường thể hiện lòng yêu nước, thật lòng là có choáng ngợp trong ánh hào quang, pha vào đó là chút gì đó áp lực, chút nặng nề, và một chút sợ hãi… Với tà áo dài, cùng những ‘bước chân Việt’, tôi xuống đường với trái tim chân thành chỉ vì 1 điều ‘Tổ quốc tôi yêu’."
Cách đây chỉ hơn 1 năm thôi, Kim Tiến vẫn còn là một cô bé nhí nhảnh, vô tư, không quan tâm gì đến thời cuộc. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ sau khi cha cô bị công an đánh chết một cách oan uổng vào cuối tháng 2 năm nay.
Kim Tiến nói từ sau cái chết tức tưởi của cha, và từ khi cô phải thay cha gánh vác thêm công việc gia đình vất vả cùng mẹ để lo cho bà và cho em, cô đã quan tâm hơn đến những gì diễn ra quanh mình.
Và việc xuống đường phản đối Trung Quốc bắt bớ, đánh đập ngư dân, xấm chiếm Hoàng Sa Trường Sa đã trở thành một điều đương nhiên cô nghĩ mình phải làm. Cô nói:
"Khi mà xảy ra chuyện của bố em như vậy thì mất mát rất là đau thương rồi, và khi em quan tâm đến những vấn đề của xã hội thì em cũng nhìn thấy những nỗi đau của những người khác nữa, nó không hề vui, trong lòng mình còn chạnh lòng nhiều hơn, còn buồn hơn khi nhìn thấy nhiều người, nhiều số phận bất hạnh đau khổ khác. Khi tham gia tuần hành này thì mặc dù xuống đường, tự hào nhưng trong lòng mình cũng vẫn đau khi nhìn vào những đồng bào mình ở ngoài hải đảo."
Thậm chí, Kim Tiến đã bỏ công việc làm thêm vào cuối tuần của mình để tham gia biểu tình bởi cô nói "đi làm kiếm tiền trong một ngày là việc mình có thể nghỉ mà cũng không cần thiết, vì tiền đôi khi cần cho cuộc sống nhưng nó không hoàn toàn chi phối cuộc sống của mình."
Hoa hậu không cần vương miện
Ngày 24 tháng 7, hưởng ứng lời kêu gọi áo dài xuống đường để thể hiện lòng yêu nước, Kim Tiến đã chọn một chiếc áo dài trắng vì cô cho rằng đó là tấm áo phù hợp nhất với cô và những cô gái khác ở lứa tuổi của cô.
Và cũng trong cuộc biểu tình đó, những bức hình của cô được chụp và được lan truyền trên mạng ngay sau đó, làm say lòng biết bao nhiêu người. Đã có cả những bài thơ được viết tặng cho cô.
Người ta gọi cô là ‘hoa khôi của biểu tình’, là ‘hoa hậu không cần vương miện trong lòng biết bao người’. Còn Kim Tiến chỉ khiếm tốn nói:
"Con gái ai được khen thì rất là vui, em nghe được khen như vậy cũng thích lắm, nhưng em nghĩ có nhiều người đẹp hơn trong các đoàn, kể cả những cụ già, khi các cụ giơ cao các tấm biểu ngữ trông các cụ còn đẹp hơn em nhiều, danh hiệu đó phải được trao cho cả những em gái nhỏ, đeo khăn quàng đỏ và hô khẩu hiệu rất to, đấy mới chính là những hoa khôi của biểu tình, em nghĩ tham gia cuộc biểu tình này bất cứ phụ nữ nào cũng là hoa khôi."
Nữ nhà văn Thùy Linh cho rằng hình ảnh của những tà áo dài như Kim Tiến đã mặc trong các đoàn biểu tình đã làm cho các cuộc biểu tình đẹp lên, và mềm mại đi rất nhiều. Cô nói:
"Áo dài gần như là một biểu trưng cho thế giới. Khi biểu tình thì thường người ta hay có ý nghĩ là nó có xu hướng thiên về sức mạnh hay bạo lực, thì tà áo dài tự nhiên nó làm cho không gian, tâm hồn hay tâm trạng của những người tham gia biểu tình dịu dàng đi rất nhiều, mềm mại đi và nó có cảm hứng rất nữ tính. Và tôi nghĩ là cảm hứng nữ tính của loài người thì nên được khích lệ, khuyếch trương vì nữ tính bao giờ cũng đi vào tình cảm, chiều sâu đi vào lòng người nhất."
Là người đã tham gia các đoàn biểu tình ở Hà Nội nhiều tuần qua, nữ nhà văn Thùy Linh đã trút lòng mình trên trang blog cá nhân mới được công khai kể từ sau cuộc biểu tình ngày 12 tháng 6.
Cô ca ngợi lòng yêu nước của người dân Việt Nam thể hiện qua các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mà cô đã được chứng kiến.
Cô kêu gọi mọi người hãy tiếp tục thể hiện tình yêu nước của mình trong câu viết ‘nếu có cô gái đẹp nào đã dám khỏa thân vì môi trường (hay vì gì gì đó’ thì xin hãy một lần sexy lòng yêu nước để người dân được một lần ngưỡng mộ?’
Khi được hỏi về câu nói này, nữ nhà văn giải thích:
"Tôi dùng nghĩa bóng của nó là khi sexy thì người ta hay nghĩ đến sự phơi bày tức là thể hiện một cách công khai, trực diện, tức là những cái gì mà họ mong muốn họ thể hiện, không e ngại trình bày ra ngoài những gì mà vốn người khác cho là thầm kín."
Thể hiện lòng yêu nước, những người phụ nữ như nhà văn Thùy Linh và nữ sinh Kim Tiến đã xuống đường. Họ biểu tình bất chấp sự cấm cản, bắt bớ của chính quyền. Kim Tiến cho biết cô đã chứng kiến những người bị bắt, bị đánh vào hôm 17 tháng 7 nhưng cô không nản lòng, không hề sợ:
"Em nghĩ việc làm của em không vi phạm pháp luật vì thực hiện điều 69 và điều 77 của hiến pháp, hoàn toàn là đúng pháp luật cho nên là nếu em có bị mời vào, và bị bắt thì em cũng trả lời như vậy thôi, em hoàn toàn không vi phạm pháp luật, mà em làm đúng theo trách nhiệm của một người công dân.
Em không hề sợ, và nếu có xảy ra với em thì em cũng chấp nhận vì khi em đã xuống đường yêu nước là em đã hoàn toàn hiểu điều em đang làm có ý nghĩa thế nào."
Còn nữ nhà văn Thùy Linh thì cho rằng cô viết theo lương tâm mình:
"Tôi nghĩ chả có một nguy hiểm gì, vì tất cả những chuyện gì thì tôi đã công khai trên blog, tôi đã minh bạch các quan điểm của tôi nên tôi không nghĩ có một nguy hiểm gì tại vì nếu có nó đến thì tôi phải chịu trách nhiệm, tôi sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ đến với mình."
Cô cũng cho biết cô sẽ tiếp tục xuống đường bởi cô muốn hít thở hơi thở của đất nước và dân tộc vào thời điểm này.
Nhà văn Thùy Linh và nữ sinh Kim Tiến, hai người phụ nữ ở hai độ tuổi khác nhau, ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lúc này đây trái tim họ đang cùng đập chung một nhịp, nhịp đập của cả một dân tộc trước nguy cơ xâm lăng, trước nỗi đau của đồng bào mình.
Xuống đường thì nghe thật lớn lao, nhưng ước muốn của những người phụ nữ này lại thật giản dị, đó là ngư dân mình không còn bị bắt bớ, đánh đập, xua đuổi khi đánh bắt cá ngay trong vùng chủ quyền của mình.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org