Hoàng Thanh Trúc - “Thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam, và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền” (phát biểu của Trung Tướng Ng.Chí.Vịnh sau cuộc họp đối thoại quốc phòng lần thứ 2 giữa VN+TQ – nguồn: Đất Việt 30/8/2011).
Đúng như vậy! nguyên văn từ ông thứ trưởng quốc phòng VN thốt ra cái “thực tế rất hiển nhiên” ấy – một sự khẳng định lập lại vang vọng như âm thanh vòm (surround) rất 4 tốt, vô tình hay hữu ý hỗ trợ thêm cho quan điểm dứt khoát còn nóng hổi mới đây của nhà cầm quyền TQ: “Bác bỏ đề xuất của Việt Nam đưa Hoàng Sa thành một nội dung đàm phán chung về các bất đồng trên Biển Đông, Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận hiện trạng là quần đảo này đang có tranh chấp”(BBC-Cập nhật: 11:33 GMT - thứ năm, 25 tháng 8, 2011). Đây là một số chi tiết không công bố chính thức từ các viên chức ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đang có những vòng đàm phán kín để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, tờ nhật báo tiếng Anh “Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng” có trụ sở ở Hong Kong đưa tin hôm thứ Tư /24/8/11.
Cái cách phát ngôn nói giùm cho TQ của vị Tướng hàm thứ trưởng này cứ như là cục nước đá chẹn vào cổ họng của “người đẹp Phương Nga” phát ngôn viên Bộ ngoại giao VN trước đó cũng khẳng định: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường của Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa phải là một trong những nội dung đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên biển đông”. Lạ thật! không lấy đất, không lấy biển, nhưng yêu cầu đàm phán Hoàng Sa?!
Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa hôm nay, trong chiến lược TQ ngày mai
Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa – TQ cướp trong tay QLVNCH năm 1974
Chúng ta phải hiểu sao đây về cái ngôn từ sặc mùi “cờ thế ngoại giao” này của đại hán: “cam kết không lấy đất, lấy biển của VN”? Vậy thì Hoàng Sa và một phần Trường Sa cướp trong tay QLVNCH 1974 và QĐNDCSVN 1988 là đất đai của tộc người hái lượm tiên sư cha ông nhà Hán từ 500.000 năm trước để lại cho TQ hôm nay chắc? Câu hỏi tưởng chừng là phi lý, hài hước thì TQ đả trả lời rất hùng hổ rồi: Đó là biển đảo lãnh thổ TQ, Việt Nam chiếm dụng bất hợp pháp, bây giờ chúng tôi (TQ) thu hồi lại là lẽ đương nhiên. Báo Bưu điện Hoa Nam còn dẫn lời Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, học giả nghiên cứu các vấn đề trên biển và luật pháp quốc tế tại Học viện khoa học xã hội Bắc Kinh cũng bè theo rặt một kiểu ngang ngược: “Chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa) chưa bao giờ phải bàn cãi”. Ông nói thêm: “đàm phán về các nỗ lực hợp tác – bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và những vấn đề khác là một chuyện – còn chủ quyền của Trung Quốc lại là chuyện khác”!?.
“Trung quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam” – Thoạt nghe, thắm thiết tình hữu nghị 4 tốt 16 vàng ròng nhưng lại là một thứ ngôn từ giàu ngữ nghĩa lương lẹo của nghệ thuật hay xảo thuật (tùy thuộc nó ở phía nào) trong ứng xử ngoại giao, nó ẩn chứa một sự khẳng định dấu mặt để ngầm hiểu: Biển đông và toàn bộ các quần đảo trên đó trong vùng đường lưỡi bò chín khúc mà Trung Quốc đã công bố, “trước đây, hôm nay hay ngày mai” TQ có đánh chiếm thì đó chỉ là sự thu hồi chủ quyền của TQ bị chiếm dụng chứ hoàn toàn không xâm phạm lãnh thổ của VN, một cam kết vô hình chung như việt vị những đòi hỏi chủ quyền trên biển đông của VN – Hai lần 5 là 10 ai cũng có thể hiểu được, trừ khi không muốn hiểu!
Thận trọng cân nhắc hơn thiệt lời phát ngôn là tiêu chí hàng đầu của ngành ngoại giao và trong quan hệ đối ngoại, còn bình dân ít học hơn ông bà mình thường nói: Chừng nào “thấy bột hãy gột nên hồ”, chớ vô tư lập lại cái xảo ngôn như viên đạn bọc đường ấy của đại hán. Quá khứ chưa xa còn rành rành nằm đó, lời nói tráo trở lật lọng của đại hán như khắt vào ray mấy trăm mét đường sắt hữu nghị: “không ai điên khùng, mang đường sắt nước mình đặt lên lãnh thổ đất nước khác ”!!.
Nhưng chưa hết! Cái vế tiếp theo của âm thanh vòm “surround” ấy còn đáng suy nghĩ hơn nữa: “Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền”.
Lạy tiền nhân Âu Lạc, lạy anh linh, hồn thiêng sông núi, có hiển linh xin chỉ giùm: Suốt chiều dài hơn 4000 năm lịch sử dựng xây và bảo vệ bờ cõi, có “nguyên tắc” nào cho phép bất cứ ai, triệu đại nào trong lịch sử Việt Nam được phép nhượng bộ chủ quyền bờ cõi, cương thổ quốc gia để cho mục đích nào chưa? Tiền nhân có thấy “triều đại” nào đem máu xương dân tộc, lãnh thổ còn nguyên vẹn của cha ông ra làm “Nguyên Tắc” hy sinh đánh đổi lấy một bờ cõi lãnh thổ “ít hơn” chưa? nếu thấy rồi, xin tiền nhân đừng để cho cái “nguyên tắc” ấy hiển hiện trên bờ cõi của Người thêm một lần nào nữa – Tám mươi bảy triệu con dân Âu Lạc đau xót lắm rồi – Chúng con đang đấu tranh tìm nguyên tắc làm sao cho nó bớt hao hụt nữa đây!.