Kỳ 1: Cộng sản họ
Tục ngữ có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Vậy mà với dòng họ tôi thì có một người trong dòng họ theo Đảng Cộng sản ra làm quan, hết nhiệm kỳ làm chủ tịch xã ông chuyển sang làm bí thư xã. Sống lâu lên lão làng nên ông có chút quyền lực ở một vùng quê nhỏ bé. Của kín ông kiếm chát được bao nhiêu thì không ai biết nhưng người ta biết ông có được đất đai là một sườn đồi rộng lớn bên cạnh một khu dân cư trù phú.
Lúc sắp về hưu ông nghĩ cách biến đất đai rộng lớn đó trở nên bớt hoang vu để có lợi cho ông, vậy nên ông đã nhờ cậy đến… ông Tổ mười đời của mình ra tay giúp sức. Một ngày của tháng chạp năm nao có người tìm về quê hương xứ sở, nơi cội nguồn của tổ tiên, nơi ông tổ mười đời của ông Đảng viên đó đang yên nghỉ trên mảnh đất vườn khi xưa do chính ông Tổ khai phá ra để đào xuống, hốt lên một nắm đất cho vào cỗ quan tài và mang đi. Sự việc rất yên lặng, không một chút trống kèn.
Và thế là ông Tổ mười đời bị bắt từ bỏ quê hương, từ bỏ mảnh đất yêu dấu đã gắn kết với ông hơn ba trăm năm qua, từ bỏ những đứa cháu đang sinh sống xung quanh ông, đang kế tục sự nghiệp “cày” trên những thửa ruộng do ông để lại, để đưa đến nằm ở một mảnh đất là một ngọn đồi hoang vu do cháu mình, một đứa cháu ưu tú được làm Đảng viên Cộng sản, được làm cán bộ Nhà nước nên mới kiếm chát được đất đó hôm nao, để ông canh giữ đất cho đứa cháu yêu. Để từ đây hàng ngàn đứa cháu khác trong họ tộc từ khắp nơi thương ông tổ, lần theo vết tích ông mà tìm về cuối lạy ông, cúng kính ông. Và đã có một số người là cháu chắt của ông Tổ, mới đây đem của ít lòng nhiều quyên góp lại xây bờ tường, xây tường rào trên mảnh đất của ông Đảng viên, để mảnh đất ông Đảng viên không còn là hoang vu, để nơi ông Tổ nằm không còn là giá lạnh.
Tôi đi làm ăn xa đến ngày giáp tết mới trở về quê hương, nghe cái tin ông Tổ ở quê nhà bị đám người là cháu chắt ông bắt đi mà lòng đau thắt. Tôi dùng cái từ “bắt ông đi” là chính xác bởi vì theo như lời chị Tám ở gần chứng kiến cái hôm người ta bắt ông kể lại rằng: người ta đã xin keo để đưa ông đi 16 lần nhưng ông không chịu, thế rồi người ta quăng đồng tiền xin keo xuống ruộng gần đó và cứ việc đào cái mộ ông, rồi “hốt” ông đi.
Đến bên mộ ông mắt tôi nhìn cái lỗ tròn rộng bằng vòng tay ôm, sâu đến quá đầu gối mà người ta đã đào lấy đất mà đầu tôi không tin vào sự thật. Một sự thật: chẳng lẽ trên đời mỗi con người chúng ta lại có tới hai quê hương. Quê hương “xưa kia” của tổ tiên tôi là cái xóm nhỏ nhà tôi đây, quê hương “mới” tổ tiên đang nằm là cái ngọn đồi còn hoang vu của ông Đảng viên ở xã khác. Mà chắc gì đã là hai quê hương, cứ diễn ra sự việc như vậy thì mai đây cháu mười đời của ông Tổ ở tận Gia Lai hay Đồng Nai cũng sẽ về chọt một cái lỗ, lấy một nắm đất mà tiếp tục đưa ông Tổ đi, về trang trại của họ ông Tổ nằm, rồi những người cháu khác sẽ kéo đến… xây dựng khang trang. Vậy là con người có đến nhiều quê hương chứ đâu chỉ có một như hôm nào ông Đỗ Trung Quân viết: “Quê hương mỗi người có một, như là có một mẹ thôi”.
Tổ tiên cội nguồn của dân tộc Việt nam là đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ, còn tổ tiên cội nguồn của họ tộc tôi là đây, chính nơi này, nơi ông tổ đã chọn là nơi dừng chân khi ông trên đường di dân từ Bắc vào Nam lập nghiệp hơn ba trăm năm trước, là nơi ông tổ nằm xuống, là nơi mà các ông tôi từ ông nội, ông cố, ông cao … nối tiếp nhau mười đời rồi đều về đây mà cuối lạy ông Tổ. Quê hương mọi người có một, cội nguồn của tổ tiên cũng chỉ có một mà thôi. Đó là cốt lõi ngàn đời của con người Việt Nam, của dân tộc Việt nam. Không một thế lực nào có thể làm sai lệch, bóp méo đi lịch sử đất nước cũng như lịch sử của họ tộc tôi được.
Giờ đây, khi trời đất sắp sang xuân, những người con cháu chân lấm tay bùn sống trên quê hương đất tổ nghèo khó về nơi ông Tổ nằm tu tảo mộ ông và che trại cúng ông. Cái mộ ngày nào giờ đã là mộ cổ, là di sản vô giá cho con cháu họ tộc. Một tấm biểu ngữ được căn ra, mặt trước có dòng chữ: chào mừng con cháu họ tộc về đất tổ, mặt sau ghi: hẹn gặp lại ngày này năm sau. Vậy mà thế lực nào đã gọi công an địa phương đến để gỡ tấm biểu ngữ xuống. Công an có đến nơi thật nhưng họ cũng có lòng mà không nói gì về tấm biểu ngữ, tấm biểu ngữ vẫn cứ được treo.
Tiếng kèn trống cúng ông Tổ của con cháu ông trên đất tổ đã vang lên, vọng xuống cõi âm gọi hồn ông Tổ bị bắt đi xứ khác về lại với đất Tổ, gọi ông về nhà ông ăn cơm, con cháu ông đang về thăm ông đã nấu chín và dọn lên mâm rồi. Tiếng trống kèn lại vọng lên cõi dương vang xa cho khắp xóm làng, xa gần biết được đó là nơi đất tổ của một họ tộc bao đời nay, chứ đất tổ không phải là ngọn đồi của ông Đảng viên Cộng sản ở xã khác, phía bên kia. Và tiếng trống kèn lại vang lên mong cho thức tỉnh lòng người, những người đi theo Đảng chủ trương cả “thế giới đại đồng: “không cần đất nước, không cần quê hương, chẳng cần biết đến lịch sử, chỉ cần biết có tiền cho cuộc sống"