“Giáo Dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị”. Vậy ai nói rằng là Kitô hữu thì cứ lo chuyện trong Nhà Thờ, đừng đụng đến chính trị, thì chúng ta có thể nói rằng người đó phản bội lý tưởng Kitô Giáo, người đó đi ngược với giáo huấn của Hội Thánh.” ...
*
Nữ Vương Công Lý - Tối 25/9/2011, khoảng 3.000 người đã tới nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, số 38 Kỳ Đồng, tham dự thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho các thanh niên Công giáo bị nhà cầm quyền bắt giữ trái pháp luật thời gian vừa qua, mà nạn nhân mới nhất là anh Phêrô Trần Vũ Anh Bình, ca viên của ca đoàn giáo xứ.
Trong bài giảng lễ, Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, sau khi trích dẫn những hướng dẫn của Công đồng Vatican II và đặc biệt của Chân phúc Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong Tông huấn “Kito hữu Giáo dân”, đã mạnh mẽ khẳng định: “Giáo Dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị”. Vậy ai nói rằng là Kitô hữu thì cứ lo chuyện trong Nhà Thờ, đừng đụng đến chính trị, thì chúng ta có thể nói rằng người đó phản bội lý tưởng Kitô Giáo, người đó đi ngược với giáo huấn của Hội Thánh.”
Chúng tôi trân trọng gửi tới quý đọc giả toàn bộ nội dung bài giảng này, để cùng nhau suy tư, nhất là cùng nhau dấn thân cho công lý và hòa bình như Thánh Công đồng Vatican II và Đấng Chân phúc đáng kính Gioan Phaolo II đã tha thiết kêu gọi chúng ta.
Bài giảng của Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện trong Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân công giáo bị bắt Download
LỜI MỜI GỌI VÀO LÀM VƯỜN NHO CỦA CHÚA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, chúng ta nghe Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn những người thợ làm vườn nho, trong đó ông chủ vườn năm lần bảy lượt đi ra phố tìm người làm vườn nho. Ông nói với những người thợ, kể cả vào lúc 5 giờ chiều rằng: “Cả các anh nữa, cũng hãy vào làm vườn nho cho tôi”. Trong bài Tin Mừng mà anh chị em vừa nghe công bố của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cũng nghe lại niềm khát vọng và lời mời gọi ấy của Thiên Chúa. Dụ ngôn hôm nay kể chuyện một người cha có hai người con, và ông đã đến với từng người trong hai người con ấy mà nói với họ rằng: “Con hãy đi làm vườn nho cho cha”.
Trong khung cảnh của Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình hôm nay, tôi muốn mời gọi anh chị em suy niệm một chút về lời mời gọi đó của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Rõ ràng là cả bài Tin Mừng tuần trước và cả bài Tin Mừng tuần này đều hướng cái nhìn của chúng ta về hai thực tại quan trọng. Thực tại thứ nhất là một Vườn Nho mênh mông của Thiên Chúa. Và thực tại thứ hai là một đám đông những người, và cụ thể hôm nay được nói rõ là những người con của Thiên Chúa, được mời gọi đi vào Vườn Nho ấy.
Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện trong thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình tối 25/9/2011
Vườn Nho mà Chúa Giêsu nói trong hai dụ ngôn là chính thế giới này, cái thế giới mà chúng ta đang sống, cái thế giới của con người, cái thế giới cần phải được đẩy đến chỗ hoàn thành theo chương trình của Thiên Chúa, trong Nước của Thiên Chúa.
Trước hết chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy can đảm nhìn thẳng vào cái thế giới mà trong đó chúng ta đang sống, cái thế giới của chúng ta, cái thế giới của cộng đồng nhân loại này. Ở trong thế giới đấy có những thành công, có những thất bại, có những vấn đề, có những ưu tư, có những thành tựu, có những điểm hay nhưng cũng có đầy những điểm dở.
Trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo Dân” ( Christi fideles laici ), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 gợi lên cho chúng ta một vài đường nét của cái thế giới mà những người Kitô hữu – đồ đệ của Chúa, được mời gọi đi vào. Đức Thánh Cha viết tại số 5:
“Chúng ta hãy nghĩ đến vô số xúc phạm mà phẩm giá của nhân vị con người đang phải chịu hôm nay. Một khi không được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá của mình là hình ảnh sống động của Thiên Chúa ( x. St 1, 26 ), con người làm mồi cho những hình thức nhục nhã và lệch lạc nhất là “biến họ thành dụng cụ”, thành nô lệ cho thế lực mạnh hơn một cách khốn khổ. “Thế lực mạnh hơn” này có thể mang nhiều bộ mặt khác nhau: ý thức hệ, quyền lực kinh tế, những hệ thống chính trị phi nhân, hình thức kỹ trị khoa học, sự xâm nhập của các “phương tiện truyền thông xã hội. Một lần nữa, chúng ta đang đối diện với một quần chúng là những anh chị em của chúng ta, bị xúc phạm trong những quyền căn bản, đôi khi là hậu quả của thái độ dung túng quá đáng, thậm chí của sự bất công rành rành của một số luật dân sự: quyền được sống và toàn vẹn thân thể, quyền có nhà ở và việc làm, quyền có gia đình và sinh sản có trách nhiệm, quyền được tham dự vào sinh hoạt công cộng và chính trị, quyền được tự do lương tâm và tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình…” Đó là một tình trạng bi đát của cái thế giới mà chúng ta đang sống, trong đó những quyền căn bản của con người có thể bị xúc phạm và chà đạp.
Nhưng đồng thời, bên cạnh đấy, Đức Thánh Cha viết: “Bên cạnh những sự khinh miệt và xúc phạm nhân quyền trong thế giới chúng ta đang sống, trong cộng đoàn mà chúng ta đang là thành viên đây vẫn còn ở đấy ý thức về nhân phẩm của con người và cái ý thức, cái khao khát về nhân phẩm về nhân quyền của con người hình như càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, được phổ biến rộng rãi…” Sự hiện diện đông đảo của anh chị em trong Nhà Thờ DCCT hôm nay, trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình này, cũng là một bằng chứng mạnh mẽ của niềm khao khát, của ý thức sâu xa về quyền con người đó.
Rõ ràng, theo quan điểm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, thế giới mà chúng ta đang sống một đàng mang cái dung mạo của một thế giới trong đó những quyền của con người bị chà đạp, bị khinh miệt bởi một số người và đôi khi đó là những người đang cầm quyền thống trị; nhưng đàng khác, thế giới chúng ta đang sống cũng được ghi dấu bởi một khát vọng, một ý thức, một nỗ lực của rất đông những con người muốn đề cao nhân quyền, đề cao phẩm giá của con người. Và chúng ta được mời gọi đối diện với cái thế giới ấy, được mời gọi can đảm nhìn thẳng vào cái thế giới ấy, đi vào trong cái thế giới ấy, dấn thân trong tư cách là Kitô hữu. Cách riêng là anh chị em, những Kitô hữu Giáo Dân, Giáo Hội mời gọi anh chị em đi vào trong cái thế giới đó, cái thế giới của bất công, của bạo lực nhưng đồng thời cũng lại là cái thế giới mà nhân quyền cần phải được khẳng định.
Để đem đạo vào đời, để đi vào cái thế giới đấy trong tinh thần của Kitô Giáo, theo ý nghĩa chúng ta vẫn nói là phục vụ con người và xã hội, thì trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo Dân”, tại số 42, Đức Thánh Cha ghi rõ một lời mời gọi mà tôi xin anh chị em thật chú ý lắng nghe: “Giáo Dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị”, tức là những hoạt động đa dạng về kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chánh, văn hóa, một chính trị có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và qua các định chế… [Đức Thánh Cha khẳng định: Giáo Dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị” theo nghĩa đó. Vậy ai nói rằng là Kitô hữu thì cứ lo chuyện trong Nhà Thờ, đừng đụng đến chính trị, thì chúng ta có thể nói rằng người đó phản bội lý tưởng Kitô Giáo, người đó đi ngược với giáo huấn của Hội Thánh]. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục [1987] đã nhiều lần khẳng định điều đó: tất cả và từng người đều có quyền và bổn phận tham gia vào chính trị; sự tham gia này có thể rất khác nhau và bổ túc cho nhau về hình thức, về mức độ, về công tác và trách nhiệm”.
Trong một bản văn rất quan trọng của Công Đồng Vatican 2, Hiến Chế Mục Vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, tức là Hiến Chế “Vui mừng và hy vọng” ( Gaudium et Spes ), tại số 75, khi bàn đến sự dấn thân chính trị và các cộng đoàn chính trị, Thánh Công Đồng Vatican 2 khẳng định thế này: “Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này”.
