Uyên Vũ (danlambao) - Nhà văn Nguyễn Viện, một khuôn mặt của khai phá, của tự do trong sáng tác Việt Nam vừa cho ra mắt tác phẩm mới: “Ngồi bên lề rất trái” và đây là tác phẩm thứ 12 của ông. Như một số tác phẩm trước đó: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”, “26 lần tờ - bờ - lờ”, “Cơn bấn loạn bằng phẳng”, “ Nín thở & chạy một hơi”. “Đi và Đến”, tập sách này cũng do NXB Cửa (hiện do Nguyễn Viện là chủ biên), sách dày 232 trang ấn hành tháng 8/2011.
Kể từ khi từ chối in tác phẩm tại những nhà xuất bản chính thống, Nguyễn Viện như đã tìm được đúng “quặng mỏ” văn chương của riêng mình, ông khai triển nhiều thủ pháp nghệ thuật với sức viết như tuôn đổ từ một mạch nguồn ào ạt. Vốn sống, vốn tri thức và những trải nghiệm về xã hội phong phú của ông hẳn đã được tôi luyện lại trong tư duy để bây giờ phát tiết.
“Ngồi Bên Lề Rất Trái” là ngồn ngộn hiện thực đã được chắt lọc qua lăng kính của Nguyễn Viện như vệt mực tàu tối giản trên bức tranh thủy mặc, như những âm tiết trong câu Haiku, như một khoảnh khắc ánh sáng đẹp phản chiếu trên sự vật mà nhà nhiếp ảnh khổ công săn tìm và chụp lại được.
Phía bên trái trong khung ảnh là nhà văn “Ngồi Bên Lề Rất Trái” Nguyễn Viện (Ảnh : Tuấn Khanh - Tiền Vệ)
Ở tác phẩm mới nhất này, Nguyễn Viện chia sách làm 3 phần: Phần một có chủ đề “Ngắn Cũng Đủ” với 14 truyện cực ngắn liên hòan, mỗi truyện đều đặc sánh hiện thực nhân sinh, vài truyện tưởng chừng rất phi thực song cả chuỗi truyện lại là liên hoàn những nghi vấn triết lý và phản ánh cái kỳ quặc của xã hội hiện tại.
Phần hai: chủ đề “Chai-Lọ & Đầu Đất” gồm 13 truyện ngắn, gọi là thế nhưng thực ra “ngắn” hay “cực ngắn” chỉ là cách gọi. Đấy là một chuỗi những đau đớn, những giận dữ, những câu hỏi nhức nhối tiếp nối. Đọc loạt truyện ngắn này cứ như bị phạt phải uống liên tiếp những ly rượu mạnh nguyên chất, chẳng hề có thứ gì tương tự cocktail.
Phần ba: chủ đề “Đất Thánh Ở Trần Gian” với 6 kịch bản. Tất nhiên, kịch của Nguyễn Viện không phải để trình diễn trên sân khấu. Cứ đọc và mường tượng về những bi hài kịch mang tên lịch sử, chính trị, thân phận, trí thức… và đừng mong sẽ có thể “nín thở & đọc một hơi” nhé.
Thú thật, tôi không dám bình luận gì thêm về tập sách này. Tôi cũng chưa đọc kỹ để bảo rằng đã hiểu ông Nguyễn Viện qua những gì ông ấy viết. Tôi đọc và cảm thấy cặp mắt vừa soi mói, vừa tinh quái nhưng cũng hết sức buồn bã của Nguyễn Viện qua từng trang sách. Tôi thấy ông ấy ngồi đó, bên lề, rất trái [như một cách gọi bây giờ].