"Bao cấp" lòng yêu nước - Dân Làm Báo

"Bao cấp" lòng yêu nước

Thanh Quang, phóng viên RFA - Hôm mùng 2 tháng 9 vừa rồi, Việt Nam long trọng tổ chức lễ Quốc Khánh, khi phố phường xuất hiện rừng cờ màu đỏ, rồi mit-tinh kỷ niệm, những tour du lịch “chào đón Quốc Khánh”, khuyến mãi, vui chơi…

66 năm độc lập, tự do...

Trong khi các phương tiện truyền thông “lề phải” ca tụng ngày lễ này, thì nhiều bloggers tự do cũng “viết cho Ngày Độc Lập” ấy.

Blogger Trần Kinh Nghị mô tả:

“Hôm nay Tết Độc lập, bước ra phố thấy rừng cờ đỏ sao vàng, vừa vui vừa buồn khi chợt nghĩ : Chẳng lẽ những lá cờ cắm bên phố khác với những lá cờ trên tay của người biểu tình bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Không biết trên thế giới này… có người đại diện nhà nước nào trong đàm phán lại cam kết với phía đối phương sẽ đảm bảo ngăn chặn biểu tình của nhân dân nước mình để đổi lấy hòa bình?

Thì ra, sau bài học quý báu thu được từ việc xóa bỏ chế độ bao cấp trong sản xuất hồi cuối thế kỷ trước, giờ đây ở nước ta vẫn chưa chịu rút ra bài học về sự tai hại của chế độ bao cấp đối với lòng yêu nước!

Có những vị cứ tự cho mình cái quyền được nói thay nhân dân trong phạm trù lòng yêu nước! Không những thế họ dường như có xu hướng nói năng một cách tự do, thoải mái đến mức sai cả đường lối và Hiến pháp!”



RFA photo - Hà Nội mừng 66 năm ngày Quốc Khánh


Qua blog Quê Choa, tác giả Đỗ Đình Cung nhận xét rằng:

“Khi nói về nền Độc lập của một dân tộc người ta ngầm hiểu cùng khái niệm ấy, gắn tương xứng với khái niệm ấy là sự tự do của đồng bào. Cái khát khao thiêng liêng và sâu thẳm con người ấy đúng cho bất cứ một dân tộc nào, một quốc gia nào và cho bất kể một nền cộng hòa nào. Đó cũng chính là mục tiêu không ngưng nghỉ mà tất cả các chính thể đại diện phải đem lại cho dân chúng của mình.

Một dân tộc đã trưởng thành không cho phép ai đó hiểu quá đơn sơ nền độc lập của dân tộc ngày hôm nay nguyên mẫu như 66 năm về trước, mà bắt buộc phải xây mới hay nói cho đúng hơn là phải thêm mới, bổ sung mới cho nội hàm giá trị của Độc lập Tự do trên hai nền tảng chính là ý chí tự quyết và lực lượng để tự quyết với tự do của mình, đó là nhân dân.”

Nhắc đến nhân dân, người ta không khỏi không liên tưởng tới lòng ái quốc của người dân Việt thể hiện qua những cuộc biểu tình vừa qua giữa lúc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc bị phương Bắc xâm phạm, cùng nhiều hành động lấn ép tùy tiện khác đối với sự tồn vong của quê hương, dân tộc Việt Nam.

Qua những cuộc biểu tình từ Saigòn tới Hà Nội chống Trung Quốc xâm lược, nói chung tinh thần yêu nước của người biểu tình được đề cao, được khâm phục cho đến khi có thông báo chấm dứt biểu tình của UBNDTP Hà Nội thì lòng ái quốc ấy bị báo đài “lề phải” đem ra “mổ xẻ”.

Qua bài “Nghĩ về lòng yêu nước sau sự kiện biểu tình”, blogger Nguyễn Trọng Tạo cho biết:

“…Từ sau khi UBNDTP Hà Nội có thông báo yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình thì đài báo đã làm dấy lên một phong trào phê phán và nghi ngờ lòng yêu nước của người dân biểu tình. Nhiều người cho rằng yêu nước là phải làm việc vì nước chứ không phải là đi biểu tình hò hét phản đối (Trung Quốc gây hấn), dễ bị bọn phản động kích động, xúi giục.

Yêu nước là phải làm việc vì nước, đúng vậy, nhưng làm việc gì và làm như thế nào thì có trăm nghìn sự khác nhau tùy vào công việc và khả năng của mỗi người. Nhưng dùng cái định nghĩa chung chung ấy để nhằm phê phán người biểu tình lại là phiến diện và cực đoan.

Bởi người biểu tình không phải ngày nào cũng đi biểu tình như một nghề chuyên nghiệp, mà họ chỉ dành ngày nghỉ của mình để thể hiện lòng yêu nước khi có vấn đề bức xúc chung của đất nước.

Họ là người dân lao động, là nhân sĩ, trí thức, là thanh niên, học sinh hay cựu chiến binh. Họ đã và đang làm công việc hàng ngày của mình vì đất nước đó thôi. Vậy thì phải coi họ là những người hai lần yêu nước mới phải.…Vậy thì lòng yêu nước có tội gì mà phỉ báng?

Tôi nghĩ những người phỉ báng lòng yêu nước của người khác, cũng có nghĩa là đang phỉ báng quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình.”

Qua bài “Vài chia sẻ về quyền đi biểu tình” được nhiều mạng nhật ký phổ biến, LS Huỳnh Văn Đông “thực sự xúc động và ngưỡng mộ trước hành động vì Tổ Quốc” của những người biểu tình trong nước. LS Huỳnh Văn Đông phân tích:

“Rõ ràng việc đi biểu tình chỉ nhằm thể hiện thái độ phản đối trước sự xâm lăng của Trung Quốc đối với đất nước mà tổ tiên chúng ta đã gầy dựng và là nghĩa vụ của mọi công dân. Chống lại việc làm thiêng liêng và cao cả đối với bổn phận của người kế thừa gia sản của tổ tiên để lại là hành vi phản bội tổ quốc.

Vì vậy, các cá nhân, cơ quan, tổ chức viện dẫn các lý do mơ hồ lẫn chủ quan để đàn áp, bắt giam những công dân yêu nước đều là kẻ phản bội tổ quốc. Các thế lực thù địch, phản động kích động, dụ dỗ như thông báo của chính quyền Hà Nội chỉ là lối ngụy biện của những kẻ đã và đang vì quyền lợi của bản thân mà cam chịu làm tay sai cho phương bắc, và đã chà đạp một cách thô bạo vào tinh thần dân tộc ngàn đời của Dân ta.

Và cú đạp lịch sử là minh chứng hùng hồn cho việc cam chịu làm tay sai để làm vui lòng ngọai bang. Bọn phản động, thế lực thù địch có xúi giục chúng ta làm việc này đi chăng nữa, thì trong trường hợp này bọn họ đang là người tốt.”

Chính quyền vô cảm

000_Hkg5218900-250.jpg
Biểu tình phản đối TQ tại Hà Nội hôm 14/8/2011. AFP

Qua blog Quê Choa nhà báo Huy Đức đề nghị rằng Đảng hãy vì sự hưng thịnh của quốc gia mà chia sẻ bớt quyền lực cho nhân dân giữa lúc người dân Việt “đang bị nhũng nhiễu, cái ác đang hoành hành”.

Theo Huy Đức thì giới cầm quyền đừng nghĩ là tình hình chưa đủ xấu, đừng nhìn các mâu thuẫn xã hội dựa trên báo cáo hay “mấy câu leo lẻo của những người vẫn tới tặng quà”. Và tác giả mạnh mẽ cảnh báo:

“Nên nhớ là những cuộc nổi dậy thường bắt đầu từ những uất ức của người dân trước những bất công chứ không phải từ những trí thức đang lên tiếng nhằm thức tỉnh chính quyền. Thay vì đào những đường hầm để thoát thân khi có biến như Gaddafi, ngay bây giờ hãy khai thông các lối ra cho toàn dân tộc.”

Nhưng “những uất ức của người dân trước những bất công” như vừa nói thường được các quan chức trong nước đáp lại – nói theo lời blogger Nguyễn Văn Tuấn – bằng một sự “im lặng đáng sợ”.

Qua bài “Im lặng đáng sợ”, tác giả nhận thấy hình như quan chức trong các cơ quan công quyền Việt Nam có “văn hóa im lặng”, từ kiến nghị của nhân sĩ, trí thức cho tới những thắc mắc, kêu oan của người dân đều “rơi vào im lặng” – im lặng luôn với những cơ quan, tổ chức liên hệ nước ngòai khiến phía Việt Nam từng bị bồi thường nặng, hay bị thiệt thòi về những vùng tranh chấp.

Blogger Nguyễn Văn Tuấn giải thích lý do các quan chức Việt Nam “tiết kiệm lời lẽ”:

“Thứ nhất là vô cảm. Nhiều quan chức trong nước chẳng quan tâm đến chủ quyền biển đảo. Tôi đã gặp quan chức cấp tỉnh thậm chí còn chẳng biết Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!...

Thứ hai là ngạo mạn và khinh thường. Nhiều quan chức Việt Nam xem người dân như cỏ rác. Thử nhìn qua các quan chức ngồi vào ghế nói chuyện với người dân thì biết. Họ chẳng thèm nhìn mặt dân….

Thứ ba là văn hóa làm thuê. Người làm thuê chỉ nghĩ đơn giản làm cho xong việc và việc đáng với đồng lương. Một suy nghĩ rất phổ biến trong giới quan chức là trả lương đến đó thì làm việc đến đó.Họ không suy nghĩ gì ngoài chuyện cơm áo gạo tiền….

Thứ tư là do sợ trách nhiệm. Trong bối cảnh chức vụ đi đôi đặc quyền và đặc lợi, thì có thể hiểu được các quan chức cần bảo vệ chức vụ của mình. Một cách an toàn là không phát biểu gì đụng chạm, hay tốt hơn nữa là im lặng…

Thứ năm là đá bóng. Nhìn qua cách hành xử của các cơ quan công quyền, họ có xu hướng đá bóng. Người này tìm cách biện minh không nằm trong quyền hạn hay trách nhiệm của mình, rồi đề nghị qua người khác; người khác cũng có lí do để nói không thuộc trách nhiệm của mình. Nhất là vấn đề liên quan với nước ngoài, người ta càng dè dặt, dè dặt đến nỗi cuối cùng chẳng ai có động thái gì….

Thứ sáu là vấn đề tiếng Anh. Phải ghi nhận rằng các quan chức rất kém tiếng Anh. Do đó, đứng trước một văn bản tiếng Anh, họ không hiểu, hoặc hiểu nhưng không tốt lắm, và ngay cả hiểu nhưng không biết cách soạn thảo một văn thư trả lời. Ngay cả quan chức Bộ Ngoại giao cũng hạn chế tiếng Anh thì khó trách các bộ và ngành khác…”

Tình hình “nhũng nhiễu, cái ác đang hòanh hành” khiến cho những người có tâm huyết với vận nước, dân tộc không tránh khỏi “bối rối, hoang mang, thất vọng lo sợ cho tương lai nước nhà trước họa ngọai xâm”.

Tâm trạng đó đang xảy ra với blogger Hà Văn Thịnh:

“Nếu Việt Nam không cải thiện được nội lực; nếu không thiết lập được một quan hệ đồng minh chiến lược hữu hiệu nhằm có thể làm thui chột mọi ý đồ xâm lấn đen tối, hung hăng; nếu không có cái nhìn tỉnh táo trước hiểm họa, không đánh giá đúng, đủ về lòng dân, vận nước.

