Suy nghĩ về Thư ngỏ của các trí thức Việt kiều gửi lãnh đạo Việt Nam - Dân Làm Báo

Suy nghĩ về Thư ngỏ của các trí thức Việt kiều gửi lãnh đạo Việt Nam

Võ An (bạn đọc Dân Làm Báo) Thư của các nhà trí thức Việt Kiều cho thấy trí thức người Việt ở mọi nơi đều có cùng suy nghĩ về tình hình đất nước, hiểm họa xâm lăng và cách điều hành đất nước hiện nay. Các lãnh đạo Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khi đối diện với lời tâm huyết của các trí thức giàu lòng tự trọng và nặng lòng với dân tộc:


1) Trước hết các nhà lãnh đạo VN phải vượt qua lòng hận thù để cảm thấy thanh thản khi lướt qua danh sách đồng tác giả. Tôi chắc chắn họ sẽ làm việc này trước khi đọc kiến nghị tâm huyết nêu trên. Các nhà lãnh đạo sẽ cảm thấy dễ chịu khi đọc những tên tuổi Gs Lê Xuân Khoa, Gs Vũ Quốc Thúc nhưng liệu họ có dễ chấp nhận với tên tuổi như Gs Doãn Quốc Sỹ (mà người CS đã từng bỏ tù sau 1975) và Ls Trịnh Hội (người có nhiều bài viết phản đối chính sách dân chủ của Việt Nam trên Blog cá nhân) không? Không vượt qua nỗi ám ánh quá khứ, họ sẽ không thực tâm, không thiện chí để đọc kỹ từng dòng từng chữ bài viết trên.

2) Vấn đề cố lõi của bài viết là: “Không một quốc gia hay liên minh nào có thể hỗ trợ Việt Nam nếu, trước hết, chính phủ Việt Nam không chứng tỏ là có ý chí và khả năng bảo vệ dân tộc và đất nước của mình”. Người lãnh đạo đảng CSVN hãy dũng cảm để thấy rằng từ khi lên nắm quyền họ đã không làm được điều này, họ ngày càng công khai từ bỏ cái chính nghĩa mà họ tự khoác cho mình. Sự tồn vong của đất nước (và cả chính thể CSVN) là ở đây! Chỉ khi nào các nhà lãnh đạo thực sự thấy được giá trị cốt lõi của câu nói trên thì chúng tôi mới dám mơ đến việc họ quyết tâm thực hiện các đề nghị của trí thức trên.

3) Đề nghị đối với dân trong nước: tất cả đều quá khó đối với người CS (ngoại trừ việc tham khảo ý kiến tư vấn độc lập) vì họ luôn nghĩ rằng điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN. Tham nhũng, tồn tại ngay cả cấp cao nhất (!), sẽ không bị trừng phạt chỉ khi nào không có thể chế tam quyền phân lập, không có tự do bầu cử và ứng cử, không minh bạch trong thực thi hiến pháp. Người CS không bao giờ ĐẶT QUYỀN LỢI CÁ NHÂN LÊN TRÊN QUYỀN LỢI CỦA TỔ QUỐC.

Hãy xem một việc rất nhỏ này thôi: Điếu Cày mãn tù đã 10 tháng, sống hay chết, tàn tật hay lành lặn, không ai có trách nhiệm trả lời cho gia đình, luật sư. Họ lấy sự yên lặng thay cho câu trả lời. Vậy đề nghị thả các nhà bất đồng chính kiến xem ra là đề nghị thiếu thực tế dưới cái nhìn của CSVN.

4) Vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc (HHHGDT): như sửa chữa nghĩa trang quân đội Biên Hòa, tìm hài cốt những người chết trong trại cải tạo, không can thiệp xây bia tưởng niệm thuyền nhân tại Malaysia… sẽ chịu nhiều chống đối không chỉ trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN mà còn trong cả những giới cựu quân nhân ở thôn quê, một số văn nghệ sĩ, giới truyền thông (VTV, Hà Nội Mới…) vốn chỉ quen dung nạp thông tin một chiều.

Lãnh đạo CVSN dù có muốn cũng không dám làm vì tất cả họ không đủ uy tín để thuyết phục đám người hận thù kia hợp tác làm một nghĩa cử cao cả. Hơn nữa không một lãnh đạo nào dám đem sự nghiệp chính trị của mình ra thử thách với lời đề nghị của “phía bên kia”. Theo tôi, không thể thực hiện đề nghị này trong thời gian CS vẫn còn đang cầm quyền.

Tôi không tin là lãnh đạo Việt Nam sẽ trả lời thư trên. Họ sẽ giữ yên lặng giống như họ đang làm đối với thỉnh cầu của xã hội các vụ Điếu Cày, Trịnh Kim Tiến, Vũ Ngọc Ngoạn, VTV…



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo