Trần Văn Khuê - Kể từ năm 1994, sau khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam từng bước học hỏi đi theo con đường mở cửa và hội nhập. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2007 đánh mốc quan trọng hơn một thập niên nỗ lực của Đất nước hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, hôm nay, khi nhìn Đất nước, dưới nhãn quan nhận định, và qua những diễn biến gần đây nhất ở lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, chúng ta nhận thấy con đường hội nhập và phát triển ở thế giằng co trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam và ASEAN
ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) được thành lập vào năm 1967. Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội này vào năm 1995.
Nhìn từ cơ cấu tổ chức chúng ta thấy đây là một khối đối trọng với Trung Quốc rộng lớn và một liên hiệp có thể có tiếng nói trên trường quốc tế, vì nó quy tụ hơn mười quốc gia ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực lực cho thấy ASEAN chưa phải là một liên hiệp có khả năng gây áp lực lên đất nước có hơn một tỷ dân, nằm trên đầu ASEAN, có tính bành trướng; ASEAN cũng chưa thực sự có tiếng nói chung ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Hơn nữa, dù là một liên hiệp kinh tế và chính trị, nhưng ASEAN lại có chính sách hành động theo triết lý khôn ngoan của văn hóa Á đông: “Đèn nhà ai nhà đó rạng”, hay bằng ngôn ngữ chuyên môn: “Không can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước thành viên”. Chính sách này cho chúng ta cảm giác ASEAN chỉ có “liên” mà không có “hiệp”.
Như vậy, xét về mặt chính trị cũng như kinh tế, ASEAN xem chừng chưa đủ khả năng đảm bảo sự an toàn cho những thành viên của mình. Chính vì vậy, chúng ta vẫn thấy các thành viên của Hiệp hội này phải tìm một đối tác – đồng minh khác ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước châu Âu nhằm cũng cố an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế.
Việt Nam và Trung Quốc
Những diễn biến gần đây như những tranh chấp ở Biển đông, các cuộc biểu tình của “những người yêu nước”, những phát biểu và quyết định của các quan chức và chính quyền, bộc lộ sự tiến thoái lưỡng nan trong chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ông láng riềng phương Bắc này vừa là đồng chí, nhưng cũng vừa là một thế lực đe dọa đáng sợ.
Trước hết, từ chính cái nhìn của Việt Nam, Trung quốc là một thế lực đáng lo ngại cho nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Những lời khẳng định chủ quyền, việc lên án các hành vi bành trướng tại Biển đông của Trung quốc, và ngay cả lời phát biểu của một quan chức cấp cao, Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, cho rằng người dân biểu tình chống Trung Quốc về vấn đề Trường Sa và Hoàng sa là đúng không vi phạm pháp luật, hơn thế nữa họ là những người yêu Nước[1], chứng tỏ, dù ít dù nhiều, Việt Nam đang nhìn ông láng riềng khổng lồ phương Bắc với con mắt dè chừng, nếu không muốn nói là một cái nhìn lưỡng nguyên: bạn mà thù.
Tuy nhiên, mặt khác, giữa Trung quốc và Việt Nam lại vẫn còn tiềm ẩn một mối tình không tưởng là tình đồng chí. Thứ tình hữu nghị đồng chí này được nối kéo một cách miễn cưỡng bởi tư tưởng Mác-xít nhằm đảm bảo sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và sự bảo trợ lẫn nhau giữa hai đảng và hai Nhà nước. Những sự ngăn chặn người biểu tình của các cảnh sát, và, một cách đặc biệt, thông điệp vừa đưa ra bởi chính quyền thành phố Hà Nội ngăn chặn người biểu tình[2] là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy người ta đang đặt trọng tình đồng chí lên trên quyền lợi và lòng tự trọng của Đất nước.
Việt Nam và Hoa Kỳ
Nói tới mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là nói tới một mối quan hệ tế nhị vì đây là một sự tái ngộ của hai cựu thù. Trong cuộc tái ngộ này có lẽ người ta ít “nghi kỵ” hơn là “e ngại”. E ngại là vì người ta không biết quốc tế và các nước đồng minh sẽ đánh giá mình như thế nào? Chính vì tâm lý e ngại này đã đưa Việt Nam từng bước dè chừng trong quan hệ song phương với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Xavier Monthéard, tác giả bài “Tái ngộ Việt-Mỹ”, được đăng trên tờ nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng 06 năm 2011, và được RFI chuyển ngữ, Việt Nam đang tạm gác mối thù của quá khứ và mong muốn đón Hoa Kỳ vào để làm lực lượng đối trọng với người anh em đồng chí Trung quốc đang từng ngày muốn lấn chiếm xuống phía Nam. Những lần ghé thăm Việt Nam của các trục hạm Hoa Kỳ như USS George Washington hay USS John S. McCain là bằng chứng rõ nét về chính sách quốc phòng mới của Việt Nam trong mối tương quan Hoa Kỳ. Hơn nữa, cũng theo tác giả này, “nhìn từ phía Hà Nội, việc xích lại gần Hoa Kỳ trước hết là theo logic kinh tế”. Quả thực, trao đổi mậu dịch giữa hai nước tăng đều đặn mỗi năm. Quan hệ kinh tế chặt chẽ với Hoa Kỳ cũng đã giúp cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (2007).
Tóm lại, con đường hội nhập và phát triển của Việt Nam đang ở thế giằng co giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung quốc. Con đường này cũng gặp phải áp lực ngay trong nước giữa một bên là bảo thủ và bên kia là những người mong muốn cải cách và dân chủ hóa. Chúng ta chắc một điều là tương lai của Đất nước tùy thuộc vào những con người dám đoạn tuyệt với quá khứ (để quá khứ là chính nó) và xây dựng những gì mới hơn.