Lời Thánh Công Đồng, tôi xin đọc lại và nhấn mạnh một lần nữa: “Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này”. Như thế, ai nói rằng người Kitô hữu đừng đưa vai gánh vác những nhiệm vụ chính trị, ai nói rằng người Kitô hữu đừng dấn thân vào lãnh vực chính trị, người đó nói ngược với điều mà các Nghị Phụ của Thánh Công Đồng đã công bố từ những năm 1960: “Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này”. Gánh nặng đó có thể là tù tội, gánh nặng đó có thể là mất quyền tự do, gánh nặng đó có thể là bị khủng bố, gánh nặng đó có thể là mất công ăn việc làm, gánh nặng đó có thể là bị bôi nhuốc về mặt danh dự của cá nhân, gia đình hay cộng đồng. Đó là những gánh nặng đi kèm theo việc dấn thân phục vụ con người vì lợi ích quốc gia. Và Giáo Hội, trong thẩm quyền cao nhất của mình, thẩm quyền của Thánh Công Đồng Chung, đã công bố rằng: Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những con người đó.
Vậy việc chúng ta được mời gọi đi vào thế giới này, việc chúng ta được mời gọi đi vào Vườn Nho của Chúa, là việc được Giáo Hội ca ngợi và đề cao. Đó là một việc làm thuộc về bản chất, thuộc vể cái gì đó cốt yếu của ơn gọi làm người Kitô hữu.
Và kính thưa anh chị em, tất nhiên các linh mục và giám mục, do vị trí của mình và để tôn trọng tính thánh thiêng của Hội Thánh, thì không được dấn thân trực tiếp vào hoạt động chính trị theo nghĩa hẹp. Nhưng Hội Thánh mời gọi các Kitô hữu Giáo Dân phải thực sự dấn thân vào lãnh vực đó của đời sống trần thế. Các Kitô hữu Giáo Dân là chính anh chị em đấy thưa anh chị em. Anh chị em hãy đọc những tài liệu của Hội Thánh nói về nhiệm vụ của Giáo Dân, anh chị em hãy đọc Tông huấn Kitô hữu Giáo Dân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2: Giáo Hội đề cao sự dấn thân của anh chị em trong lãnh vực này.
Thế nhưng hôm nay, khi chúng ta vui mừng nghe lại lời khẳng định của Thánh Cộng Đồng về việc Hội Thánh đề cao sự dấn thân đó, thì đồng thời, một câu hỏi lại được đặt ra cho chúng ta là: đâu là những yếu tố quan trọng mà anh chị em Giáo Dân phải chú ý khi đi vào làm việc trong Vườn Nho, trong thế giới mà nhân quyền bị chà đạp, nhưng mặt khác lại vẫn cứ còn sống mãi cái khát vọng và những nỗ lực về nhân quyền? Đi vào hoạt động trong cái thế giới ấy, tức là dấn thân cho Công Lý và Hòa Bình, chúng ta phải tự hỏi: Đâu là những yếu tố quan trọng trong hành trang của chúng ta, thưa anh chị em?
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, cũng trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo Dân”, đã cho chúng ta những gợi ý hết sức thiết thực, mà trong khung cảnh Thánh Lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối hôm nay, tôi muốn mời gọi anh chị em đọc lại và suy nghĩ.
Trước hết tại số 42, Đức Thánh Cha khẳng định rằng đức ái không được tách rời khỏi công lý. Tức là đừng ai nhân danh đức ái Kitô Giáo để phủ nhận những tiếng gọi khát khao, những khát vọng về công lý của con người. Đức Thánh Cha viết rõ: “Đức Ái yêu mến và phục vụ con người thì không được tách rời khỏi Công Lý, cả hai mỗi bên theo cách của mình đều đòi hỏi sự nhìn nhận toàn diện và hữu hiệu các quyền của con người, là đối tượng mà xã hội với tất cả cơ cấu và định chế của nó phải hướng đến”.
Và tiếp theo đó, cũng tại số 42 của tông huấn này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã nêu cho chúng ta ít nhất bốn yếu tố quan trọng trong hành trang của chúng ta khi dấn thân vào lãnh vực mưu cầu công lý và hòa bình cho thế giới hôm nay.
(1) Thứ nhất, Đức Thánh cha nói đến tinh thần tôn trọng công ích và công lý.
Ngài viết: “Một đường lối chính trị vì dân, vì nước sẽ luôn luôn lấy công ích làm tiêu chuẩn căn bản”. Công Đồng Vatican 2 trong Gaudium et Spes, tại số 74, đã quả quyết rằng: “Công ích là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý thiết yếu cho các tổ chức chính trị.” Nói như thế có nghĩa là Hội Thánh dạy cho chúng ta biết rằng, khi một tổ chức chính trị mà không còn chú tâm lo cho công ích, không còn chú tâm lo cho thiện ích chung nữa, thì tổ chức chính trị ấy không còn căn bản pháp lý, không còn ý nghĩa và không còn lý do để tồn tại. Nếu một tổ chức chính trị chỉ chăm lo cho quyền lợi riêng của mình hay lợi ích nhóm của riêng mình, thậm chí của những lãnh tụ cao cấp của mình, thì tổ chức chính trị ấy, dưới quan điểm của Công Đồng Vatican 2, đã đánh mất đi lý do tồn tại, đánh mất đi ý nghĩa và căn bản pháp lý của mình. Thánh Công Đồng chỉ rõ: “Công ích nói đây bao gồm tất cả điều kiện của đời sống xã hội, nhờ những điều kiện cá nhân này, gia đình và đoàn thể có cơ hội phát triển trọn vẹn và dễ dàng hơn.”
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Hơn nữa, một đường lối chính trị vì dân vì nước thì phải chọn đường hướng trường kỳ là bênh vực và cổ võ công lý.”
Như vậy, Đức Thánh Cha cho ta biết: hành trang trước hết, tinh thần đầu tiên mà chúng ta cần phải cổ võ, đó là một tinh thần tôn trọng công ích và công lý.
(2) Thứ hai, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 nói đến tinh thần phục vụ:
“Việc thi hành quyền bính chính trị phải đặt nền trên tinh thần phục vụ. Tinh thần phục vụ, cùng với khả năng chuyên môn và hiệu năng cần có, là điều kiện thiết yếu làm cho hoạt động của các chính trị gia được trong sáng và liêm khiết. Hơn nữa, đây cũng là đòi hỏi rất chính đáng của dân chúng. Muốn vậy cần có sự đấu tranh công khai và thẳng thắn để chiến thắng những khuynh hướng xấu xa, như: việc sử dụng những phương cách hành xử bất chính, gian dối và mờ ám, sự biển thủ công quỹ nhằm trục lợi của một số người, việc sử dụng những phương thế mờ ám và bất hợp pháp để bằng mọi giá chiếm đoạt, duy trì và bành trướng quyền hành”.
Đức Thánh Cha nói rõ rằng những thứ đó là những khuynh hướng xấu xa mà người Kitô hữu phải công khai và thẳng thắn chiến đấu chống lại. Xin lưu ý anh chị em, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 viết chứ không phải tôi nói đâu, thưa anh chị em.
(3) Điểm thứ ba mà số 42 của Tông Huấn tiếp tục đưa ra, đó là tinh thần tôn trọng sự tự lập chính đáng của các thực tại trần gian và tinh thần làm chứng cho các giá trị thực tại của con người và giá trị của Tin Mừng.
Đức Thánh Cha viết: “Chắc chắn rằng người Giáo Dân dấn thân vào công việc chính trị phải tôn trọng tính độc lập của các thực tại trần thế… Đồng thời, Giáo Dân còn có nghĩa vụ cấp bách phải làm chứng về những giá trị của con người và của Tin Mừng, là những giá trị có liên hệ mật thiết với những hoạt động chính trị, chẳng hạn như sự tự do và công lý, tình liên đới, sự tận tụy trung thành và vô vị lợi đối với thiện ích của mọi người, cách sống giản dị, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo khổ và người bé mọn nhất.”
Như vậy, một mặt, Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô Hữu phải tôn trọng tính cách độc lập của những tồn tại trần thế, mặt khác vẫn phải dấn thân để phục vụ những giá trị của con người và của Tin Mừng, như tự do và công lý, tình liên đới, sự tận tụy vô vị lợi, trung thành đối với công ích… Đó là hành trang thứ ba phải có của Kitô hữu đi vào thế giới đẩy những bất công hiện nay.
(4) Hành trang thứ tư và cũng là hành trang cuối cùng mà Đức Thánh Cha trong Tông Huấn nói tới, đó là những nỗ lực của tình liên đới và lòng yêu chuộng hòa bình.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 viết: “Một đường lối chính trị nhằm phát triển con người phải lấy tình liên đới làm phương tiện và kiểu mẫu. Tình liên đớí đòi hỏi sự tham gia tích cực và ý thức trách nhiệm của mọi người vào đời sống chính trị, từ mỗi một người công dân đến các đoàn thể khác nhau, từ các nghiệp đoàn, đến các đảng phái; tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều là kẻ thừa kế và là người tham gia tích cực vào chính trị.”
Thưa anh chị em, tình liên đới không phải là một sự thương hại hay một tình cảm quan tâm mơ hồ hay một cảm xúc động lòng trắc ẩn hời hợt, trước bao nhiêu khốn khổ của những người xa gần. Ví dụ như khi chúng ta đối diện với một người bị đối xử bất công trong xã hội, ví dụ như khi chúng ta đối diện với một người bị đàn áp trong xã hội, ví dụ như khi chúng ta đối diện với bị tước mất quyền tự do trong xã hội, mà chúng ta chỉ có một lòng thương cảm mơ hồ hay một sự trắc ẩn hời hợt, thì đấy không phài là tình liên đới Kitô Giáo đích thực. Đức Thánh Cha viết tiếp: “Ngược lại, tình liên đới Kitô giáo là một sự đấu tranh quyết liệt, vững chãi, bền chí để thể hiện công ích”.
Nói cách khác, để thực hiện lợi ích cho mọi người và mỗi người, tất cả chúng ta phải mang lấy trách nhiệm thực sự đối với mọi người. Liên đới trong trách nhiệm, liên đới trong quyền được tham gia vào việc điều hành xã hội, liên đới trong việc phải chiến đấu bảo vệ những người cô thế cô thân, liên đới trong việc phải chiến đấu để gạt bỏ bất công trong xã hội và trong thế giới. Đó là tình liên đới Kitô giáo đích thực. Đó là một sự dấn thân quyết liệt, vững chãi và bền chí vì ích lợi chung của mọi người .
Đức Thánh Cha nói: “Một nền chính trị nhằm phát triển con người phải lấy tình liên đới làm phương tiện và kiểu mẫu”. Tại sao người ta có thể từ khước quyền tham gia chính trị của những con người có đủ khả năng, có đủ thiện chí vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của cộng đồng? Tại sao vậy? Chẳng lẽ vì dựa vào lý lịch chính trị ? Chẳng lẽ vì người ấy là người Công Giáo? Khi người ta phân biệt như thế là người ta đã tước mất cái quyền của con người sống trong tình liên đới.
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha viết tiếp: “Kết quả hoạt động của chính trị mang tính liên đới, kết quả mà mọi người ước mong nhưng chưa đạt được, chính là hòa bình.” Ngài nhấn mạnh: “Các tín hữu Giáo Dân không thể khoanh tay ngồi nhìn như kẻ bàng quan lười biếng trước những gì phá hoại hay tổn thương hòa bình, như vũ lực và chiến tranh, tra tấn hay khủng bố, trại tập trung, quân sự hóa chính trị, thi đua võ trang, đe dọa nguyên tử… Ngược lại, là môn đệ của Đức Giêsu Kitô – Vua hòa bình, các tín hữu Giáo Dân phải nhận lãnh bổn phận làm người kiến tạo hòa bình bằng cuộc sống trở về với Chúa và bằng các hoạt động vì sự thật, vì tự do, vì công bình, vì bác ái; đó là những nền tảng vững chắc của hòa bình.”
Kính thưa anh chị em,
Như vậy, khi chúng ta đi vào trong thế giới này, cái thế giới đầy bất công nhưng cũng đầy khát vọng được tôn trọng phẩm giá và nhân quyền con người, Đức Thánh Cha dạy chúng ta cần phải có đức ái nhưng đồng thời cũng cần phải có công lý. Và cụ thể hơn, ngài lưu ý chúng ta đến bốn hành trang. Thứ nhất tôn trọng công ích và công lý, thứ hai là tinh thần phục vụ đích thực chứ không phải vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Thứ ba là tinh thần tôn trọng sự tự lập chính đáng của các thực tại trần gian nhưng đồng thời cũng là tinh thần làm chứng cho những giá trị của con người và những giá trị của Tin Mừng. Và thứ tư là những nỗ lực của tình liên đới và của lòng yêu chuộng hòa bình. Với những hành trang đó, chúng ta được mời gọi đi vào vườn nho là thế giới mà chúng ta đang sống, để làm cho thế giới được hoàn thành như Thiên Chúa muốn.
Kính thưa anh chị em,
Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta vào làm việc trong vườn nho với tinh thần đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác một cách đầy ý thức trách nhiệm trong sứ mệnh của Giáo Hội. Những hoàn cảnh hiện tại trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, các thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa mà chúng ta đang sống của thế giới hôm nay… đòi hỏi những Kitô hữu Giáo Dân phải dấn thân thật sự, dấn thân một cách kiên nhẫn, một cách mạnh mẽ, một cách hữu hiệu vì công lý và hòa bình.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 viết trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo Dân” tại số 3 như thế này: “Nếu trước đây, sự làm ngơ bổn phận này đã là điều không thể chấp nhận được thì hiện giờ, thái độ đó lại càng đáng bị khiển trách hơn”. Không ai được phép ở không, không làm gì khi mà trong Vườn Nho của Chúa đầy tràn công việc đang đợi chờ tất cả chúng ta, không ai được biếng nhác. Vậy, kính thưa anh chị em, hôm nay, dựa vào những lời dạy của Đức Thánh Cha, tôi muốn mời gọi anh chị em suy nghĩ một cách nghiêm túc về sứ mạng của mình giữa thế giới, về đòi hỏi của Tin Mừng, về lời mời gọi anh chị em phải dấn thân thật sự trong thế giới chúng ta đang sống để mưu cầu thiện ích cho mọi người, để mưu cầu một tình trạng xã hội tốt hơn, để mưu cầu một tình trạng thế giới tốt hơn, trong đó nhân phẩm con người được tôn trọng. Theo giáo huấn của Giáo Hội, không ai trong chúng ta được phép thoái thác nhiệm vụ này.
Và tôi xin mời gọi anh chị em hôm nay, khi cầu nguyện trong Thánh Lễ này, cầu nguyện cho công lý và hòa bình, hãy đặt mình trước Chúa và để cho Lời Chúa chất vấn mình. Hãy đặt mình trước Chúa và trong thinh lặng của đêm nay, tự hỏi xem mình có thật sự dấn thân không, hay mình chỉ tìm sự thỏa hiệp? Sự dấn thân đó trước hết phải là sự dấn thân trong môi trường gia đình, trong môi trường chòm xóm, trong môi trường làm việc hằng ngày của mình. Làm sao để lợi ích chung của mọi người, làm sao quyền sống của mọi người, làm sao những quyền căn bản, nhân quyền căn bản của mọi người, được tôn trọng? Và có bao giờ ta đóng góp một phần của mình, ít là bằng lời cầu nguyện, vào công trình đó hay không? Chúng ta có để cho lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay “Anh hãy vào làm vườn nho của tôi” chất vấn chúng ta hay không?
Chúa Giêsu Kitô là Đấng, kể cả vào giờ thứ 11, tức là khi đã xế chiều rồi, vẫn ra tìm gặp từng người trong chúng ta để nói: “Hôm nay anh hay đi làm vườn nho cho Thầy”, bất chấp chúng ta có thể nhận lời rồi chối, hay chối rồi lại nhận lời. Người đã quảng đại mời gọi chúng ta thì xin Người cũng ban cho chúng ta sức mạnh, sự kiên trì và lòng yêu mến, để đừng ai trong chúng ta mặc cảm khi mình được mời gọi dấn thân vào công việc phục vụ thế giới này, đừng ai trong chúng ta không dám liên đới và không dám nỗ lực cộng tác, dấn thân để công lý và hòa bình được ngự trị trên thế giới và trên quê hương đất nước của chúng ta.
Nếu trước đây, sự thờ ơ đối với nhiệm vụ dấn thân này đã là đáng trách, thì như, lời Đức Gioan Phaolô 2 trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo Dân”, ngày hôm nay điều đó càng đáng trách hơn. Xin Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta biết thực sự cộng tác với Người trong vườn n của Người như ý Người muốn. Amen.
(Chép lại từ bài giảng được ghi âm của tu sĩ Nguyễn Thể Hiện trong Thánh Lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Đền ĐMHCG thuộc DCCT Sài Gòn, tối 25/9/2011)
Hình ảnh đêm thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối 25/9/2011:
27/9/2011