Những lá cờ máu - Dân Làm Báo

Những lá cờ máu

- Tèo ơi, chừng nào xong vô tía biểu.

Tèo đang ngồi lượm mớ trứng giữa đồng trống, dừng tay, quay về phía cha mình gật đầu. Nhưng chợt nhớ ra mắt ông đã lem nhem lắm rồi, có thể không thấy, liền nói vọng lên thật lớn.

- Dạ.

Nó nhìn theo dáng ông lủi thủi đi về phía nhà mà lòng thương quá xá. Mắt ông yếu từ ngày má nó mất. Chưa bao giờ nó thấy ông khóc. Ờ, đàn ông con trai mà khóc coi cũng kỳ. Nhưng kiềm chế để cho mấy mạch máu đứt hết, rồi đỏ chạch như mắt ông bây giờ thì nó không ham. Thây kệ, khóc một cái cho nhẹ lòng.

- Sống có hai cha con chắc buồn lắm hả mậy?

Tư Vịt bưng thúng trứng đứng dậy đi ngang qua chỗ nó.

- Cũng bình thường hà anh. Quen rồi.

- Hỏi thì hỏi vậy, chớ tao sống cũng mình ên, có sao đâu.

- Ngày mai anh chuyển đồng, chắc em buồn mất mấy bữa.

- Ôi, buồn cái gì...mùa sau tao lại lùa vịt lên nữa. Nhớ dặn chú sáu chừa mấy đám ruộng cho tao.

- Nếu lúc đó còn thì em nói tía cho.

- Là sao mậy?

- Mấy ông trên tỉnh nói là qui họach để làm cái sân gì đó cho mấy ông nhà giàu tới chơi.

- Kệ tía tụi nó chứ. Đất người ta đang mần ăn mà lấy chơi là sao.

- Cũng có đền, mà được ba cắc ba đồng. Cả xóm rầu mấy tháng nay, mất ruộng rồi thì biết sống bằng cách nào. Tại đó giờ biết mỗi cái nghề này.

- Ờ...

Thúng trứng trên tay như nặng thêm cả chục kí, Tư Vịt chậm chạp đi về phía căn chòi dựng sơ sài bằng mấy cây tre và vài tàu dừa bên bờ ruộng. Ngày xưa ba má cũng để lại cho hắn mấy công đất. Cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời coi khổ vậy mà không sợ đói. Nhưng rồi cũng đổi mới, cũng phát triển chi chi đó mà sau một đêm, hắn trở thành kẻ không có mảnh đất cắm dùi. Đất đai ông bà để lại mấy đời, đến tay hắn thì không giữ được. Mà có phải lỗi tại hắn đâu, rành rành là bị cướp ngay giữa ban ngày, nhưng chẳng thể kêu oan với ai. Luật pháp trong tay người ta mà.

Cái nghề chăn vịt chạy đồng này cũng bấp bênh lắm, rày đây mai đó. Cũng may mấy con vịt không ốm đau bệnh tật gì, nên hắn cũng đỡ khổ. Chứ tụi nó mà nổi hứng bệnh một chập là coi như trắng tay. Hắn nhếch môi cười, bây giờ sướng khổ của hắn phụ thuộc vào mấy con vịt. Nghĩ thật cay đắng!

- Biết sao tía kêu mày theo thằng Tư chăn vịt mấy bữa nay không?

- Dạ, chắc tại tía muốn con biết thêm cái nghề.

- Ờ...Mà mầy thấy có cực quá hôn con?

- Dạ cực tía. Ngủ ngoài chòi khuya gió lùa vô lạnh dễ sợ. Trong khi tụi vịt nửa đêm là kêu ổ quàng quạc, mấy bữa đầu đâu ngủ nghê gì được. Rồi ba giờ sáng là phải đi lượm trứng của tụi nó.

Nói đến đây, Tèo ngoác miệng cười, còn ông thì thót ruột lại vì thương con.

- Tía biết sao hôn, có bữa mắt nhắm mắt mở, con đạp bể mấy cái trứng. Anh Tư ảnh cứ kêu "trời trời...chết tao", nghe tức cười lắm. Nhưng giờ quen rồi tía, thấy tụi vịt cũng dễ thương.

- Thôi, hay đi học lại nghen con. Hồi đó mày cũng học tới lớp 8 chứ ít gì. Giờ tía còn khỏe, tía mần nuôi mày học vài năm nữa, rồi mày tốt nghiệp thì ra tỉnh kiếm cái nghề nào nó đỡ cực chút.

- Nghỉ lâu rồi, giờ đâu còn nhớ gì tía. Với lại con lớn mà chui vô học chung với mấy đứa nhỏ, tụi nó cười.

- Cũng tại tía, hả hồi đó tía dứt khoác một chút…

- Lúc đó có mình tía sao lo cả nhà cho xuể, trong khi má nằm một chỗ cả năm trời...

