Paulo Nguyễn - Nhiều người nói tôi dạo này thay đổi, trong đó có những người anh em ngoài đời. Cho rằng lúc này tôi cực đoan quá khi suốt ngày chỉ nghĩ và nói về chính trị, khác với lúc trước hay đi làm việc thiện, nói về tình yêu thương bác ái…
Đúng là tôi thay đổi thật, ngày trước sống chẳng quan tâm đến ai chứ đừng nói gì là chính “chị” chính “em”. Rồi từ khi mình bắt nhịp và cảm nhận được tình yêu thương trông cuộc sống, qua những lần đi thăm các mái ấm, những người nghèo, khuyết tật, sì-ke, HIV…
Lạ thay, cái tình yêu thương ấy mình càng cho đi nó lại càng đong đầy, tâm hồn càng rộng mở. Càng làm việc thiện mình càng say mê nó, có lúc muốn đi tu để có nhiều thời gian làm bác ái.
Cho đến một ngày tôi đến thăm “trại tù” của những người vô gia cư được đánh tráo dưới cái tên nghe rất nhân văn là “trung tâm bảo trợ xã hội”. Nơi đây,ước tính khoảng 1,500 người, đa số đều mang tội danh là vô gia cư, không chứng minh nhân dân, không giấy tờ tùy thân, bị bắt trong những chiến dịch “dọn dẹp lòng lề đường”. Gồm những thành phần bụi đời, gái đứng đường, lượm ve chai, bán vé số, hay thậm chí có nhiều người từ dưới quê lên bị mất giấy tờ cũng bị hốt tất. Và đằng sau mỗi con người đó là một bi kịch gia đình. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã khóc ngon lành, khóc nức nở khi nhập tâm vào cuộc sống nơi đây.
Những "tù nhân" chung thân
Dẫu cho họ xuất thân từ đâu, hoàn cảnh như thế nào nhưng bản thân họ không phải là tội phạm. Có khi họ còn ước mình là tội phạm hình sự đi, vì như thế họ còn có thời hạn chịu án để chờ được tự do. Còn ở đây họ không biết ngày về, chỉ chờ đến khi vắt kiệt sức lao động cho đến chết, quấn vào chiếc chiếu rồi đem chôn…Cái tội của họ là không gia đình, tội không chứng minh được hai từ “nhân dân”, tội vô gia cư, tội…chung thân!
Những giọt nước mắt tủi thân, ấm ức.
Có những người mới vào mấy tháng, có những người đã ở đến 8,9 năm- đến già-đến chết.
Cuộc sống của họ chỉ khác con thú ở chỗ họ nói chuyện bằng tiếng Việt, còn cái quyền tự do tối thiểu của một con người bị tướt đoạt hoàn toàn. Họ bị nhốt trong một cái “chuồng” có những chiếc giường sắt.Đến giờ thả ra lao động đến chiều tối lại “lùa” vào, lương một tháng được 200 nghìn đồng (!) nhưng bằng tiền chỉ” lưu hành nội bộ”. Tuy là nơi rừng rú nhưng mấy “thầy” ở đây vẫn theo kịp “chủ trương” tham ô ngon lành, bằng cách là cho lao động tại những khu công nghiệp khi cần công nhân thời vụ, mỗi lần như vậy là ăn được 100 nghìn đồng trên một đầu người.
Tiền của "khu tự trị" trung tâm bảo trợ xã hội.
Về hoạt động bên ngoài thì có vẻ gì là trách nhiệm cộng đồng, là chủ trương đúng đắn nhưng bên trong mới thấy được “công nghệ” bóc lột sức lao động tinh vi của xã hội này.Bởi nếu là bảo trợ phải có sự nâng đỡ về nhân cách và công việc, giúp họ sớm quay về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Đằng này mượn danh nghĩa"bảo trợ" để giam giữ vô thời hạn, bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt. Cộng với việc đánh giá ấu trĩ rằng người vô gia cư là người xấu, quản lý không được thì bắt nhốt hết là xã hội này sẽ tốt đẹp lên. Vậy thì điều gì đã tạo nên sự bất công này? Chính là do cơ chế này tạo nên!
Rồi đến chuyện những người già bán vé số. Mặt ngoài thì có vẻ các chủ đại lý là những người tốt, đã tạo công ăn việc làm cho những người già ở miền quê nghèo. Nhưng thực chất đó cũng là “công nghệ” bóc lột sức lao động già, sự lợi dụng lòng thương người đối với những cụ đáng tuỗi bà, tuổi cha mẹ. Kết quả là những công ty, những đại lý vé số ngày càng giàu thêm, còn những người già, người nghèo lại càng già thêm và càng nghèo đi. Điều gì đã tạo nên sự bất công tinh vi đó? Chính là do cơ chế này tạo nên!
Nơi sinh sống của những cụ già bán vé số khu vực Q.10
“Điều khốn nạn nhất ở cái cơ chế này là người bị bóc lột lại nghĩ là người khác đang giúp mình, còn kẻ bóc lột thì lại nghĩ mình đang ban ơn cho người khác” (LQU)
Và còn nhiều, rất nhiều cái mặt trái xấu xa, bất công ở xã hội này khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi không thể làm sạch đẹp cuộc sống này chỉ bằng cách “dọn dẹp” trong khi luôn có những kẻ ngày đêm “xả rác”. Phải làm gì để xã hội này ngày một “trong sạch” hơn, những hoàn cảnh bất hạnh, những bi kịch cuộc sống ngày một vơi dần? Phải làm gì? Phải làm sao?
Thưa: chỉ có một cách duy nhất là THAY ĐỔI CƠ CHẾ HIỆN TẠI
(Bài viết là lời tâm sự gửi đến cho anh em, người thân và các bạn trong nhóm F)
P.N
13.8.2011