10 năm sau biến cố 11/9 - Dân Làm Báo

10 năm sau biến cố 11/9

Quỳnh Như (RFA) - Hình ảnh chiếc máy bay thứ hai của bọn khủng bố đâm vào giữa toà nhà World Trade Center khiến toà tháp đôi biến thành cột lửa lớn và đổ sụp được truyền đi khắp thế giới, khiến người xem ngỡ đó chỉ là kỹ xảo điện ảnh.

Lộ mặt kẻ thù mới

Nhưng ngay sau đó lập tức cả thế giới bàng hoàng khi biết đích xác nước Mỹ bị tấn công bởi một kế hoạch hết sức quy mô và chi tiết ngoài sức tưởng tượng. Sau biến cố kinh hoàng đó người ta bắt đầu nghiên cứu những mắc xích trong các chuỗi sự kiện có liên quan đến âm mưu khủng bố này, và nước Mỹ cũng nhanh chóng đề ra những biện pháp để củng cố nội an.

Mười năm sau biến cố 11 tháng 9 mọi người vẫn không thể nào quên được hình ảnh chiếc máy bay thứ hai đâm xuyên toà tháp đôi vào khoảng hơn 9 giờ sáng giờ điạ phương do CNN trực tiếp phát đi. Đây là cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, đánh vào nước Mỹ kể từ sau 235 năm lập quốc, và cướp đi hơn 3.000 sinh mạng, trong đó có công dân của hơn 90 quốc gia.
Tên của 40 nạn nhân của chiếc phi cơ United Airlines 93 rơi ở Shankville, Pennsylvania được khắc trên đá hoa cương. Ảnh: AP.

Vụ tấn công khủng bố tự sát khởi phát khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay Boeing của các hãng hàng không dân dụng Hoa kỳ đang trên đường bay nội địa – hai chiếc máy bay đâm vào toà nhà World Trade Center, chiếc thứ ba đâm vào Ngũ Giác đài.

Chiếc máy bay thứ tư là chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines, rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Hạt Somerset của tiểu bang Pennsylvania. Người ta tin rằng có thể là do hành khách trên máy bay đã chống cự lại nhóm không tặc làm chúng không thể kiểm soát được chiếc máy bay. Tất cả hành khách trên bốn chuyến bay định mệnh này đều bỏ mình, không một ai còn sống sót.

Một ngày sau khi vụ tấn công khủng bố xảy ra, Tổng thống George W. Bush đã lên tiếng trước quốc dân đồng bào. Trong bài diễn văn của ông có đoạn nói:

“Người dân Mỹ cần biết rằng chúng ta đang phải đương đầu với một kẻ thù mới hoàn toàn khác, mà chúng ta chưa từng gặp bao giờ. Kẻ thù này ẩn mình trong bóng tối để thực hiện mọi thủ đoạn bất chấp sinh mạng của con người. Những kẻ khủng bố này chỉ muốn gây đau khổ cho những người vô tội, không hề biết nghi ngờ, và sau đó chúng tháo chạy để ẩn núp, nhưng chúng sẽ không thể chạy trốn để tìm nơi trú ẩn như thế mãi được. Chúng cứ tưởng sào huyệt của chúng là chỗ an toàn, nhưng nơi đó không thể an toàn mãi.

Kẻ thù mới của chúng ta không chỉ tấn công người dân Mỹ, mà chúng còn tấn công tất cả những người yêu chuộng tự do ở mọi nơi trên thế giới. Đất nước chúng ta sẽ tận dụng tất cả mọi nguồn nhân lực, tài lực để chiến thắng kẻ thù này. Chúng ta sẽ tập họp cả thế giới, chúng ta sẽ kiên nhẫn, sẽ tập trung sức lực vào mục tiêu để thực hiện cho bằng được quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Cuộc chiến chống khủng bố này cần có nhiều thời gian và sự quyết tâm, nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ chiến thắng.”