Ông Sáu nhăn mặt đau đớn như vừa bị thằng con dùng móng tay khơi lại vết thương mới liền da. Ông chớp mắt vài cái rồi chuyển sang chuyện khác.

- Hôm kia tía qua nhà bác Hai mày. Cả làng định kéo nhau lên Sài Gòn kiện cái vụ đất đai đó. Chắc tía đi vài bữa, mày ở nhà coi nhà nghen con.

- Trời, hôm bữa bàn là tía con mình cùng đi mà.

- Mày phải ở nhà. Tía già rồi, có gì thì cũng không sao.

- Có gì là có gì tía? Ở đây mấy ông quan lấy tay che trời, mấy ông lớn trên kia đâu có biết. Giờ mình đi lên tận nơi cho mấy ổng hay để mấy ổng bênh mình. Tía cứ hay lo quá hà!

- Mày nói y như bác Hai mày. Hồi ổng trốn nhà đi cách mạng cũng ngây thơ như vậy đó con. Giờ cũng còn, nhưng là cố bám vô mớ niềm tin tự tạo. Chứ không thôi, thì thấy phí, thấy tiếc cái tuổi trẻ mà mình đã bỏ ra.

- Tía nói con không hiểu.

- Không hiểu cũng tốt, cay đắng lắm con. Mà mày đừng cãi tía…

Thằng Tèo ừ hử trong họng cho tía nó an lòng. Chứ hôm qua lúc phụ bác Hai cắt dán mấy cái băng-rôn, hai bác cháu đã thỏa thuận mỗi người cầm một đầu, để lúc đứng trước Ủy Ban thành phố thì giăng ra cho mấy ông quan to thấy. Bác còn hỏi nó, "chữ " phóng" viết "o" hay "ô" mậy?" Cái khoản này thì nó tự hào lắm. Hồi còn đến trường, năm nào học sử nó cũng gặp chữ này. Lúc dán xong, nhìn lại thì nó thấy ngộ quá, câu hỏi cứ lỡn quỡn trong đầu cả đêm "Giải phóng để làm gì?".



***

Hương bưng mâm cơm đặt lên cái bàn duy nhất ở góc phòng, nhìn chồng.

- Đừng rầu nữa anh, lại ăn cơm với em.

Phong hít vào một hơi, cố mỉm cười với vợ. Anh bước đến nhìn mâm cơm. Lại rau muống và trứng gà luộc dằm nước mắm.

- Em đang có thai mà, sao không mua thêm chút thịt. Anh thì ăn sao cũng được.

Hương cười hóm hỉnh, chìa chén cơm cho chồng.

- Em thích hai món này.

- Em thương anh chi cho khổ vậy không biết.

- Rồi đó...giờ thì em hiểu sao con Lan hay nói hai vợ chồng mình cải lương.

Phong đang buồn trong lòng cũng phải phì cười.

- Nhỏ Lan này kỳ, vợ chồng thì người ta nói vậy chứ sao.

- Cười vậy phải được không. Giờ anh có lo thì công ty cũng đâu tăng tiền cơm trưa cho tụi mình.

- Mọi người đang bàn ngày mai kéo đến đình công ở xí nghiệp đó em. Tính làm mạnh một lần, chứ cứ ỡm ờ mãi cũng không phải cách.

- Nếu mỗi ngày tăng thêm 5 ngàn cơm trưa, thì vợ chồng mình mỗi tháng để dành được thêm gần ba trăm ngàn chứ không ít đâu nha. Phần này lo sữa cho con.

Khi bắt gặp những tia sáng hạnh phúc trong mắt vợ, Phong hiểu là mình đang cố gắng vì điều gì.

- Ngày mai em đi với anh!

- Không được, em đang có mang, có gì thì biết tính sao.

- Mọi người đang đấu tranh vì quyền lợi chung mà. Nếu bây giờ em ở nhà, tới lúc được phần lại xòe tay ra lãnh, như vậy đâu công bằng.

- Không ai trách em đâu. Mọi người hiểu mà.

Phong gắp miếng hột gà để vào chén Hương, cười làm lành trước vẻ hờn dỗi của vợ. Trời sụp tối. Bóng đêm đang phủ trùm khắp nơi, không ngoại trừ ngôi nhà nhỏ, lụp xụp của đôi vợ chồng nghèo.


***


- Sài Gòn, ngày 2 tháng 9 năm 2011. Cờ đỏ bay rợp trời. Ông Sáu lê từng bước chân dưới màu đỏ ấy. Ông và một số bà con trong làng vừa được thả ra "nhờ" sự bảo lãnh của ông bí thư tỉnh. Đổi lại, việc thương lượng đền bù mấy thửa ruộng coi như xong.

