Huỳnh Ngọc Chênh - Vừa rồi về Đà Nẵng ghé qua làng Trung Lương quê tôi, tôi gặp chú. Chú ngồi trước cửa căn nhà sắp giải tỏa nhìn ra cánh đồng lúa của chú đang được san lấp thành đất nền với ánh mắt buồn buồn. Tau biết thế này hồi trước chẳng theo chúng nó làm gì cho khổ thân. Lời chú phát ra như một tiếng thở dài cho thoát ra cái gì đó có chút âm hưởng của sự căm giận trong lòng.
Tôi nghĩ chú buồn cho các mảnh ruộng và ngôi nhà của mình bị giải tỏa với mức đền bù chẳng đủ đâu vào đâu nên an ủi động viên: Thì chú được lên ở chỗ mới khang trang... Chú ngắt lời: Rồi ngồi đó nhìn ra đường mà sống hả? Tau cả đời làm nông chừ về già sống được cũng nhờ vào chút vườn, miếng ruộng. Rồi ngừng lại một lát, chú buông thêm một câu: Nhưng tau có chấp chi chuyện đó.
Chú chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, hồi xưa học cùng lớp với tôi ở trường làng, vai vế trong họ chú xếp ngang ba tôi nên tôi gọi là chú. Chú có rất nhiều tài ngay khi còn bé. Chú khéo tay và thiện nghệ trong hầu hết các môn chơi cũng như môn làm ăn như bắn bi, u mọi, câu cá, bắn chim, bẫy chim, làm bẫy chim, đan thúng rổ, đan lưới, làm lờ đó bắt cá, trồng cây, làm ruộng...Với một thằng bé chân tay luộm thuộm, vụng về chẳng biết làm gì như tôi, hồi đó chú là thần tượng mà tôi luôn ngưỡng mộ.
Thời chiến tranh làng tôi là làng "xôi đậu" vì kẹp giữa hai chiến tuyến. Sát rạt phía trên làng tôi là làng đạo Cồn Dầu nơi đặt căn cứ và đồn bót của phe Quốc gia. Bên kia sông Cái, quê ngoại của tôi là làng Khuê Đông thuộc phe Giải Phóng. Nói là xôi đậu nhưng làng tôi, theo lẽ yêu nước tự nhiên, trong lòng ai cũng ngấm ngầm theo phe chống Mỹ. Thanh niên lớn lên một số đi lên núi, một số lớn chạy xuống Đà Nẵng để tránh chiến tranh, để trốn bắt lính và để tìm kế sinh nhai. Ai không trốn được lính thì phải đi chứ không ai tự nguyện xung phong.
Chú đến tuổi lính thì dự định trốn lên núi theo Giải phóng, nhưng đường dây bảo chú ở lại hoạt động bí mật tại chỗ. Hoạt động thời gian bị lộ, chú cùng nhiều người trốn thoát chạy xuống Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng chưa được bao lâu thì chú bị bắt lính. Chú vào Biệt Động Quân để lãnh được nhiều tiền. Sau mấy tháng quân trường chưa kịp đưa về đơn vị mới, chú lĩnh một cục lương rồi trốn về Đà Nẵng ăn chơi thỏa thích. Hết tiền chú lại trốn về làng liên lạc với đường dây để lên núi. Nhưng Giải phóng không tin chú nữa nên bảo chú cứ ở lại làng hoạt động bí mật. Lại bị lộ, chú trốn xuống Đà Nẵng, lại đăng lính với một cái giấy khai sinh khác. Lại lĩnh tiền rồi trốn về ăn chơi...
Đời chú đã bốn lần đi lính như vậy, trong đó có hai lần chú không trốn được, phải ra chiến trường cầm súng bắn vào phe ta. Và một lần đơn vị chú về đóng ở Hòa Cầm, gần làng, chú mang cả súng đạn trốn về làng bắt liên lạc với đường dây. Ngay đêm thứ hai chú tham gia với một toán du kích tấn công vào một đồn Địa phương quân đóng ở bìa làng. Nhiều người chết, cả hai phe. Riêng chú thoát chết, ngay đêm đó mang súng trở về đơn vị, khai với cấp trên "em trốn về Đà Nẵng thăm bồ".
Lần đi lính cuối cùng, chú ôm lương trốn về Đà Nẵng ăn chơi thì đường dây gọi chú về làng hoạt động bí mật và giao chú một nhiệm vụ : Đánh mìn một tiểu đội lính Mỹ.
Nhiệm vụ đó chỉ giao cho hai người, chú và một cộng sự cũng là bạn chú.
Ngay trước mặt nhà tôi có một bến sông với dãi cát rất sạch mà trẻ con cũng như người lớn trong làng thường xuyên xuống tắm. Lính Mỹ đến làng hầu như đều thích bến sông nầy. Hết đợt lính nầy đến đợt lính khác đến đóng quân đều xuống tắm chung với đám trẻ con trong làng. Nhiệm vụ của chú là đánh vào đám lính Mỹ đang tắm nầy. Trước đó đã giao cho vài người nhưng chưa ai làm được nên phải chờ đến chú.
Chú rất khéo tay và tinh khôn nên làm được ngay. Chỉ sau vài ngày điều nghiên, chú đã chôn được khối thuốc nổ dưới bến sông và kéo đường dây điện dọc theo bờ ruộng dài hơn 200 mét lên đến lùm tre ngay cổng nhà tôi mà không để lại chút vết tích gì. Sau đó chú về chui vào hầm bí mật nằm chờ với một lát pin thủ trong túi.
Công sự của chú chưa bị lộ, nên ban ngày đến lảng vảng sau hàng tre nhà tôi để quan sát khi có lính Mỹ xuống tắm đông là chạy về báo cho chú ngay. Suốt 15 ngày qua là gần 10 lần cộng sự về báo đã có lính Mỹ tập trung tắm rất đông nhưng chú chỉ một vài lần đầu xuống quan sát rồi trở về mà không ra tay. Những lần sau nghe cộng sự báo cáo, chú không ra khỏi hầm nữa mà chỉ hỏi một câu: có bọn con nít không? Trả lời: có, là chú ngồi lặng thinh không chịu hành sự. Tổ chức nóng ruột thúc hối, thời cơ đến sao không ra tay, rồi đòi kỷ luật chú và ép chú giao nhiệm vụ lại cho người khác, vì để lâu quá sẽ bị lộ. Thế là qua 1,2 ngày sau chú đành phải ra tay. Khi cộng sự chạy về báo hôm nay có lính Mỹ tắm và lại rất đông, chú bảo cộng sự: Mi xuống báo cho con nít rút về nhà hết đi. Cộng sự tái mặt: Không được, lộ ngay, không được phép. Chú bảo: Mi báo xong là chạy ngay lên núi. Tau xuống mà thấy không còn con nít mới cho nổ. Cộng sự của chú đành liều mình xuống tìm cách nhắn nhủ bầy trẻ con. Bọn trẻ con may sao bắt được tín hiệu, ngưng tắm, truyền tai nhau, lần lượt rút đi mà không hiểu làm sao đám lính Mỹ lại chẳng hề nghi ngờ.
Chú xuất hiện ngay sau đó trước cổng nhà tôi, móc từ lùm tre ra hai mối dây điện, gắn vào lát pin mỏng, chưa kịp nghe tiếng nổ cách đó hơn 200 mét vọng lên, đã chạy một hơi thật xa rồi xuống luôn Đà Nẵng.
Theo dì tôi và một vài người bà con ở gần đó, chỉ vài ngày sau, kể lại với tôi, phải đến gần mười chiếc trực thăng mới cáng hết xác lính Mỹ mang đi. Máu nhuộm đỏ bờ sông và kéo dài lên đám ruộng lúa nơi trực thăng đáp. Không một đứa bé nào trong làng bị vạ lây mặc dù hôm đó trời rất nóng nên chúng tắm rất đông.
Sau đó lính Mỹ tràn vào làng, bắt không sót một đứa con nít. Dĩ nhiên chưa kịp bị đánh, một vài đứa lớn tuổi đã đồng loạt khai ngay ra người cộng sự đã phát tín hiệu cho chúng để chúng phát lại cho mấy đứa nhỏ hơn. Người cộng sự đó cũng là bạn học của tôi khi bé, đã trốn thoát xuống Đà Nẵng trước đó, rồi tìm đường lên núi. Sau ngày giải phóng, anh ta cũng về làng làm nông dân cho đến bây giờ và cũng sắp mất nghề như chú tôi.
Sau vụ đó, chú lên núi ở hẳn nhưng rồi cũng không được tín cẩn, sau một trận càn chú bị mất liên lạc, chú tìm cách trốn về Đà Nẵng sống lẫn tránh cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày đó, chú có người anh ruột theo giải phóng về làm công an ở Đà Nẵng bảo chú ở lại làm công an, nhưng chú từ chối.
Chú chỉ muốn về quê làm nông và lập tức biến thành một lão nông tri điền, qua thời vất vả của hợp tác xã, chú làm ăn ra, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học đàng hoàng. Hồi đó tôi có lần hỏi chú: Sao chú không làm khai báo công trạng để lĩnh huân chương? Chú nói: Tau làm ruộng thì cần chi thứ đó.
Rồi có lần về quê gặp chú, tôi đề nghị viết lại chuyện của chú. Chú nói một câu làm tôi bất ngờ và sau đó cảm thấy xấu hổ: Chuyện giết người thì có hay ho chi mà kể lể ra.
Vì vậy mà mấy chục năm trôi qua, tôi viết rất nhiều thứ nhưng chuyện của chú tôi không hề đụng đến dù rằng chuyện ấy không cần chú kể ra tôi cũng thuộc đến nằm lòng. Cho đến lần nầy gặp lại, chú lại làm cho tôi bất ngờ hơn nên tôi không thể không viết dù chú có cho hay không.
Khi nghe chú nói tau chấp chi chuyện đó, tôi hỏi chứ chú chấp chuyện chi. Chú nhìn ra cánh đồng một hồi lâu rồi quắc mắt lên nhìn tôi nói: Chúng nó phò Tàu giử ghế, đạp vào mặt người yêu nước mi không biết hay răng còn hỏi?
Tôi hiểu ra, chú biết hết, chú chỉ là một lão nhà quê làm ruộng, sống ở góc làng, nhà cửa ruộng vườn bao đời đang bị cày ủi giải tỏa, lẻ sống sắp mất nhưng chú không hề để lòng. Chú chỉ căm giận cái chuyện mà người dân trong cả nước đang căm giận.
Huỳnh Ngọc Chênh