Nổi bật nhất trong vai trò xung kích là các nhân viên cứu hoả, vào khoảng 9g sáng ngày hôm đó, hơn 235 lính cứu hoả New York được điều động có mặt ngay tại hiện trường. Họ đã dũng cảm xông vào toà nhà đang cháy để cứu người, và khi hơn hai đại đội cứu hỏa kéo vào toà nhà làm nhiệm vụ thì không lâu sau đó cả tòa nhà bất ngờ sụp đổ do sức nóng khủng khiếp, và hầu như tất cả đã hy sinh một cách anh dũng.

Nước Mỹ quá chủ quan

Sau khi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này xảy ra, trong khi nghiên cứu thu thập những sự kiện có liên quan, người ta mới liên hệ tới những cảnh báo từ các nước đồng minh của Hoa kỳ về một cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra, cũng như hàng loạt tin tình báo mà lúc bấy giờ người ta đã bỏ qua không kiểm chứng. Ví dụ, tờ Sunday Telegraph của Anh số ra ngày 16/09/2001 cho biết, hồi tháng 8 năm 2001, cơ quan tình báo Israel, Mossad đã cảnh báo FBI và CIA rằng có khoảng 200 thuộc hạ của Osama bin Laden đang đột nhập vào Hoa kỳ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, và tờ Los Angeles Times, ngày 20/09/2001 trích lời các viên chức Mỹ, không nêu danh tính xác nhận rằng người Mỹ đã nhận được cảnh báo này của Mossad.

“Mất trâu rồi mới lo làm chuồng”, sau khi biến cố khủng khiếp này xảy ra, nước Mỹ đề ra hàng loạt chính sách nhằm tăng cường và cũng cố an ninh nội địa. Đầu tiên Tổng thống Bush ký sắc lệnh thành lập Bộ An ninh-Nội điạ vào tháng 6 năm 2002.

Ủy ban Quốc gia về Khủng bố Hoa kỳ, còn được gọi tắt là Uỷ ban 11/09, cũng được thành lập vào cuối năm 2002 để nghiên cứu về cuộc tấn công khủng bố 11/09 và đề ra những biện pháp để ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố tương tự trong tương lai. Theo một phúc trình của Ủy ban 11/09, cho rằng Osama bin Laden, thủ lĩnh của nhóm Al-Qaeda, là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng Khalid Shaikh Mohammed lại là người trực tiếp lên kế hoạch thực hiện. Thoạt đầu Osama bin Laden lên tiếng bác bỏ mọi liên quan đến vụ tấn công, nhưng về sau, trong một lời tuyên bố qua video năm 2004 bin Laden thừa nhận có liên quan trực tiếp đến những cuộc khủng bố.

Đồng thời, Quốc hội Hoa kỳ thông qua đạo luật USA Patriot, cho phép thực hiện những phương tiện thích ứng cần có để ngăn chặn khủng bố, và giải thích rằng đạo luật này sẽ giúp dò tìm và truy tố những phần tử khủng bố và tội phạm khác trong tương lai. Tuy nhiên cho đến nay các nhóm bảo vệ quyền tự do của công dân vẫn còn phê phán đạo luật này, và cho rằng đạo luật cho phép các cơ quan thi hành pháp luật xâm phạm sự riêng tư của công dân.

Không lâu sau biến cố 11/09, Cơ quan điều tra Liên bang, FBI đã nhận diện được tổng cộng có 19 tên không tặc thực hiện cuộc tấn công khủng bố này. Và ngày 27 tháng 9 năm 2001, FBI công bố hình ảnh của những người này – 15 không tặc đến từ Ả-rập Xê-út, hai người đến từ Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, một người khác từ Ai-cập, và kẻ cuối cùng từ Libăng.

Tất cả đều có liên quan đến tổ chức Hồi giáo Al-Qaeda, và hầu hết đều là những người có học thức và một số còn qua các trường lớp đào tạo tại Hoa kỳ. Trong số này người ta nhận rõ mặt của Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi mà hình ảnh của chúng được ghi nhận bởi camera an ninh, khi chúng làm các thủ tục trước khi lên máy bay. Hai người này đều nằm trong danh sách đã bị theo dõi trong vài ngày trước đó, nhưng an ninh sân bay lại không biết điều này.