Nhưng số tiền đền bù chắc lại phải lấy đi "chạy chọt" lo cho thằng Tèo. Nó vẫn còn trong kia, vì tội đánh người thi hành công vụ. Ông dừng lại, ngước lên nhìn lá cờ búa liềm. Một màn bi hài kịch. Những người nông dân như bọn ông suốt ngày quẩn quanh với ruộng đồng. Nay gặp chuyện bất công quá, mới bàn nhau vác những tấm băng-rôn đi đòi công lý, thì làm gì có chuyện gây sự.

Mọi người cắm trại trước cổng Ủy Ban Thành Phố được một ngày một đêm, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Bên trong ngôi nhà kiên cố đó là một thế giới khác. Những con người trong đó cũng tự xem mình cao sang hơn, cúi nhìn bọn ông một cách khinh bỉ, xem như những kẻ lắm chuyện, không đáng bận tâm.

Ngay lúc mọi người đang xìu xuống vì thất vọng, đột nhiên một tên con trai có gương mặt sáng sủa bước tới, lớn tiếng bảo “May quá, tìm mãi mới thấy mọi người. Tía con bệnh nên con đi thay ông đây!”. Ông thấy ngờ ngợ, vì cái mặt nó nhìn lạ hoắc. Chưa kịp hỏi “Bây là con ai trong xóm?” thì hắn đã xông xông tiến lên phía trước. Mọi người trong đoàn như được tiếp thêm sức mạnh, phấn khởi đi theo. Thằng Tèo đưa mắt nhìn tía nó một cái, rồi nhanh chân theo bác Hai hòa vào đám đông. Nó biết thế nào lần này về cũng bị ông chửi cho một trận. Nhưng làm thân trai tráng mà chui rúc ở nhà, cho mấy ông già bà cả đi chiến đấu thì còn gì mặt mũi.

Thằng Tèo thấy anh chàng mới xuất hiện hành động coi được quá, trong lòng nảy một chút mầm ngưỡng mộ. Nên khi hắn lao vào mấy người mặc sắc phục xanh và bị đẩy té nhào, thì nó cũng lao theo, dùng sức “dộng” vào mặt một tên công an để giải vây cho anh ta. Ngay sau đó, nó thấy mình bị quật xuống đất nhanh chóng. Nhiều cú đạp thẳng vào người. Nó chỉ còn biết cách lấy hai tay che mặt, che ngực, che bụng,...đỡ được cái nào hay cái nấy. Một màu xanh của lá phủ lên nó. Ở quê, nó yêu màu xanh của đồng lúa, những ngọn cỏ. Nhưng giờ phút này, cũng màu sắc đó khiến nó sợ hãi. Nó nghe đâu đây tiếng thét của tía nó. “Mọi người ơi, cứu con tôi…Tèo ơi, sao mày không nghe tía…”. Nó nghe thêm nhiều tiếng hét nữa. Nó nếm thấy vị mặn của máu. Nó cố nhoài người thoát khỏi đám xanh đó nhưng rồi kiệt sức, và ngất đi.

Cho đến khi gặp "tên nông dân" giả danh trong bộ sắc phục sáng nay, ông Sáu mới té ngửa ra. Ngây thơ, quả thật quá ngây thơ! Rồi tương lai của thằng Tèo về đâu đây? Nếu chuyến này may, còn dư một ít hai cha con có thể mua bầy vịt rồi chăn chạy đồng như thằng Tư. Nếu không, thì hai cha con đi chăn thuê cho người ta. Phải rồi, giải phóng để làm gì, mà con đường dành cho những người nông dân như ông càng đi càng vào ngõ cụt???

- Sài Gòn, ngày 2 tháng 9 năm 2011. Cờ đỏ bay rợp trời. Phong lê từng bước chân dưới màu đỏ ấy. Hương đang nằm viện. Đứa con không giữ được. Giấc mơ tan tác. Tên bảo vệ với gương mặt lạnh tanh đã lao chiếc xe chở hàng đến đám đông đứng biểu tình. Mắt hắn sáng lên như của loài quỉ dữ. Hắn tông vào Hương, và cán nát giấc mơ nhỏ bé của cô. Ở đâu mà sinh mạng của con người ta trở nên rẻ mạt như vậy? Phong hận mình đã không kịp nhìn thấy vợ để kéo tay cô ra khỏi con quái vật đó. Phong vẹt đám đông, lao về phía Hương. Cô mềm oặt trên tay chồng, máu ra bê bết. Màu máu đó, tương tự như màu của những lá cờ đang bay phấp phới trên cao kia.

Búa và Liềm - Công nhân và Nông Dân. Ôi những lá cờ đỏ vẫn bay rợp trời! Màu đỏ của chúng ngày càng tươi thắm. Máu của những người công-nông đã, đang và sẽ nhuộm thắm cho nó. Trước vì ngây thơ. Nay vì thức tỉnh, dẫu có muộn màng. Ôi những lá cờ đỏ thắm máu vẫn bay rợp trời!
Sa Mạc Hoa


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo