Thế Gian (danlambao) - Những nguồn thu ngân sách đang cạn dần, các khoản chi cứ gia tăng buộc Nhà nước in thêm nhiều tiền, sẽ đến lúc gây ra lạm phát khủng và Nhà nước sẽ... tự chết
NHỮNG NGUỒN THU NGÂN SÁCH ĐANG CẠN DẦN
Nguồn thu Thuế Nhà nước đang giảm
Tăng giảm nguồn thu ngân sách từ thuế Nhà nước phụ thuộc vào hai nhân tố: Sự phát triển kinh tế của đất nước và việc thực hiện nghiêm minh pháp luật về thuế.
Tình hình phát triển kinh tế hiện nay không mấy khả quan: hàng loạt các doanh nghiệp thuộc kinh tế Nhà nước đang bị lỗ hoặc không có lãi, các thành phần kinh tế khác thì đang thu hẹp sản xuất kinh doanh, dân chúng thì đi mua vàng về cất trữ thay vì giữ lấy tiền. Nền kinh tế hiện tại hầu như đang dẫm chân tại chỗ, không phát triển.
Tham nhũng đang là quốc nạn, nhân viên ngành thuế tham nhũng tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế, cả hai cùng chia chác nguồn thu thuế mà lẽ ra phải nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
Vì thế, xu hướng thu ngân sách Nhà nước từ thuế trong những năm tới sẽ không còn tăng, thậm chí có thể giảm dần nguồn thu.
Nguồn thu tiền sử dụng đất cũng đang giảm
Một trong những nguồn thu quan trọng đối với ngân sách Nhà nước trong những năm qua là tiền sử dụng đất cũng đang cạn kiệt dần. Đất ở nội đô các thành phố lớn hầu như đã thu tiền sử dụng đất hết các diện tích rồi, không còn để thu nữa. Mở rộng ra vùng ven không có nhiều người mua vì đã đến lúc dân số đã cân bằng bảo hòa với đất ở. Bằng chứng của việc này là thị trường bất động sản đang đóng băng. Đất ở nông thôn thì người dân lâu nay vẫn quen sài sổ đỏ chứ ít khi chịu đóng thuế chuyển quyền. Vì thế nguồn thu tiền sử dụng đất trong những năm tới sẽ giảm rất nhanh.
Trông mong vào nguồn thu dầu khí, nhưng Tàu nó quậy không phát triển được hợp đồng mới
Một nguồn thu cũng kha khá trong mấy năm qua giúp Nhà nước ta có cái chi tiêu, ổn định được tình hình là nguồn thu dầu khí. Thế nhưng nguồn thu này đang bảo hòa với những hợp đồng đã ký kết với Nga. Việc ký kết thêm những hợp đồng khai thác mới với các nước và thăm dò những mỏ mới đang bị anh bạn Tàu quậy phá, chưa thể thực hiện được.
Nguồn thu bán tài nguyên thô, lợi ít hại nhiều
Hết nguồn thu mà vẫn không có đủ tiền chi cho ngân sách, thế bí Nhà nước mới đem bán tài nguyên thô của đất nước. Tiền thu được do bán tài nguyên không đáng là bao nhưng làm cạn kiệt tài nguyên, sau này sẽ đi mua về tài nguyên với giá cao hơn, thiệt hại sẽ không lường trước được.
CÁC KHOẢN CHI NGÂN SÁCH CỨ GIA TĂNG
Bộ máy Nhà nước ngày càng phình ra, gánh nặng chi lương rất lớn
Các đoàn thể, ban bệ của cơ quan Nhà nước những năm tới sẽ không được giảm đi mà còn tăng thêm, nhằm mục đích dân vận, đấu tố với các nhóm người bị xúi dục biểu tình. Trong lúc tình hình quốc tế và trong nước ngày càng trở nên “xấu”, để bảo vệ chế độ buộc Nhà nước phải làm như vậy chứ không còn cách nào khác. Lực lượng an ninh cũng được tăng cường, số lượng nhân viên đông hơn, số ca trực nhiều hơn, số phi vụ đeo bám những người yêu nước cũng nhiều hơn. Lực lượng quân đội cũng phải tăng cường nhiều về quân số để đối phó với nguy cơ xâm lấn từ phương Bắc. Với một đội ngũ đông đảo lượng người làm việc cho Nhà nước như vậy, các khoản chi về lương, phụ cấp, tăng ca trực, gây nên gánh nặng chi ngân sách càng lớn.
Chi mua vũ khí lượng tiền cũng rất lớn
Phần lớn các vũ khí của Việt Nam có được đều lạc hậu, không đáp ứng được với chiến tranh hiện đại, vì thế dù muốn hay không Nhà nước Việt Nam cũng phải mua sắm các loại vũ khí hiện đại mới. Mới đây chính phủ Việt Nam đã ký kết các hợp đồng mua sắm hàng loạt các loại vũ khí hiện đại để bảo vệ đất nước. Nghe qua thì thấy ưng ý vì là những vũ khí hiện đại xưa nay ta chưa từng có như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm, máy bay SU 30, tên lửa Bramos …nhưng nghĩ lại đến ngày nhận hàng thì mới thấy lượng tiền chi ra để mua những vũ khí đó mà khủng khiếp.
Nợ nước ngoài đến hạn trả cũng rất lớn
Hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam đang báo động, có báo nói là khoản 60 tỷ USD. Nợ đến hạng trả càng ngày càng nhiều. Đây là hậu quả của việc nóng vội vay để phát triển đất nước trước đây mà không nghĩ đến ngày trả nợ mai sau.
Chi đầu tư xây dựng không thể giảm vì vấn nạn tham ô và lãng phí
Chi đầu tư xây dựng hiện giờ rất lớn nhưng nó luôn có xu hướng tăng lên chứ không thể dừng lại, vì có xây dựng mới có tham ô, điều mà quan chức nào của Việt nam cũng đang muốn. Đi kèm với sự tham ô là sự lãng phí tiền của Nhà nước.
Tóm lại: Qua phân tích tình hình ta thấy các nguồn thu ngân sách có xu hướng đang giảm nhanh, trong khi đó các khoản chi ngân sách cứ phải lớn dần mới đáp ứng được tình hình an ninh chính trị trong tình hình mới. Hiện nay lượng tiền bội chi đã nhiều, nhưng mỗi năm về sau bội chi càng nhiều hơn. Lạm phát gia tăng sẽ giết chết nền kinh tế, mà kinh tế “chết” thì nguồn thu thuế cho ngân sách sẽ chết theo, càng làm cho bội chi ngân sách gia tăng, gây ra lạm phát. Đó là cái vòng xoáy lẩn quẩn “lạm phát đẻ ra lạm phát”. Nếu không có ngoại lực là nguồn tài chính nào cứu giúp, và không cải tổ về chính trị để thuyên giảm nguồn thu, thì vòng xoáy ấy nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền hiện tại.
Lịch sử ở các nước Liên xô và Đông Âu cũng đã chứng minh rằng, chính lạm phát đã giết chết Nhà nước của Đảng Cộng sản, chứ không phải một thế lực nào trên thế giới lật đổ Đảng Cộng Sản. Và Nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không thoát khỏi bài học lịch sử đó: cũng sẽ chết vì lạm phát!