Tóm lại là dân chủ hóa đất nước, tôn trọng người dân, tôn trọng ý kiến của dân; nếu cứ tiếp tục trượt dài cái đầu óc của Lão Hạc căm căm lo cho cái ao tiền, sân gạch của mình; nếu cứ tiếp tục cúi luồn trong quan hệ với “đối tác” đầy hiểm họa là chủ nghĩa đế quốc Đại Hán Trung Hoa; thì – chắc chắn mọi nguy cơ sẽ được Trung Quốc thực tế hóa đến mức không thể có đường lui trong một tương lai gần có thể nhìn thấy được!”.

"Tập luyện" khai giảng

khai-giang-250.jpg
Ngày khai giảng năm học mới tại trường THPT Việt Đức, Hà Nội. Ảnh chụp hôm 05/9/2011. RFA photo

Có một điểm nổi bật trong nước nữa là ngày mùng 5 tháng 9 vừa rồi “Ngày khai giảng, ngày tòan dân đưa trẻ đến trường” mà – nói theo lời blogger Bút Lông - “bọn nhóc không thấy háo hức nữa”.

Tại sao vậy ? Tác giả giải thích rằng vì chúng đã “luyện” khai giảng suốt cả tuần, rồi ‘tổng duyệt” một buổi nữa cho nhà trường an tâm trước khi phải “khai giảng sớm” để…đón lãnh đạo.

Như vậy là “Ngày khai trường” truyền thống thiêng liêng, ngày nhà văn Thanh Tịnh không bao giờ quên. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp” để “ hôm nay tôi đi học”, thì cái ngày ấy, với tiếng trống trường náo nức báo hiệu một năm học mới trên toàn đất nước, đã phải thay đổi để đón lãnh đạo. Blogger Bút Lông nhận xét:

“…Chuyện “tập luyện” khai giảng, chuyện gọi nhập học sớm nửa tháng (thường là vào 15-8) và nhất là chuyện các trường phải bố trí lệch ngày giờ nhau để đón lãnh đạo chạy sô đánh trống, đã giết chết niềm háo hức của bọn nhóc khi nghe tiếng trống trường đầu năm học!

Câu chuyện kể với cha mẹ không là niềm vui oà vỡ khi gặp lại bạn bè, cô giáo sau ba tháng hè, mà là lời kể nhát gừng về “những bác quen quen hay xuất hiện TV” phát biểu!

Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, ai cũng biết thế, lãnh đạo càng phải thuộc. Song cái sự “thuộc” đó mấy năm nay biến thái thành hàng loạt toan tính nổi và “chìm” của những người lớn. Trực tiếp phát biểu khai giảng, đánh trống trước rừng cờ hoa và ống kính phóng viên… còn chiêu PR nào hiệu quả hơn?!

Thế là thay vì dự ở một trường, có vị lãnh đạo địa phương xuất hiện ba, bốn lần trên đài truyền hình với một cách thức giống nhau: phát biểu và đánh trống! Còn với các trường, có sắp xếp lại ngày khai giảng để đón cấp trên dù hơi phiền toái thì vẫn… nên cố.

Lý do không chỉ vì các nguồn kinh phí từ ngân sách trong thời gian tới, mà còn là “tăng thương hiệu” khi có VIP đến… đánh trống!

Với cha mẹ học sinh thì hiểu rõ, có lãnh đạo cao đến đánh trống đồng nghĩa với việc “giá” xin một suất vào trường ấy năm tới sẽ cao hơn…

Riêng với lũ nhóc thì chắc là vô tư, bởi “cái bác quen quen” ấy cũng nói toàn những điều Bác Hồ đã dặn, và tâm trạng không còn náo nức mỗi khi khai trường cũng chóng qua…

Nhưng khi tiếng trống không còn thúc giục lòng người, thì mục tiêu giáo dục lại vỗ cánh bay khi học trò hiểu rằng có thể đổi ngày khai giảng khi cần “bác quen quen” đến đánh trống!”

2011-09-06




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo