"Tôi có xem các hình ảnh chụp cụm tưởng đài tưởng niệm Mao Chủ tịch và tượng đài Công nhân Việt Nam rồi và quả thật thấy dường như có biểu hiện của sự sao chép và chắp vá ở phía tượng của ta. Không hiểu tác giả của tượng đài Công nhân Việt Nam nghĩ gì nhưng có rất nhiều góc trông giống cụm tượng đài của Trung Quốc..." - Nhà điêu khắc Phạm Công Hoa.
(Đây là bài viết vào tháng 3, 2005 đăng trên trang web Vietbao.vn.)
Về công trình tượng đài Công nhân Việt Nam:
Tượng đài Công nhân Việt Nam vừa khánh thành, tọa lạc tại một địa điểm quan trọng của Thủ đô Hà Nội - Cung Văn hóa Hữu nghị, kế bên phố Yết Kiêu, nơi có Trường Đại học Mỹ thuật. Công trình vừa ra đời này được những người trong giới mỹ thuật nhận định dường như rất giống từ ý tưởng đến bố cục, thậm chí cả nhiều chi tiết với tượng đài của nước ngoài.
Công trình tượng đài Công nhân Việt Nam cao khoảng 8m, đổ đồng hết 35 tấn vừa qua được khánh thành ngày 1/2/2005.
Công trình đã lập tức thu hút sự chú ý của người trong giới lẫn công chúng vì nó tọa lạc ở một địa điểm rất dễ gây chú ý: gần kề đại học Mỹ thuật Hà Nội trên phố Yết Kiêu, thuộc điểm nhìn gần trong không gian quảng trường 1- 5, nơi có lượng xe tham gia giao thông lớn trong nội thành Hà Nội. Vì thế, công trình đương nhiên phải có chất lượng nghệ thuật cao.
Nhưng nhiều nhà chuyên môn đã ngờ ngợ như đã nhìn thấy nó ở đâu đó. Một số cất công tìm hiểu và phát hiện ra rằng tượng đài này dường như giống với tượng đài trong cuốn Thế giới điêu khắc toàn tập, quyển Hạ, phần Phương Đông, mục Điêu khắc hiện đại Trung Quốc (trang 214- 215). Những hình ảnh đó là hình chụp nhiều góc công trình tượng đài thuộc Kỷ niệm đường Mao Chủ tịch tại Thiên An Môn.
Họ càng băn khoăn hơn về sự việc này khi mở lại văn bản về việc quản lý nâng cao chất lượng nghệ thuật các công trình tượng đài số 206, ban hành ngày 19/1/2005 do Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật- Nhiếp ảnh ký thay Bộ trưởng Bộ VHTT. Trong đó, điểm 2 có ghi rõ: “Tượng đài là công trình vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, nếu chất lượng nghệ thuật không đảm bảo, việc tháo dỡ là rất phức tạp, vì vậy cần phải coi trọng hàng đầu về chất lượng nghệ thuật. Yêu cầu không chạy theo khối lượng gấp gáp hoàn thành tiến độ, dồn ép thời gian, ảnh hưởng tới giá trị nghệ thuật công trình” và điểm 8 nhấn mạnh: “Mỗi tượng đài phải thể hiện được tính sáng tạo độc đáo, bố cục hiện đại nhuần nhuyễn với truyền thống, tránh sao chép, lặp lại, đơn điệu trong nghệ thuật tạo hình”. Đó là văn bản mới nhất liên quan đến việc xây dựng tượng đài ở Việt Nam sau hàng loạt các quy chế và văn bản về tình trạng xây dựng tượng đài tràn lan, kém chất lượng nghệ thuật và tốn phí tiền của dân của nước do Bộ VHTT ban hành.
Tượng đài của ta Tượng đài của Trung Quốc
Các nhà chuyên môn nói gì?
Tượng đài Công nhân Việt Nam
Một trong hai tượng đài tại Kỷ niệm đường Mao Chủ tịch
Nhà điêu khắc Phạm Công Hoa, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN và Viện đại học Mở HN:
Tôi có xem các hình ảnh chụp cụm tưởng đài tưởng niệm Mao Chủ tịch và tượng đài Công nhân Việt Nam rồi và quả thật thấy dường như có biểu hiện của sự sao chép và chắp vá ở phía tượng của ta. Không hiểu tác giả của tượng đài Công nhân Việt Nam nghĩ gì nhưng có rất nhiều góc trông giống cụm tượng đài của Trung Quốc.
Chỉ có một vài biến tướng, ví dụ như ở tượng của TQ, họ để nhân vật đứng trên bục bệ rất vững chãi và hoành tráng, tạo khối rất đẹp thì ở ta, nhân vật lại đứng trên những đường lượn; cờ của họ cắt vát mạnh mẽ thì của ta cũng lại lượn. Nói thật là tôi cũng từng tham gia làm tượng đài, tham gia từ những công trình tượng đài đầu tiên trong cả nước kia, sau thấy chán nản quá nên thôi. Tôi cũng là người có khá nhiều ý kiến về những hiện tượng không hay trong cung cách làm tượng đài ở Việt Nam, nhưng thấy các ý kiến của mình hầu như không mảy may tác dụng nên tôi cũng nản.
Tôi nhận thấy có vẻ như tượng này còn giống với cụm tượng tưởng niệm đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (?), do Triều Tiên xây dựng tặng nhân dân Lào.
Về mặt nghệ thuật cụ thể của tượng đài này, tôi thấy nó dở dang, không ra tượng đài cũng chẳng ra tượng vườn. Vì tượng đài phải chế ngự được không gian quanh nó nhưng tôi thấy tượng đài Công nhân Việt Nam không giải quyết được yêu cầu này. Nếu là tượng vườn, nó phải hài hoà với khuôn viên và làm đẹp thêm khuôn viên nhưng tượng đài này cũng không đạt được yêu cầu ấy.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương (Viện Mỹ thuật- Đại học Mỹ thuật Hà Nội):
Tượng đài này cũng vẫn rập khuôn mô hình công thức làm các tượng đài công- nông- binh thuần túy mang tính chất minh họa. Đó là cung cách làm tượng đài của 40, 50 năm về trước. Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình CNH- HĐH, tiến tới một xã hội trí tuệ và công nghệ cao và chắc rằng giai cấp công nhân VN có đóng góp to lớn trong tiến trình này.
Một nền nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại cần tương ứng với tiến triển xã hội và thậm chí phải đi trước dự báo cho sự phát triển xã hội đang hiển nhiên tồn tại ở Việt Nam. Vậy thì tại sao lại không thể có một công trình tượng đài về Công nhân Việt Nam hiện đại hơn, giàu tinh thần sáng tạo tương hợp với thời đại hơn, trở thành một biểu tượng văn hóa tương ứng với không gian và vị thế Cung Văn hóa Hữu Nghị hơn? Giờ đây, Cung Văn hoá Hữu Nghị không còn là nơi sinh hoạt văn hóa hay tưởng niệm lịch sử của riêng giai cấp công nhân mà là của nhân dân cả nước, trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa với trong và ngoài nước ở Thủ đô HN nên càng phải đẹp, hiện đại. Tất nhiên là không sao chép!
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Quang Trung (Viện nghiên cứu Mỹ thuật- Đại học Mỹ thuật Hà Nội):
Sau khi xem các hình ảnh đối chiếu về tượng đài Công nhân Việt Nam và tượng đài kỷniệm Mao Chủ tịch ở TQ, tôi cũng có cảm giác hình như tượng đài Công nhân Việt Nam là một sự sao chép ở đâu đó.
Hơn nữa, tôi còn được biết rằng tác giả mỹ thuật của công trình này là một quan chức trong ngành Mỹ thuật thuộc Bộ VHTT, nơi ban hành các quy chuẩn về xây dựng và nâng cao chất lượng tượng đài VN. Nếu thực tế đúng như vậy trong việc xây dựng tượng đài như thế này thì chắc hẳn, nghệ thuật và thẩm mỹ của tượng đài và thậm chí của tất cả các lĩnh vực mỹ thuật nói chung ở VN tiếp tục bị kéo lùi lại.
Thủy Vân (thực hiện)
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)