Cao Tuấn - Trong lúc câu chuyện về một vị thứ trưởng ở ngành y tế chưa lắng xuống thì một câu chuyện khác mới xảy ra liên quan đến một quan chức chống tham nhũng ở TP Cần Thơ. Cả hai đều thu hút dư luận vì chúng tạo cảm giác có sự nhập nhằng giữa quyền lực công và lợi ích riêng.
Lâu nay, người ta không lạ với những đám cưới của con cái một số quan chức với tiệc tùng linh đình, đưa rước hoành tráng, khách quen (và có thể chưa quen) của gia đình tay bắt mặt mừng, say sưa chúc tụng gia chủ. Nhưng đám cưới mà một quan chức ở TP Cần Thơ tổ chức cho con trai đầu tuần trước mới thật khác thường.
Chức danh của ông Nguyễn Hùng Dũng trên thiệp mời đám cưới con trai. Ảnh: VNE
Ở đây không bàn về quy mô đám cưới mà chỉ lưu ý một chi tiết có thể nói là hiếm có: Ở góc phải phía trên bao thư của thiệp mời có in hàng chữ “Nguyễn Hùng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ về phòng chống tham nhũng”.
Thiệp mời gửi đi chưa hết thì ông Dũng đã sớm nhận lại sự góp ý thẳng thắn của một số vị lãnh đạo TP và đồng nghiệp tỏ ý không tán thành cách để chức danh như vậy. Ông Dũng đã nhận khuyết điểm và hứa rút kinh nghiệm.
Song có lẽ cũng nên mổ xẻ thêm vấn đề này. Chức vụ phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà ông Dũng được giao nói lên 2 điều.
Trước hết, ông chắc hẳn là người thanh liêm, chí công và thứ hai, đây là một nhiệm vụ nhạy cảm đối với các mối quan hệ. Người dân đang đặt nhiều niềm tin và hy vọng vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng TP, trong đó có ông.
Thế nhưng, với việc trưng chức vụ này ra trên bao thư của thiệp mời đám cưới, dù tình ngay tới mức nào, ông vẫn không thể tránh được những phản ứng tự nhiên của dư luận.
Người liêm sỉ, tự trọng sẽ nghĩ ông đang “diễu võ giương oai”; người có vấn đề đánh hơi ngay đó là một cách “gợi ý”; còn đa số người dân khi đọc được thông tin này chỉ đơn giản nhận xét ông “khoe chức quyền” và chắc chắn họ thất vọng về điều đó. Tất cả suy nghĩ trên đều bất lợi cho công việc của ông.
Đó cũng là khởi đầu thất bại khi - có thể - ông chưa thật sự đụng đến những điểm nóng của mặt trận chống tham nhũng với những kẻ thù hết sức ranh ma.
Thứ hai là câu chuyện “Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và món nợ 2 tỉ đồng”. Vấn đề này đã được một số báo thông tin, chỉ xin tóm tắt nội dung chính: Từ năm 2007, ông Cao Minh Quang vay của ông Ngô Chí Dũng (khi đó là Tổng Giám đốc Công ty BV Pharma) tổng cộng 2 tỉ đồng, có viết giấy vay tiền, lãi suất 0,62%/tháng, thời hạn trả trong vòng một năm.
Đúng thời hạn tháng 6-2008, ông Quang trả ông Dũng cả gốc lẫn lãi là 2,2 tỉ đồng. Thời điểm ông Quang vay tiền của ông Dũng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng khoảng 0,75%/tháng.
Cái lõi của vấn đề ở đây là ông Quang được vay số tiền khá lớn không thế chấp, lại trả lãi thấp hơn lãi vay ngân hàng. Có thể đặt ra ít nhất 2 câu hỏi. Nếu không phải là thứ trưởng Bộ Y tế, ông Quang có tự tin vay 2 tỉ đồng từ ông Dũng với lãi suất thấp hơn?
Ngược lại, nếu không phải là ông Quang với không ít quyền lực ở Bộ Y tế, ông Dũng có hào sảng mở hầu bao? Cả ông Quang và ông Dũng không thể không nghĩ đến mối ràng buộc tế nhị - lãnh đạo và thuộc cấp - trước khi hành động. Vì lẽ đó, dù ông Quang trả nợ và lãi đúng hạn cũng không thể xem là chuyện vay trả bình thường như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng… mở lòng với nhau một cách vô tư.
Hai câu chuyện trên chỉ là số ít trong thực tế nhưng thể hiện dáng dấp của mối quan hệ quyền - tiền đang trở nên khó kiểm soát và là trở ngại cho công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.