'Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này' - Dân Làm Báo

'Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này'


Anh Thư (vietnamnet) - Một trong những kỹ năng mà các đại biểu HĐND được Bộ Nội vụ truyền đạt là tiếp xúc với báo chí. Khi gặp câu hỏi khó, không nên trả lời "Tôi không biết"...

Hơn 340 đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 của 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đang tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do Bộ Nội vụ tổ chức từ 27 đến 29/9 Hà Nội.


Phối hợp với Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Nội vụ thiết kế chương trình học với 6 chuyên đề chính, trong đó 5 chuyên đề thiên về "kỹ năng làm đại biểu" và chuyên đề về cập nhật tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Các học viên - những đại biểu HĐND đương nhiệm - được trang bị những kỹ năng tiếp xúc cử tri, nhân dân, kỹ năng thuyết trình chất vấn và thảo luận, kỹ năng giáo sát tài chính - ngân sách và chuyên đề kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân.


Các đại biểu có 3 ngày tập huấn để làm đại biểu chuyên nghiệp. Ảnh: LThư

Với khóa học, các đại biểu có thể nắm được những vấn đề có tính lý luận về vị trí, vai trò, chức năng của HĐND cấp tỉnh, hiểu biết vững chắc về cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động, vận dụng tốt các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như các kỹ năng cần thiết của người đại biểu.


Hình ảnh xuất hiện phải đẹp

Với những chuyên đề kỹ năng, các đại biểu sẽ nắm bắt được những đặc thù của hoạt động tiếp công dân, các nguyên tắc giao tiếp trong thực thi công vụ, xử lý thông tin sau tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, kỹ năng tiếp xúc báo chí, thảo luận, triển khai các hoạt động cần thiết sau chất vấn… Sẽ có những tình huống giả định để các đại biểu cùng trao đổi, nâng cao kỹ năng.

Đặc biệt, chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình, chất vấn và thảo luận sẽ trang bị cho các đại biểu khá kỹ càng, từ việc tạo mối quan hệ, ấn tượng qua trang phục, tư thế, tác phong, cử chỉ, lời nói đến việc thể hiện nội dung, cách dùng công cụ ngôn ngữ nói, công cụ giao tiếp phi ngôn từ bằng ánh mắt, nét mặt, nụ cười, trang phục, trang điểm… Những điều này là cần thiết. PGS.TS Lưu Kiếm Thanh, Phó giám đốc Học viện Hành chính, người đứng lớp chuyên đề tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng nếu đại biểu xuất hiện với một bộ dạng tuềnh toàng, thậm chí hơi luộm thuộm thì cử tri có thể nghĩ là đại biểu coi thường cử tri, thiếu tôn trọng người mình tiếp xúc hoặc là giả tạo. Họ có thể suy diễn là đến thân mình, đại biểu còn chưa lo nổi thì làm sao lo cho cử tri.

Ông dẫn ra thẩm mỹ hành vi là điều đáng lưu ý với các đại biểu. Thẩm mỹ hành vi đòi hỏi các hành vi giao tiếp sẽ không chỉ cần dừng ở đúng mà còn phải đẹp. Như khi đề nghị cử tri phát biểu, đại biểu HĐND cần dùng cả bàn tay chụm, hơi chúc xuống, hướng về phía người được chỉ định, kèm theo lời nói lịch sự, nhã nhặn như "Xin kính mời bác/anh/chị...", chứ không dùng đồ vật hay một ngón tay chỉ thẳng vào mặt họ. Hoặc khi hiện diện trước công dân, đại biểu cũng chú ý tránh các hành vi hoặc thói tật về điệu bộ...

"Để đảm bảo giao tiếp đúng và đẹp, sự hiểu biết về giao tiếp trong bối cảnh đa văn hóa là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, việc rèn luyện để các hành vi đẹp trở thành thói quen cũng không kém phần quan trọng". Hay ngay cả việc đại biểu đi ô tô thì cũng chớ nên dừng ngay cổng phòng họp khi cử tri đã có mặt. Bởi nó có thể tạo cảm giác xa cách giữa người đại biểu của dân với quần chúng, nhân dân lao động....

Không thành đại biểu "hứa hão"

Khi đại biểu HĐND đã hứa với cử tri những gì sau khi đã trúng cử phải nhớ lấy lời hứa của mình. PGS.TS Lưu Kiếm Thanh cho rằng, càng ngày dân chủ càng được phát huy thì lời hứa hẹn của đại biểu đối với cử tri chính là tương lai hành động của mình, nhân dân là người cao nhất có quyền giám sát đại biểu nếu đại biểu không làm tốt nhiệm vụ của mình, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì cử tri nơi mình bầu ra có quyền bãi nhiệm đại biểu.

Các đại biểu được nhắc rằng : không hứa những gì mà mình không có khả năng và điều kiện làm, hứa mang tính chất thật kêu (hứa hão). Đại biểu cần đưa ra các cam kết sao cho cử tri nghĩ rằng bản thân đại biểu sẽ làm được nhiều việc mà cử tri đang mong, chẳng hạn như : hứa sẽ giải quyết hết khiếu nại tố cáo của công dân, sẽ xây cầu, làm đường, xây trường, nâng lương...

"Ai giữ lời hứa sẽ được nhân dân tin, trọng, ai thất hứa với dân, sẽ bị dân coi thường. Giữ lời hứa là giữ uy tín của mình".

Và một trong những kỹ năng các đại biểu HĐND được tập huấn đó là kỹ năng tiếp xúc báo chí. Một trong những điều được lưu tâm đó là khi đại biểu gặp câu hỏi khó, không nên trả lời "Tôi không biết" hoặc "Tôi không có ý kiến gì" mà nên nói "Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này".




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo