Phúc Lộc Thọ - TTXVN vừa đưa tin: “Nhận lời mời của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, từ ngày 4-9/9, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Chiêu Ngọc Phương đã dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh thăm Việt Nam và dự Hội nghị định kỳ lần 2 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc…”
Đọc xong bản tin này, là người ngoại đạo về ngoại giao, người viết bài này có phần ngỡ ngàng về chuyến thăm khó lý giải của ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, một tỉnh Trung Quốc nhưng lại là khách mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người đứng ra mời là đích thân ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn?
Theo thông lệ về ngoại giao xưa nay, Tây - Đông thì dù quan hệ 2 nước quá khứ, hiện tại như thế nào nhưng khi đã có lời mời nhau, giao tiếp thăm nhau thì phải “giữ lễ”, trước tiên là phải trọng thị, thứ là phải bình đẳng, “ngang vai ngang vế với nhau”, thứ 3 là phải theo nguyên tắc có đi có lại, không thể chỉ có một chiều; cuối cùng vì đây là khách mời chính ngạch, chính danh, khách nhà nước; việc gặp gỡ, bàn thảo phải xuất phát từ nhu cầu công việc chứ tuyệt nhiên không giống với thường dân, buồn, rỗi thì ới nhau ra quán bia…
Theo thông lệ ngoại giao khách là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp, trao đổi, hội đàm; khách là Thủ tướng, là Bộ trưởng thì Thủ tướng, Bộ trưởng tiếp và trao đổi công việc; khách là Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh thì Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh tiếp làm việc…Trong quan hệ với một số nước lớn, có vị trí ảnh hưởng qua lại sâu sắc, một số nước có thể cử người trên một cấp tiếp, làm việc để chứng tỏ thái độ trọng thị, coi trọng nước lớn…
Trong chuyến thăm của ông Chiêu Ngọc Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, nếu trọng thị và theo thông lệ ngoại giao thì người mời chỉ phải là Phó Chủ tịch tỉnh hoặc Chủ tịch tỉnh của một tỉnh nào đó của Việt Nam mời, tiếp và trao đổi công việc thì mới là “ngang cơ”, mới là trọng thị đúng cách, đúng thể thức ngoại giao…
Xem những thông tin do TTXVN đưa thì nếu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông sang bàn, tổng kết 1 năm với hợp tác đầu tư giữa các ngành, địa phương Việt Nam thì đầu mối phải là Bộ Kế hoạch - Đầu tư chứ không thể là Bộ Ngoại giao; chưa kể ông Hồ Xuân Sơn là người đại diện cho quốc gia, cho cả một Bộ, còn ông Chiêu Ngọc Phượng chỉ đại diện cho 1 tỉnh của Trung Quốc…
Bộ Ngoại giao khi đứng ra trao đổi những nội dung công việc theo như TTXVN đưa thì nhưng phần việc đó hoàn toàn sái chức năng, nhiệm vụ của Bộ này, là “đá lộn sân” của địa phương; Việc mời, tiếp và trao đổi công việc theo lối này vừa bao biện lấn sân cấp dưới, vừa hạ vị thế của Bộ Ngoại giao VN xuống ngang tầm một tỉnh của Trung Quốc?
Nếu như ông Chiêu Ngọc Phượng là khách mời của thành phố Hải Phòng, nơi có nhiều dự án đầu tư lớn của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hay một tỉnh nào đó xuất được nhiều hàng cho các doanh nghiệp Quảng Đông; ông Hồ Xuân Sơn thay mặt Bộ Ngoại giao giành một buổi tiếp đoàn thì ra một nhẽ…Đằng này Bộ Ngoại giao đứng ra mời, lại làm việc với Đoàn Quảng Đông từ ngày 4 tới ngày 9/9/2011, không biết nội dung công việc là gì, bởi nếu là hợp tác đầu tư thì Bộ Ngoại giao làm sao có số liệu, làm sao có cán bộ chuyên môn đứng ra để trao đổi, thảo luận, để rút kinh nghiệm nếu có gì đó chưa như ý… vì đó đâu phải chức trách chuyên môn của Bộ này và của cả ông Hồ Xuân Sơn?
Theo thông tin mà người viết bài này thu thập được, do Trung Quốc là một nước lớn, một tỉnh như tỉnh Quảng Đông dân số còn hơn cả Việt Nam cho nên Trung Quốc rất coi trọng vấn đề an ninh…Ở các tỉnh Trung Quốc, bao giờ cũng bố trí một ông Phó Chủ tịch chuyên trách an ninh, phản gián và tổ chức mạng lưới gián điệp cả kinh tế lẫn chính trị, quốc phòng…Không rõ ông Chiêu Ngọc Phượng phụ trách mảng gì của tỉnh Quảng Đông, nếu chuyên môn sâu của ông là hợp tác đầu tư với Việt Nam chắc chắn ông phải tìm tới Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoặc thành phố Hải Phòng mới có công việc để trao đổi…Còn ông ngồi cả tuần ở Việt Nam chỉ để tán chuyện chơi với ông Hồ Xuân Sơn mà không mệt, không chán thì có khi ông này ở Quảng Đông người ta sắp cho nghỉ hưu cũng nên…
Cả tuần nói chuyện với ông Hồ Xuân Sơn thì chỉ có thể bàn chuyện an ninh giữa 2 nước; chuyện đối phó với bọn gián điệp, bọn diễn biến hòa bình do phe đế quốc tư bản tung sang rắp tâm, chống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và tỉnh Quảng Đông; hay bàn chuyện đối phó với những cuộc biểu tình tại Hà Nội?
Có thể ông Hồ Xuân Sơn mời ông Chiêu Ngọc Phượng sang để bàn chuyện đó nhưng lại công bố với báo chí nội dung khác để ngụy trang…Nếu quả có nội dung công việc đó thì lại phải bàn với Giám đốc Công an một tỉnh hay Phó Chủ tịch phụ trách nội chính của một tỉnh của Việt Nam; tầm của ông Hồ Xuân Sơn phải từ ông Đới Bỉnh Quốc trở lên…
Đưa 2 ông không phải chuyên ngành mình phụ trách, không phải chức trách nhiệm vụ ra bàn thảo với nhau thì làm sao mà phát triển tích cực quan hệ 2 nước được???