Chung tay diệt kẻ thù

Cuộc truy tìm thủ phạm, đạo diễn của biến cố kinh hoàng 11/09 vẫn được tiến hành một cách kiên trì và thầm lặng, sau một thời gian nghiên cứu tình hình và thu thập đầy đủ thông tin. Các đánh giá cho thấy Osama bin Laden có thể đang trú ẩn tại một tòa nhà ở phía Bắc Pakistan. Khi thời điểm đã chín muồi, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra chỉ thị thực hiện chiến dịch để truy bắt Osama bin Laden vào sáng ngày 29/4/2011.

Vụ đột kích bắt đầu lúc 1g15 sáng ngày 2/5/2011 vào khu nhà tại thị trấn nhỏ Abbottabad ở miền Tây Bắc Pakistan, khi bốn trực thăng chở các lực lượng Mỹ đột kích tòa nhà này vào sáng sớm, để tiêu diệt trùm khủng bố Osama, và một người con trai của y cũng bị giết. Trước khi công bố thông tin Osama bin Laden bị tiêu diệt với toàn dân, Tổng thống Obama đã gọi điện cho hai người tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush để báo tin.

Mười năm kể từ sau biến cố ngày 11/09, mặc dù hàng loạt biện pháp an ninh đã được tăng cường, người dân Mỹ vẫn nghĩ rằng giá như trước đây những biện pháp an ninh ở sân bay, hải cảng chặt chẽ, thì những kẻ xấu đã không thể lợi dụng sự lỏng lẻo này để lên kế hoạch tấn công nước Mỹ.

Tuy khủng bố có thể tấn công nước Mỹ nhưng không ai có thể bẻ gãy tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc của người Mỹ. Trước ngày kỷ niệm 10 năm biến cố 11/09, Tổng thống Barack Obama một lần nữa lại kêu gọi toàn dân. Ông nói:

"Chỉ còn hai tuần nữa cả nước chúng ta sẽ kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9. Chúng ta sẽ tưởng niệm những người đã hy sinh trong biến cố 11 tháng 9 cùng với gia đình và người thân của họ. Chúng ta sẽ vinh danh tất cả những anh hùng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường ngay từ những phút đầu tiên sau khi vụ tấn công xảy ra để cứu người. Đồng thời chúng ta cũng sẽ bày tỏ sự cảm phục đối với các chiến sĩ và gia đình của họ, cũng như đối với tất cả những người đã phụng sự Tổ quốc trong vòng 10 năm qua để giữ cho người dân được yên bình, đất nước vững mạnh.

Nhân dịp này chúng ta cũng sẽ hồi tưởng những tấm gương ưu tú của người dân thể hiện sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ – đó là hình ảnh những người Mỹ xếp hàng chờ hiến máu, những người tình nguyện từ khắp mọi nơi trên đất nước đến góp tay chung sức khắc phục những hậu quả của biến cố 11 tháng 9, những em học sinh đóng góp tiền tiết kiệm của mình, các nhóm từ thiện, doanh nhân trong cộng đồng vận động quyên góp thực phẩm, quần áo.

Trong hoàn cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết và những đóng góp tự nguyện của người dân xuất phát từ lòng hảo tâm và thương cảm nhắc nhở chúng ta rằng, trước những thách thức như vậy, cả dân tộc luôn tiến lên phiá trước, muôn người như một.”

Và hơn bao giờ hết, hiện nay nước Mỹ rất cảnh giác trước nguy cơ khủng bố đối với công dân Hoa kỳ. Trong bối cảnh của những dịp lễ long trọng như kỷ niệm 10 năm ngày 11 tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời cảnh báo cho tất cả công dân Hoa kỳ đang đi công tác hay du lịch ở nước ngoài nên đề phòng nguy cơ khủng bố nhắm vào người Mỹ. 

Quỳnh Như 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo