Chị đã ra tù rồi.
Còn đây muôn vạn nụ cười
Tấm lòng chị, có đất trời chứng minh!
(Nguyễn Xuân Diện)
Ghi chép của Phương Bích - Trong khi làm thủ tục ra trại, tôi biết Minh Hằng và Dũng cũng sẽ được thả. Rồi tôi băn khoăn không biết làm sao báo cho ai biết được để đi đón chúng tôi. Điện thoại không, tiền không, tôi nghĩ cứ gọi taxi hoặc xe ôm về nhà tôi, rồi trong khi Minh Hằng và Dũng ngồi chờ, tôi sẽ lên nhà lấy tiền trả.
Họ không cho tôi chờ hai người bạn ở trong trại. Tôi lơ ngơ đi ra ngoài, chả biết đâu là lối ra vì lúc vào ngồi trên xe bịt bùng, có biết giời đất gì đâu. Còn đang ngó quanh xem có taxi không thì nghe thấy tiếng kêu kéo dài:
- Chị....
Từ xa, tôi trông thấy Nguyễn Vỹ chạy tới, nước mắt tôi trào ra, mặc dù mới chỉ nhìn thấy một mình Vỹ, nhưng thế là tôi biết các bạn tôi đã ở đây rồi. Hai chị em tôi ôm chặt lấy nhau, rồi đến Lê Dũng, Xuân Diện, Cường, Hiếu, Thủy, Trí Đức, bé Oanh, Kim Tiến, một phụ nữ tôi quen mặt nhưng chưa biết tên, người mà Xuân Diện kể cứ khóc suốt khi chúng tôi bị giam vào Hỏa Lò và một vài anh em khác tôi cũng chưa biết tên... Một lúc sau Tiến Nam phóng xe máy đến, nó chỉ kịp gạt chân chống xe rồi nhào tới ôm lấy tôi. Mới có ba ngày xa cách mà chị em tôi cứ ngỡ như đã lâu lắm rồi không được gặp nhau.
Cuộc hội ngộ trước cổng Hỏa Lò của những người trong nhóm biểu tình chắc chắn sẽ khiến những người dân quanh đó thấy rất lạ. Mấy anh lính gác thấy các tay máy cứ chĩa vào chụp lia lịa, vội vàng ra đề nghị chúng tôi giải tán. Sau khi đón đủ 3 người chúng tôi, tất cả mọi người lên xe kéo nhau đến một nhà hàng, trừ Dũng bị mẹ bắt về ngay. Tôi hiểu thái độ của mẹ Dũng, nên không dám nói gì với cô ấy, chỉ tiếc là Dũng không được tham gia cuộc vui với đồng đội sau những ngày bị giam giữ.
Chưa bao giờ chúng tôi được nhiều người quan tâm đến thế trong buổi tối hôm đó. Hàng chục cú điện thoại gọi đến mà tôi chẳng nghe được cuộc nào vì ồn ào quá, vì tai tôi có lẽ đã trở nên nghễnh ngãng nên cứ phải nhờ Cường nghe hộ. Thậm chí bác Ba Sàm tôi mới chỉ biết đến qua blog nổi tiếng của bác ấy cũng gọi điện đến hỏi thăm, bác giáo sư Ngô Đức Thọ đáng kính cũng muốn hỏi chuyện trực tiếp với tôi qua điện thoại, nhiều lắm những người bạn của tôi gọi điện đến chia sẻ niềm vui. Nghe nói có cả công an chìm trà trộn vào buổi liên hoan hội ngộ giữa những người biểu tình. Mặc dù tôi chả thấy có thiện cảm gì với gương mặt đó khi được nhận diện trên facebook, nhưng tôi không biết anh ta sẽ nghĩ gì trước cảnh những con người đủ mọi lứa tuổi, không hề có liên hệ máu mủ ruột rà gì, mà lại có thể mừng vui thắm thiết đến thế khi găp lại nhau. Liệu anh ta có thể tìm thấy được thái độ thù địch nào ở đây không? Tôi mà như anh ta thì hẳn tôi sẽ thấy buồn và ghen tị lắm.
Lê Dũng và Xuân Diện đưa tôi về nhà. Nhìn thấy tôi, bố hơi mếu một chút, anh trai tôi không nói gì nhiều, nhưng ánh mắt nhìn tôi không hề có chút gì trách móc.
Mặc dù ngày hôm sau phải đi làm ngay, nhưng đêm ấy tôi không ngủ được. Nếu có máy tính, chắc chắn tôi sẽ ngồi vào kể ngay câu chuyện 5 ngày ở tù của tôi.
Đoạn kết.
Ngày 26/8 đi làm, vừa vào đến cổng cơ quan, một anh dang tay nói:
- Cho tôi ôm người hùng cái nào.
Mấy cô bạn thì tíu tít hỏi thăm, có cô mắt đỏ hoe sụt sịt bảo:
- Làm em khóc hết nước mắt.
Cô ấy bảo trước đây mọi người chả ai quan tâm đến chuyện biểu tình chống TQ, nay thì truyền tay nhau đọc các bài của chị, rồi tìm hiểu về chuyện biểu tình thời gian qua, thế là tự dưng lại tuyên truyền hữu hiệu về chuyện biểu tình còn gì. Chỉ có riêng thằng N vẫn cứ không tin, bảo chắc phải được cái gì thì mới đi như thế chứ. Em thì em không cho nó là người xấu, chỉ là nó ấu trĩ thôi.
Ấu trĩ ư? Chẳng phải đâu. Tôi cho rằng những kẻ vốn quen làm việc theo tư duy xin cho, chỉ quen làm việc bằng phong bì thì làm sao hiểu được trên đời, có ai đó lại có thể sẵn sàng tự nguyện làm không công một việc gì đó giúp ích cho đời, ví dụ như có những người tự nguyện đi vớt rác trên sông, hay đi nhặt đinh tặc chẳng hạn. Thậm chí ngay cả trong việc làm từ thiện cũng có những kẻ làm chỉ để lấy danh chứ đâu phải vì lòng trắc ẩn.
Mẹ tôi thì thầm: hàng xóm có vẻ xa lánh nhà mình, sợ liên lụy. Trước đây mẹ tôi chỉ biết đọc báo in, xem ti vi. Sau khi con gái bị bắt, bị một số kẻ trong tổ dân phố đơm đặt, bà tức lắm, đòi đọc báo mạng, bảo để biết mà còn đấu lại.chứ.
Tôi vừa ra khỏi nhà thì chị tổ phó tổ dân phố chạy đến ôm chầm lấy tôi bảo: bọn chị ngày nào cũng mong ngóng tin em. Thậm chí định rủ nhau viết đơn để gửi lên cấp trên, thằng Hiển – một cậu nhát như cáy- nghe thấy thế bảo: em cũng ký.
Suốt từ hôm ra tù, tôi không có lúc nào rảnh rỗi để viết. Đến cơ quan thì bận bịu. Về nhà thì không có máy tính. Sốt ruột quá nên đành phải mua cái máy tính để bàn về. Máy mới, chương trình cài đặt sơ sài, mạng bị phá không vào được. Cặm cụi 3 đêm mới viết gần xong bài tường thuật.
Sau này tôi mới biết Vũ Quốc Ngữ dù chưa kịp tham gia biểu tình ngày 21/8, nhưng vẫn bị bắt giam 5 ngày như chúng tôi chỉ vì sự quan tâm đến đồng đội, để rồi bị đánh đập, bị sỉ nhục. Vậy thì so với những gì Ngữ đã trải qua, những ngày ở Hỏa Lò của chúng tôi đúng là chẳng thấm tháp vào đâu.
Trước khi dừng ở đây, tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã quan tâm lo lắng cho chúng tôi trong những ngày qua, không ngoại trừ cả những người bạn tốt bụng đã chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho tôi trong những ngày tôi bị giam trong tù.
Hà Nội ngày 3/9/2011
Phương Bích