Cảnh cáo...
M. Sơn (NLĐO) - Công an tỉnh Long An xác nhận việc Công an huyện Cần Giuộc bắt quả tang "đại gia" Lê Văn Phổ nhận tiền của một gia đình bị cáo nhưng bước đầu, công an chỉ mới xác định Phổ lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ chưa phát hiện dấu hiệu "chạy án".
Trao đổi với phóng viên ngày 27-9, ông Cao Minh Trí, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Long An, cho biết liên quan đến việc ông Nguyễn Kim Đoạn, Viện trưởng và Nguyễn Hương Giang, Viện phó VKSND huyện Cần Giuộc, tham gia ăn nhậu trên “du thuyền” dẫn đến cái chết của một cô gái ngày 20-8, Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật của viện đã họp và thống nhất kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với hai ông này.
Việc bãi miễn chức vụ của ông Đoạn và ông Giang sẽ được tiếp tục xem xét và đề nghị cấp trên ra quyết định theo thẩm quyền.
Trước đó, hai ông này cũng đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng và hiện đang bị đình chỉ công tác.
Hai lãnh đạo VKSND huyện Cần Giuộc cùng với Lê Văn Phổ đã cùng ăn nhậu trên "du thuyền" này vào ngày 20-8
Liên quan đến việc Lê Văn Phổ bị bắt do có hành vi nhận tiền chạy án (Báo Người Lao Động ngày 27-9 đã thông tin) ông Trí cho biết: Đến nay, ông cũng chưa nghe VKSND huyện Cần Giuộc báo cáo. Tuy nhiên, Phổ bị bắt vì hành vi gì thì phải đợi cơ quan điều tra làm rõ. Nếu cơ quan điều tra kết luận có liên quan đến cán bộ trong ngành kiểm sát thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều 27-9, thượng tá Phạm Hữu Châu, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Long An, cũng cho biết Công an huyện Cần Giuộc đã báo cáo với công an tỉnh về vụ này.
Theo đó, trên cơ sở đơn thưa của ông Đặng Ngọc Nguyễn thì ngày 22-9, công an huyện đã bắt quả tang Phổ đang nhận tiền của ông Nguyễn nói là “chạy án”.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu thì Phổ bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ chưa thấy có dấu hiệu “chạy án”.
Liên quan đến vụ “đại gia” bị bắt vì "chạy án", TAND tỉnh Long An nói gì về bản án phúc thẩm được giảm án từ ba năm xuống hai năm, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin chi tiết trên Báo Người Lao Động phát hành ngày 28-9. Mời bạn đọc đón xem!
*
Đằng sau tiệc nhậu trên sông với quan chức kiểm sát
Hoàng Phương - Như Thanh Niên đã đưa tin, Lê Văn Phổ - một trong những người có mặt trong vụ quan chức ăn nhậu và tắm sông với nữ tiếp viên nhà hàng trên sông làm một phụ nữ thiệt mạng - vừa bị bắt về hành vi lừa chạy án.
Năm 2007, Phổ từng bị Công an H.Cần Giuộc bắt giam về tội đánh bạc và bị tòa xử 18 tháng tù (án treo). Nhưng sau vụ này, người ta thấy Phổ thường ăn nhậu chung với một số quan chức của cơ quan tố tụng huyện. Trong tiệc nhậu chết người trên sông Vàm Cỏ Tây ngày 20.8, Phổ là một trong 6 người đàn ông có mặt trên phà cùng ăn nhậu và tắm sông với 6 cô gái. Thế nhưng, sau khi xảy ra sự cố, cả 2 ông Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang (cựu Viện trưởng và Phó viện trưởng Viện KSND H.Cần Giuộc) đều nói không hề quen biết Phổ, việc đi ăn nhậu là thụ động, vì bị rủ rê…
Lừa đảo hay “chạy án” thật?
Trên thực tế, câu chuyện “chạy án” với số tiền rất lớn ở một huyện nông thôn mà Lê Văn Phổ vừa bị bắt đang gây xôn xao dư luận với nhiều nghi vấn.
Theo bản án phúc thẩm ngày 18.7.2011 của TAND tỉnh Long An, từ tháng 7.2010, bị cáo Phạm Thị Bé (53 tuổi, ngụ ấp Chánh Nhì, xã Long Phụng, H.Cần Giuộc) mở quán nhậu tại nhà, tuyển nữ tiếp viên phục vụ. Khi tiếp viên bán dâm thì bị cáo cho hành lạc ngay tại 2 phòng ngủ trong nhà và lấy tiền xâu 50.000 đồng/lần. Trưa 6.12.2010, trong lúc 2 vị khách cùng 2 nữ tiếp viên đang “mây mưa” thì công an ập vào bắt quả tang.
Ngày 18.3.2011, tòa sơ thẩm tuyên phạt Bé 3 năm tù về tội chứa mại dâm. Tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, phạt Bé 2 năm tù do “bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, có bổ sung bệnh mổ tử cung, rối loạn tiền đình, gãy cột sống, văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, được địa phương xác nhận gia đình khó khăn”...
Trong khi đó, theo tường trình của ông Đặng Ngọc Nguyễn (chồng bà Bé), sau khi vợ ông bị bắt, ông làm quen với Lê Văn Phổ (43 tuổi, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc) qua môi giới của một người chạy xe ôm. Đầu tháng 12.2010, Phổ tới nhà ông Nguyễn khoe về sự quen thân với nhiều cán bộ ở Viện KSND huyện và hứa sẽ giúp chạy lo lót để bà Bé không phải thụ án tù, với giá tiền 480 triệu đồng, chưa tính 15 triệu đồng “tiền công” cho riêng Phổ. Không rõ Phổ đã “chạy án” ra sao, nhưng đúng một tháng sau, ngày 5.1.2011 bà Bé được tại ngoại. Thấy lời nói của Phổ "có cơ sở”, ông Nguyễn tiếp tục lo chạy tiền để chung cho Phổ.
Khi tòa sơ thẩm tuyên phạt bà Bé 3 năm tù giam, Phổ “tư vấn” cho ông Nguyễn chi thêm 250 triệu đồng để chống án lên tỉnh, đồng thời bày cách cho bà Bé đi khám bệnh và lấy nhiều giấy chứng nhận. Chẳng biết có phải ngẫu nhiên không nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, đúng như lời Phổ hứa, bà Bé được giảm xuống còn 2 năm tù. Ngay sau đó Phổ tới nhà bà Bé nhận tiếp 250 triệu đồng, nhưng vì chạy tiền không ra nên gia đình chỉ đưa 160 triệu đồng.
Sau đó, Phổ còn gợi ý sẽ tiếp tục “chạy” để bà Bé không phải ở tù. Nhưng sau một thời gian được ở nhà, bà Bé nhận thông báo sẽ thi hành án tù từ ngày 26.9. Thế là ngày 22.9, khi Phổ yêu cầu chi tiếp số tiền công cho riêng Phổ thì gia đình ông Nguyễn đã báo công an...
Dư luận đặt vấn đề có hay không sự liên quan giữa tiệc nhậu chết người trên sông Vàm Cỏ Tây với việc “chạy án” của Lê Văn Phổ? Bởi vì trước khi ăn nhậu cùng các quan chức Viện KSND H.Cần Giuộc và trước khi bị bắt, Phổ đã nhận tiền chạy án của gia đình bà Bé tổng cộng 480 triệu đồng...
Thẩm phán nói gì?
Thẩm phán Lê Quang Hùng, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ngày 18.7, cho rằng bản án phúc thẩm phạt bị cáo Phạm Thị Bé từ 3 năm xuống còn 2 năm tù là đúng với quy định của pháp luật. “Trong vụ án này, từ khi tòa tỉnh tiếp nhận vụ án đến khi đưa ra xét xử công khai không có ai tác động đến việc xử án cũng như không có việc nhận tiền chạy án để giảm án cho bị cáo”.
Cũng theo ông Hùng, theo BLHS thì ở khung hình phạt này bà Bé bị phạt từ 1 đến 5 năm tù. Việc giảm án cho bà Bé do có nhiều tình tiết mới như bà Bé bị gai cột sống, cắt cổ tử cung, rối loạn tiền đình...